[Tôn giáo] [Về sự hài hước, bà Phương Hằng, và Fanpage "Công giáo hài hước"].
Về mặt trái của Sự hài hước, đối với tôn giáo.

1. Một nỗi lo về tính lây lan của Sự hài hước.
Cách đây khoảng hai ngày, bà Phương Hằng có Live-stream với mục đích vạch ra những mặt tối của vấn đề "Nghệ sĩ từ thiện", và giao lưu cùng khán giả, trong đó bà đột ngột kể một câu chuyện cười có yếu tố tôn giáo [1] (câu chuyện nói về việc xưng tội của đạo Công giáo - một hình thức tôn nghiêm (ND)). Những người Công giáo lên án gay gắt, vì bà báng bổ, và làm hình ảnh tôn giáo trở nên "Tục hóa" trong mắt xã hội. Trong hoàn cảnh này, bà Phương Hằng là một người đạo Phật, và là người hoạt ngôn, nên bà có chêm vào vài câu chửi thề của linh mục trong câu chuyện.
Thế nhưng, với những người chỉ trích, ta cũng có thể dễ dàng tìm thấy một loạt những câu chuyện cười trong đời sống sinh hoạt tôn giáo, mà người khởi xướng lại chính là các linh mục. Linh mục Phạm Quang Hồng là người nổi bật trong những câu chuyện cười về tôn giáo [2]. Khác biệt duy nhất giữa hai câu chuyện của hai người kể là "Chửi thề", trong đó, hoàn cảnh hoạt ngôn của bà Phương Hằng cho ta thấy đó cũng là dễ hiểu.
Điều này làm nổi bật lên một vấn đề: Tư tưởng có tính lây lan. Ta có thể lấy một ví dụ trực tiếp từ việc những nhà tài trợ quảng cáo mua bán quyền đặt tên cho sân vận động và cả những trận đấu nữa (USA) [3]. Vì đã có tiền lệ, nên những ý tưởng thương mại đã lây lan đến việc đặt tên cho nhà ga, hay xe cứu hỏa, cảnh sát, và len lỏi vào trường học [4].
Tư tưởng có tính lây lan. Vì đã có tiền lệ về việc những linh mục kể chuyện hài hước ngay trong một Thánh lễ, nên cũng dễ hiểu khi sau đó một thời gian, những câu chuyện cười mang đậm tính tôn giáo đã lây lan tới bà Phương Hằng. Cái mà người ta tranh luận ở đây tranh luận ở đây là việc "Tôn giáo có được vui vẻ và hài hước một chút không?", giữa phe đồng ý (Tự do) và phản đối (Bảo thủ). Khi đi đến khía cạnh cực đoan của phe tự do, có thể hình dung bằng một Fanpage có tên là "Công Giáo hài hước", khi Fanpage này trích dẫn một câu nói của Pope Benedict XVI (Đức Giáo Hoàng - Người đứng đầu Giáo hội Công giáo Rome): "Nơi nào thiếu óc hài hước, nơi đó chứa đầy sự chết chóc... Ngược lại, niềm vui là dấu chỉ của ân sủng", làm nền tảng cho tư tưởng hài hước trong mọi việc, kể cả là những chủ đề nhạy cảm nhất của Công Giáo như "Sự phục sinh", hoặc "Đức trinh nữ Maria" [5].
Chính xác thì mặt trái của tư tưởng hài hước nằm ở đâu? Nó làm "Xói mòn" các hình tượng, và sụp đổ một tổ chức vì gây nên trạng thái hỗn loạn.
2. Sự xói mòn các hình ảnh.
Chính xác thì mục đích của việc đem những câu chuyện hài hước trên mạng, của các linh mục, của Fanpage "Công giáo hài hước" nhằm mục đích gì?
- Để lôi kéo thêm thành viên cho Công giáo? Những người phản biện tư tưởng này có thể trượt vào tư tưởng "Tìm kiếm số lượng thay vì chất lượng", vì mục đích những người gia nhập Công giáo có lẽ không phải vì sùng đạo (Là mục đích chính mà các linh mục lưu ý), mà là vì "Đạo Công giáo rất vui, hài hước", hoặc "Có nhiều hoạt động", hoặc "Được cho nhiều đồ ăn",.. Hình tượng những người Công giáo đã thay đổi.
- Để truyền đạt một hình ảnh (hay nói cách khác là lan tỏa - Marketing) một tôn giáo hòa nhập và vui vẻ? Thế nhưng tư tưởng này không hợp lý với những câu chuyện gây hài hước nhằm mục đích chọc cười, cũng như những bài viết gây tranh cãi của Fanpage "Công giáo hài hước".
- Hoặc đơn giản là để thu hút mọi người. Nhưng để làm gì? Nếu không phải để phục vụ một mục đích nào đó cá nhân hơn? Với vị linh mục, đó là xây dựng hình ảnh một vị linh mục vui vẻ. Với Fanpage "Công giáo hài hước", đó là việc xây dựng nên một cộng đồng vui vẻ. Thế nhưng, chính những tư tưởng này lại làm xói mòn mục đích của Tôn giáo, khi nó cho rằng phải "Lôi kéo" người khác bằng những hình thức khác, thay vì chỉ đơn thuần làm gương bằng một lối sống tốt đẹp, hoặc các linh mục thay vì là một người có góc nhìn đạo đức và một lối sống lành mạnh, thì giờ hóa ra lại phải lôi kéo người nghe bằng những câu chuyện gây cười.
Hình ảnh Tôn giáo và Linh mục, có thể nói dã bị xói mòn do Sự hài hước. Xói mòn ở chỗ, người ta đã không coi Công giáo và các Linh mục như những hình ảnh nguyên bản, mà bị bóp méo qua các lăng kính khác.
Người ta có thể than phiền rằng nếu gỡ bỏ Sự hài hước, thì thật khắt khe và nhàm chán. Chính những người theo phe bảo thủ cũng đồng ý như vậy, nhưng họ rất thận trọng khi phá bỏ những truyền thống hình ảnh đã được xây dựng qua một thời gian dài, và họ kiểm soát nó trong những điều kiện hết sức khắt khe.
Vì sao vậy? Một tôn giáo cơ bản có tính Truyền thống, và chú trọng đến tập thể cũng như các mối quan hệ trong đó. Nền tảng của phe bảo thủ đạo đức có bao gồm một khía cạnh: Uy quyền/ Lật đổ [6]. Sự hài hước, trong trường hợp này thuộc về khía cạnh Uy quyền. Trong tôn giáo, nền tảng Thứ bậc dựa trên biểu hiện rõ ràng là sự tôn trọng, và sự tôn trọng - kính trọng đặt trong những mối quan hệ hạt nhân Gia đình, hoặc Tổ chức tôn giáo.
Nhìn theo khía cạnh này, thì việc Hài hước, hóa ra lại làm lung lay nền tảng những mối quan hệ hạt nhân này, làm mất đi trật tự thứ bậc và có nguy cơ gây ra sự hỗn loạn và sụp đổ tổ chức. Việc đem sự hài hước vào những câu chuyện gây cười trên mạng xã làm xói mòn hình ảnh của các linh mục: một người đứng đắn và yêu thương, thì nay lại trở thành một người hài hước. Mở rộng ra, nó làm hình ảnh của Giáo Hội trở nên tầm thường hóa: một tổ chức với sự hài hước cũng có trọng lượng như sự giáo dục đạo đức và tính khoan dung.
Vì thế, phe bảo thủ cũng có lý do khi ngăn cấm những khả năng lây lan cũng như làm Xói mòn hình ảnh của Sự hài hước. Đức tổng giám mục Nguyễn Năng (Chức sắc cấp cao trong hệ thống Công giáo) cũng bày tỏ sự lo ngại này khi ngài từ chối đưa những nhạc cụ quá "Sôi động" vào Thánh lễ: "Chúng ta vào để tham dự Thánh lễ, không phải để nghe trình diễn âm nhạc" [7] . Vụ "Câu chuyện cười của bà Phương Hằng", có lẽ cũng chỉ là "Quả" của cái "Nhân" là Sự hài hước lây lan trong các linh mục và những Fanpage thiếu nền tảng triết học như "Công giáo hài hước".
