Tôi không muốn  gọi họ là “Tà phái”, bởi vì các tôn giáo trước giờ vẫn gọi nhau là “tà  phái”, tự huyễn hoặc mình là chính đạo. Tôi gọi họ là các giáo phái  “lệch lạc”, bởi vì chính bản thân họ cũng không ý thức được mình đang bị  rơi vào các ảo giác, những huyễn hoặc về bản thân. Những huyễn hoặc, ảo  giác ấy che mờ lý trí, thậm chí họ còn phủ nhận lý trí, để đưa đẩy con  người vào cơn cuồng loạn của đám đông. Nhân danh một cái gì đó họ tự coi  là cao cả, như Chúa, như thiên đường, như chân lý, như chính nghĩa… họ  có thể thoải mái thực hiện những tội ác của mình. Lịch sử đã từng chứng  kiến những loạn lạc do các giáo phái gây ra: Nào là những cuộc săn phù  thủy nhân danh chính đạo của Kito giáo, những cuộc đàn áp trí thức nhân  danh đấng Ala của Islam, cuộc nổi dậy của giặc Hoàng Cân thuộc Thái Bình  đạo đã gây ra loạn li trước thời Tam Quốc… Một giáo phái khi đã bành  trướng và có xu hướng lệch lạc có tạo nên những đại họa mà có lẽ chúng  ta chỉ thấy trong các phim Zombie.

http://nghiencuutongiao.info/2018/05/23/nhung-dau-hieu-nhan-biet-mot-giao-phai-lech-lac/

Tóm tắt

#1. Tuyên truyền về sự cứu rỗi và mạt thế
#2. Thích tỏ ra bí ẩn
#3. Các đệ tử phải tôn sùng và tuân phục người đứng đầu
#4. Qúa nhiều luật cấm bất hợp lý
#5. Rèn luyện đệ tử đạt quyền năng một cách nhanh chóng
#6. Hoạt động trá hình
Một số giáo  phái hoặc nhóm tâm linh có xu hướng này đang hoạt động hiện nay: Hương  Class, Thiền Đương Đại, Brahma Kumaris, Bạch Hỏa Công, Pháp Luân Công, Hội  thánh Đức chúa trời mẹ,…


Tôi phải  thừa nhận rằng tôi hứng thú với các ý tưởng tôn giáo nhưng tôi luôn e dè  trước các hoạt động giáo phái. Sự hứng thú ấy đã sớm đưa tôi tiếp cận  gần với các ý tưởng tôn giáo từ khi mới 7-8 tuổi, nhưng chỉ đến khi vào  độ tuổi 20 tôi mới bắt đầu có tương tác với các giáo phái. Giáo phái đầu  tiên tôi tiếp xúc là Nhân chứng Jehova, rồi sau đó là Làng Mai, giáo  hội Công giáo, một số chi phái của Mật tông, Brahma Kumaris, Bạch Hỏa  Công, Pháp Luân Công, đạo Mẫu (vẫn gọi đùa là Mẫu giáo)… Có một số giáo  phái tôi không trực tiếp tương tác mà chỉ tương tác qua đệ tử của họ  hoặc phụ huynh của đệ tử, như trường hợp Đức Chúa trời Mẹ chẳng hạn. Hồi  năm 2016, các phụ huynh của một số đệ tử trong giáo phái Đức Chúa Trời  Mẹ này đã liên lạc với chúng tôi nhờ giúp đỡ, bởi vì con cái của họ từ  ngày tham gia giáo phái này đã bỏ học, bỏ nhà, và thường xuyên được giáo  phái này cho uống một cái gì đó như chất gây ảo giác. Đó là lần đầu  tiên tôi biết đến giáo phái ấy. Bên cạnh đó, còn một số các nhóm hoạt  động không tự xưng là giáo phái nhưng hình thức hoạt động như giáo phái,  ví dụ như Thiền Đương Đại, Thiền Kim Tự Tháp, nhóm Hương Class, nhóm Sự  học đích thực… Tóm lại, không hiểu mệnh tôi bị sao gì chiếu hay do  nghiệp quả kiếp trước gì đó mà bây giờ tôi cứ liên tục bị đá đi đá lại  trong thế giới của các giáo phái. Trong nhiều năm, tôi cố gắng quên đi  thế giới ấy để thực hiện những ước vọng riêng của tôi, nhưng các giáo  phái lệch lạc này ngày càng nở rộ, thậm chí lan rộng, ngang nhiên in  sách để phát tán, thu hút đệ tử. Đúng là loạn thế!
Tôi biết,  nhu cầu tìm đến một chỗ nương tựa tâm linh là cần thiết đối với đa số  người dân, đặc biệt là các bạn trẻ vốn phải chịu nhiều áp lực trong cuộc  sống; nhưng nhu cầu ấy có thể đưa đẩy họ vào những cơn ảo giác tập thể  điên loạn mà người đứng đầu giáo phái cũng đang mắc kẹt trong đó. Bởi  thế, tôi viết bài viết này với hi vọng có thể phần nào chỉ ra một số các  lệch lạc thường thấy của các giáo chủ ngông cuồng và cách thức họ thu  hút đệ tử, đồng thời sẽ nhấn mạnh vào một số dấu hiệu rất dễ nhận biết  một giáo phái lệch lạc.

#1. Tuyên truyền về sự cứu rỗi và mạt thế

Đây là lập  luận quen thuộc nhất của hầu hết các giáo phái. Ngay cả khi giáo lý của  các giáo phái ấy không đề cập đến thì các đệ tử cũng sẽ nói với nhau như  thể thế giới đang vào thời mạt thế và chỉ có đời sống thực tập tâm linh  của họ mới cứu rỗi được các linh hồn. Không chỉ ngày nay, trong lịch sử  tôn giáo, các lý lẽ tuyên truyền về sự cứu rỗi và mạt thế đều rất phổ  biến và càng ở giai đoạn loạn lạc thì càng tuyên truyền mạnh. Trên thực  tế, các thời đại có thịnh có suy nhưng dù thịnh hay suy thì lúc nào họ  cũng nói rằng mạt thế đang đến gần rồi và cần phải đi theo giáo phái của  họ mới có thể được cứu rỗi. Đây là luận thuyết mà một loạt các tôn giáo  như Mani giáo, Thái Bình đạo, thậm chí là Kito giáo… đã tuyên truyền.  Cứ mỗi lần họ tuyên truyền, họ đều nói rằng chúng ta đang ở thời kỳ mạt  thế, và vẫn chưa có gì xảy ra cả. Thế kỷ 19, khi các dị giáo (paganism)  xuất hiện trở lại ở Châu Âu thì thuyết mạt thế vẫn tiếp tục được các dị  giáo này rao giảng.
Đến thập  niên 60s của thế kỷ 20, khi các lời tiên tri về kỷ nguyên Bảo Bình được  tung ra cùng với các rao giảng về mạt thế và sắp sửa có một cuộc khải  huyền lớn thì một loạt các giáo phái nhỏ bắt đầu bung ra hoạt động công  khai mạnh mẽ hơn. Các giáo phái này thường pha trộn các phương pháp thực  hành tâm linh và luận thuyết của nhiều tôn giáo cố với nhau, kết hợp  với các phương pháp marketing và truyền thông hiện đại để làm phương  thức tuyên truyền. Nhờ thế, các giáo phái này không những được lan rộng  mà còn trở thành một ngành dịch vụ tâm linh với những lời rao giảng  thiếu cơ sở và dẫn dắt tín đồ vào các ảo giác của tâm trí với hi vọng  tìm được sự cứu rỗi.
Lối rao giảng  này thường lợi dụng tâm lý bất lực trước các áp lực của đời sống của đại  đa số người dân. Ngay lập tức, lập luận này sẽ thu hút những người lười  biếng không muốn đương đầu và vượt qua các áp lực. Ở một số trường hợp,  khi người ta gặp một áp lực nào đó rất lớn đến nỗi không chịu đựng  được, người ta cũng dễ mềm lòng và sa chân vào các giáo phái này để tìm  kiếm sự cứu rỗi. Thường thì, họ sẽ tự an ủi rằng mình chỉ là nạn nhân  của tình trạng mạt thế đang diễn ra và có lòng tin rằng bằng việc theo  giáo phái, họ sẽ có cơ hội được chuộc lỗi và trong tương lai sẽ có một  đời sống tốt đẹp hơn ở những nơi được mô tả tương tự với thiên đường.
Như đã nói ở  trên, trong nhiều ngàn năm lịch sử, có lẽ kế hoạch mạt thể của các nhà  tiên tri chưa bao giờ xảy ra. Thế giới vẫn thịnh – suy, chiến tranh –  hòa bình theo lẽ thường của nó. Tôi không dám chắc rằng các bậc tự tôn  xưng mình là giáo chủ hay những bậc thầy thức tỉnh tâm linh kia có thực  sự tin vào thuyết mạt thế và tin vào khả năng cứu rỗi hay không, tuy  nhiên họ vẫn tự cho mình cái quyền cứu rỗi người khác. Tự bản thân họ  đánh giá mình là người thức tỉnh hơn cộng đồng, cao quý hơn cộng đồng,  do đó họ phải cứu rỗi cộng đồng. Trong quá trình cứu rỗi ấy, những khủng  hoảng tâm lý của họ không hề được giải quyết mà được phát tiết qua các  ảo tưởng về quyền lực và quyền năng. Những trạng thái này được nhà phân  tâm học siêu thức người Ý Roberto Assagiolie gọi là “Khủng hoảng tiền  tâm linh”. Chính các bậc thầy hay các giáo chủ loại này cũng chỉ là  những “beginner” trong thế giới tâm linh. Thường thì vì một lý do nào  đó, có thể là chủ quan hoặc khách quan, tâm trí của họ được khai mở để  nhận thức rằng có một thế giới khác huyền bí tồn tại song song với thế  giới này. Họ được những người đi trước họ không lâu khen ngợi là “có ngộ  tính”, hoặc “có sứ mệnh”, đôi khi lại còn được huyễn hoặc là “người  được chọn”. Và thế là họ đi ra ngoài, hô hào, kêu gọi, những mong dẫn  dắt một đám đông cuồng tín cùng họ đi vào một thế giới huyền bí mà chính  bản thân họ cũng không hiểu hết như kẻ mù nhìn thấy ảo giác về ánh sáng  dẫn dắt đàn người mù khác cùng hướng về ảo giác vậy.
Một số giáo  phái hoặc nhóm tâm linh có xu hướng này đang hoạt động hiện nay: Nhân  chứng Jehova, Hội thánh Đức chúa trời Mẹ, Bạch Hỏa Công, Brahma Kumaris,  Hương Class…

#2. Thích tỏ ra bí ẩn

Một số các  giáo phái có thiên hướng tích hợp các hệ thống luận thuyết của nhiều tôn  giáo sẽ thường có xu hướng này. Thông thường, họ sẽ chọn tích hợp các  phái thuộc huyền môn như Chiêm tinh, Tarot, Kinh dịch, tử vi, bùa chú,  khí công, luyện luân xa… Vốn dĩ những luận thuyết thuộc huyền môn này đã  rất bí ẩn và khó giải thích bằng lời, nay lại còn tích hợp lung tung  thì càng khó để diễn giải. Về căn bản, họ tỏ ra bí ẩn là bởi vì họ chưa  có đủ cơ sở lý luận để tích hợp các luận thuyết một cách nhuần nhuyễn. 
Bên cạnh đó,  một lý do khác thực tiễn hơn cho biểu hiện bí ẩn của họ đó là vì họ đã  hoặc đang hoạt động ngoài vòng pháp luật và khuôn khổ đạo đức thông  thường. Sự sợ hãi đã biến họ thành các giáo phái đầy bí ẩn. Sự bí ẩn này  còn được pha thêm các yếu tố huyền hoặc của giáo lý về quyền năng và sự  cứu rỗi nữa, chắc chắn sẽ thu hút sự tò mò ở một lượng lớn các tâm trí  non nớt, thiếu tự chủ và khả năng tư duy rõ ràng. 
Một số giáo phái hoặc nhóm tâm linh có xu hướng này đang hoạt động hiện nay: Bạch Hỏa Công, Hội thánh Đức chúa trời Mẹ,…

#3. Các đệ tử phải tôn sùng và tuân phục người đứng đầu

Đây có lẽ là  biểu hiện lộ liễu nhất của các giáo phái lệch lạc. Do các vị giáo chủ  hoặc các chức sắc cao trong giáo phái này đã tự cho mình là đấng cứu rỗi  lâu ngày, tới mức dần dần, họ coi mình có vị trí như “cha sinh mẹ đẻ”  của nhân loại. Hãy nhìn Kito giáo, Jesus không gọi mình là “cha” nhưng  tại sao các linh mục từ lớn đến nhỏ vẫn tự tôn xưng là “đức cha”. Điều  này diễn ra tương tự với nhiều giáo phái. Ví dụ như Brahma Kumaris gọi  người sáng lập tôn giáo của họ là “Baba” tức là “Cha”; Các tín đồ Bạch  Hỏa Công cũng gọi “sư phụ Thái” của họ là “Cha”; Các tín đồ của Hội  thánh Đức Chúa trời Mẹ gọi vị sáng lập của họ là Mẹ.
Không chỉ  vậy, một sự tuân phục 100% được các vị “Cha”, “Mẹ” này đòi hỏi ở các tín  đồ. Họ luôn ngồi ở vị trí cao nhất, quan trọng nhất để được cung phụng.  Mọi sắc lệnh của “Cha” hoặc “Mẹ” đưa ra đều là đại diện cho ý Thượng Đế  hoặc các bậc thần linh. Nếu tín đồ có thắc mắc hoặc nghi ngờ thì sẽ bị  toàn bộ cộng đồng bâu vào để rao giảng và giúp đỡ cho đến khi tuân phục,  nếu không, sẽ bị coi là phản đồ và nhận được những lời đe dọa về nghiệp  quả mà tín đồ phải gánh. Cũng may là xã hội hiện đại đề cao pháp quyền,  không đến mức các giáo phái này được thoải mái đánh giết người. Nếu  không, biết đâu lại chẳng có ít nhiều đệ tử bị treo cổ vì dám nghi ngờ  “Cha” hay “Mẹ”.
Một số giáo phái hoặc nhóm tâm linh có xu hướng này đang hoạt động hiện nay: Bạch Hỏa Công, Pháp Luân Công, Brahma Kumaris

#4. Qúa nhiều luật cấm bất hợp lý

Một giáo  phái bao giờ cũng đưa ra các luật cấm. Các luật cấm này nếu có thể chỉ  dừng lại ở việc ngăn cấp con người làm việc ác thì có thể chấp nhận  được, nhưng thông thường các luật cấm của những giáo phái lệch lạc sẽ  đưa ra các luật rất bất hợp lý. Ví dụ như khi tôi tham gia Brahma  Kumaris họ đã cấm tôi không được đọc sách, nghe nhạc và xem phim bên  ngoài các sản phẩm do Brahma Kumaris cung cấp. Đây là một hình thức tẩy  não qua ám thị. Việc lặp đi lặp lại các sản phẩm văn hóa của Brahma  Kumaris có thể khiến đệ tử của họ hoàn toàn sống trong bầu không khí ảo  giác về một thiên đường tương lai. Tương tự như thế, Bạch Hỏa Công đã  từng cấm đệ tử được yêu người ở bên ngoài giáo phái này mà thậm chí chỉ  được yêu người do “sư phụ Thái” chỉ định.
Thông  thường, các luật cấm của các giáo phái lệch lạc này sẽ pha trộn giữa  những luật nghe có vẻ có lý và đạo đức với những luật hạn chế quyền tự  do. Ví dụ như, họ sẽ trộn giữa luật cấm ngoại tình với luật cấm yêu  người ngoại đạo, hoặc giữa luật cấm sử dụng chất kích thích với cấm vui  vẻ, hoặc nghiêm trọng hơn, nhập nhằng giữa việc kính trọng sư phụ với sự  tuân thủ không được phép nghi hoặc lời sư phụ… Những cái cớ thường được  viện ra là nghiệp quả hoặc ảnh hưởng đến quá trình luyện công. 
Những điều  cấm này là dễ hiểu thôi, bởi vì, một khi bạn vứt bỏ một lệnh cấm nhỏ  thôi, bạn lập tức sẽ nghi ngờ toàn bộ hệ thống giáo phái mà họ đã dựng  nên để bẫy bạn vào đó.
Một số giáo  phái hoặc nhóm tâm linh có xu hướng này đang hoạt động hiện nay: Hội  thánh Đức chúa trời mẹ, Bạch Hỏa Công, Brahma Kumaris…

#5. Rèn luyện đệ tử đạt quyền năng một cách nhanh chóng

Miếng mồi  hấp dẫn nhất của các giáo phái lệch lạc đó là nhanh chóng giúp cho đệ tử  một số quyền năng nhất định. Trong một số trường hợp, quyền năng này là  có thật, ví dụ như người tập Pháp Luân Công có thể tự vận khí để chữa  bệnh, người tập nhân điện có thể dùng năng lượng của mình để chữa cho  người khác. Ở một số trường hợp khác, quyền năng này là giả, đặc biệt là  các ảo tưởng tâm trí. Ví dụ như Thiền Đương Đại bơm thổi vào tâm trí  của học viên các ảo giác về kiếp trước và hướng dẫn vẽ bùa tiền để cầu  xin sự may mắn; Brahma Kumaris sử dụng thuật thôi miên tự ám thị để đệ  tử tưởng tượng ra thiên đường của kỷ nguyên vàng và thế giới linh hồn;  Bạch Hỏa Công hay Sự học đích thực lải nhải về việc đệ tử có thể kết nối  với các vị thần và về thân phận cao quý của các đệ tử; tệ hơn, Hội  thánh Đức chúa trời Mẹ cho đệ tử sử dụng chất ảo giác trong các nghi lễ  của mình.
Tuy nhiên,  dù thật hay giả, dù danh nghĩa gì, những loại quyền năng này đều đang bị  sử dụng sai mục đích. Quyền năng luôn đi kèm với trách nhiệm và trách  nhiệm chỉ có thể do mỗi người tự ý thức dựa trên sự trưởng thành trong  nhận thức của chính mình. Các phương pháp luyện tập cổ xưa dù là khí  công hay yoga đều đề cao việc luyện tâm tính trước. Khi tâm tính trưởng  thành đến một mức độ nào đó, các quyền năng sẽ tự đến để phù hợp với cấp  độ của bản thân. Những cấm thuật thường là các thuật để người tu luyện  nhanh chóng đạt quyền năng nhưng do đó cũng đẩy người tu luyện dễ rơi  vào lầm lạc, mà lầm lạc lớn nhất chính là ảo tưởng về sự vĩ đại của bản  thân. Từ sự ảo tưởng này có thể dẫn đến các mê muội của thứ khủng hoảng  tiền tâm linh.
Một số giáo  phái hoặc nhóm tâm linh có xu hướng này đang hoạt động hiện nay: Hương  Class, Thiền Đương Đại, Brahma Kumaris, Bạch Hỏa Công, Pháp Luân Công…

#6. Hoạt động trá hình

Hoạt động  trá hình là dấu hiệu khó nhận biết và dễ để cho các giáo phái lệch lạc  bao biện. Thông thường, vì lý do pháp lý hoặc để dễ bề tiếp cận đám  đông, những giáo phái này thường trá hình bằng những hoạt động có vẻ vô  hại như xem Tarot, xuất bản sách, tâm lý trị liệu, kỹ năng sống, chữa  bệnh, spa… Xem Tarot, tâm lý trị liệu, kỹ năng sống là những hình thức  được các giáo phái ưa thích hơn cả. Bên ngoài, họ sử dụng các biện pháp  này để thu hút đám đông, rồi từ đám đông ấy họ chọn ra các cá nhân mà họ  cho là thích hợp để tham gia giáo phái. Đây là một phương thức  marketing kiểu mới được nhiều công ty ứng dụng: cho phép khách hàng trải  nghiệm trước một phần sản phẩm như miếng mồi câu rồi dần dần dẫn dụ họ  chi ra các khoản lớn. Sản phẩm thực tế, khách hàng chỉ mất một khoản  tiền lớn, còn việc tham gia giáo phái lệch lạc sẽ khiến các tín đồ đánh  đổi bằng cả linh hồn mình.
Đương nhiên, họ  sẽ lý luận rằng do điều kiện không cho phép nên cần phải hoạt động trá  hình. Có lẽ họ quên mất rằng yếu tố quan trọng nhất của tu luyện tâm  linh chính là trung thực, trung thực với mình, trung thực với đời. Một  giáo phái đã có thể nói dối bạn vòng quanh để bao biện cho hoạt động  truyền giáo của mình thì họ cũng có thể nói dối bạn trong nhiều vấn đề  khác. Họ có thể tự lừa mình rằng việc nói dối của họ là vì mục đích cao  cả hơn thì họ cũng có thể tự lừa bản thân về nhiều loại ảo tưởng mà họ  gặp phải trong quá trình tu luyện.
Một số giáo phái hoặc nhóm tâm linh có xu hướng này đang hoạt động hiện nay:
– Brahma Kumaris trá hình bằng tổ chức kỹ năng sống UCIE (Hà Nội) và InnerSpace (TpHCM) với tư cách pháp nhân của UNESCO
– Bạch Hỏa Công  trá hình bằng hoạt động nhóm Tự học Tarot và một công ty sách chuyên  xuất bản các đầu sách về tâm lý trị liệu cho thanh niên (Thông tin này  chúng tôi sẽ cung cấp cụ thể ở các bài sau)
– Sự Học Đích Thực trá hình bằng hoạt động nhóm dậy các lớp phương pháp học cho thanh niên
… và còn rất nhiều giáo phái khác nữa…

KẾT LUẬN

Càng ngày,  các giáo phái hay các nhóm tâm linh càng hoạt động mạnh mẽ, vừa do chính  sách tự do tôn giáo, vừa do sự xuống cấp trầm trọng của dân trí, và còn  do áp lực đời sống hiện đại ngày càng cao. Đương nhiên, ai cũng có  quyền đi theo giáo phái mà mình chọn lựa, kể cả nó có bệnh hoạn tới đâu  đi chăng nữa. Nhưng tự do đích thực không phải là quyền tự do tước bỏ đi  tự do tinh thần của mình. Tôi tin rằng, những ai có nhu cầu tự do tinh  thần thật sự sẽ hiểu điều mà tôi đang muốn đề cập đến ở đây.
Thêm một  điều nữa cần lưu ý với các độc giả: Những ví dụ tôi đưa ra chỉ là một  phần trong số rất nhiều các trường hợp khác. Những ví dụ ấy đều là do  tôi đã từng có trải nghiệm ít nhiều với các giáo phái này. Tôi không đề  cập tới các tôn giáo lớn bởi vì vấn đề của họ phức tạp hơn, do sự chồng  chéo của nhiều tầng lịch sử, và được nhiên, rất nhiều lần họ cũng lệch  lạc. 
Tôi không  mong sau khi đọc bài viết này, bạn nào đó sẽ nhờ tôi chỉ đường dẫn lối,  bởi vì không ai có thể cứu rỗi được ai cả. Tôi chỉ mong rằng các bạn đọc  bài viết của tôi có thể dễ dàng nhận ra đâu đó trong giáo phái mình  theo đuổi hoặc mình đã gặp một vài điểm tương đồng với các dấu hiệu này.  Tôi cũng không kỳ vọng rằng các bạn sẽ từ bỏ giáo phái, tôi chỉ muốn  các bạn ý thức được rằng: Đáng lẽ mọi thứ phải tốt hơn như thế này và có  nhu cầu cải thiện bản thân cũng như cộng đồng tâm linh của các bạn.
Hà Thủy Nguyên