Trong hình ảnh có thể có: 3 người, mọi người đang chơi nhạc cụ, mọi người đang ngồi, đàn ghi ta và trong nhà

Đến giữa những năm 1966, The Beatles dường như đã độc chiếm thị trường âm nhạc và trở thành ban nhạc vĩ đại và có tầm ảnh hưởng nhất cho đến thời điểm lúc ấy. Cơn sốt Beatlemania không có dấu hiệu dừng lại và là bộ mặt chính thức của sự xâm lăng các ban nhạc đến từ nước Anh (British Invasion) - tiêu biểu trong số đó là The Monkees, The Rolling Stones hay The Kinks.
Ngay sau thành công của album Rubber Soul năm 1965, The Beatles quay trở về phòng thu và chuẩn bị cho album thứ sáu của mình, album mà chắc chắn đinh ninh sẽ dập tắt đi những ý niệm mà người ta từng biết về ban nhạc. Revolver có phần chịu ảnh hưởng từ Pet Sounds của The Beach Boys (lãnh đạo chủ yếu bởi Brian Wilson); và, một cách thật trớ trêu, Pet Sounds cũng là một bản thu chịu ảnh hưởng rất lớn từ Rubber Soul.
"We are currently in the studio creating sounds no one has ever heard before." -Paul McCartney 1966
(Chúng tôi hiện đang ở trong phòng thu tạo ra những loại âm thanh mà chưa từng đến tai bất kỳ ai)
Tháng 3 năm 1966, The Beatles lại gây khuấy động dư luận một lần nữa, cụ thể là những tín đồ theo đạo Cơ đốc: “The Beatles có lẽ còn nổi tiếng hơn cả chúa Jesus” - John Lennon.
Trong hình ảnh có thể có: 3 người, mọi người đang ngồi, đàn ghi ta và trong nhà


Tuy rằng đó là sự thật, rằng quả nhiên mức độ ảnh hưởng của The Beatles lên giới trẻ lớn mạnh và rộng rãi hơn bất kỳ nhân vật nào trong Kinh Thánh, câu nói vẫn tạo nên một làn sóng phẫn nộ trên toàn thể nước Mỹ và đã nới rộng khoảng cách của The Beatles với thế hệ trước hơn bao giờ hết. Các con chiên liên tục lập nên những chiến dịch tẩy chay Tứ quái, những buổi đốt đĩa và tranh ảnh liên quan đến The Beatles - những kẻ tội đồ phản Chúa! Riêng bốn chàng trai thì lo sợ cho chính tính mạng của mình vì nhận được vô số những lời đe dọa từ các phe cực đoan, trong đó có cả Ku Klux Klan.
Trong lúc đó, John Lennon có ý tưởng cho track đầu tiên của Revolver (album psychedelic hoàn toàn của The Beatles, được mô tả bởi John là album nhuốm mùi vị LSD hơn là cần sa như Rubber Soul) và nó sẽ khác HOÀN TOÀN so với những gì mà The Beatles từng sáng tác. Nó sẽ là track đánh dấu sự kết thúc của Tứ quái - những cậu trai chơi nhạc vì công chúng và bắt đầu một kỷ nguyên trở thành những nghệ sĩ chơi những gì mà họ muốn chơi.
Ban đầu những tưởng sẽ lấy cái tên “The Void” (Hư Vô) làm tiêu đề, tuy nhiên vì lý do lo sợ rằng nó sẽ khiến cho các fan đã quen với phong cách cũ của ban nhạc e dè ngại ngùng, bài hát mang tên cuối cùng là “Tomorrow Never Knows” (Ngày mai không bao giờ biết, một câu nói chơi chữ hàm ý chỉ sự vô định về tương lai của nhóm mà Ringo đã nói trong một cuộc phỏng vấn với giới báo chí).
Viễn cảnh trong đầu John là bài hát sẽ như mô phỏng lại tiếng “tụng kinh của một vạn vị tu sĩ Tây Tạng trên đỉnh đồi”.
Giọng của John được thu qua máy chỉnh âm Leslie để tạo sự méo mó ảo diệu một cách có chủ đích. Song song lúc ấy, Paul McCartney đã và đang vẫn nghịch phá với kỹ thuật tape loop (vòng lặp băng) được những nhạc sĩ avant-garde như Stockhausen sử dụng trong các thử nghiệm âm thanh từ thập niên 1950.
Những thử nghiệm tương tự này được áp dụng triệt để xuyên suốt Revolver: từ tiếng dàn nhạc giao hưởng trong Eleanor Rigby, đến tiếng sitar Ấn Độ trong Love Me To, tiếng guitar chơi ngược trong I’m Only Sleeping,... khiến cho album mang danh hiệu một trong những album có tầm ảnh hưởng nhất của The Beatles nói riêng và trong nền âm nhạc 50 năm trở lại đây nói chung.
Giới nghe nhạc đại chúng chưa từng nghe thấy bất cứ album nào như Revolver và Tomorrow Never Knows là track dị thường, quái gở, hỗn mang, đậm phong vị của phong trào phản văn hóa nhất, là track mang tính thức thần (psychedelic) nhất từng được sáng tác của Beatles hay của bất kỳ ai cho đến thời điểm khi ấy.
Tomorrow Never Knows là câu trả lời của The Beatles đối với thế giới âm nhạc khi được hỏi rằng, “ngoài việc khiến cho các fan nữ gào thét trong tuyệt vọng vì không được chạm vào mình, thì các anh còn gì để chứng tỏ nữa?”.
Tomorrow Never Knows phá toang hoàn toàn những quy chuẩn của dòng nhạc pop, mở rộng đến tối đa những địa miền của tâm trí, cảm xúc những góc nhìn thế giới quan từ sự tầm thường đến mức độ phi thường của bất kỳ những ai có tai để nghe và có mắt để thấy rằng The Beatles sẽ là những kẻ đặt ra nền móng cho nền nhạc pop và toàn bộ nền văn hóa đại chúng của nửa sau thế kỷ XX.
“Turn off your mind, relax and float downstream…
It is not dying, it is not dying..”

“Hãy tắt đi tâm trí, thả lỏng và cuốn theo dòng chảy…”
Những câu đầu tiên trong bài hát được John Lennon trích dẫn trực tiếp từ cuốn sách The Psychedelic Experience của Timothy Leary (một trong những nhân vật nòng cốt trong phong trào phản văn hóa cũng như người đi đầu trong việc thúc đẩy hợp pháp hóa LSD những năm 1960), với những triết lý dựa trên cuốn Tây Tạng Sinh Tử Kỳ Thư.
Lennon đã đọc và nghiền ngẫm cuốn sách trong nhiều tháng và thử nghiệm với LSD cùng những thành viên khác của The Beatles. Tomorrow Never Knows đích thị là một trải nghiệm thức thần ở dạng bài hát. Những tiếng hú, giọng nói được chơi ngược, tiếng chim mòng biển, dàn nhạc giao hưởng, sitar, đàn guitar biến hòa quyện vào nhau theo một trật tự hỗn loạn tạo thành loại âm thanh khiến người nghe ngay ở thời đại này cũng phải dựng tóc gáy vì độ gai góc cũng như “phê đến chín tầng mây” - nhất là khi ta nhắm mắt lại và tưởng tượng mình được đưa đến những miền sâu thẳm, dị hợm và nhất trong tiềm thức mình.
“Lay down all thoughts, surrender to the void
It is shining, it is shining
Yet you may see the meaning of within
It is being, it is being”

(Buông bỏ mọi suy nghĩ, đầu hàng trước cõi vô định
Vẫn đang sáng chói
Và có thể bạn sẽ tìm thấy chân lý nằm sâu thẳm bên trong
Đó là sự hiện hữu
)

Lời nhạc tiếp tục xoáy thẳng vào những niềm tin, tư tưởng triết học tôn giáo căn nguyên của con người - thật khó tin khi chỉ mới hai năm trước, những cậu trai vẫn còn đang hát về việc muốn...nắm tay người con gái mình yêu.

“Love is all and love is everyone
It is knowing, it is knowing”
(Tình yêu là tất cả và tình yêu là mọi người
Đó là sự thấu hiểu)

Từ “tình yêu” là một trong những từ được lặp đi lặp lại nhiều nhất trong các bài hát của The Beatles - không chỉ là tình yêu lãng mạn đôi lứa mà còn là tình yêu với tất thảy sự sống trên thế gian - một thứ tình yêu toàn thể gắn kết tất cả mọi thứ (thể hiện rõ nhất qua All You Need Is Love, sự kiện đầu tiên được phát trực tiếp toàn cầu) lại với nhau, truyền ngọn lửa cảm hứng qua nghệ thuật mà những người nghệ sĩ là những kẻ cầm đuốc đi đầu.

Trong hình ảnh có thể có: 3 người, mọi người đang cười, mọi người trên sân khấu



“And ignorance and hate mourn the dead
It is believing, it is believing”
(Sự ngu dốt và thù hận sẽ khóc thương cho những kẻ quá cố
Đó là sự tin tưởng)
“But listen to the colour of your dreams
It is not leaving, it is not leaving”
(Nhưng hãy lắng nghe màu sắc của những giấc mộng
Mà không bao giờ tan biến)

Đó là sự giao thoa hoàn hảo giữa âm nhạc đại chúng và tính thử nghiệm, biến hóa, lấy thực tả ảo và lấy ảo tả thực trong cả âm thanh lẫn lời lẽ. Nó là cú tát trời giáng vào nền âm nhạc đại chúng rằng bộ môn nghệ thuật này phải được thúc đẩy cho đến giới hạn tận cùng của nó. Những nhạc sĩ phải sử dụng hết khả năng và sự sáng tạo vô biên của mình để đạp đổ đi những gì cũ kỹ lạc hậu và thay vào đó là một luồng sức sống tự chủ tươi mới, với giá trị nghệ thuật cũng phải song hành với giá trị chính trị và xã hội.
The Beatles đã biến một điều không thể thành có thể. Họ dường như đã đi đến tương lai một trăm năm sau và mang về thời kỳ thập niên 1960 một thứ âm thanh vừa ảo diệu mộng mị, vừa bao hàm những triết lý nhân sinh Hindu mà cũng không quên thổi vào trong đó một nguồn năng lượng nhộn nhịp sôi động - năng lượng dồi dào của sự tiến bộ phát triển của khoa học kỹ thuật và công nghệ điện tử. Chính xác hơn thì tiếng trống của Ringo xuyên suốt bài hát này đã tiên phong cho tiếng beat lặp đi lặp lại của dòng nhạc điện tử bắt nguồn từ đầu những năm 1980 trở đi, mầm mống của EDM về sau.
“So play the game existence til the end…
Of the beginning, of the beginning, of the beginning…”
(Vậy nên hãy sống cho trọn trò chơi kiếp người cho đến tận cùng…
Của sự khởi nguồn, của sự khởi nguồn…)
Hai câu hát cuối cùng của lyrics sẽ rất khó hiểu với những ai chưa từng tìm hiểu hoặc đã có những trải nghiệm liên quan đến tâm linh, song lại hoàn toàn hợp tình hợp lý xét về ngữ cảnh của đạo Phật: Điểm đầu cũng chính là điểm xuất phát của bánh xe luân hồi samsara.
Trong đạo Phật cũng như đa số các tôn giáo phương Đông, kiếp sống của con người ở trần gian được xem là cõi tạm (một ảo ảnh, một trò chơi, một sự mô phỏng, phóng chiếu không-thời gian nhị nguyên không hơn không kém của cái nhất nguyên) và cuộc sống tiếp tục diễn ra cho đến khi ta buông bỏ được cái tôi tìm được cái chân ngã luôn hiển hiện ở đó tại điểm “khởi nguồn” - của hư vô. Và rồi trò chơi lại bắt đầu một lần nữa.
Mỗi khi bạn bật Tomorrow Never Knows và đắm mình trong thứ âm thanh ảo diệu siêu thực xưa nay chưa từng được lặp lại này, hãy nhớ một sự thật dù có phần khó tin rằng, bài hát ra đời năm 1966 - hai năm trước khi con người lên Mặt Trăng; khi mốt thời trang thời thượng của phụ nữ thời bấy giờ vẫn là những bộ váy mini còn với đàn ông là vest hoặc áo len cổ kính.
Những bản hit thời bấy giờ trên BXH billboard vẫn còn là những giai điệu có phần thận trọng trong cách diễn đạt, nội dung về tình yêu trai gái và lời lẽ câu từ vẫn chỉ gói gọn trong lối kể chuyện tình tứ phổ biến trên các radio từ tít dạo thập niên 1940.
Trong hình ảnh có thể có: 2 người


Ta có thể lấy một phép so sánh thú vị: Điều gì sẽ xảy ra nếu một ban nhạc như Ngọt (band, Thắng ơi nếu anh có đọc dòng này thì hãy để em biết mà sửa nhé, yêu anh.) hoặc Cá Hồi Hoang bỗng dưng xuất hiện vào thời bao cấp tại Việt Nam và thay đổi hoàn toàn những quy chuẩn của âm nhạc lẫn văn hóa, áp dụng tiếng kèn cor như trong “Em dạo này”, cũng như lời lẽ rặt phần châm biếm và siêu thực như trong bài “Sản phẩm không phải là thuốc”?
Với quan điểm của tôi thì kể cả một điều có phần phi lý như thế xảy ra đi chăng nữa thì ta cũng mới chỉ mô tả tái hiện được 1/10 so với những thành tựu mà The Beatles đã đạt được trong giai đoạn 1966-1967, giai đoạn với những bước chuyển biến nhanh chóng và vội vã nhất trong lịch sử không chỉ trong âm nhạc mà còn là trong phong trào phản văn hóa. Thế giới đã thực sự thay đổi và điều tất yếu là thế hệ già cỗi khó ở sẽ rồi phải bước lên chuyến tàu thần kỳ lèo lái bởi những con người trẻ có tầm nhìn được bao phủ bởi tình yêu và hòa bình thay vì nỗi căm ghét và chiến tranh.
Có lẽ nhân loại một ngày nào đó sẽ bắt kịp được với những gì mà The Beatles muốn truyền tải trong Tomorrow Never Knows, một trong những track vĩ đại và có tầm ảnh hưởng nhất mọi thời đại từng được ra đời của dòng nhạc pop-rock, là mầm mống khởi nguồn của thể loại nhạc psychedelic rock nửa sau thập niên 1960. Tuy nhiên bản thân Tomorrow Never Knows, khi ta nhìn vào nó một cách khách quan mà có xét về bối cảnh khi nó ra đời hay không đi chăng nữa, xóa nhòa đi mọi ranh giới và định nghĩa của dòng nhạc pop chính thống.
Tomorrow Never Knows bẻ gãy và giẫm đạp lên hoàn toàn những gì mà công chúng mong đợi, trong một sự hả hê không hề nhẹ của bốn chàng nghệ sĩ không chỉ quyến rũ, hài hước mà còn có tài năng vượt xa bất kỳ những nghệ sĩ nào cũng thời. Và The Beatles, chẳng những ý thức rõ được điều đó, mà còn rất tự hào về những thành tựu mà họ mang lại cho thế giới trong Revolver cũng như phấn khích về những khả năng mà họ sẽ sớm chứng tỏ được trong sáu album và ba năm tiếp theo...những bản thu mà chẳng cần có các tour lưu diễn đi kèm. Điều gì phải xảy ra cũng sẽ xảy ra, dù The Beatles hoặc các fan của họ có muốn hay không.
Hãy để họ dìu dắt đến cánh đồng dâu tây và đường Penny.
Minh Tu Le (Tule)
Trong hình ảnh có thể có: 4 người, mọi người đang đứng và bộ vét