3. Những giới hạn mà Sự hài hước có thể chạm tới, và không.
Primum non nocere. Chủ nghĩa Công lợi tối thiểu có một nguyên tắc: "Trước tiên, không làm hại": ta phải không làm hại, rồi sau đó mới nghĩ đến những điều tốt. 10 việc tốt và 9 việc xấu rất khác so với 1 việc tốt và 0 việc xấu. Trong tình huống gây hài, ta phải chắc chắn việc tôn trọng những hình tượng, tôn giáo, trước khi có thể gây cười, và việc đánh giá nó thật hết sức rủi ro và khó khăn. Nếu ta thấy được việc những câu chuyện gây hài hước có để lại dấu vết như vậy khi nó đi qua, mà điển hình là Fanpage "Công Giáo hài hước" và bà Phương Hằng, thì ta phải xét lại việc giới hạn những khu vực sự hài hước nên chạm tới ở đâu, và không nên vươn tới những địa hạt nào. Càng đem hài hước vào sâu trong tôn giáo, hóa ra nó lại càng khiến người ta xem thường và dễ dàng từ bỏ tôn giáo hơn, vì sự tôn nghiêm và trật tự của nó không còn mang tính tuyệt đối nữa.
Với Fanpage "Công giáo hài hước", thì chính những Admin cũng bị vướng vào sự nghịch lý. Việc điều hành Fanpage "Công giáo hài hước" phải cân bằng được cả hai khía cạnh: Số lượng bài viết để lôi kéo thành viên và tránh gây tranh cãi bằng những câu chuyện cười nhạy cảm. Sự hài hước phải dựa trên nền tảng không gây ra tranh luận, nhưng nếu bỏ ra sự châm biếm, thì thực tế số lượng những câu chuyện cười sẽ rất ít, và để đảm bảo chất lượng Fanpage, đôi lúc người ta sẽ không còn sáng suốt nữa. Khi đó, dàn Admin của Fanpage "Công giáo hài hước" vô tình bước qua lành ranh giữa Gây cười lành mạnh và Gây cười có hại: Làm xói mòn hình ảnh Tôn giáo. Ta không thể biết được ranh giới giữa sự hài hước và việc bất lịch sự, hay trong tôn giáo gọi là "Phạm sự thánh" nằm đâu. Đôi lúc trực giác ta đấu tranh dữ dội giữa việc đăng một bài viết gây hài hước nhưng va chạm đến những vấn đề nhạy cảm, như "Mầu nhiệm phục sinh", "Sự đồng trinh của đức Maria", và gây nên sự phẫn nộ. Vô tình, những fanpage gây chia rẽ. Những người muốn tiếp tục nghe chuyện cười thì bất chấp. Những người phản đối "Biết có điều gì đó không ổn", còn nhóm Admin thì bận rộn xóa bài. Vậy mục đích của việc tạo nên một cộng đồng vui vẻ, vô tình bị chính việc này gây nghịch lý. Trực giác phản ứng rất nhanh, và đôi khi gây sai sót.
Ta có thể thấy như trên, dù đúng hay sai thì cuối cùng, những câu chuyện gây cười có để lại dấu ấn trong tâm lý con người khi nó đi qua, từ linh mục Phạm Quang Hồng đến bà Phương Hằng. Vậy từ Fanpage "Công giáo hài hước", có thể dẫn đến đâu nữa?
Vậy, phải hiểu lời của Pope Benedict XVI thế nào?
Có lẽ, sự hài hước nên chỉ dành trong những câu chuyện đời thường, một cách tự nhiên và lành mạnh, chứ không nên dành để lan tỏa như những câu chuyện trên mạng của bà Phương Hằng và các vị linh mục, như chúng ta đang thấy.
Vì tư tưởng có tính lây lan, những hình tượng sẽ bị xói mòn, và tạo nên sự hỗn loạn và sụp đổ trong chính tổ chức.
[1]. Nguồn gốc câu chuyện cười của bà Phương Hằng: https://www.facebook.com/100011592455730/videos/981227052449502/?sfnsn=mo
[2]. Một loạt những câu chuyện cười của linh mục Phạm Quang Hồng: https://youtu.be/La_WRjOvkkE
[3]. Mua bán quyền đặt tên sân vận động và các trận đấu: "Tiền không mua được gì" - Michael Sandel - Trang 265.
[4]. Quảng cáo trên xe cứu hỏa: "Tiền không mua được gì" - Michael Sandel - Trang 317.
[5]. Fanpage "Công giáo hài hước": https://www.facebook.com/CGHH1/
[6]. Các nền tảng đạo đức: "Tư duy đạo đức" - Jonathan Haidt - Trang 157.
[7]. Đức Tổng giám mục Nguyễn Năng và âm nhạc trong Thánh lễ: https://m.facebook.com/groups/NHOMEDENVOICHUA1/permalink/4552989151381365/?sfnsn=mo

Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất