Tóm tắt một số nội dung trong cuốn Luận ngữ và Bàn tính
Tóm tắt một vài quan điểm trong sách Luận ngữ và bàn tính, vừa là để tự ôn lại kiến thức vừa là để chia sẻ với mọi người về một cuốn sách hay. Dù là có sơ sài nhưng cũng là bước khởi đầu để hoàn thiện về sau. Cảm ơn đã ghé thăm!
Một vài ý trong cuốn sách mình đang đọc, vừa là để ôn lại những kiến thức mình đã đọc qua với tốc độ nhanh, vừa là để khắc sau vào tâm trí những ý rất thực tiễn và sâu sắc của tác giả Shibusawa Eiichi
Miệng là cửa họa phúc: Ý nói phúc hay họa đều từ miệng mà ra, hay nói chính xác hơn là cách mình biểu đạt suy nghĩ của mình bằng ngôn từ sẽ đem đến cho chúng ta tai họa hoặc một cơ hội không ngờ tới. Nhưng chắc chắn một điều là những người không bao giờ mở miệng nói ra những suy nghĩ của mình thì chỉ luôn dậm chân tại chỗ và chẳng có cơ hội nào đến cả. Suy cho cùng, phúc hay họa chẳng thể nào biết trước được, có những việc làm ngỡ là phúc nhưng tiềm ẩn những nguy cơ trở thành họa và ngược lại. Việc tạo ra phúc hay họa là xuất phát từ hành động và lời nói của chúng ta, nhưng việc nó ảnh hưởng đến đại cuộc như thế nào còn phải dựa vào bản lĩnh, trí tuệ và tâm của người đó. Không nên ngại nói mà phải luyện cho việc phát ngôn của mình được hợp lý, đúng người đúng chỗ và dù cho có sai lầm thì với trí tuệ và bản lĩnh vẫn có thể sửa chữa và biến họa thành phúc được.
Nhờ xấu mà biết đẹp: Ở đời, rất nhiều người cố phân biệt đẹp xấu, nhưng quên mất rằng phải có xấu thì mới biết đâu là đẹp vì nếu mọi vật đều như nhau không phân phải trái thì làm gì có âm dương, làm gì có tiến bộ. Do vậy, dù có nhiều chuyện trên đời này mâu thuẫn với nhau, đôi khi có những việc gây hại đến ta nhưng ta vẫn nên làm bởi vì nó có thể xấu ở phương diện này nhưng lại đẹp ở một phương diện khác. Kể cả trong tình huống nào, cũng phải nhìn rõ việc tốt xấu trong đó, không nên chỉ chú trọng vào ích lợi hay một nguyên tắc cứng nhắc nào.
Sức ảnh hưởng và khả năng lan tỏa của thói quen: Thói quen có một sức mạnh vô cùng lớn nằm ở chỗ nó định hình cuộc đời của một con người. Những điều nhỏ nhặt lặp đi lặp lại mỗi ngày đến một lúc nào đó sẽ quyết định vận mệnh của cuộc đời ta. Tuy quan trọng là vậy nhưng thói quen hoàn toàn có thể kiểm soát và thay đổi được. Điều quan trọng là biết nhận ra những thói quen xấu của bản thân và nhắc nhở mình mỗi ngày thay đổi. Đối với cá nhân là vậy, đối với xã hội thói quen có sức ảnh hưởng còn quan trọng hơn. Chúng ta thường bị ảnh hưởng bởi thói quen của những người xung quanh chúng ta một cách vô thức và từ đó thói quen của họ trở thành thói quen của chúng ta. Ví dụ như thói quen sống phóng túng hay lười biếng của một người sẽ rất dễ lây lan đến những người xung quanh người đó, nếu chúng ta sống gần một người có nhiều thói xấu thì phải nhất định cảnh giác và không để thói quen đó ảnh hưởng đến ta. Mỗi ngày phải tự vấn với bản thân về những thói quen của mình để sửa đổi dần dần, thì mới mong có hiệu quả về lâu dài được.
Vĩ nhân và người hoàn bích: Đứng trên phương diện Trí, tình và ý xét ra, vĩ nhân có thể là người kiếm khuyết một trong 3 yếu tố này nhưng lại có yếu tố khác vượt trội hơn hẳn thế hệ. Ví dụ có nhiều vĩ nhân trong lịch sử có trí tuệ siêu phàm nhưng về mặt tình cảm lại hạn chế và dường như chẳng có cảm xúc gì, vô cùng lập dị. Ngược lại người hoàn bích có thể không có điểm gì nổi trội nhưng lại có cả đủ 3 yếu tố trí, tình và ý. Đối với lớp trẻ, ai cũng muốn trở thành một vĩ nhân, bởi lẽ những khát khao cháy bỏng được trở nên vượt trội và công nhận từ xã hội cùng với lòng hiếu kỳ kích thích họ. Nếu bảo họ trở thành một người hài hòa thì họ không chịu được. Nhưng nhìn rộng ra, những người nắm quyền kiểm soát và định hướng cho xã hội vốn dĩ không phải những vĩ nhân mà thường là những người hoàn bích, họ biết nhìn nhận và cân bằng các yếu tố trong con người họ, không để yếu tố nào trở nên vượt trội và cũng không để yếu tố nào suy yếu đi. Vốn dĩ hài hòa mới là thuận theo tự nhiên chứ không phải thiên lệch như vậy.
Làm phúc phải tội: Trước giờ mối quan hệ giữa động cơ và kết quả luôn là chủ đề tranh luận trong bất kể là trường phái triết học nào. Làm phúc ý nói động cơ tốt, phải tội là cho ra một kết quả xấu. Điều này có nghĩa và động cơ ban đầu thì tốt nhưng kết quả lại gây hại. Ở đây nói nói thiếu vế giữa, tức là cách thực hiện. Có nghĩa là động cơ là tốt nhưng phải chú trọng khi thực hiện động cơ đó, cách làm phải khéo léo, hợp tình hợp lý, suy xét kỹ càng thì mới cho ra một kết quả tốt. Còn tuy động cơ tốt nhưng cách làm ẩu tả, trong quá trình làm lại gây hại, dẫn đến hậu quả xấu thì dù động cơ có tốt bao nhiêu cũng không biện minh hay bù đắp được thiệt hại đã gây ra. Ngoài ra, động cơ thế nào là tốt, thế nào là xấu cũng là một chủ đề thường xuyên gây tranh cái bởi đứng trên quan điểm cá nhân thì ai cũng cho rằng động cơ của mình là tốt, nhưng việc động cơ đó có tốt hay không thì phải xem xét kỹ lưỡng mới có thể khẳng định được.
Thế nào là chân tài, chân trí: Điều này muốn nói về yếu tố trí tuệ của một con người là vấn đề quan trọng, cần phải thường xuyên rèn luyện, vun đắp nhưng nhân cách của một con người còn mang tính trọng yếu hơn. Cả hai yếu tố này phải song hành cùng nhau. Và để được như thế, cần phải nhận thức rõ ràng về vị trí, vai trò và chỗ đứng của mình trong xã hội. Phải nhận thức được mình cần gì, thiếu gì, thừa gì để mà cắt gọt, bổ sung. Sức mình đến đâu và có thể làm tốt việc gì, đóng góp như thế nào cho xã hội, đất nước. Nếu tài mình còn nhỏ mà đòi trị quốc thì đó là không lượng sức mình, dù có được thỏa ý thì cũng gây họa lớn cho quốc gia. Cần nhìn thấy đó mà tu thân tích đức, rèn luyện trí tuệ để xứng đáng và làm tốt vai trò của mình.
Động cơ và kết quả: Chủ đề này rất rộng, tuy nhiên trong cuốn sách này, tác giả chỉ nói đại ý, suy diễn ra thì chiếm quá nhiều nội dung. Ý là động cơ và kết quả có liên quan mật thiết với nhau. Tuy nhiên, chúng còn được nối với nhau ở một bộ phận giữa là cách làm. Thông qua việc nhìn vào kết quả chúng ta có thể manh nha đoán được động cơ nhưng chưa chắc đã chính xác vì nhiều kẻ gian trá có khả năng ẩn đi động cơ xấu bằng hành vi ngỡ như là tốt đẹp và cho ra một kết quả tốt. Vấn đề càng ngày càng phức tạp khi tính toán đến nhiều yếu tố. Tuy nhiên, điều quan trọng ở đây phần nhiều nằm ở kết quả vì đôi khi động cơ chỉ là một hình thức biện hộ cho hành vi và kết quả. Việc kết quả như thế nào là tốt như thế nào là xấu đôi khi cũng không thể rạch ròi hết được mà phải xét trên nhiều phương diện khác nhau và đối với mỗi người đánh giá lại cho ra những đáp án khác nhau.
Cuộc đời quyết định ở sự nỗ lực: Việc này nói nhỏ ở cá nhân nhưng cũng có thể suy rộng ra ở cả một quốc gia hay xã hội. Nỗ lực là một chặng đua dài, kéo dài cả một cuộc đời của con người. Chỉ cần một giây phút sao nhãng không nỗ lực đó chính là đã tụt về phía sau. Lịch sử cho thấy, nhiều kẻ không có học vấn nhưng vẫn có thể làm quan, trở nên giàu sang, vĩ đại. Tất cả nằm ở sự nỗ lực của bản thân. Không phải chỉ trong một cuộc thi hay một thời điểm nào mà sự nỗ lực phải được thực hiện xuyên suốt qua từng ngày, từng giờ, từng công việc dù to nhỏ, hình thành thói quen nỗ lực, phấn đấu không ngừng nghỉ. Luôn nâng cao trí lực, có trí lực rồi phải nghĩ cách mà vận dụng trí lực vào thực tiễn.
Con đường theo chính tránh tà: Ý nói cách rèn luyện tu dưỡng bản thân kiên định trong mọi tình huống, không bị những thứ tà đạo cuốn hút mà đánh mất bản thân mình. Có những việc tà đạo đem lại mói lợi tức thời nhưng lại hại về sau này, phải tuyệt đối bình tâm mà suy xét, cân nhắc phải trái, tránh để mắc sai lầm
Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất