Bạn đã bao giờ thắc mắc tại sao có những người xung quanh mình kể chuyện rất cuốn hút? Cùng một câu chuyện đó, nhưng bạn hoặc bất kỳ ai khác kể thì kết quả hoàn toàn ngược lại - nhàm chán và nhạt nhẽo. Ngày nay, mọi người thường hay gọi những người như thế là “thiếu muối”. Họ “thiếu muối” vì khả năng diễn đạt không tốt, không cuốn hút người nghe. Trong cuộc sống cũng như khi làm việc, chúng ta không ngừng sử dụng ngôn ngữ để trao đổi thông tin, thể hiện tình cảm hay thuyết phục. Nếu như khả năng diễn đạt của bạn không tốt, thì chẳng phải bạn đang đánh mất lợi thế của chính mình hay sao? Đặc biệt, trong thời kỳ hội nhập hiện nay, kỹ năng này trở nên vô cùng quan trọng. Nhưng đừng quá lo lắng vì ngay lúc này đây có cuốn sách sẵn sàng bên cạnh hỗ trợ bạn trong mỗi “cuộc chơi của ngôn ngữ”. Đó chính là cuốn “Nghệ thuật diễn thuyết để thành công” của Jerry Weissman sẽ giúp bạn tự tin hơn khi bước ra chiến trận.
Sức mạnh của WIIFY
Mọi sự giao tiếp đều nhằm mục đích đưa khán giả từ điểm xuất phát của bài thuyết trình , Điểm A, đến mục tiêu của bạn, Điểm B.
Chúng ta cần dẫn dắt khán giả của mình, từ những người không có thông tin thành thấu hiểu, từ hoài nghi thành tin tưởng và từ phản đối thành hành động. Để làm được điều đó, ta cần xác định mục tiêu rõ ràng khi bắt đầu, thấu hiểu nhu cầu của họ và đặt nhu cầu đó làm trọng tâm bằng việc đưa ra các lợi ích mà họ sẽ đạt được.

Vậy làm thế nào để thấu hiểu nhu cầu của họ? Khi thuyết trình, đừng bao giờ quên sử dụng WIIFY – What’s In it For You.  WIIFY là lợi ích cho từng khán giả cụ thể trong tình huống thuyết trình của bạn, cụ thể là: điều bạn đang nói có lợi gì cho khán giả, họ nhận được gì khi tham gia đầu tư vào dự án hay sử dụng sản phẩm của bạn.  Ví dụ, khi nhà tuyển dụng đưa ra lời mời làm việc cho ứng viên trẻ, WIIFY sẽ là: " Nếu bạn gia nhập vào công ty chúng tôi, bạn sẽ bắt đầu một sự nghiệp tuyệt vời với mức lương hậu hĩnh, những thử thách hấp dẫn và viễn cảnh một ngày sẽ trở thành CEO của công ty!"
Hãy kích hoạt tư duy về nhu cầu của họ, luôn tìm và nói về chúng khi bạn thuyết trình.Có 6 câu hỏi quan trọng giúp bạn kích hoạt một WIIFY
1.  " Điều này quan trọng với bạn vì...." (Điền WIIFY vào chỗ trống)
2. " Điều đó có ý nghĩa gì với bạn? (Giải thích bằng WIIFY)
3. " Tại sao tôi lại nói với bạn điều này? ( Giải thích bằng WIIFY)
4. "Ai quan tâm chứ?" ( " Bạn nên quan tâm bởi vì...")
5. " Thế thì sao?" ( "Đây là giải pháp")
6. "Và....? " ( "Đây là WIIFY...")
Mỗi yếu tố của một bài thuyết trình, hãy gắn với một WIIFY. Đó là công cụ mạnh mẽ để nhắc nhở bạn rằng khán giả của mình là ai và họ đang cần gì.
Brainstorming
Sau khi đã thấu hiểu về nhu cầu của khán giả, bước tiếp theo bạn cần làm đó là xây dựng một bài thuyết trình hoàn hảo. Và để có được một bài diễn thuyết lôi cuốn, thì bạn cần vẽ nên cho nó một câu chuyện riêng theo cách của mình.

Trước hết, hãy vận dụng tất cả những nơron thần kinh trong não bộ của bạn để tìm ra những ý tưởng mới, sáng tạo. Không cần thiết nó phải theo một trình tự logic nào cả, cứ để não bạn nhảy múa và ta sẽ có những ý tưởng đầy táo bạo, hấp dẫn. Đó là quá trình “bão não” (brainstorm).
Trước khi bắt đầu brainstorm, bạn cần xác định những vấn đề cần tập trung ưu tiên giải quyết. Những vấn đề đó sẽ là: 
Điểm B của câu chuyện: Xác định mục tiêu của bài thuyết trình ngay từ đầu và phát triển câu chuyện hướng về nó. 
Khán giả: Danh tính (Khán giả của bạn là ai? Vai trò của họ là gì?),  Trình độ kiến thức của họ về chủ đề bạn đang thuyết trình ( Số lượng khán giả càng lớn thì bài presentation của bạn càng phải đơn giản), WIIFY của họ.
Các yếu tố ngoại cảnh: Các yếu tố ngoại cảnh là những thứ nằm ngoài khả năng kiểm soát của bạn và khán giả. Một số yếu tố mang tính tích cực, một số lại tiêu cực. Ví dụ, bạn đang kêu gọi đầu tư cho một công ty thì thị trường rộng mở sẽ là một yếu tố ngoại cảnh tích cực, trong khi các đối thủ đáng gờm là một yếu tố tiêu cực. Bạn phải cân nhắc tất cả các yếu tố ngoại cảnh để chuẩn bị cho bài thuyết trình. 
Chuẩn bị tâm thế
Who: Bạn có phải là diễn giả duy nhất không? Nếu không, có bao nhiêu   diễn giả khác sẽ tham gia cùng bạn? Bài thuyết trình của bạn liên quan   thế nào đến phần của các diễn giả khác?
When: Khi nào bạn sẽ thực hiện bài thuyết trình? Bạn sẽ có bao nhiêu thời gian để nói? Liệu bạn có thời gian để tương tác với khán giả không? Có phần hỏi đáp không?
Where: Bạn trình bày ở đâu? Căn phòng sẽ được bài trí như nào? Không gian nhỏ hay lớn? 
What: Bạn sẽ sử dụng những công cụ nghe nhìn nào? Bạn có cần phải trình diễn sản phẩm thực tế không? Bạn có không gian để thực hiện tương tác không? Nếu có thì vào lúc nào ( trong, trước hay sau bài thuyết trình)?
Sau khi bạn đã xác định được các yếu tố kể trên, thì đã đến lúc để bạn bắt đầu buổi brainstorm. 
Tìm mạch thuyết trình
Khi đã brainstorm để có các ý tưởng cho bài thuyết trình, giờ là lúc bạn cần sắp xếp các ý tưởng đó theo trình tự để tạo thành một mạch thuyết trình xuyên suốt cả bài. Điều tối kỵ nhất khi thuyết trình đó là khiến khán giả của bạn phải suy nghĩ, vì thế ta cần có một cấu trúc rõ ràng giúp bài thuyết trình của bạn thu hút hơn bao giờ hết. Để hỗ trợ bạn, Weissman đã đưa ra 16 cấu trúc mạch thuyết trình: 
Cấu trúc mô-đun: Bài thuyết trình được tạo thành bởi các phần có vai trò và tầm quan trọng như nhau, có thể tráo đổi vị trí giữa các phần
Cấu trúc theo thời gian: Các luận điểm được sắp xếp theo thứ tự thời gian, phản ánh các sự kiện theo trình tự thời gian.
Cấu trúc vật lý: Sắp xếp các luận điểm theo trình tự đặc điểm vật lý hoặc vị trí địa lý của chủ thể được đề cập trong luận điểm đó
Cấu trúc theo không gian: Coi bài thuyết trình là một thực thể, sử dụng phép ẩn dụ hoặc so sánh để hình tượng hóa các ý tưởng, sau đó sắp xếp các luận điểm theo trình tự vị trí, vai trò của chúng đối với thực thể.
Cấu trúc giải pháp - vấn đề: Liên kết nội dung chính của bài thuyết trình với một vấn đề cần giải quyết, các luận điểm sẽ là các giải pháp mà công ty của bạn đưa ra.
Cấu trúc vấn đề - hành động: Tương tự với cách 5, nhưng luận điểm của bạn là các đề xuất hành động để xử lý, ứng phó.
Cấu trúc cơ hội - vận dụng: Coi nội dung chính của bài thuyết trình là một cơ hội kinh doanh, còn các luận điểm là các cách mà bạn buộc công ty bạn sẽ thực hiện để tận dụng cơ hội đó.
Cấu trúc ưu thế - ứng dụng: Nội dung bài thuyết trình xoay quanh ưu thế cốt lõi trong ý tưởng kinh doanh của bạn và trình bày ứng dụng, các chức năng của nó. 
Cấu trúc đặc điểm - lợi ích: Sắp xếp luận điểm xung quanh một loạt các đặc điểm của sản phẩm/ dịch vụ cùng lợi sich tương ứng mà mỗi đặc điểm sẽ mang lại cho khách hàng
Cấu trúc câu chuyện thực tế: Xây dựng bài thuyết trình theo cách tường thuật lại một tình huống thực tế mà bạn đã giải quyết một vấn đề cụ thể hoặc đáp ứng nhu cầu của một người nào đó.
Cấu trúc luận cứ - phản biện: Tự đưa ra các ý kiến phản đổi lại công ty/ sản phẩm của bạn, sau đó đưa ra các lập luận phản bác từng ý kiến đó, mỗi lập luận sẽ thể hiện ưu thế của bạn
Cấu trúc so sánh - đối chiếu: Xây dựng bài thuyết trình dựa trên một chuỗi các phép so sánh đối chiếu để chỉ ra sự khác biệt giữa công ty bạn và đối thủ
Cấu trúc ma trận: Sử dụng biểu đồ 2:2 hoặc lớn hơn để hệ thống hóa các nhóm vấn đề liên quan ảnh hưởng lẫn nhau.
Cấu trúc đồng bộ hóa: Các luận điểm được trình bày tương ứng với nhau. Nếu có các luận cứ hỗ trợ cho luận điểm, các luận cứ cũng phải được trình bày với cấu trúc giống nhau.
Cấu trúc câu hỏi tu từ: Đặt ra các câu hỏi mà khán giả có thể hỏi rồi lần lượt giải đáp từng câu
Cấu trúc đánh số: Dùng các con số làm thứ tự liệt kê các ý tưởng, số liệu hoặc các luận điểm vốn thiếu tính liên kết lại với nhau.
Những cấu trúc này đều có điểm chung và bạn cần chọn ra được một hoặc hai cấu trúc để áp dụng cho cả bài thuyết trình theo hướng dẫn. Vấn đề không phải là bạn sử dụng cấu trúc nào, mà quan trọng là cấu trúc đó phải thống nhất cho cả bài thuyết trình.
Mở đầu ấn tượng
Cấu trúc thuyết trình đã xong xuôi, và giờ bạn cần tạo ra cho mình một cú mở màn thật đỉnh. Bạn phải “bắn pháo hoa” ngay từ những giây phút đầu tiên, phải gây sự chú ý của khán giả. Và chúng ta có 7 cách để có thể mở màn ấn tượng nhất:
Câu hỏi: Một câu hỏi trực tiếp hướng đến khản giả.
Thông tin: Một thống kê nổi bật hoặc thông tin ít được biết đến.
Hồi tưởng/ viễn tưởng: Một cái nhìn về quá khứ hoặc tương lai.
Mẩu truyện: Một mẩu truyện mang tính nhân văn.
Trích dẫn: Một đánh giá xác thực từ một nguồn đáng tin cậy về bạn hoặc công ty của bạn.
Cách ngôn: Một câu nói quen thuộc (Ví dụ: Thấy là tin, Nói dễ hơn làm).
Sự tương đồng: Một sư so sánh giữa hai thứ có vẻ không liên quan những giúp làm rõ một vấn đề phức tạp, mơ hồ. 
Liên kết bài thuyết trình
Khung xương cho bài thuyết trình đã được chuẩn bị xong, giờ là lúc bạn cần học cách để biến nó trở thành một bài hoàn chỉnh, bạn cần thổi hồi cho nó. Thử xem Weissman đã làm gì nào? Ông đã đưa ra hai dạng kết nối chính đó là liên kết nội bộ và liên kết bên ngoài. Liên kết nội bộ để gắn kết từng “cái cây” luận điểm trong bài thuyết trình của bạn thành một “rừng cây” hoàn chỉnh, còn liên kết bên ngoài giúp bạn gắn kết phần thuyết trình với khán giả. Chúng ta có 12 liên kết nội bộ và 7 phương pháp liên kết bên ngoài.
12 liên kết nội bộ:
Nhắc lại mạch thuyết trình: Nhắc lại cấu trúc bài thuyết trình trong khi bạn trình bày
Chuyển tiếp logic: Chốt lại chủ đề vừa xong; dẫn đến chủ đề tiếp theo.
Tham chiếu chéo: Gợ mở một chủ đề ở phần trước và nhắc lại ở phần sau của bài thuyết trình.
Câu hỏi tu từ: Đặt câu hỏi liên quan, sau đó cung cấp câu trả lời.
Chủ đề xuyên suốt: Đưa ra một ví dụ hoặc dữ liệu ngay phần đầu, sau đó nhắc đến ví dụ này trong suốt bài thuyết trình.
Mật chú: Nhắc đi nhắc lại một chi tiết hoặc khẩu hiệu.
Tóm lược từng phần: Tạm dừng khi chuyển sang nội dung lớn tiếp theo và tóm tắt lại phần vừa trình bày.
Liệt kê: Gom các nội dung có liên quan vào cùng một nhóm và lần lượt trình bày từng nhóm.
Làm toán: Đưa các con số vào bài thuyết trình và diễn giải chúng.
Củng cố điểm B: Lặp lại nhiều lần lời kêu gọi hành động trong suốt phần thuyết trình.
Nhắc tên công ty: Nói rõ tên công ty, sản phẩm hoặc dịch vụ của bạn.
7 phương pháp liên kết bên ngoài: 
Liên hệ trực tiếp: Nhắc đến tên của một hoặc nhiều người trong nhóm khán giả đang nghe bạn thuyết trình.
Liên kết mẫu số chung: Nhắc đến một nhân vật, một công ty có liên quan đến cả bạn và khán giả của bạn.
Đặt câu hỏi: Đưa ra một câu hỏi trực tiếp cho một hoặc nhiều người trong số các khán giả.
Liên hệ thực tế: Liên hệ đến những sự việc xảy ra ngay ở thời điểm hiện tại.
Địa phương hóa: Liên hệ đến địa điểm mà bạn đang thuyết trình.
Sử dụng dữ liệu: Liên hệ các số liệu, thông tin thực tế có thể hỗ trợ cho thông điệp của bạn.
Tùy chỉnh slide mở đầu: Bắt đầu bài thuyết trình với một slide có đầy đủ thông tin về khán giả, địa điểm và ngày tháng

Vừa rồi là những ý chính quan trọng nhất của cuốn sách, còn rất nhiều ý mình chưa kịp nói tới, đặc biệt là những nguyên tắc thiết kế slide bắt mắt. Nếu các bạn muốn tìm hiểu kỹ về chúng, thì hãy mua cuốn sách này để nghiên cứu thêm nhé. Hãy “tậu” nó, đọc và vận dụng theo cách của riêng bạn. Mình  tin chắc rằng, bạn sẽ không hối hận khi khép lại cuốn sách này đâu.