Tokyo Ghoul — Lời giải cho vòng xoáy hận thù
Lấy đi thứ gì đó, là một tội ác. Chúng ta từ lúc ra đời đã liên tục lấy đi; thức ăn, mối liên hệ và cả máu thịt của đồng loại. Sống càng lâu càng tốt, liên tục tàn sát, giết, lấy...Sự sống là chuỗi dài tội lỗi. Sự sống, bản thân nó là tội ác.
Lấy đi thứ gì đó, là một tội ác. Chúng ta từ lúc ra đời đã liên tục lấy đi; thức ăn, mối liên hệ và cả máu thịt của đồng loại. Sống càng lâu càng tốt, liên tục tàn sát, giết, lấy... Sự sống...là chuỗi dài tội lỗi, Sự sống, bản thân nó là tội ác. Ta tự biết mình là kẻ ác, và các ngươi cũng vậy. Đến đây và giết ta đi, Vì ta cũng sẽ làm điều tương tự. — Yoshimura Kuzen trong "Chiến dịch diệt Cú quận 20"
Nhân dịp vừa đi tiêm ngừa vaccin và sốt mê man 2 ngày trời, thay vì nuối tiết quãng thời gian lãng phí khi chẳng thể tiến bộ thêm được phần nào, chẳng thể cập nhật những tin tức mới, những xu hướng trong công việc mà tôi đang theo đuổi. Ấy thế mà ngược lại, thực tâm tôi lại cảm thấy khá nhẹ nhõm khi có thể tạm quên đi những trách nhiệm nặng nề mà bản thân đang gánh vác, phải chăng đây cũng là một dịp may hiếm có để tôi dành lại một ít thời gian nuôi dưỡng cho tâm hồn mình? Và không như thường lệ, chọn một quyển tiểu thuyết kinh điển nào đó của văn học Tây Phương, hay xem một bộ phim có Rating trên IMDB cao, thay vào đó tôi chọn đọc lại một bộ Manga cũ, vâng và như trên tiêu đề bài viết — Đó là Tokyo Ghoul.
Lưu ý: Đây không phải là bài Review hay Tóm tắt, bên cạnh đó cũng có khả năng sẽ tiết lộ một số nội dung quan trọng của truyện, nên mọi người cân nhắc trước khi đọc nhé!
Tokyo Ghoul là một bộ Manga của xứ sở Phù Tang do tác giả Ishida Sui sáng tác kéo dài trong khoảng thời gian gần 8 năm từ 2011-2019. Bộ truyện theo chân nhân vật chính là Ken Kaneki trên hành trình từ một con người rất ư bình thường không có gì nổi bật, vô tình rơi vào một vòng xoáy của máu thịt, giết chóc và thù hận. Trên con đường đầy chông gai đó, cậu có thêm được những mối quan hệ mới, trở nên mạnh mẽ hơn, từ một người nhút nhát và yếu ớt nay cậu có đủ sức mạnh, đủ dũng khí để đứng lên chiến đấu, dẫn dắt và bảo vệ cho những gì mà mình xem là quan trọng.
Với nét vẽ hiện thực đầy trần trụi, máu me và ghê gợn, những cảnh hành động dồn dập, nhưng cũng không thiếu đi những nhịp nghỉ nhẹ nhàng, những giây phút thăng hoa. Đi cùng với đó là một cốt truyện chặt chẽ được truyền tải thông qua cách sắp xếp những tình tiết, bố cục khung hình, cắt cảnh đậm tính điện ảnh. Đây là bộ Manga mà tôi nghĩ đã thực sự đã đem những cảm xúc hỉ-nộ-ái-ố đến với đọc giả chúng ta một cách không thể trọn vẹn hơn. Những hình vẽ vô tri vô giác về một thế giới xa lạ, ấy mà giờ đây lại trở nên thật sống động, lôi cuốn một cách lạ kỳ. Khiên tôi cảm thấy tựa như mình đã được sát vai cùng bên Kaneki và những người bạn của cậu, cùng đi qua những qua những ngày tháng vui vẻ, đối đầu với những biến cố cuộc đời, hối tiếc về những ngày xưa cũ, và sau cùng là biết trân trọng hơn hiện tại để cùng nhau hướng về một tương lai tràn đầy hy vọng.
Và tôi tin là ở bản thân mình, hay ở các bạn, mỗi khi đọc Tokyo Ghoul, chúng ta sẽ có một ấn tượng khó phải về cái vòng xoáy đầy nghiệt ngã của số phận, về sự Sai lầm của thế giới này — Một khái niệm đã được nhắc đến không biết bao nhiêu lần, nó là nguồn cơn của mọi khổ đau, mọi mất mát đã xảy ra cho những nhân vật chúng ta yêu quý. Thế nhưng, tôi cảm thấy vì cái kết của truyện quá có hậu, làm cho ta vô thức quên đi cái trăn trở mà toàn bộ Series đã đặt ra và lời giải cho nó rốt cuộc là gì? Hôm nay, nếu bạn hứng thú, hãy cùng tôi đào lại, đi sâu và đi xa hơn vào chủ đề trên để cùng nhau tìm ra lời giải cho câu hỏi sau cùng — Thế giới này có thực sự sai lầm?
Lưu ý: "Thế giới này" ý nói đến "Thế giới trong Tokyo Ghoul" chứ không phải thế giới thật nhé~
Sai lầm của thế giới này!
Câu chuyện này xoay quanh một vấn đề không quá mới lạ — giữa kẻ đi săn và kẻ bị săn, kẻ phải ăn và kẻ bị ăn, kẻ mạnh và kẻ yếu.
Khi xem Train to Busan, trận chiến giữa phe Con Người và Zombie, liệu có gì đó sai lầm? Hay trong The Lord of The Ring trận chiến giữa Đoàn hộ nhẫn và chúa tể Sauron có sai lầm? Tôi nghĩ phần lớn câu trả lời là không, vì mọi thứ đã vô cùng rõ ràng như bày ra trước mắt, chúng ta đã chọn được phe ngay cả trước khi xem hết nội dung của cả bộ phim. Chúng ta, người xem đa số sẽ chọn phe của sự sống, của sự công bằng, sự tự do,... của những điều tốt đẹp mà chúng ta, hay đúng hơn là xã hội muốn chúng ta tin là đó là điều đúng đắn — đó là Công lý.
Nhưng với Tokyo Ghoul mọi chuyện không đơn giản như vậy, Ishida Sui đã dẫn dắt người dõi theo hành trình của nhân vật Kaneki từ khi cậu còn là con người, trở thành một bán Ghoul, sau đó thành một thành tra, rồi quay lại làm Ghoul,... Trên hành trình đó không chỉ riêng Kaneki mà chúng ta cũng dần nhận ra được là hóa ra không chỉ con người, mà cả Ghoul đều rất giống nhau, đều muốn yêu được yêu, họ đều có những lý tưởng và đức tin của riêng mình, và sẽ phải tiếp tục tiến lên và chiến đấu vì nó. Thay vì họ chiến đấu vì sự ích kỷ, vì bản thân, thì chắc chẳng có gì phải bàn rồi. Nhưng đằng này, sẽ ra sau nếu cả hai đều chiến đấu cho thứ gọi là "Công lý". Trớ trêu thay là thứ "Công lý" đó lại là hai bản thể hoàn toàn đối nghịch với nhau.
Công lý của Ghoul: Để tồn tại phải ăn thịt con người.
Công lý của con người: Để tồn tại phải tiêu diệt những kẻ muốn ăn thịt mình.
Và vì vậy mà những người đứng giữa hai thế giới — Kaneki và Amon chính là những người hiểu rõ nhất về sự Sai lầm của thế giới. Nhưng nhờ đó mà họ cũng chính là mảnh chìa khoá để mang đến một trật tự mới, là người góp phần sửa đổi và hoàn thiện hơn cho thế giới của cả hai.
Thế giới này là một Sai lầm Điều gì đúng, điều gì sai? Chúng ta chẳng thể biêt được. Vậy nên, Chúng ta phải luôn suy nghĩ rằng điều mình làm có đúng hay không, Chỉ riêng suy nghĩ đó thôi cũng đủ đúng đắn rồi. — Amon Koutarou khi đối đầu với Quinx
Hình ảnh "Chiếc lồng chim" — Lời giải cho tất cả.
Bác sĩ Kanou người đã tiên phong trong lĩnh vực phẫu thuật giữa Ghoul và con người, ông là người đã tạo nên bán Ghoul nhân tạo đầu tiên Kaneki Ken. Rất dễ để tôi gán cho ông ta là một nhân vật phản diện độc ác, vì ông đã giết rất rất nhiều sinh mạng, cả người và cả Ghoul. Nhưng, nghĩ lại thì...chẳng phải Kaneki, hay Touka, hay...tất cả những nhân vật khác đều đã từng giết rất rất nhiều cả người lẫn Ghoul sao? Tôi tự hỏi điều gì đã khiến cho mình nghĩ ông ta là một nhân vật phản diện? Vì ông là một nhà bác học điên vô nhân đạo? Vì ông là kẻ đã hại đời nhân vật chính? Không! Đó là vì định kiến của bản thân khiến tôi nghĩ ông ta là kẻ ác — đó chính là "Chiếc lồng chim"
"Chiếc lồng chim" là hình ảnh đại điện cho rào cản về định kiến, khiến chúng ta không dành thời gian ra để tìm hiểu sâu sắc về một vấn đề nào đó nhưng vẫn sẽ đưa ra kết luật dựa trên các yếu tố có khả năng chỉ là vẻ bề ngoài. Như là "Ghoul giết người nên người phải giết Ghoul".
Đó chính là cốt lõi đã tạo nên một vòng xoáy thù hận giữ hai giống loài. Tạo nên một thế giới đầy sai lầm, chết chóc và đau thương.
Chiếc lồng ấy đã bị phá bỏ như thế nào?
Đầu tiên Kanou đã gây dựng nên cây cầu nối giữa hai giống loài — bán Ghoul nhân tạo — để họ nhận thấy cái vấn đề của một thế giới sai lầm.
Tiếp theo là tạo ra một kẻ thù mới của chung cả hai giống loài — Rồng, ép buộc cả hai phải hòa hợp, phải tương trợ cùng nhau chiến đấu, bằng không sẽ cùng nhau đến bờ vực tuyệt diệt
Từ đó, Kanou đã tạo tiền đề để thúc ép cả hai phải phá bỏ những rào cản về định kiến, thay vào đó là bắt đầu học hỏi và sửa chửa lại cái Công lý sai lệch.
Vậy rốt cuộc nên xem Kanou như một kẻ phản diện hay là một người anh hùng đã âm thầm gắn kết hai giống loài đây nhỉ? Tôi nghĩ chúng ta sẽ không bao giờ thực sự rõ điều đó, vì làm gì có cơ sở nào đủ vững vàng để phán xét một nhân vật, một con người là tốt đẹp hay xấu xa. Tôi nghĩ chỉ cần sau cùng, ông đã luôn tiếp tục tiến lên, chiến đấu và không bao giờ hối hận sau những gì mình đã làm, có lẽ như vậy đã đủ để trở nên vĩ đại rồi.
Kết — Kết truyện có phải thực sự là một Happy Ending?
Tôi thầm mong như vậy, tôi nghĩ các nhân vật xứng đáng được nghỉ ngơi sau những biến cố đã xảy ra. Nhưng hãy thử tưởng tượng một khung cảnh xa và thực tế hơn xem?
Hiện tại họ đang sát cách bên nhau vì có một kẻ thù chung, nhưng sẽ như thế nào nếu kẻ thù đó bị tiêu diệt hoàn toàn, hay sẽ thế nào nếu kẻ thù đó phát triển thành một giống loài thứ ba...và một vòng lặp hận thù khác sẽ lại bắt đầu.
Trong chapter cuối, có một đoạn nhỏ tác giả đã ví von liệu có phải Ghoul đã từng là giống loài sinh ra để làm kẻ thù chung giúp loài người gắn kết? Có khi nào tất cả cũng chỉ là một phần của một vòng lặp to lớn hơn đang diễn ra? Khi ta phá một chiếc lồng thì sẽ có một chiếc lồng khác lớn hơn ngoài kia?
Viết đến đây, tôi ngạc nhiên vì mình có thể nghĩ xa đến vậy cho một bộ Manga hư cấu, cơ mà có lẽ ẩn dấu trong đó là những giá trị thực tế vô cùng. Chiến tranh rồi sẽ chấm dứt nhưng không bao giờ là mãi mãi, và vòng lặp chiến tranh-hoà bình sẽ vẫn cứ thế luân hồi. Có khi thứ chúng ta cần làm không phải là tìm kiếm một giải pháp kiểm soát hết tất cả, một giải pháp chấm dứt hoàn toàn chiến tranh để tạo ra hòa bình vĩnh cửu — mà thay vào đó hãy nhìn lại bản thân mình, hãy tự hỏi bản thân xem liệu mỗi người có sẵn sàng thay đổi, sẵn sàng bỏ qua thù hận của qua khứ để hướng về tương lai hay không?
Hừm có lẽ là vậy nhỉ?
Chẳng có chiến tranh vĩnh cửu và cũng chẳng có hòa bình vĩnh cửu, vòng lặp đó rồi đây vẫn sẽ mãi tiếp diễn, mãi tiếp diễn cho đến tận cùng của thời gian.
Xin kết lại bằng đoạn thơ tôi rất thích.
Hỡi cánh chim đại bàng già cỗi, Tuổi già và những nếp nhăn, Bị giày vò trong đau khổ. Tuyết phủ râu trắng, Nắng huy hoàng vùng Attu, Mài sắc Makiri*, Dáng ngồi chữ ngũ. Những ngón tay của người chết đan lại, Tân trí dần nhạt nhòa. O Toiyan Kuttari (Anh nằm lại trong vòng tay đất mẹ) Cầu nguyện khi mọi thứ đã xong xuôi, Khóc than vì phải trưởng thành. Mái tóc giờ đã bạc màu mây khói. Đành phải ra đi, vội vã sao... — Haise Sasaki khi tiễn biệt Arima.
Tất cả lời thoại trích dẫn được lấy từ bản dịch của Devil Slayer Team & Horror FC
Otakulture
/otakulture
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất