ELEAGUE Premier kết thúc cũng đánh dấu việc giải đấu lớn cuối cùng trước thềm player break đi đến hồi kết, vì vậy mình nhìn lại toàn bộ 7 tháng vừa qua và tổng kết lại một vài cái nhất của CS:GO thế giới. Quy tắc thì đơn giản:
- Chỉ tính bắn LAN, không tính bắn online với những sự kiện lớn có tầm quan trọng hơn trong việc đánh giá
- Mỗi team/player đều đã tham dự ít nhất 3 sự kiện lớn kể từ đầu năm 

TEAM XUẤT SẮC NHẤT – Astralis

Astralis nâng cao danh hiệu ở ECS (Credit ảnh: HLTV.org)
Với dupreeh nổi hứng muốn làm main AWPer, ELEAGUE Major 2018 trôi qua chả tốt đẹp gì với Astralis khi họ chỉ xếp hạng 12-14th, đánh đầu lần đầu tiên bộ ba device – dupreeh – Xyp9x lỡ vòng play-off một giải major. Quyết định nhảy team bất ngờ của Kjaerbye ngay sau đó càng khiến mọi thứ trông khó khăn hơn cho các line-up Đan Mạch, nhưng việc device trở lại vai trò sniper chủ lực cộng thêm vài tháng âm thầm luyện quân cùng tân binh Magisk đã khiến tình thế đảo ngược hoàn toàn. Từ DreamHack Marseille đến hết ELEAGUE Premier, Astralis trình diễn cho cả thế giới xem lối chơi áp đảo có tổ chức nhưng vẫn cho phép các star player một mức độ tự do nhất định nhằm phá rối đối phương. Để dễ hình dung, đây là vài thống kê của Astralis tại các sự kiện lớn từ hồi đầu tháng 4 đến bây giờ:
- Map thắng/thua: 46/8
- Trận thắng/thua: 25/2
- 1.21 team rating (#1, bỏ xa #2 Na`Vi với 1.13)
- 56.9% số round có first kill (#1)
- Thắng 70% số round CT (#1, bỏ xa 56.8% của FaZe đứng #2)
- 31.3 damage mỗi round từ HE + molly + incendiary (#1)
- 21.8% death được trade (#4)
Ez game (Credit ảnh: HLTV.org)
Bốn danh hiệu lớn cùng hơn 1 triệu đô tiền thưởng là thành quả thu về của họ vài tháng vừa qua. Nếu không có gì bất ngờ, gla1ve và đồng đội sẽ tiếp tục phong cách bỏ giải đậm chất Roger Federer hòng đạt được sự chuẩn bị tốt nhất cho mỗi lần đi LAN, và với FACEIT Major sắp diễn ra trong hơn một tháng nữa, cơ hội để zonic cùng đội quân lính chì của mình xác lập kỉ nguyên thống trị đang mở ra trước mắt.

Runner-up: Natus Vincere

Đầu tàu của khu vực CIS (Credit ảnh: HLTV.org)
Có lẽ chẳng mấy fan Na`Vi dám nghĩ đến việc thế lực CIS này đạt được thứ hạng cao đến vậy khi năm nay bắt đầu, thậm chí khi mà thành tích trên giấy tờ của họ ở những giải đấu trước tiên như Major hay SLi StarSeries S4 là ổn (bán kết major + á quân SLi), lối chơi của họ vẫn chưa thể làm ai cảm thấy an tâm nổi nhất là khi sự phụ thuộc vào s1mple để kéo về những map thắng lộ ra rất rõ ràng tại StarSeries. Phải đến giai đoạn sau khi các đối thủ trực tiếp như mouz và FaZe bắt đầu chững lại và bản thân Born To Win có những điều chỉnh quan trọng trong cách bắn, Na`Vi mới có thể thực sự bắt kịp top trên. Không như kình địch Astralis, khả năng xài nade hay kiếm opening kill của Zeus và đồng đội chả có gì quá nổi bật, tuy nhiên họ bù lại thiếu hụt đó bằng lối chơi cực kỳ khó chịu với khả năng trade kill thuộc hàng top (22% death được trade, #2 ở các sự kiện lớn từ đầu tháng 4 đến nay) cộng thêm các cá nhân clutch tốt để chốt hạ đủ số round cần thiết (3/5 người top clutch sự kiện lớn từ đầu tháng 4 đến nay đến từ Na`Vi) . Bây giờ, với song sát s1mple + electronic làm đầu tàu, flamie đóng vai X-factor còn Edward + Zeus ít mắc lỗi cá nhân hơn trước, Natus Vincere đang trải qua giai đoạn thành công nhất trong lịch sử CS:GO của họ với liên tiếp 3 danh hiệu từ đầu tháng 6 đến đầu tháng 7 mà quan trọng hơn cả là chiếc cup ESL One Cologne. Mọi thứ đều đang đi đúng hướng cho s1mple và đồng đội trước thềm player break, và với FACEIT Major tiệm cận khởi tranh, thế lực hàng đầu khu vực CIS thêm một lần đứng trước cơ hội đoạt lấy danh hiệu vốn dĩ đã hai lần tuột khỏi tầm tay của họ những năm trước.

PLAYER XUẤT SẮC NHẤT – s1mple (Natus Vincere)

Hãy chỉ tay vào player xuất sắc nhất thế giới (Credit ảnh: HLTV.org)
Nói không ngoa, s1mple 2018 là phiên bản player đạt peak cao nhất mà CS:GO từng thấy từ trước đến nay, vượt xa cả những Titan kennyS hay olofmeister 2015. Với bộ skillset hoàn hảo của mình, s1mple không chỉ là best fragger và best damage dealer tại các sự kiện lớn với 0.88 KPR và 88.0 ADR, The Undertaker của Na`Vi đồng thời còn là player có impact lớn nhất khi dẫn đầu cả hai hạng mục vốn trái ngược nhau: 0.15 first kill mỗi round và 49 tình huống clutch 1vsX thành công; thêm vào đó là độ ổn định khó tin với 90.8% số map tại các sự kiện lớn đạt 1+ rating từ đầu năm đến nay. Sự khủng bố của s1mple khiến cho HLTV cũng phải phá lệ và trao cho anh không chỉ một mà đến hai MVP khi mà Na`Vi chỉ về nhì tại SLi StarSeries S4 và DH Marseille, kèm theo ba MVP khác tại ba giải đấu anh lên ngôi cùng đồng đội trong thời gian gần đây. Chẳng những thế, anh còn là người call một số tình huống quan trọng dẫn đến thắng lợi cho team, điển hình như pha stack 4 A liều lĩnh nhưng hiệu quả bất ngờ ở gần cuối map inferno trước Astralis tại ESL One Cologne mới nhất.
Có điều gì mà chàng trai Ukraine này không thể làm được hay không?

Runner-up: NiKo (FaZe Clan)

Vẫn luôn là chỗ dựa đáng tin cậy của FaZe Clan (Credit ảnh: HLTV.org)
Về nhì ở hạng mục này không ai khác ngoài NiKo với khối lượng công việc làm được cao vl trong bảy tháng vừa rồi. In-game role mà nói thì NiKo vẫn là player đa năng bậc nhất hiện tại, còn nếu nói về những con số và impact qua việc bắn nhau thì thống kê của siêu sao người Bosnia trong khoảng bốn tháng đầu năm là thừa ngon để anh đóng chắc vị thế top 3 player của thế giới thời điểm đó, nhưng phải đến giai đoạn ba tháng tiếp theo khi FaZe gặp đủ rắc rối với slot thứ 5 trong đội hình thì NiKo, như chính cách nói của anh, đã gắng sức thúc đẩy bản thân thêm nữa vì anh cho rằng mình phải đóng góp nhiều hơn cho team. Kết quả là từ đầu tháng 5 đến nay, anh thậm chí còn vượt cả s1mple về độ ổn định theo map (91.4% map LAN với rating 1+ > 85.5% map), đóng góp theo round (75.4% KAST > 75.3%) lẫn ADR (87 > 85.9), và tất nhiên điểm mạnh bấy lâu nay của một fragger kiêm round opener trong NiKo cũng được biểu lộ rõ ràng hơn hẳn so với giai đoạn trước đó (0.80 KPR => 0.84 KPR, 0.11 OpKPR => 0.13 OpKPR). Lúc này, khi olofmeister đã chính thức quay lại sau quãng thời gian dài nghỉ thi đấu, FaZe lại đạt được cơ hội để ổn định lại đội hình và chắc chắn chẳng gì tuyệt vời hơn một nền tảng lối chơi vững vàng để sức mạnh khủng khiếp của NiKo được thoải mái bay nhảy trong server.

AWPER XUẤT SẮC NHẤT – device (Astralis)

Vấn đề sức khỏe không làm ảnh hưởng nhiều đến phong độ của device (Credit ảnh: HLTV.org)
Như đã nói ở trên, Astralis cực kỳ mạnh khi bắn CT, và chủ lực của team Đan Mạch khi làm nhiệm vụ thủ site không ai khác ngoài star player/AWPer device của họ. Không flick AWP chuẩn chỉ như GuardiaN mà cũng không xả đạn tốc độ cao được giống kennyS, device thay vào đó đồ sát đội bạn bằng độ cơ động rất lớn của mình. Tất nhiên, sự hiểu ý với đồng đội cho phép gla1ve và các thành viên khác hỗ trợ device đến tận chân răng, qua đó càng làm tăng thêm hiệu quả mà khẩu AWP anh mang lại. Với rating 1.26 và 0.80 KPR ở các sự kiện lớn từ đầu năm đến nay, device chỉ đứng sau hai siêu nhân s1mple và NiKo tại các hạng mục đấy. Thêm vào đó, 0.14 opening kill mỗi round ở sự kiện lớn (#6) và 63% tỉ lệ chiến thắng opening duel càng làm nổi bật hơn hiệu quả mà siêu sao của Astralis trong việc mở đầu round đấu một cách có lợi cho team.

Runner-up: GuardiaN (FaZe Clan)

GuardiaN với danh hiệu MVP của IEM Sydney (Credit ảnh: HLTV,.org)
Về nhì là star AWPer GuardiaN của FaZe Clan với impact lớn từ cả CT side lẫn T side, kèm theo khả năng quẩy kèo kì bí của anh trong những trận đấu nhiều áp lực. Cũng như những năm trước, sự ổn định với khẩu ngắm của GuardiaN là rất ngon với 8/11 giải đấu anh đạt mốc 0.40+ AWP kill mỗi round trở lên, điều chứng minh vì sao anh đang là người nắm #1 nếu tính trung bình AWP kill mỗi round của năm nay (0.44). Mặc dù phong độ của sniper người Slovakia chứng kiến vài cú vấp trên đường đi (0/0/16 neva forget), sự có mặt của anh là cực kỳ cần thiết đối với FaZe trong hầu hết những giải đấu họ tiến sâu từ đầu năm, nhất là tại chung kết tổng khi FaZe phụ thuộc không ít vào kinh nghiệm của anh để kéo họ ra khỏi khá nhiều tình huống khó khăn (điển hình như chung kết IEM Sydney chẳng hạn).

IN-GAME LEADER XUẤT SẮC NHẤT – gla1ve (Astralis)

gla1ve top 20 HLTV 2018? (Credit ảnh: HLTV.org)
Chắc chắn chẳng player nào gây ngạc nhiên nhiều trong vài tháng vừa qua như gla1ve – người không chỉ là bộ não đứng đằng sau thành công của Astralis (mặc dù credit cũng phải được dành cho cả zonic và những đồng đội xuất sắc của anh) mà còn là một fragger xịn có đóng góp nhiều trong việc bắn nhau của team. Trên thực tế, nếu chỉ tính các con số thống kê, gla1ve còn đứng top 10 thời gian từ đầu tháng 4 đến nay với 0.75 KPR, 83 ADR, 1.21 rating và 4 lần được nêu danh EVP tại các sự kiện lớn. Có thể ảnh không phải player bắn nhau kinh nhất scoreboard của Astralis, nhưng rõ ràng gla1ve là thành viên quan trọng hơn cả trong team - một IGL hàng đầu thế giới. 

Runner-up: karrigan (FaZe Clan)

Top IGL thì vẫn cứ là top IGL (Credit ảnh: HLTV.org)
Sẽ rất khó quên đi được những trận thua cay đắng của FaZe năm 2018 này từ trận chung kết major và Katowice cho đến bán kết Cologne, nhưng phải công nhận khả năng ứng biến nhanh chóng của karrigan để dùng người là quá giỏi, đặc biệt trong thời gian olofm nghỉ dài hạn và đội hình EU đa quốc tịch này phải dùng đến hai stand-in khác nhau. Hai danh hiệu tại Sydney và Belo Horizonte có thể không quá to tát nếu so với những Astralis hay Na`Vi, nhưng nó chính là vốn liếng quan trọng của in-game leader người Đan Mạch trước khi player break bắt đầu. Ở tình thế Astralis đang đứng quá cao trên đỉnh thế giới, karrigan với hiểu biết rõ về những người đồng đội cũ đang là một ứng viên lớn trong việc hạ bệ top team Đan Mạch, đặc biệt khi FaZe đã có lại đội hình ưng ý nhất với sự comeback của olofmeister.

PLAYER TIẾN BỘ NHẤT - electronic (Natus Vincere)

"Tôi có thể vượt qua cả s1mple!" - electronic (Credit ảnh: HLTV.org)
Khi mới gia nhập, electronic được kỳ vọng là sẽ giảm tải gánh nặng về hỏa lực đè lên vai s1mple, tuy nhiên vài tháng đầu tiên với Natus Vincere (từ DH Winter đến hết SLi Season 4) trôi qua không hề êm ả cho chàng trai trẻ người Nga do những khó khăn về role in-game của mình, vì vậy anh chỉ có thể đạt mốc rating khiêm tốn 1.10 với 0.68 KPR và 77.5 ADR. Nhưng mọi thứ bắt đầu thay đổi từ WESG khi mix team Nga ngố cho phép electronic quẩy khá tự do, và sau đó ở Na`Vi anh cũng được trao nhiều không gian hơn trước để bắn aggressive và kiếm kill, kết quả là việc LAN rating trong giai đoạn này của anh đã vọt lên đến tận 1.27 với 0.80 KPR và 88.1 ADR, kèm theo đó là 6 EVP trên 7 giải đấu mà electronic tham dự. Nhưng điều khiến cho electronic cực kỳ nổi trội là độ ổn định rất cao khi đạt rating 1+ ở 79.3% số map tại các sự kiện lớn của mình (chỉ kém mỗi hai đại quái s1mple và NiKo), điều giúp cho Na`Vi xây chắc được vị thế top trên của thế giới. Chàng trai trẻ người Nga có thể không bắn được AWP giống như đàn anh cùng team, nhưng chắc chắn việc electronic tuyên bố mình đủ sức vượt qua cả s1mple rõ ràng chẳng phải nói chơi chút nào cả.

Runner-up: NAF (Renegades, Team Liquid)

Player xuất sắc nhất khu vực NA (Credit ảnh: HLTV.org)
Nửa đầu 2017 trôi qua không hề yên ả dành cho NAF khi OpTic lên xuống cực kỳ thất thường (xuống nhiều hơn lên), nhưng vài tháng cuối năm đánh dấu bước chuyển lớn của player người Canada khi chứng kiến anh có chuỗi phong độ rất ngon ở Renegades mà dấu ấn lớn nhất là chức vô địch ở Starladder. Nhưng phải đến lúc gia nhập Team Liquid hồi đầu năm nay, NAF mới có được cơ hội để thể hiện tiềm năng của mình tại các sự kiện lớn nhất và đương nhiên chàng trai 20 tuổi này không thể bỏ lỡ cơ hội trời cho đấy. Sở hữu điểm mạnh là sự đa năng đủ sức trám vào mọi thể loại role khác nhau trong server, NAF là bánh răng quan trọng trong hệ thống lối chơi linh hoạt của Team Liquid với nhiệm vụ chính là người dứt điểm round đấu nhưng cũng có thể tham gia mở đầu kiếm lợi thế khi cần thiết. Dưới tư cách star player chủ đạo của team, NAF không hề khiến người khác phải phàn nàn nhiều với 1.18 LAN rating bên cạnh ADR lên đến 85.6 từ đầu năm, và mặc dù Liquid của anh vẫn chưa có duyên ở những giải đấu lớn khi để thua cả ba trân chung kết họ tham gia, phải chăng NAF sẽ phá được dớp của mình trong giai đoạn cuối năm sắp tới?