Ảnh: Nhã Nam
Ảnh: Nhã Nam
*Vì nhân vật “tôi” không được nêu tên trong tác phẩm, mình sẽ xưng “tôi” trong bài viết này thay mỗi khi nhắc tới nhân vật. 
Tình cờ phát hiện những điều bất thường sau cái chết thảm khốc của người yêu, nhân vật “tôi”, một nữ nhà văn viết tiểu thuyết trinh thám đã cùng bạn mình, Hagio Fuyuko, cũng là biên tập viên phụ trách sách của “tôi” quyết định điều tra về cái chết này. Trong quá trình điều tra hai người phát hiện người yêu của “tôi” đã từng gặp tai nạn lật thuyền trong chuyến du lịch đảo một năm trước. Và khi họ tìm tới những người cũng tham gia chuyến đi đó để tìm hiểu thì những người này cũng lần lượt bị sát hại. Cuối cùng “tôi” buộc phải tự mình phán đoán, điều tra để tìm ra chân tướng sự việc.

“Hình như ai đó đang muốn giết anh.” 

Người yêu của “tôi”, một nữ nhà văn trinh thám, đã thổ lộ như vậy trước khi anh bị sát hại tàn nhẫn. Cuộc trò chuyện cuối cùng đó trở thành manh mối hiếm hoi đưa cô đi đến quyết định: tự mình điều tra về cái chết của anh. 
Cùng với người bạn Fuyoko và qua vài đầu mối ít ỏi, họ bất ngờ lạc vào mê cung của một vụ án khác. Và trong khi “tôi” vẫn còn đang quay cuồng trong hành trình kiếm tìm sự thật, tên sát thủ vẫn không ngừng ra tay. Những cái chết nối đuôi nhau cho tới khi sự thật được phơi bày, ngỡ ngàng và tàn khốc. 
Đúng như Kawadu Masayuki suy đoán, chỉ vài ngày sau anh bị đầu độc chết. Dã man hơn, hung thủ còn tác động mạnh vào đầu anh rồi vứt ra biển “như một đống rác”. 

Nạn nhân thứ hai 

Sau khi Kawadu chết, tôi đến nhà riêng của anh để thu dọn đồ đạc. Khi tới nơi, tôi tình cờ thấy Niizato – cô nhiếp ảnh gia từng làm việc cùng Kawadu cũng ở đây. Có vẻ như cô đang tìm kiếm tài liệu gì đó, một thứ mà theo cô là “rất cần cho công việc”. Khi biết đống tài liệu đang trên đường tới nhà tôi, Niizato ngỏ ý muốn ghé thăm vào ngày mai. 
Di vật còn sót lại của Kawadu chủ yếu toàn giấy tờ liên quan tới viết lách (do anh là nhà báo), ngoại trừ một dòng ghi chú “16:00 Yamamori Sport Plaza” trên lịch trình vào đúng hôm trước ngày anh bị sát hại. Chính là hôm tôi gặp anh lần cuối.
Tìm tới trung tâm thể thao của lão Yamamori, tôi được biết Kawadu và Niizato từng thân thiết hơn tôi tưởng. Vào tháng tám năm ngoái, họ có tham gia một chuyến tàu tới đảo Y ký sự, tuy nhiên con tàu gặp nạn và một người trên tàu bỏ mạng, vì vậy ký sự cũng dừng lại. 
Một vụ tai nạn ư? Kế hoạch du lịch của Yamamori Sport Plaza, mười một người trên tàu, một người thiệt mạng và Kawadu từ chối viết bài về sự kiện đó khi trở về. Lẽ nào có bí ẩn gì đằng sau chuyến đi này – một điều mà Kawadu không thể nói ra – cũng là lý do anh bị sát hại? 
Dù hẹn gặp buổi trưa tại nhà tôi, Niizato đã không tới. Cô nói đã tìm được tài liệu đó, nhưng vì cần phải điều tra thêm về con người này, tôi sắp xếp một buổi hẹn tại quán cà phê gần căn hộ của cô ta. 
Năm phút, rồi mười phút nữa trôi qua, Niizato vẫn chưa xuất hiện. Tôi đến trước giờ hẹn, còn cô ta thì không còn cơ hội để đến nữa. 
Có linh cảm chẳng lành, tôi nhấc máy gọi điện thẳng tới căn hộ theo số điện thoại được cung cấp trước đó. Chuông điện thoại reo ba lần, và đầu máy bên kia chỉ lẳng lặng một câu: 
“Rất tiếc, cô ấy mới qua đời rồi. Cô ấy bị GIẾT.” 
Chuông điện theo reo ba lần khi tôi gọi, đầu dây bên kia chỉ lặng lặng câu nói trên. Vậy là cái chết của người yêu tôi mới chỉ là khởi đầu. 

11 người trên đảo hoang 

Việc thu thập thông tin về chuyến đi tới đảo Y năm ngoái là một thử thách. Dưới đây là những gì báo chí đăng tải: 
Vào tháng 8 năm ngoái, con tàu thuộc sở hữu của Yamamori Sport Plaza đang trên đường đến đảo Y thì bị sóng đánh chìm. Mười trong số mười một người trên tàu đã dạt vào hòn đảo hoang gần đó bằng thuyền cao su, rồi được một tàu cá đi ngang đó vào sáng hôm sau cứu, người còn lại bị va vào bãi đá gần đó nên tử vong. Người tử vong là Takemoto Yukihiro, ba mươi hai tuổi, hành nghề tự do ở Toshima, Tokyo. 
Để mọi người tiện hình dung, mình sẽ liệt kê rõ 11 người có mặt trong chuyến đi đó dưới đây: 
Kawadu Masayuki – người yêu của nhân vật “tôi”, là một nhà văn, nhà báo tự do. 
Niizato Miyuki – một nhiếp ảnh gia, người từng làm việc với Masayuki. 
Sakagami Yutaka – diễn viên 
Takemoto Yukihiro – một nhà văn tự do, người duy nhất bỏ mạng trong chuyến đi
Gia đình nhà Yamamori – vợ chồng giám đốc Yamamori và cô con gái khiếm thị tên Yumi 
Yamamori Takuya – em trai của giám đốc Yamamori 
Murayama Noriko – thư ký của giám đốc Yamamori 
Kanei Saburo – bảo vệ tại Yamamori Sport Plaza 
Haramura Shiduko – người yêu của Kanei Saburo, chịu ơn giám đốc Yamamori 

Nạn nhân thứ ba 

Sau khi tiếp cận Sakagami Yutaka (người diễn viên) mà không thu được thông tin nào đáng giá, tôi trở về. Đó là lần đầu tiên tôi gặp người diễn viên có bóng dáng to lớn đó, nhưng không ngờ cũng là lần cuối cùng. 
“Quá trưa hôm nay, nhân viên đoàn kịch phát hiện một người đàn ông trẻ bị xuất huyết và chế tại phía sau sàn tập của đoàn kịch, nên đã báo cảnh sát. Qua điều tra cho thấy nạn nhân là Sakagami Yutaka, hai mươi tư tuổi, sống tại thành phố Kawasaki, tỉnh Kanagawa, một thành viên của đoàn kịch. Sakagami bị tấn công mạnh vào sau gáy bởi một thứ gì đó như búa, ví của nạn nhân bị lấy mất, cảnh sát nghi ngờ nhiều khả năng đây là vụ án mạng…” 
Chưa tới nửa truyện mà đã ba người chết, có khi nào giống như Mười người da đen nhỏ của Agatha Christie, khi mà độc giả cứ nóng lòng đọc tiếp để xem ai là nạn nhân tiếp theo. Chết hết thì không rõ, nhưng đây chắc chắn chưa phải nạn nhân cuối cùng. 
Ai sẽ là người tiếp theo bỏ mạng đây? 

Ra biển một lần nữa

Khi sự việc đang lung tung beng hết cả, giám đốc Yamamori tổ chức chuyến đi tới đảo Y giống hệt năm ngoái, cũng như ghé qua hòn đảo không người mà họ đã thoát khỏi. Trong khi tôi còn đang lưỡng lự trước lời mời quá đỗi bất ngờ đó, ông ta ngỏ ý muốn Fuyoko đi cùng tôi cho đỡ sợ. Vậy là tôi, Fuyoko cùng bảy người đó lên đường. 
Buổi tối hôm tới đảo, mọi chuyện diễn ra hoàn toàn bình thường. Tới nửa đêm, Fuyoko đột nhiên mất tích. Mọi người cùng đi tìm và cuối cùng vào sáng sớm hôm sau, phát hiện xác cô nằm sõng soài trên tảng dưới vực, như một cánh hoa nhỏ phảng phất trước gió. 
Fuyoko đã chết. Mọi chuyện rối như mớ bòng bong. Chắc chắn không phải một vụ tai nạn. Thế nhưng cả thảy bảy người đó, tập hợp lại với nhau như một liên minh, đều có chứng cứ ngoại phạm. Mà Fuyoko thì liên quan gì tới chuyện này cơ chứ? Nếu lũ người đó lên kế hoạch ám sát từ đầu, đáng ra người chết phải là tôi. Fuyoko đã làm gì nên tội? 
Vụ án lâm vào ngõ cụt. Tròn một tuần kể từ ngày Fuyoko ra đi, tôi tới thăm ba mẹ cô. Trong đống di vật cô để lại có một chiếc bi đông hoen gỉ, tôi tò mò cầm lên. Một tờ giấy cuộn tròn, nhàu nát cùng hai dòng chữ duy nhất:
“Yamamori, Masae, Yumi, Murayama, Sakagami, Kawadu, Niizato, Ishikura, Harumura, Takemoto đã đến được đảo hoang. Kanei đến muộn.” 
Rõ ràng rồi, Kanei mới là kẻ đến muộn. Kanei mới là kẻ không bơi được vào bờ. 

Chuyện gì đã xảy ra trên hòn đảo không người? 

Tìm tới Kanei Saburo và Haramura Shiduko để chất vấn, tôi vén màn được chân tướng sự việc: Cái chết của Takemoto không phải là tai nạn. Thực tế, anh ta bơi rất cừ, thậm chí còn là một trong những người đặt chân tới đảo đầu tiên. 
Sau khi tàu gặp nạn, mọi người đều bơi đến hòn đảo gần đó. Duy chỉ một người đàn ông không bơi tới được là Kanei Saburo. Shiduko gào thét cầu cứu nhưng không ai định giúp. 
Trong khi mọi người còn đang cãi nhau, Takemoto nhảy xuống và sau khi đưa Kanei lên bờ bình an vô sự, anh ta chửi rủa lũ người kia thờ ơ trước tính mạng người khác, và dọa sẽ phơi bày mọi chuyện trước báo chí sau khi trở về đất liền. Không muốn chuyện đó xảy ra, một thành viên khác đã đánh nhau với Takemoto và vô tình gây ra án mạng. Để che đậy, cả thảy mười người còn lại đều nhất trí ngụy tạo đây là một tai nạn đuối nước ngoài ý muốn. 
Suy đoán của tôi gần như hoàn hảo, ngoại trừ một lỗ hổng duy nhất: Takemoto không cứu Kanei Saburo vì chính nghĩa mà với một cái giá: cơ thể của Shiduko – người yêu của Kanei, cũng là người anh đã để ý từ lâu. 
Những người khác vẫn im lặng, không ai dám nhảy xuống biển lần nữa cả – trong khi thời gian thì đang trôi qua từng giây từng phút. Cuối cùng, Shiduko chấp thuận. 
Kanei được cứu mạng. Ngay khi tỉnh dậy, anh chạy đi tìm Shiduko và thấy cô cùng Takemoto ở mỏm đá cách đó không xa. Cho rằng Takemoto đang tấn công bạn gái mình, Kanei dùng hết sức xô khiến anh đập đầu vào bãi đá dưới chân, cơ thể bất động.
Giám đốc Yamamori ở ngay phía sau, đi tới bắt mạch rồi lắc đầu. Ông ta vạch ra kế hoạch thoát tội cho Kanei, ngụy tạo đây là chỉ một vụ tai nạn, và kiên quyết chỉ trích sự khốn nạn của Takemoto cũng như tuyên dương hành vi tự vệ chính đáng của Kanei. Cả thảy bọn họ, ngoại trừ Kawadu đều bị thuyết phục, và họ quyết định quảng cái xác ra biển, ngụy tạo đây là một vụ tai nạn ngoài ý muốn. 
Tức là giữa họ đã diễn ra một thỏa thuận ngầm: Shiduko và Kanei phải che giấu việc những người kia thấy Kanei sắp chết mà không cứu, đổi lại những người này sẽ giữ bí mật chuyện Kanei giết Takemoto. 
Nhưng câu chuyện vẫn còn có thể tệ hơn. 

Nhưng… 

Takemoto khi đó chưa chết. Anh ta chỉ bất tỉnh, và cái lắc đầu của Yamamori đã đánh lừa tất cả. Mười người kia đã ném Takamoto xuống biển, đó mới là thứ thực sự giết chết anh. 
Kế hoạch mà Yamamori tưởng như đã đầu xuôi đuôi lọt, nhưng thực ra lại có một lỗ hổng không ngờ. Trong bi đông rượu mà Takemoto Yukihiro đem theo bên người có chứa mảnh giấy ghi chú kia, và cô bạn tôi, đồng thời là người yêu của gã đàn ông xấu số là Hagio Fuyoko đã phát hiện ra mảnh giấy đó. Từ đây, Fuyoko đã nghi ngờ về cái chết của người yêu mình. Tại sao lên đến đảo rồi mà anh ta vẫn chết? Tại sao lũ người kia lại nói dối? 
Fuyoko đã tiếp cận Kawadu đầu tiên, vì anh là người dễ dàng nhất để tiếp cận. Cùng làm trong ngành xuất bản, Fuyoko đã lợi dụng việc này để điều tra chân tướng sự việc. Cần phải nói là Kawadu sau khi trở về thì vô cùng day dứt, luôn áy náy và mong muốn công khai tất cả mọi chuyện. Tài liệu của Kawadu kể rõ ngọn ngành sự việc, và nhân lúc tôi cùng anh đi du lịch, Fuyoko đã lẻn vào nhà anh. 
Một câu chuyện mà nạn nhân là hung thủ, và hung thủ lại biến thành nạn nhân. Một cái chết mà quá nhiều người nhúng tay vào. Một cái chết khi làm sáng tỏ không đem lại hạnh phúc cho bất kỳ ai, vốn là đặc trưng trong truyện của Keigo. 
Cái chết của Takemoto giống với cái chết của đứa bé trong Thú tội, còn kết truyện lại làm mình liên tưởng tới Án mạng trên chuyến tàu tốc hành Phương Đông của Agatha Christie. Cuối cùng thì sự thật phơi bày ra có lẽ chỉ thỏa mãn lòng hiếu kỳ của độc giả chúng ta, còn nhân vật “tôi” thì như rơi xuống vực thẳm. Một sự thật phải đánh đổi bằng quá nhiều tính mạng – nhưng không ai là vô tội cả. Một sự thật chỉ làm thoả mãn cái tôi hiếu kỳ của tôi ra, đó là một sự thật vô dụng. 

Vài nét về tác giả Higashino Keigo 

Higashino Keigo sinh năm 1958 tại Osaka, là nhà văn trinh thám hàng đầu hiện nay tại Nhật Bản. Năm 1985, ông giành giải Edogawa Rampo lần thứ 31 cho tác phẩm trinh thám hay nhất với tiểu thuyết Giờ tan học. 
Các năm sau đó, Higashino Keigo liên tục được đề cử vô số các giải thưởng văn học lớn. Năm 1999, ông đoạt giải Mystery Writers of Japan Inc với tiểu thuyết Bí mật của Naoko, và năm 2006, là giải Naoki lần thứ 134 cho Phía sau nghi can X. 
Án mạng mười một chữ được xuất bản lần đầu vào năm 1987 và được chuyển thể thành phim truyền hình vào năm 2011.
Nhìn chung thì mình chấm tác phẩm này 8/10. Độ dài vừa đủ vì mình thường thích đọc một lèo trong ngày, dễ đọc và có sức gợi. Đọc trinh thám mà vào mấy vụ rối rắm rồi vào ngõ cụt là mình rất thích và tò mò tác giả sẽ tháo gỡ nút thắt như thế nào. 
Điểm trừ duy nhất là phân đoạn nhân vật “tôi” chấp nhận trở lại đảo cùng hội Yamamori, mình thấy lý do Keigo đưa ra chưa thuyết phục lắm và khá sơ sài. Fuyoko thì muốn giết cả hội nên chắc chắn sẽ đi, nhưng lý do “tôi” đi thì chỉ đơn giản là muốn khám phá vụ án dù biết đang chui đầu vào rọ. 
Một cuốn sách hay và phù hợp để bạn ngấu nghiến luôn trong ngày!