"Những người muôn năm cũ,
Hồn ở đâu bây giờ?"
               
"Ông đồ"- Vũ Đình Liên
Phát hành: 3 tháng 11, 1953
Đạo diễn: Ozu Yasujiro
Thời lượng: 136 phút
Thể loại: Chính kịch
Top 100 phim hay nhất mọi thời đại trong bảng xếp hạng của tạp chí TIMES, bảng xếp hạng của Viện Điện ảnh Anh, nằm trong top nhiều bảng xếp hạng phim hay nhất của các tạp chí, nhà phê bình, đạt 100% độ “tươi” trên trang Rotten Tomatoes, 8.2/10 điểm IMDb,... những thành tích to lớn này lại dành cho một bộ phim vô cùng đơn giản “Tokyo Story”.  
   
     Trái ngược với sự hiện đại, đổi mới không ngừng trong thời kì đầu bước vào ngành điện ảnh, những bộ phim tại đỉnh cao sự nghiệp của Ozu Yasujiro khá dễ để nhận ra dựa vào ngôn ngữ phim không lẫn vào đâu được: tỉ lệ khung hình 1.33:1, góc máy tĩnh (static camera) và thấp (low height shot), các shot có độ dài ngang nhau, hay sự phá vỡ các quy tắc tối thượng của điện ảnh được áp dụng xuyên suốt các tác phẩm của ông. Đề tài được Ozu sử dụng cho “Tokyo Story” hay những sản phẩm của ông sau chiến tranh đều là những lát cắt cuộc sống với motif câu chuyện gia đình cùng những cách biệt thế hệ trong bối cảnh xã hội nước Nhật thay đổi chóng mặt sau Thế chiến II. Vậy, điều làm nên một phong cách điện ảnh tinh giản mà chạm đến trái tim khán giả là gì? Có lẽ là sự mài dũa kĩ thuật qua từng thước phim trong suốt sự nghiệp đạo diễn của Ozu. Ông muốn phát triển phong cách phim của riêng mình thật thuần thục chứ không phải sự thể nghiệm liên tục, điều này không hợp với một Ozu Yasujiro. 
Với mọi người, các tác phẩm của tôi đều giống nhau, nhưng với tiêng tôi, mỗi bộ phim là một cách thể hiện mới, được sáng tạo từ một nguồn cảm hứng mới. Giống như một họa sĩ lúc nào cũng vẽ cùng một bông hoa hồng vậy.
     Để hiểu về phong cách Ozu, “Tokyo Story” là một lựa chọn không thể hợp lý hơn. Câu chuyện trong phim ta có thể gặp ở bất cứ đâu: gia đình Hirayama với cặp vợ chồng già Shukichi (Ryu Chisu) và Tomi (Higashimaya Chieko) sống với con gái út Kyoko tại vùng Onomichi, 3 người con còn lại đều ở xa và 1 người đã mất trong chiến tranh. Một ngày, họ quyết định lên Tokyo để thăm con cháu. Những cuộc viếng thăm này lại không như mong đợi, khi hai người nhận ra thực tế cuộc sống của những người con khác với những gì hai người nghĩ, và sự thờ ơ của họ lúc cha mẹ mình đến chơi. Con trai cả Koichi (Yamamura So) bận bịu với công việc bác sĩ khoa nhi, con gái lớn Shige (Haruko Sugimura) thì lo quản lý salon tóc, chỉ còn người con dâu góa chồng 8 năm về trước- Noriko- (Hara Setsuko) là có thời gian tiếp đón đôi vợ chồng già. Koichi và Shige đưa cha mẹ đến nghỉ ở Atami, nhưng sự ồn ào ở đó khiến hai người không nghỉ ngơi được, họ bèn quay về.  Từ đầu đến cuối chuyến đi, chỉ có người con dâu là chăm sóc chu đáo cho hai ông bà Hirayama. Cặp vợ chồng già rất thương Noriko và khuyên cô nên đi lấy chồng. Cả bộ phim, mọi thứ diễn ra như nó phải thế, và guồng quay cuộc sống của các nhân vật vẫn cứ tiếp tục.
