Như vậy, ELEAGUE Major: Boston 2018 đã chính thức khép lại với rất nhiều điều để nói: từ những tranh cãi trước giải về roster lock hay phân chia slot, đến những lỗi technical delay, thêm vào đó là sự lên ngôi của NA CS và tất nhiên không thể thiếu những yếu tố cho thấy CS:GO vẫn là game thượng đẳng (phá kỉ lục viewer Twitch với peak lên đến hơn 1,1 triệu người xem trận chung kết). Dưới đây chúng ta cùng tổng kết lại diễn biến giải đấu đồng thời xem xét những người thắng và kẻ thua ở kì major thứ 12.
tarik nâng cao chức vô địch bên cạnh đồng đội và CEO của Cloud 9 (Ảnh: ELEAGUE)
I. TỔNG KẾT CHUNG
Vòng bảng
Với thể thức Swiss system và bốc thăm random như cũ, vòng bảng ELEAGUE Major chứng kiến không ít những cú sốc, mở đầu là North và Virtus.pro tay trắng ra về chỉ sau 3 map, theo gót họ là Astralis ở loạt đấu ngay sau đó.
Đương kim vô địch Gambit và hiện tượng thú vị Vega Squadron không có may mắn được đặt chân đến Agganis Arena sau khi bị vùi dập hoàn toàn trước fnatic và Cloud 9, trong khi Space Soldiers đã đến rất gần với tấm vé playoff nhưng 2 tình huống rush B của mouz đã cản bước những chàng trai Thổ Nhĩ Kỳ.
Tuy nhiên, bất ngờ lớn hơn cả lại mang tên Quantum Bellator Fire: họ vượt qua giai đoạn qualifier một cách khá may mắn, nhưng ở giai đoạn vòng bảng waterfaLLZ và đồng đội đã giành chiến thắng oanh liệt trước những Virtus.pro, Gambit và mouseports để đoạt lấy status “Legend” cho bản thân.
Playoff
Vòng knock-out khởi đầu bằng trận tái đấu được chờ đợi giữa FaZe Clan và mousesports, nhưng với NiKo GOD và một chút may mắn, FaZe ung dung giành thắng lợi 2-0. Na`Vi sau đó vượt qua hiện tượng QBF một cách nhẹ nhàng với flamie phá không ít kỉ lục của CS:GO thế giới và Cloud 9 với lợi thế chủ nhà cũng dễ dàng đả bại G2 chỉ trong hai map. Cuối cùng, SK nhọc nhằn đoạt tấm vé thứ tư vào top 4 sau kèo thể lực năm tiếng đồng hồ với fnatic.
Ở loạt trận bán kết, FaZe Clan mở màn với chiến thắng 2-0 cực kì đơn giản trước Na`Vi và Cloud 9 vượt qua SK dù gặp chút khó khăn trong niềm vui của khán giả Mỹ. Trận đấu tranh chức vô địch chứng kiến cả FaZe lẫn Cloud 9 để thua map pick của chính mình và phải kéo nhau vào map 3 inferno quyết định, ở đây FaZe là người có lợi thế khi dẫn trước đến 15-11 nhưng người Mỹ lại lật kèo khi thắng một mạch 7 round đấu để kiếm về 3 championship point, và mặc cho những nỗ lực clutch liên tiếp đến từ các star player của FaZe đưa được trận đấu vào đến OT 2, tarik cùng đồng đội vẫn vượt lên giành chiến thắng chung cuộc 22-19.
Trận đấu hay nhất:
SK 2-1 fnatic (tứ kết)
Cloud 9 2-1 FaZe Clan (chung kết)
Player xuất sắc nhất: tarik (Cloud 9)
II. NGƯỜI THẮNG
Cloud 9
Còn gì để nói gì thêm nữa? NA CS? Choke 9? Tất cả đều đã trôi vào dĩ vãng vì giờ đây Murica đã có một nhà vô địch major. Không phải ngẫu nhiên mà Sean Gares cho rằng Cloud 9 hiện tại là Cloud 9 mạnh nhất từ trước đến nay: họ không chỉ sở hữu 5 cá nhân xuất sắc đủ khả năng thay phiên nhau tỏa sáng mà teamwork lẫn tactic của họ cũng cực kì hay (xem video phân tích của chính Sean Gares bên dưới).
Dù thế, chặng đường major của C9 mở màn không hề suôn sẻ chút nào khi họ thua cả hai trận đấu đầu tiên trước fnatic và Space Soldiers, và phải đến lúc này Cloud 9 mới bắt đầu tỉnh ngủ và chơi game nghiêm túc để đánh bại hai ông lớn thất thế Virtus.pro và Astralis kèm theo đó là hiện tượng Vega Squadron để lách qua cánh cửa hẹp vào top 8.
