Về mặt tình cảm, 2020 mình đã uncrush một bạn nữ, yêu một bạn nam và chia tay rồi lại crush một bạn nữ khác. Có lẽ trong suốt mùa COVID-19 vừa qua chính là năm dành cho yêu thương. Những mối quan hệ trên khiến mình nhận ra 3 sự thật.
    Sự thật đầu tiên, Crush một người cho mình biết khi thích một ai đó, chúng ta không thể dùng lý trí để dừng cái sự thích đó lại được. Tất cả những gì mình có thể làm là chấp nhận cảm xúc của bản thân là mình thích họ, muốn quan tâm, dành thời gian cho họ. Vậy thôi, không thể mong cầu họ cũng quan tâm, dành thời lại cho mình như vậy được. Vì sao ư? Vì nếu mình mong cầu điều đó ở người ta mà người ta không đáp ứng được thì mình sẽ thất vọng rồi lại oán trách người ta trong khi chính bản thân mình là người mong muốn cho đi chứ họ đâu yêu cầu điều đó. Và đôi lúc, cái cảm giác mãnh liệt khi thích một người sẽ chuyển hoá thành loại cảm xúc khác qua thời gian, tình bạn chẳng hạn. Vậy nên cứ từ từ, sống trọn vẹn, chuyện gì đến rồi cũng đến thôi. Mình còn cả cuộc đời phía trước để sai, sửa sai và tiếp tục cái quá trình này, đó không phải là cách mà con người học và trưởng thành đó sao?
    Sự thật thứ hai, khi yêu một ai đó, ta phải có đủ dũng cảm để tháo xuống những rào chắn bảo vệ mình, mở lòng để cho đi và chấp nhận người khác như họ vốn là. Đây là một sự thật khó để chấp nhận vì đôi khi hình ảnh của đối phương ở thời điểm hai đứa mới quen còn đẹp, còn long lanh lắm. Xét về bản chất thì chúng ta vẫn chỉ là con người với đầy những hỉ nộ ái ố thường ngày. Vậy nên làm gì có người nào hoàn hảo để đáp ứng hết tất cả những kỳ vọng mà ta đặt ra? Chỉ khi nào tình yêu đủ lớn để khiến con tim yếu đuối này tiếp tục thổn thức, lý trí này có thể cho phép cái tôi được ngơi nghỉ thì lúc ấy, ta sẽ chấp nhận được những điểm chưa tốt ở người mình yêu như cách mà trường phái Tâm lý học Nhân Văn nhắc đến: unconditional love (yêu thương vô điều kiện). 
    Sự thật thứ ba, cảm nắng một ai đó có thể khiến mình làm những điều điên khùng đến khó tưởng. Như việc nói dối ba mẹ rủ người ta backpacking Đà Lạt lần đầu tiên chỉ với 2 đứa chẳng hạn :)))) Haha. Không hiểu là em lấy đâu ra can đảm nữa. Và đúng theo nghĩa đen của crush, tim em đã bị chị crush bao lần rồi? Cái sự ATSM nó cứ thế mà hình thành, from the smallest to the biggest. Liệu cảm xúc mà chị dành cho em có mãnh liệt như cách mà chị hiện hữu trong giấc mơ của em không? Em không biết. Điều duy nhất em biết ngay lúc này là em thích chị, có lẽ nhiều hơn cảm nắng một chút những vẫn chưa đủ lớn để gọi là tình yêu.
    Về mặt nhận thức/học tập, mình đã thay đổi khá nhiều. Thế giới quan của mình như được trang hoàng lại bằng một sắc màu khác, không còn là màu hồng tốt đẹp nữa mà là màu xanh trung tính, màu của hy vọng. 
    Năm vừa qua, mình đã từng chán trường lớp, ghét môn học nhàm chán, ghét giảng viên dạy kiến thức chuyên ngành thì ít mà kể chuyện phiếm thì nhiều và ghét luôn khuôn mặt từng đứa bạn vì đi học mà không chịu chú ý nghe giảng. Mình đã nghĩ rằng mọi thứ ở đó đều thất bại, những đứa bạn học chung đều là kẻ thất bại như mình khi không đậu vào nguyện vọng 1. Thầy cô thì do ra trường không tìm được việc, không có kỹ năng nào ngoài việc học giỏi nên học lên cao để tiếp tục kiếm những đồng lương ít ỏi. 
    Nhưng rồi bằng một cách nào đó, mình yêu. Yêu người, yêu nơi chốn và yêu cả kiến thức nữa. Những định kiến mà mình áp đặt lên cuộc sống đại học đều được phá vỡ. 
    Có lẽ nó bắt đầu từ khi mình học môn Lịch sử tâm lý học, khi nghe cô chia sẻ một góc nhìn mới hoàn toàn về cuộc sống. Cô nói về những quan điểm của Phật giáo, rằng chánh niệm (mindfulness) là sống trọn vẹn, chấp nhận sự vật như nó vốn là. Cô nói về thuyết chọn lọc tự nhiên của Darwin khi chỉ có những loài thích nghi được với điều kiện ngoại cảnh thì mới có thể tiếp tục tồn tại và phát triển, nếu không sẽ bị đào thải. Điều đó khiến mình suy nghĩ nhiều về cuộc của mình lúc đó, phản ứng của mình sẽ là thích nghi hay tự đào thải đây?
    Càng tiếp xúc nhiều với giảng viên, mình chợt nhận ra cuộc sống mà họ đã trải qua chính là những thứ mà mình muốn trải nghiệm trong tương lai. Và quan trọng hơn hết, tiền bạc không phải là tất cả như ba má vẫn luôn dặn mình. Những nụ cười, ánh mắt, sự biết ơn, sự tiến bộ của học viên, ...đôi khi lại còn đáng giá hơn nhiều so với những tờ polyme vô tri mà mọi người đang tranh giành nhau ngoài kia.
    Cũng có thể mọi thứ đã ổn hơn khi mình quyết tâm chuyển lên ký túc xá ở trong khi trường học chỉ cách nhà 1 chuyến bus 45 phút. Tuy nhiên, mình cảm thấy đó là một sự đánh đổi xứng đáng vì đổi lại mình có cảm giác thuộc về một cộng đồng nào đó mà không phải nhà mình, có lẽ lúc này cái nhu cầu love/belonging ở tầng bậc thứ 3 của Maslow's hierarchy of needs vừa được thoả mãn. Ở trong môi trường toàn là sinh viên, đặc biệt là những bạn ở tỉnh, mình hiểu hơn về cuộc sống của những đứa bạn trong lớp, không tốt đẹp như của mình, nhưng họ vẫn đến trường mỗi ngày. Từ đó, mình cảm thấy bản thân hòa đồng hơn, dễ mở lòng hơn và cũng tự lập hơn. 
    Viết cho thời khắc chuyển tiếp của tuổi 20.