Chủ đề này đáng nhẽ tôi viết với một người bạn Hàn Quốc, đây là chủ đề bài viết tuần của cô ấy nhưng vì Corona nên giờ cô ấy về Hàn Quốc rồi. Thôi thì tôi xin phép up phần tìm hiểu của tôi về “Luật bảo hiểm xã hội bắt buộc tại Việt Nam”. Vì mới tìm hiểu được một tuần, lại là lĩnh vực tôi ít nghiên cứu nên có khả năng chưa cập nhật kịp thời các quy phạm pháp luật, mọi người thấy chỗ nào sai xin góp ý để tôi sửa kịp thời nhé.
    Đầu tiên là cơ sở pháp lý của việc đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc đối với người sử dụng lao động, tôi nghĩ quy định tại điều 168 Bộ luật Lao Động 2019 phù hợp để làm cơ sở của nghĩa vụ đóng không chỉ bảo hiểm xã hội mà cả bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp.
     “Đ.168. Tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp
    Người sử dụng lao động, người lao động phải tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp; người lao động được hưởng các chế độ theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và bảo hiểm thất nghiệp.”
    Nhân tiện nói về ba loại bảo hiểm trên, mọi người cứ hiểu đơn giản bảo hiểm xã hội giúp bạn duy trì thu nhập trong trường hợp bạn có việc làm nhưng không thể đi làm (vì ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, đã về hưu, chết…). Bảo hiểm thất nghiệp giúp bạn duy trì thu nhập khi bạn không có việc làm, còn bảo hiểm y tế giúp bạn giảm chi phí cho việc thuốc men, bệnh viện khi ốm đau.
    Trở lại với vấn đề, bảo hiểm xã hội gồm 3 chế độ: bắt buộc, tự nguyện và bảo hiểm hưu trí bổ sung do Chính phủ quy định. Trong chế độ bảo hiểm xã hội bắt buộc lại bao gồm 5 nhóm:
  • Ốm đau;
  • Thai sản;
  • Tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp;
  • Hưu trí;
  • Tử tuất.
    Quỹ bảo hiểm xã hội bao gồm 3 loại, trong đó nhóm 1,2 có quỹ ốm đau và thai sản (quỹ I), nhóm 3 có quỹ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp (quỹ II) và nhóm 4,5 có quỹ hưu trí và tử tuất (quỹ III).
    Mức đóng từng loại quỹ được quy định tại luật BHXH 2014, luật An toàn, vệ sinh lao động 2015, nghị định 44/2017/NĐ-CP (trước đó là nghị định 37/2016/NĐ-CP nếu các bạn muốn tìm hiểu thêm), nghị định 115/2015/NĐ-CP, nghị định 143/2018/NĐ-CP, thông tư liên tịch 105/2016/TTLT-BQP-BCA-BLĐTBXH.

    Người lao động chỉ phải đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc vào quỹ thứ ba, tức là quỹ hưu trí và tử tuất. Trách nhiệm đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc cho hai quỹ còn lại thuộc về người sử dụng lao động. Tuy nhiên, theo quy định của pháp luật, không phải nhóm người lao động nào cũng phải đóng đủ cả ba loại quỹ. Điều này được lý giải bởi quy định về đối tượng áp dụng từng chế độ trong bảo hiểm xã hội bắt buộc.
    Chế độ ốm đau và chế độ thai sản chỉ áp dụng cho nhóm người lao động khác (cụ thể là nhóm lao động thuộc điểm a, b, c, d, đ và h khoản 1 điều 2 luật BHXH).
    Chế độ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp áp dụng cho nhóm đối tượng người lao động khác và nhóm người lao động thuộc điểm e khoản 1 điều 2 luật BHXH.
    Chế độ hưu trí áp dụng cho tất cả người lao động thuộc khoản 1 điều 2 luật BHXH.
    Riêng đối với người lao động nước ngoài tại Việt Nam được quy định về các chế độ bảo hiểm xã hội bắt buộc tại nghị định 143/2018/NĐ-CP bao gồm đầy đủ 5 chế độ.
    Các trường hợp người sử dụng lao động không phải đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc khi người lao động không làm việc và không hưởng lương 14 ngày trở lên trong 1 tháng (trừ trường hợp nghỉ thai sản).
    Người sử dụng lao động, người lao động được tạm dừng việc đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc trong trường hợp:
  • Tạm dừng đóng quỹ hưu trí và tử tuất nếu người sử dụng lao động gặp khó khăn phải tạm dừng sản xuất, kinh doanh dẫn đến không có khả năng đóng bảo hiểm. Được tạm dừng không quá 12 tháng và không phải tính lãi chậm đóng.
  • Tạm dừng đóng bảo hiểm xã hội trong trường hợp người tham gia bảo hiểm bị tạm giam. Nếu oan, sai thì phải đóng bù thời gian bị tạm giam và không phải tính lãi chậm đóng.
    Các vi phạm hành chính về bảo hiểm xã hội được quy định tại nghị định 28/2020/NĐ-CP.
    Về vi phạm hình sự, bộ Luật Hình sự quy định các tội danh liên quan đến bảo hiểm xã hội như sau:
    Điều 214 quy định về tội gian lận bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp. Trong đó quy định người nào dùng hành vi lập, sửa đổi, sử dụng hồ sơ giả hoặc hồ sơ bị làm sai lệch để 1) chiếm đoạt 2) gây thiệt hại tiền bảo hiểm xã hội. Trong trường hợp chiếm đoạt, gây thiệt hại nhiều lần nhưng:
  • chưa có lần nào bị xử phạt vi phạm hành chính và
  • chưa hết thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính hoặc thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự
  • tổng số tiền chiếm đoạt, gây thiệt hại bằng hoặc trên mức tối thiểu hoặc cả hai đều trên mức tối thiểu
  • các hành vi được thực hiện liên tục, kế tiếp nhau về mặt thời gian
thì cũng bị xử lý hình sự đối với những hành vi đó.
    Điều 216 quy định về tội trốn đóng bảo hiểm xã hội, cụ thể người có hành vi gian dối hoặc hành vi khác nhằm
  • không đóng hoặc đóng không đầy đủ theo quy định
  • từ sáu tháng trở lên
  • đã bị xử phạt hành chính về hành vi này mà còn vi phạm
  • số tiền từ 50.000.000đ trở lên hoặc đối với 10 người lao động trở lên
sẽ bị truy tố hình sự về hành vi này. Đặc biệt, pháp nhân thương mại cũng là một trong những chủ thể của tội phạm này, với mức hình phạt quy định tại khoản 5 điều 216.
    Trên đây là những vấn đề cơ bản về bảo hiểm xã hội bắt buộc tại Việt Nam, bài viết còn nhiều thiếu sót, có thể có sai sót, mong mọi người nhận xét và góp ý. Bài viết tiếp theo sẽ về vấn đề gì đây?
JustAKID