Nhưng đây mới là khởi đầu cho những màn bắn bo3 đáng nhớ nhất trong lịch sử NA CS từ trước đến giờ:
- Baguette G2 tìm kiếm sự hồi sinh với một shoxie hóa chó và lần đầu vào đến playoff major sau hai năm. Họ bị chặn đứng bởi C9.
- Top 1 World SK tìm kiếm chức vô địch major thứ ba để khẳng định sức mạnh thật sự. Họ bị chặn đứng bởi C9.
- EU Superteam FaZe tìm kiếm danh hiệu lớn còn thiếu trong bộ sưu tập. Họ bị chặn đứng bởi C9.
tarik, stewie2k và skadoodle trước trận chung kết (Ảnh: hltv)
Sự lì lợm và bản lĩnh của các chàng trai Mỹ được kiểm chứng khi đụng đầu FaZe, nên nhớ FaZe luôn được xem là khắc tinh của C9, và chẳng có mấy người dám tin vào kì tích NA CS chạm tay vào major, đặc biệt là khi họ thua map pick của chính mình và tụt lại 11-15 ở map 3. Họ cho cả thế giới thấy họ biết cách đương đầu với khó khăn, và họ đủ khả năng tận dụng sai lầm của đối thủ để xoay chuyển tình thế.
Nhìn chung cả giải, cả năm player đều có màn trình diễn rất đều nhau: autimatic và stewie2k đã nổi lên từ line-up cũ, RUSH thầm lặng với những round đấu multikill cực kì quan trọng, đặc biệt, thật khó để không cảm thấy vui cho skadoodle - người đã tìm kiếm một slot top 8 major hơn ba năm - và đương nhiên phải kể đến tarik - in-game leader kiêm người dẫn đầu đoàn quân Mỹ với danh hiệu MVP. Rõ ràng Cloud 9 hiện tại mang trong mình một điều gì đó rất đặc biệt, mà nếu nói như lời Moses thì đây chính là Tarik Era.
Quantum Bellator Fire
“Chúng tôi đến từ open qualifier khi tôi phải bắn từ một quán net vì đường truyền mạng ở nhà tôi không thể chơi nổi. Trong vòng 2 tuần, ngày nào tôi cũng ra net từ sớm và chỉ về nhà vào lúc nửa đêm.” – balblna
Càng nhìn lại con đường mà Quantum Bellator Fire đã trải qua trong 3 tuần vừa rồi, người ta lại càng cảm thấy ngạc nhiên vì những thành quả của họ, đơn giản vì QBF hiện tại không chỉ là một line-up mới toe thành lập cách đây chưa đến nửa năm, mà còn là vì kinh nghiệm thi đấu ở cái tầm đỉnh cao như này của các thành viên trong team gần như là còn số không tròn trĩnh.
waterfaLLZ và jmqa ăn mừng sau khi QBF chiến thắng mousesports (Ảnh: hltv)
Bạn có thể nói QBF đã gặp may mắn giai đoạn Main Qualifier khi họ chỉ phải đánh bại Flash trong một trận đấu chẳng khác gì silver uprank, EnVyUs với coach stand-in và AVANGAR. Tuy nhiên, Kvik và đồng đội không dừng lại tại đó, vào đến giai đoạn Major “đúng nghĩa”, họ hủy diệt Virtus.pro để thu hút sự chú ý của người hâm mộ, thắng oanh liệt Gambit trong overtime để thực sự được đánh giá một cách nghiêm túc, và comeback mạnh mẽ trước mousesports để giành vé vào vòng playoff.
Dĩ nhiên, câu chuyện cổ tích của QBF cũng đến hồi kết thúc khi họ phải đụng độ một flamie GOD MODE ở tứ kết, nhưng với những gì các chàng trai CIS này đã làm được, họ hoàn toàn có quyền ngẩng cao đầu rời giải trong những tràng vỗ tay không ngớt của các khán giả NA.
III. KẺ THUA
Đan Mạch
“Danish CS is one hell of a drug!” là một câu nói vui có tiếng khi mô tả nền CS của Đan Mạch, tuy nhiên ở kì major thứ 12 này, quê hương của Lord Bendtner không để lại bất cứ dấu ấn gì nổi bật (trừ karrigan đánh lẻ ở FaZe).
Lần đầu tiên, bộ ba device, dupreeh và Xyp9x trượt top 8 major (Ảnh: ELEAGUE)
Đối với Astralis, device đã quay trở lại nhưng việc player đứng #5 hltv 2017 không làm awper đã giáng một đòn nặng vào lối chơi chung khi họ mất đi một playmaker thượng hạng, thêm vào đó việc nhà vô địch ELEAGUE Major 2017 để thua cả 8 pistol round trong 4 trận đấu của mình cũng là một dấu hiệu đáng báo động cho thấy gla1ve và đồng đội đang gặp rất nhiều vấn đề về skill cá nhân. Hiện tại đã có thông tin confirm device quay về vị trí awper chính như trước, hi vọng nó sẽ đánh dấu sự khởi sắc trở lại của thế lực Đan Mạch này trong thời gian tới.
North ra về trong tủi hổ (Ảnh: hltv)
Còn về phần North, dường như họ đang lặp lại vết xe đổ của một năm trước: hậu player break, họ bắn rất hay trong quãng thời gian đầu nhưng càng về cuối năm thì thành tích lại càng đi xuống, bản thân star player k0nfig đang có giải đấu thứ ba liên tiếp mà anh nằm trong nhóm rating đỏ ngầu thay vì đứng top đầu như trước. Nói về tiềm năng, North không đạt đến tầm elite được như SK hay FaZe, nhưng họ hoàn toàn đủ khả năng cạnh tranh sòng phẳng một vé top 5 thế giới. Đã có rất nhiều phân tích xung quanh North từ lối chơi chung của cả team lẫn màn trình diễn của từng player, thậm chí cả việc ban/pick map của MSL cũng được đem ra mổ xẻ không ít, nhưng liệu đến khi nào người hâm mộ mới được chứng kiến những sự thay đổi tích cực đến từ team được chống lưng bởi F.C. Copenhagen?
Cứ tưởng Virtus.pro sẽ lấy lại hình ảnh một VIRTUS PLOW đáng sợ sau khi chỉ tuột mất chức vô địch EPICENTER hồi tháng 10 đúng một round, nhưng không, nỗi thất vọng vẫn đang bao trùm lấy NEO và đồng đội. Trải qua 3 trận đấu, đại diện của Ba Lan chỉ thắng được đúng 16 round, và trong số 5 player có rating thấp nhất vòng bảng thì VP đã chiếm đến 4 người (người còn lại cũng chả khá gì hơn khi cũng nằm top 10 từ dưới lên).
Điều này không thể tiếp diễn thêm nữa. Những thành tích của line-up này sẽ được ghi nhớ, nhưng điều gì đó phải đổi khác để giúp họ tìm lại chính mình. Role đã được tráo, ingame-leader cũng đã thay nhưng kết quả khả quan thì vẫn chưa thấy đâu cả. Virtus.pro không còn là legend ở major, lần đầu tiên kể từ DreamHack Winter 2013 họ thất bại trong việc giành vé vào top 8. Cái tinh thần Never Say Die từng làm nên tên tuổi của Gấu Ba Lan giờ cũng chả có mấy ai tin tưởng, đồn đoán về việc thay máu đội hình cũng được đem ra bàn tán xôn xao. Phải chăng thời điểm Golden Five đến hồi tan rã đã đến?
Gambit
Sau sự ra đi của Zeus, Gambit trải qua quãng thời gian cuối năm 2017 không hề yên ả chút nào: đầu tiên là việc AdreN và mou tụt phong độ còn tân binh fitch không thể hiện được nhiều, thứ hai là vị trí in-game leader cứ bị đẩy qua đẩy lại giữa AdreN và Dosia (hiện tại thì Dosia đang đảm nhận nhiệm vụ này), thứ ba là bản thân thành tích thi đấu của họ cũng không được như mong muốn với kết quả đáng kể nhất chỉ có bán kết DreamHack Masters Malmö.
Một major không hề yên ả cho AdreN (Ảnh: hltv)
Dù gì đi nữa, với tư cách là ĐKVĐ, Gambit được kì vọng là ít nhất cũng lọt vào top 8, nhưng có vẻ như Dosia và đồng đội vẫn còn khá nhiều vấn đề cần phải giải quyết nếu muốn tìm lại sức mạnh thực sự của mình. Đại diện của CIS thắng ez Na`Vi ở T-side nuke và deny màn comeback của Space Soldiers ở train, tuy nhiên thất bại bất ngờ trước QBF và hai lần ban/pick map cực kì ngu xuẩn trước SK Gaming và fnatic đã khiến họ mất đi status “Legend” sau 3 kì major sở hữu nó.
Thất bại này ảnh hưởng đến Gambit như thế nào vẫn chưa rõ. Tuy nhiên, nhiều khả năng mục tiêu chủ yếu của cựu vương major sẽ là cố gắng cải thiện phong độ cá nhân (đặc biệt là fitch) đồng thời cải thiện lại map pool của mình. Sau đây ba tuần, AdreN và đồng đội có giải LAN tiếp theo là Starladder S4, khi đó những thay đổi của Gambit mới được kiểm chứng thực sự.