[Tóm lược và đánh giá sách] Cái Dũng của thánh nhân - Thu Giang Nguyễn Duy Cần
Liều thuốc xưa cho thời đại mới.
Xã hội vật chất ngày càng thêm phát triển hiện đại không ngừng một giây phút nào - phải chăng vì thế mà đời sống tinh thần chung của chúng ta cũng ngày càng an nhiên, hạnh phúc hơn? Nếu không có lẽ vấn đề được tác giả Thu Giang Nguyễn Duy Cần đặt ra sẽ giúp phần nào chúng ta.
Giới thiệu tác giả
“Thu Giang” Nguyễn Duy Cần là một cây viết lớn nổi tiếng vào khoảng những năm 50-60 của thế kỉ trước tại Mỹ Tho – Tiền Giang. Ông là một nhà báo, nhà giáo, nhà triết học, tác giả sách với nhiều thể loại từ vĩ mô đến vi mô như: Óc sáng suốt, Thuật tư tưởng, Thuật xử thế của người xưa,v.v. Ông từng là giáo sư của trường Đại học Vạn Hạnh và là trưởng ban Triết Đông của Đại học Văn khoa Sài Gòn.
Giới thiệu tác phẩm
A/ Xuất xứ, tổng quan cảm nhận
Tác phẩm được ra đời vào năm 1951, bàn về đức tính có thể nói là trụ cột của nhiều tôn giáo, hệ tư tưởng đó là tính điềm đạm. Sách dày chưa tới hai trăm trang nhưng như người xưa đã nói "Thư bất tận ngôn - Ngôn bất tận ý", cuốn sách được tác giả trình bày dễ hiểu với cuối mỗi chương phần đều có đúc kết tóm tắt sau cùng.
"Cái dũng của thánh nhân" có giá trị đối với tất cả mọi người - những ai đang trên hành trình hoàn thiện bản thân, tác giả dùng những giá trị xưa cũ bằng lối diễn đạt mạch lạc, chính xác để đối mặt với thời đại thông tin vội vã.
B/ Tóm lược
Cái "Dũng" là gì?
Cái dũng mà tác giả bàn tới ở đây không phải là cái dũng cơ bắp, cái dũng xốc nổi, cái dũng chiến thắng đối phương bằng được, đó chỉ là cái dũng của kẻ thất phu, yếu đuối - cái dũng thật sự là cái dũng của ý chí, là cái dũng của tinh thần kiên cường phù hợp với hoàn cảnh, thời điểm thông qua sự luyện tập không ngừng. Tính điềm đạm có thể nói là tận cùng đỉnh cao của nhân tính.
Bắt đầu luyện tập từ đâu?
Theo tác giả bước đầu để luyện tập ta nên bắt đầu từ những cử chỉ hành động với tốc độ phù hợp, từ lời ăn tiếng nói được cân nhắc thận trọng, những phản tư suy ngẫm cơ sự khách quan một cách chân thật
Những khía cạch khác
Tinh thần độc lập của mỗi chúng thường bị cản trở, che khuất bởi những nỗi sợ - mà nguyên nhân của nỗi sợ chính là bản ngã. Ta hãy học cách hiểu rõ và chấp nhận bản thân, không gượng ép gồng gánh ép tài những điều thuận lòng thiên hạ mà day dứt lòng bản thân. Ta hãy tự đưa ra quyết định của cuộc đời, sẵn sàng chấp nhận dù vinh dù nhục chứ đừng dựa dẫm, thoái thác cho bất cứ ai khác - Tinh thần trách nhiệm liên quan trực tiếp đến tinh thần độc lập nêu trên, kẻ vô trách nhiệm chính là kẻ vô tâm, phải rèn luyện tập tính có trách nhiệm ngay từ lúc nhỏ, ngay bây giờ.
Sự ám thị cần được kiểm soát một cách mạnh mẽ, hãy đề phòng sự ám thị bằng tâm thế sáng suốt, không bị cái khách quan thuyết phục dẫn dụ dễ dàng.
Đừng nói sai điều gì, hãy chỉ nói thật và nói thật mà thôi đó là tập cho mình tinh thần bất úy - nói dối chỉ tự mình làm giảm đi dũng khí của bản, phải luôn nghiêm khắc về vấn đề ngay thật
Trí tượng tưởng thái quá có hại cho sự điềm đạm, trí tưởng tượng chỉ nên đặt dưới sự kiểm soát của tri thức - sự thật
Tổng kết
Dù được ra đời cách đây hơn nửa thế kỉ vậy mà những giá trị của tính điềm đạm được tác giả đặt ra vẫn đã và sẽ luôn giúp ích chúng ta phần nào có thể vững vàng, sáng suốt hơn trong xã hội ngột ngạt, chóng vánh. Bài tóm lược và đánh giá này chỉ như là một chút hương thơm thoáng qua của món ăn thật sự giá trị là tác phẩm của cụ Thu Giang, tôi rất mong độc giả hãy tự mình một lần nếm trọn vẹn tác phẩm. Xin cảm ơn mọi người.
Sách
/sach
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất