Thái Phỉ tên thật là Nguyễn Đức Phong, sinh năm 1903 tại Thái Bình. Cái tên Thái Phỉ được đặt theo câu "thái phng thái phỉ" trong kinh Thi, nghĩa là hái rau phong rau phỉ, mang ý nghĩa quê mùa mộc mạc. Ông hoạt động tích cực trên báo chí và trong lĩnh vực giáo dục, là tác giả của nhiều cuốn sách về học tập và cho thiếu nhi.
Một nền giáo dục mới được ông viết năm 1941, với mong muốn xây dựng một nền giáo dục thiếu niên và thanh niên cho mai sau dựa theo những nhu cầu của xã hội Việt Nam. Cuốn sách nói lên những thực trạng của nền giáo dục của Việt Nam trong giai đoạn đầu của thể kỉ XX, về thực tế thanh niên, học sinh của Việt Nam trong giai đoạn này và một số những quan điểm về một nền giáo dục mới chú trọng phát triển con người đáp ứng các yêu cầu của cuộc sống Việt Nam trong tương lai. Đến nay, nhiều nội dung trong cuốn sách vẫn có thể dễ dàng bắt gặp trong cuộc sống hiện đại, qua cuốn sách cũng nói lên những yêu cầu một nền giáo dục tiến bộ mà chúng ta cần phải xây dựng và hướng tới.
Phần 1: Nền giáo dục xưa và nay.
Tác giả coi việc giáo dục một con người như công việc của một thợ thủ công nhào nặn khối đất sét để tạo ra sản phẩm của mình. Theo đó học sinh, thiếu niên là nguyên liệu và thành phẩm của quá trình nhào nặn ấy chính là con người Việt Nam tiến bộ mà nền giáo dục đào tạo ra. Nền giáo dục theo tác giả được thể hiện thông qua 3 khía cạnh: nhà trường, gia đình và xã hội:
1. Tại trường học.
Qua các triều đại phong kiến, nền giáo dục của nước ta chịu ảnh hưởng sâu sắc của Hán học và các yếu tố tôn giáo, nội dung trọng từ chương như thi, phú, văn, sách và kinh nghĩa hơn cả nên mọi người đều đổ xô đi học những thứ Hán học hư văn để tham gia thi cử từ đó tiến thân cho dễ. Bên cạnh đó, phương pháp giảng dạy thời này cũng chưa hợp lí, khi cho trẻ con học thuộc lòng những cuốn sách đầy tính luân lí mà thậm chí kể cả người lớn cũng chưa tường tận nghĩa của chúng. Nội dung của các quyển sách ấy được triều đình kiểm soát nghiêm ngặt để củng cố chế độ, thầy cứ nhắm mắt mà giảng chữ nào nghĩa đấy, trò thì cũng nhắm mắt học cho thuộc để sau đem ra ứng dụng thi cử; sự gò bó này đến nỗi không cho người ta được bàn luận trái với nội dung hoặc mở rộng các vấn đề vượt qua các giới hạn mà triều đình cho phép. Bên cạnh đó, việc quá bị gò bó vào những phép tắc chặt chẽ của thơ, phú đã làm cho tư duy của người học vốn đã không được tự do, lại bị bó buộc vào những hư văn nên những khả năng tư duy, suy xét và phán đoán không tài nào phát triển được. Cuối cùng là việc quá đề cao hư văn, những gì mà hiền nhân dạy trong kinh, truyện mà xa rời đã thực tế đã làm cho nền giáo dục nước ta không tài nào tiến được, thêm nữa là việc phản đối hết thảy những cái mới, cái lạ của phương tây khiến cho nền giáo dục ngày càng tệ hơn.
Cuối thế kỉ XIX, lượng tri thức mới được du nhập mạnh mẽ vào nước ta và dưới sự ảnh hưởng của Pháp, liệu nền giáo dục có thay đổi? Câu trả lời đáng tiếc là không. Pháp tuy đã có một số biện pháp nhằm cải cách giáo dục nước ta nhưng cốt lõi vẫn chỉ hướng đến một trình độ để người Việt Nam có chút hiểu biết và hiểu tiếng Pháp để trở thành khâu trung gian phục vụ cho việc cai trị của mình. Tuy vậy nhưng Pháp cũng góp phần cải cách nền giáo dục nước ta thời bấy giờ, khi loại bỏ hết chế độ thi cử thời phong kiến để thành lập ra các trường học chia làm các cấp: Bậc sơ đẳng yếu lược (để phổ thông giáo dục, dạy tiếng Việt và tiếng Pháp nhưng không bắt buộc); Bậc sở đẳng tiểu học (dạy Pháp văn và một ít quốc văn); Bậc cao đẳng tiểu học (dạy bằng pháp văn ở chương trình học cao hơn); Bậc trung học (theo chương trình của Pháp); Bậc đại học (chuyên đào tạo nhân lực cho các cơ quan công sở). Nhìn sơ qua thì có thể thấy Pháp đã mang đến những thay đổi, nhưng sự thay đổi này chỉ phục vụ cho mục đích của Pháp là đào tạo ra các quan lại phục vụ cho quá trình thuộc địa hóa.
Một nền giáo dục chân chính là nền giáo dục với mục tiêu: "rèn đúc thiếu niên thành những con người có đủ sức mạnh về vật chất và tinh thần để có khả năng tự xây dựng lấy một cuộc sống độc lập". Nều giáo dục nước ta thời Pháp thuộc tuy có những phát triển hơn so với trước nhưng cũng bộc lộ không ít những hạn chế. Thứ nhất, ngôn ngữ giảng dạy ở các bậc học vấn quan trọng thường là tiếng Pháp, vốn nội dung đã khó nay lại được dạy bằng một ngôn ngữ khác với tiếng mẹ đẻ khiến cho người học chữ được chữ không, rất khó để hiểu hết kiến thức được dạy. Thứ hai, chương trình học là rất nặng, bắt người học phải tiêu hóa một lượng kiến thức khổng lồ, rời rạc, cái cũ chưa hiểu hết đã phải tống ra ngoài để còn học cái mới khiến cho kết quả là mỗi thứ biết một ít nhưng chẳng thể nào đủ sâu sắc để áp dụng và thực tế cả. Thứ ba, trường học đang ngày càng trở nên giống một hiệu buôn, với việc đặt lợi ích của việc kinh doanh, làm sao để kiếm được nhiều lợi nhuận nhất hơn là mục tiêu chân chính là đào tạo, giáo dục con người.
2. Tại gia đình.
Việc giáo dục tại trường học đã có nhiều khuyết điểm như thế, thì việc giáo dục tai gia đình thời bấy giờ có hiệu quả hay không? Đáng buồn là việc giáo dục tại gia đình rất ít, gần như không có chứ đừng nói đến việc hiệu quả. Nếu ngày xưa dưới thời Nho học còn đang thịnh thì việc giáo dục này còn chút ít, chủ yếu trong khuôn khổ "trung, hiếu, tiết, nghĩa và nhân, nghĩa, lễ, chí, tín" thì tới ngày nay sự giáo dục ấy không còn nữa. Nhiều gia đình coi việc nhà đông con là có phúc nhưng lại chẳng bao giờ ngó ngàng gì đến việc giáo dục con cái cho phải phép. Người cha thì tối ngày đi làm tại công sở, mỗi khi rảnh dỗi có thút thời gian thì chẳng dành cho con cái mà lại xa vào các thú tiêu khiển cờ bạc hát xướng. Đến lượt người mẹ thì cũng chẳng giúp gì nhiều; có người thị mải buôn bán chạy ngược chạy xuối, để cái lợi che mắt mà xao nhãng, bỏ bê việc dạy con; có người có tiền thì lại xa vào bài bạc, vào cuộc đời phù hoa thì thời gian đâu mà dạy con nữa. Trong những gia đình ấy thì việc giáo dục thiêng liêng ấy lại được giao cho những kẻ hầu, đầy tớ của gia đình; khiến cho những đứa trẻ non nớt cái tốt thì chẳng được dạy bảo mà những tật xấu thì cái nào cũng có. Nói như vậy nhưng cũng không phải là không có bất kì sự giáo dục nào của gia đình, một số nhà vẫn quan tâm đến con cái nhưng lại bằng roi vọt, đây là điều vô cùng là tai hại khi để lại những tổn thương về thể xác thì ít mà về tinh thần thì rất lớn; khiến cho con trẻ càng rụt rè, sợ hãi, nhu nhược. Sự giáo dục này bị bỏ bê đến nỗi chính người con cũng chẳng coi bậc sinh thành là gì, người cha đã biến thành "ông bô" và người mẹ thành "bà via" trong những câu chuyện của mình.
3. Ngoài xã hội:
Hai sự giáo dục ở trên đã không mấy thành công thì giáo dục của xã hội cũng chẳng mấy tích cực. Việc quá bị bó buộc bởi quá khứ Nho học đạo lí khiến cho xã hội nổi lên cái phong trào "vui vẻ trẻ trung". Vốn với mục đích sống phải thật vui vẻ, thì mới trẻ trung, mới tích cực lao động, làm việc hiệu quả. Ấy vậy đa số những người trẻ lại hiểu sai nghĩa thế nào là vui vẻ trẻ trung, Họ lầm tưởng rằng tuổi trẻ có thể nói hay làm bất cứ cái gì chướng tai gai mắt mà vui đùa, chẳng ai trách móc cả. Họ "sỗ sàng, cấc lấc", những câu tục tĩu xưa chỉ thấy ở những kẻ vô văn hóa nay lại được những cậu học sinh thốt ra như một câu đùa bình thường, kể cả nơi công cộng. Nhũng câu chuyện họ nói một cách vô tư, mà khiến cho những người lớn nghe được phải ngượng ngùng, đỏ mặt khi nghe thấy. Họ ngang nhiên gọi thầy giáo của mình là "ông này, lão nọ, thằng kia", hát những câu hát tục tĩu khiến cho những người lớn nghe được phải đỏ mặt. Không chỉ có vậy, lúc bấy giờ đang nổi lên cái văn trào phúng, dùng lời văn vui cười để chế diễu tất thảy cái gì mà cho rằng làm chậm bước tiến của cuộc tiến hóa văn minh, kể cả truyền thống dân tộc. Đáng buồn thay với những bộ óc non nớt của những thanh niên ấy thì đâu thể hiểu hết được những gì đang xảy ra. Họ nghi ngờ tất cả mọi thứ, kể cả những gì thiêng liêng nhất, sinh ra cái "tinh thần chối kệ", họ trối kệ tất cả từ cái tiếng Tổ Quốc thiêng liêng đến cái bản thân của chính họ; họ không còn tin vào tương lai nữa, họ thấy chán đời, không còn một lí tưởng nào nữa. Việc xã hội đột ngội thay đổi như vậy cúng khiến cho con người ít nhiều cũng thay đổi, họ không còn sùng bái danh nhân nữa mà quay sang sùng bái các tài tử, các ngôi sao của màn bạc hơn là tên và chuyện của những người đã hi sinh vì đất nước này, có lẽ cái tên của một diễn viên còn hấp dẫn đối với họ hơn là cái tên Lý Thường KIệt chẳng hạn. Nói như vậy không có nghĩa là tất cả thanh niên trong xã hội lúc bấy giờ là xấu xa. Họ chẳng qua là nạn nhân của sự thay đổi nhanh chóng của văn hóa, xã hội, khi mà cái đức tính cũ chưa được định hình mà đã phải tiếp xúc với những thứ tệ nạn, suy đồi của xã hội phương tây du nhập vào. Chính bản thân những thế hệ thanh niên đó đã vô tình rơi vào vòng xoáy cám dỗ của rượu, thuốc phiện và cả xác thịt.
Phần 2: Một người mới của xã hội Việt Nam mai sau.
Thực trạng vừa nêu là kết quả của một nền giáo dục lầm lạc và còn nhiều khuyết điểm từ cả phía trường học đến gia đình và xã hội. Tuy vậy chúng ta vẫn phải tiếp tục sự nghiệp giáo dục của đất đước, bằng những cải cách và thay đổi của mình, mà trước tiên và quan trọng nhất là phải định hình được vóc dáng, phẩm chất cần có của một người "Thanh niên Việt Nam" trong thời đại mới. Theo tác giả, một người Việt Nam hiện đại phải có đầy đủ năng lực cả về trí tuệ và thể chất cũng như đầy đủ các khía cạnh khác.
1. Về thể chất: - Khỏe: khỏe ở đây không phải là cơ bắp như các vận động viên mà là phải có cơ thể cân đối, là cái khỏe đẹp, là cái khỏe để làm việc. Mà để đạt được cái khỏe ấy không chỉ phụ thuộc vào sự tập luyện mà còn vào đồ ăn bổ dưỡng và sinh hoạt điều độ nữa. Con người phải thật khỏe, cái khỏe để làm việc, không cần phải có thân thể của lực sĩ mà khỏe ở đây là có thể đi bộ lâu mà không thấy mệt, đứng lâu mà không thấy chồn, ngồi lâu mà không thấy mỏi; ngoài ra còn có thể dầu sương dãi nắng được, chịu được nóng lạnh; ngoài ra là có thể sống cái đời gần với tự nhiên, chống được những cái độc ác, sẵn sàng đón những cái bất ngờ.
- Sạch: sạch sẽ ở đây không phải chỉ ở bề ngoài, ở quần áo mà ở trong cả cơ thể; thường xuyên tắm rửa, vệ sinh cá nhân. Cái sạch cơ thể chính là tiền đề của cái sạch tâm hồn; người nào rèn được thói sạch sẽ thì hiển nhiên sẽ thấy khó chịu ở trong một cái công xưởng không ngăn nắp, ở trước một bàn giấy bừa bộn, chính những cái này làm giảm uy thế của một nhà kinh doanh lớn trước mắt những người đến hợp tác công chuyện làm ăn.
2. Về tinh thần: - Yêu đời: Sự yêu đời là một đức tính của một người Việt Nam mới, vì bao nhiêu tình cảm cao thượng đều từ đó mà ra; người ta có yêu đời mới biết sống là vui, mới biết yêu mình, yêu người, yêu nhà, yêu nước, yêu nhân loại. Có biết sống là vui mới loại bỏ được tư tưởng thờ ơ với mọi việc ở đời, mới bỏ được những tư tưởng xúi dục người ta thực hiện những cái ngông cuồng dại dột và ác độc. Và chỉ khi đó, con người mới có thể cải tạo xã hội chưa tốt trở nên tốt đẹp, hạnh phúc. Chúng ta có lẽ chẳng lạ lẫm gì với từ tình yêu, thứ khiến bao người khao khát, thèm thuồng nhưng tình yêu có nghĩa rộng hơn của nó và với riêng cái tình yêu đời, yêu công việc lại là đức tính không dễ có được.
- Vui vẻ: là sự vui vẻ có ý thức, trong sạch và cao thượng, phản ánh một tâm hồn yêu đời, vui sống, một tính tình hòa nhã làm cho mọi người cảm mến; họ có thể vui đùa nhưng là vui đùa trong sáng của tuổi trẻ; họ có thể tung hoa giấy, nhưng phải biết tùy từng nơi, từng chỗ; vui vẻ để tỏ ra mình yêu đời một cách thành thực, tha thiết và chính đáng là một điều cần thiết.
- Hoạt động: ta phải hoạt động và hoạt động luôn luôn từ trẻ đến già; tránh lười biếng, ỷ lại vào người khác, vào hoàn cảnh mà từ bỏ cố gắng, hòng tạo dựng một cuộc sống đầy đủ, tạo ra hạnh phúc và sống một cuộc đời độc lập.
- Có tinh thần độc lập: Người muốn làm trọ cái lợi ích, nhiệm vụ của mình với xã hội, muốn là "mình" thì tất nhiên phải có ít nhiều tinh thần độc lập. Người độc lập là người sống có nguyên tắc và không chịu rời bỏ nó, không bao giờ hi sinh nó và theo đuổi đến cùng; đặt lương tâm len trên dư luận, nghĩa vụ lên trên lợi lộc; làm tất cả những gì người khác nói, mà chỉ nên nói những gì nên nói; không cúi đầu trước sự thành công và trược thực tại, nhưng biết phản kháng và hành động khi công lí bị dày xéo, chính nghĩa bị lung lay. Tóm lại người có tinh thần độc lập là người biết tự trọng và tự chủ, có tâm hồn cương nghị và cao thượng nhưng không tự kiêu, "danh dự hơn là hư vinh".
- Có óc khoa học: luôn tìm cách trả lời cho những câu hỏi, đi đến tận cùng của vấn đề; biết nghi vấn mà để tìm cách chứng minh cho đúng, óc khoa học không nên bóng bẩy mà quan trọng hơn hết là phải chính xác, không giả dối, ngoài ro còn có cả sự rộng lượng và khoan dung nữa. Có cái óc khoa học như vậy thì cho dù là kinh doanh hay chính trị, con người mới có thể tư duy đúng đắn, nhìn nhận thấu đáo và giải quyết triệt để vấn đề.
- Có óc thực tế: Nếu giàu trí tưởng tượng qua thì khó thấy rõ cái thực trạng của sự việc; tránh tập trung vào những cái nhỏ nhặt, tiểu tiết mà nên tập trung vào cái cốt lõi quan trọng. Trong bối cảnh ngày nay, khi thời gian quý hơn vàng thì việc xử lí công việc một cách giản dị, nhanh chóng là hiệu quả nhất, khi gặp nguy nan cấp bách không nên lúng túng mà phải tìm cách để vượt qua khó khăn mau chóng là quan trọng nhất.
- Trọng kỉ luật và trật tự: ở đời này, mọi việc muốn cho kết quả đều phải sắp đặt cho có trật tự và đặt dưới một kỉ luật riêng, không thể cái gì lúc nào cũng bừa bãi lộn xộn được.
- Có tinh thần gia đình: ngày nay việc chạy theo chủ nghĩa cá nhân của châu âu một cách mù quáng mà không nhận thấy hết khuyết điểm của nó khiến cho nhiều người một đằng là kẻ ích kỉ, một đằng thì lại quên mất gia đình của mình. Họ coi gia đình là nơi kìm kẹp chí tiến thủ của họ nhưng đâu đã phải thế, gia đình là nơi dạy dỗ con người tránh xa khỏi những cám dỗ của xã hội, là nơi ủng hộ cả về vật chất và tinh thần cho mỗi người. Do đó phải gọi họ quay về với gia đình cùng với tinh thần đoàn kết và sự thờ kính tổ tiên, có thế họ mới quý cái tên của mình, không dám làm chuyện gì xấu để vấy bẩn danh dự, tiếng tăm của cả một dòng họ.
- Ý thức quốc gia: gia đình là gốc của quốc gia. Người ta vì yêu nhà mà sinh ra cái yêu nước, sự thờ kính tổ tiên ra sự sùng bái danh nhân. Có ý thức quốc gia thì thiếu niên Việt Nam mới biết về lịch sử bốn ngàn năm của dân tộc, mới biết được sự kiêu hãnh của cái tên Người Việt Nam, vì thế mới một lòng bảo vệ và xây dựng tổ quốc.
- Có một lý tưởng để mà phụng sự: Chỉ những kẻ tự cho mình như đã chết rồi; chỉ những kẻ tham lam ích kỉ chỉ biết giày xéo lên hạnh phúc của người khác để mưu cầu hạnh phúc cho mình mới không có một lí tưởng gì, mới không có hoài bão ở trong lòng. Lý tưởng mà thanh niên Việt Nam nên hướng đến là khiến tro tổ quốc Việt Nam được biết đến rộng rãi trên bản đồ thế giới, làm cho xã hội Việt Nam ngày càng trở nên thịnh vượng; và xa hơn nữa là làm cho loài người được sống sung sướng.
- Biết tránh xa sự xa hoa và nhu nhược: Các nhà xã hội học nghiên cứu về nguyên nhân suy nhược của các nền văn minh trên thế giới đều thấy rằng xa hoa và nhu nhược là hai nguyên nhân chính dẫn đến sự sụp đổ của các nên văn minh chói lọi của lịch sử loài người.
- Sống một cuộc đời thật giản dị: phải tránh cái tật kiêu sa mà Người Việt Nam phải sống thật giản dị hơn nữa. Cái văn minh phương Tây du nhập vào nước ta cũng kéo theo sự xa hoa bên ngoài, khiến người Việt sa vào những một cuộc sống phiền phức, tốn tiền, chỉ muốn bắt chước ăn ở, chơi bời như những kẻ lắm tiền nhiều của để rồi sa đà vào sự u mê vật chất. Do đó người "VIệt Nam mới" phải nên học cách sống thật giản dị về vật chất nhưng phong phú về tinh thần.
- Làm trí lớn và gan dạ: Trông rộng, làm lớn, táo bạo, liều lĩnh ấy là đầu óc của một người có óc kinh doanh và cũng không kém phần quan trọng để phấn đấu. Dám nghĩ dám làm là điều phải trở thành đặc trưng của người Việt trong thời kì mới.
Phần 3: Cải cách giáo dục:
Để xây dựng nên một con người Việt Nam tiến bộ như trên thì cần phải có một nền giáo dục phù hợp, tiến bộ tương ứng. Dưới đây là một số quan điểm của tác giả về việc xây dựng nền giáo dục:
1. Kết hợp các kiến thức trong giáo dục: bên cạnh các kiến thức cơ bản thì nhà trường nên có những môn học về công nghệ, nông nghiệp mà tùy thời con người có thể vận dụng linh hoạt các kiến thức ấy vào cuộc sống. Việc giảng dậy ấy không chỉ là trên sách vở mà phải có thực tế, phải để học sinh tự mình trải nghiệm các kiến thức để từ đó tự xây dựng kĩ năng của bản thân; sao cho ở trong ngành nghề nào, công việc nào đều có thể sử dụng kiến thức đã được dạy.
2. Chương trình học đơn giản và thiết thực: không nên quá đặt nặng lượng kiến thức lý thuyết, chương trình học phải được thiết kế sao cho: "thiếu niên có đủ khả năng vật chất và tinh thần để sống một cách tự lập, đầy đủ và thư sướng ở xã hội loài người ngày một tiến", và để làm được điều này cần thực hiện hai yêu cầu: thứ nhất giản ước và thiết thực về mặt tri thức, thứ hai là phong phú về mặt đức dục.
3. Xây dựng nền giáo dục mẫu giáo làm gốc: như cái cây phải uốn nắn từ sớm để tạo thành dáng, con người cũng vậy. Dạy con từ thủa còn thơ là phương pháp hiệu quả nhất để rèn cho con người những phẩm chất tốt đẹp. Do đó trường mẫu giáo chính là cái lò đầu tiên và quan trọng nhất để rèn luyện tâm tính của một đứa trẻ.
4. Phát triển nền thể dục: muốn con người phát triển toàn diện là phải đảm bảo hai yếu tố cả về trí tuệ và thể chất. Do đó trường học phải có các sân tập thể thao, các phòng phục vụ cho nhu cầu thể thao của thanh niên. Bên cạnh đó là phải có chế độ y tế, chăm sóc sức khỏe thật chu đáo, để cho cơ thể của thanh niên thật khỏe mạnh.
Phần kết: Trên đây là phần tóm tắt nội dung của cuốn sách "Một nền giáo dục Việt Nam mới" của tác giả Thái phỉ. Mặc dù được viết trong thời kì giao thoa giữa văn minh phương Đông và phương Tây tai nước ta, cuốn sách này ngày nay vẫn còn nguyên những giá trị để hướng tới xây dựng một nền giáo dục toàn diện, tiến bộ mà cốt lõi là hướng tới phát triển một con người Việt Nam mới mẻ, tiến bộ phụng sự tổ quốc, phục vụ nhân loại.
Nếu có bất kì quan điểm nào về tác phẩm và bài viết thì các bạn có thể để phía dưới phần bình luận để mọi người cùng tham khảo.