Gia đình Hirayama
    Một kịch bản không cao trào, không xung đột, nhưng qua nghệ thuật dàn cảnh, tâm lý, cảm xúc của nhân vật, cũng như những nỗi niềm, suy tư về các giá trị truyền thống và hiện đại, về cuộc sống, cả những nét văn hóa rất Nhật Bản được gài cắm luôn hiện diện qua lăng kính bất biến của vị đạo diễn này. 
    Đầu tiên phải nói về góc quay thấp đặc trưng của Ozu, được gọi là “tatami shot”- góc nhìn của một người ngồi trên chiếc chiếu tatami Nhật. Dễ dàng nhận thấy điều này khi các cảnh luôn có một tỉ lệ mặt sàn nhất định trong khung hình. Để tăng tính chân thật của thuớc phim, đạo diễn còn cho sử dụng loại ông kính 50mm, đây là tiêu cự gần giống tiêu cự của mắt người nhất. Ozu đã xóa bỏ sự ngăn cách giữa người xem và bộ phim, như thể ta đang ngay ngắn ngồi theo tư thế seiza, ngắm nhìn cuộc sống trong phim chầm chậm trôi. Những nhân vật trong tác phẩm của Ozu luôn bị đóng khung trong từng cảnh (frame-in-frame), và luôn ở trung tâm khung hình, có thể là những cánh cửa, vài món nội thất, hay ngoại cảnh là những thân cây, tất cả tạo ra một sự tự nhiên. Thực chất, việc sắp đặt được đạo diễn tính toán rất cẩn thận để có được một bố cục hoàn hảo, liền mạch cho từng shot phim tưởng như rời rạc.
     Sự đặc sắc trong góc máy cũng thể hiện qua các đoạn đối thoại. Các đạo diễn thường đặt máy quay ở vị trí nhìn qua vai (over-the-shoulder composition) để diễn tả hội thoại giữa hai người, nhưng Ozu không làm thế. Hoặc ông cho các diễn viên nhìn trực diện vào khung hình, hoặc cho tất cả nhân vật đang tham gia vào một khung hình, mặc cho sự bất hợp lý về tầm nhìn mắt trong dựng phim. Không chỉ đứng ngoài chứng kiến câu chuyện, khán giả còn được ngồi cạnh diễn viên, trở thành một người bạn lắng nghe tâm tưởng, thăng trầm cuộc sống của nhân vật.
    Một motif quay phim nữa được Ozu Yasujiro sử dụng là máy quay luôn trong trạng thái tĩnh (static camera). Ông hầu như không di chuyển máy quay suốt 136 phút phim. Mọi tình tiết đều diễn ra trong trung tâm khung hình, và cốt truyện được dẫn dắt bằng lời thoại. Các “pillow shot”, hay là bộ ba cảnh tĩnh, được sử dụng để chuyển cảnh. Nhưng với cách này, Ozu đã phá vỡ tính liên tục của hình ảnh- một quy tắc bắt buộc trong điện ảnh (thực ra Ozu cũng không quan tâm lắm). Theo Roger Ebert, chuỗi hình như bài thơ haiku, mô tả thanh âm và hình ảnh cuộc sống của các nhân vật như tiếng còi tàu, chuông chùa, hay con hẻm nhỏ, những bảng hiệu, những đứa trẻ mặc đồng phục đến trường,...
Phong cách chuyển cảnh đặc trưng của Ozu Yasujiro
     Phương pháp chuyển cảnh này tuy giải thích cho bối cảnh tiếp theo, nhưng đồng thời tạo âm hưởng cô đơn, lạc lõng xuyên suốt chiều dài phim. Những khung cảnh không có bóng người xen kẽ giữa câu chuyện như thể nhân vật không tồn tại, không có sự liên kết với cả thế giới xung quanh, chưa nói đến giữa người với người.
    Qua những điểm trên, tình huống truyện chỉ còn cách phát triển nhờ lời thoại cũng như diễn xuất. Thế dưng, thoạt nhìn người ta chỉ thấy những biểu cảm nhạt nhòa: cười cũng cười nhẹ, khóc cũng rấm rứt, những lời nói khách sáo “Ừ, được thế thì tốt quá.”, “Không sao đâu”, “Thật cảm ơn.” Ở đây, phải thật để tâm vào mạch phim, mới thấy cái tinh tế ẩn sau lối diễn xuất Ozu Yasujiro hướng tới. Ta sẽ thấy cùng một câu “Được thôi.” của ông bà Hirayama mà từ cảnh này là sự vui vẻ khi được các con chuẩn bị nước tắm, sang cảnh khác lại tỏ ý cảm thông những lúc Koichi không có thời gian, hay sự chấp nhận trước ánh nhìn khó chịu của con gái Shige. Cảm xúc của từng nhân vật, thể hiện khoảng cách thế hệ, sự thay đổi của các giá trị truyền thống cũng được Ozu xây dựng rất logic: sự xa lạ, khó chịu hiện rõ trên khuôn mặt hai đứa cháu trai; còn với Koichi và Shige, hai người luôn vui vẻ, nhưng không giấu được cảm giác phiền phức trước chuyến thăm của hai cụ; Shukichi và Tomi, tuy thấu hết những điều này, vẫn chỉ biết chấp nhận bởi cuộc đời vốn đã thế. Sự thất vọng của hai ông bà cũng chỉ thể hiện qua những cái gật đầu, những ám hiệu qua lời nói giữa hai người. Hay với góa phụ Noriko, lúc nào cũng cười nói lễ phép, nhưng đó có thực hay không, hay cô đang đè nén nỗi đau, mong ước của mình xuống? Chẳng ai nhìn qua mà biết được. Đây chính là đặc trưng tính cách của người Nhật mà Ozu muốn thể hiện, với lối sống khép kín nhưng luôn tích cực, lịch sự, có phần khách sáo trong giao tiếp, kể cả với người thân. Họ chỉ có thể trút bầu tâm sự lúc say, như cảnh ông Shukichi gặp lại hai người bạn già của mình. Những diễn viên đã xuất sắc vẽ nên một câu chuyện không thể thực tế hơn về một xã hội Nhật Bản đổi mới chóng mặt, ở đó có những người của thế hệ trước ở lại phía sau, thở dài chấp nhận quy luật chảy trôi của thời gian, có lớp trẻ loay hoay cân bằng cuộc đời chính mình, giữa cũ-mới và phải-không. Gia đình Hirayama tuy đông con cháu, nhưng sự mắc kẹt của mỗi người giữa những khung hình là sự cô đơn của các hệ tư tưởng khác biệt, sự cô đơn giữa những khát khao, ước muốn bị chôn giấu dưới các lễ nghi phép tắc, sự cô đơn trong chính cuộc sống riêng mà họ luôn đứng ở vị trí trung tâm.
    Tôi trích hai câu thơ của Vũ Đình Liên ở đầu bài bởi lẽ nó có nét tương đồng với bài hát được sử dụng cuối phim. 136 phút phim được lồng ghép những điệu nhạc tạo nên bầu không khí trầm buồn, trải dài, và cá nhân tôi, hình ảnh đoàn tàu rời đi ở đoạn kết (giống như hình ảnh đầu phim), cùng lời bài hát khiến cảm xúc như bùng nổ:
Này, những người của ngày cũ ơi, mọi người ở đâu rồi?    
Tôi về rồi đây, sao chỉ có một mình.
Chỉ còn tiếng chuông vọng về ngân nga
Băng qua bầu trời với những tia chạng vạng le lói... 
    “Tokyo Story” sẽ là một trải nghiệm văn hóa Nhật Bản đậm đặc mà Ozu Yasujiro dành tặng cho chúng ta, và tôi tin rằng nếu đã đi đến phút thứ 136, thì không ai có thể nghi ngờ những lời khen dành tặng cho bộ phim này nữa.