Tôi viết cho chính mình. Tôi chia sẻ đến những người yêu quý tôi, hoặc muốn làm khách hàng của tôi.

Sau quyết định bỏ mọi công việc đã làm và bắt đầu lại từ đầu với công việc mới, tôi đã tự lập cho mình một website trên nền tảng wix.com. Trên website này, tôi “trưng bày” những bài viết về những điều mình suy nghĩ, những chủ đề mình có cảm hứng. Khi xây dựng trang web này tôi đã chỉnh đi sửa lại trong nhiều ngày, cứ mỗi lần tôi truy cập như một người xem, tôi khám phá từng danh mục. Tôi tự mình trải nghiệm trang web của mình như một người qua đường để tìm những điểm chưa hài lòng. Tôi vừa sửa web vừa viết bài mới, mong muốn sớm làm đầy thế giới của chính mình. Tôi “nằm vùng” trong hội nhóm làm content và thấy mọi người làm CV và portfolio trên website. Tôi nảy ra ý định kết hợp chúng với blog của mình, có thể viết những gì mình muốn đồng thời là một công cụ phục vụ cho công việc. Thông qua website cá nhân, tôi cũng có “đất” để tự do thể hiện bản thân, giới thiệu những kinh nghiệm góp nhặt được. Trong tương lai gần, khi sử dụng website này trong công việc, tôi sẽ mua tên miền mang tên mình. Đây sẽ là biểu hiện đầu tiên rõ nét nhất chứng minh việc tôi đang dần bước chân vào làm việc một cách chuyên nghiệp và bài bản hơn.
Unsplash
Unsplash

Câu hỏi tiếp theo cần trả lời sau khi xây dựng website cá nhân, đó là tôi sẽ xây dựng nội dung gì trên website đó?

Tôi nghĩ mình sẽ viết tốt nhất về những gì thuộc sự hiểu biết của tôi ở hiện tại, đồng thời mọi người cũng có một bộ phận người đọc quan tâm chủ đề đó. Vậy là tôi lựa chọn mảng chủ đề mà tôi đang làm cộng tác viên cho một trang báo mạng, đó là viết về đời sống. Đây là một chủ đề rất rộng cần thu hẹp phạm vi để phát huy lợi thế của mình. Tôi là người phụ nữ có gia đình, độ tuổi chớm chạm đến độ “chín”, những va vấp trải qua cũng là nguồn tư liệu viết quý báu. Vậy nên, tôi chọn ngách về gia đình, hôn nhân, góc nhìn về một số vấn đề xã hội và thậm chí cả một vài phút tận hưởng, cảm nhận cuộc sống. Tôi đã share bài viết trên trang báo tôi cộng tác cũng như trên blog lên trang facebook cá nhân. Bên cạnh đó, việc chia sẻ cũng khiến số lượt xem bài viết tăng lên một chút. Chỉ là với những bài viết dài của tôi khiến người ta thiếu kiên nhẫn để đọc hết, hoặc tôi viết chưa đủ lôi cuốn khiến cho số lượt xem chưa nhiều. Ngày nay những clip ngắn giải trí tràn lan trên mạng xã hội thu hút rất nhiều người theo dõi, tương tác, tạo trend. Ngay bản thân tôi khi nghỉ giải lao có lướt ngang lướt dọc một chút cũng cảm thấy bị cuốn theo. Thế nhưng, cá nhân tôi vẫn yêu thích việc đọc và viết long form, tôi tin rằng đâu đó vẫn có những người thích cảm giác nghiền ngẫm. Bởi vậy, tôi nghĩ mình sẽ kiên trì đi theo những gì trái tim mách bảo. Khi thực sự yêu thích việc mình làm, người ta mới có thể ở bên lựa chọn của mình lâu dài được.
Unsplash
Unsplash

Đó là khi tôi viết cho chính mình, viết cho những người thích đọc sự “xàm xí” của tôi. Vậy với công việc thì sao? Viết cho khách hàng của tôi, tôi sẽ làm được điều gì?

Quay trở lại một chút với chuyên ngành tôi được đào tạo, đó là Marketing và Thương mại điện tử. Có thể nói, vào thời điểm tôi tốt nghiệp là khởi đầu sự phát triển của ngành Thương mại điện tử, Shopee bắt đầu xuất hiện trên thị trường, chính thức khai chiến với Tiki và Lazada. Song song với đó là những nhu cầu dịch vụ mới, tạo nên sự phát triển rầm rộ của một loạt những công việc mới trong ngành Marketing. Những công việc tự do và đòi hỏi sự sáng tạo, chuyên nghiệp và tinh thần ham học của người làm nghề. Xu hướng phát triển các công việc liên quan đến xây dựng nội dung đa loại hình, đa nền tảng, đa phương tiện đầy triển vọng. Tôi nhìn thấy nhiều cơ hội đang mở ra cho nghề nghiệp. Nhưng tôi đã trì hoãn vì bị nó làm cho choáng ngợp, sợ phải tiến lên, thấy mình kém cỏi. Tôi đã bỏ lỡ khoảng thời gian tốt nhất.
Từ thời điểm tôi ra trường đến nay đã qua năm năm. Mặc dù năm năm này không quá phí phạm, ít nhiều tôi cũng học được nhiều thứ từ những công việc trước đây. Chỉ là với công việc như thế, tôi cảm thấy môi trường làm việc thiếu cơ hội để tôi rèn luyện và phát triển bản thân. Thậm chí, một số kỹ năng mềm tôi may mắn học được trong các dự án thực hành thời đi học lại trở nên mai một dần. Giờ đây tôi có động lực hơn khi quay trở lại đào sâu chuyên môn. Tôi muốn mang lại cho bản thân và khách hàng những giá trị đôi bên cần. Khi tôi học về Hành vi người tiêu dùng trên ghế nhà trường, thầy giáo có nói rằng: “Bán thứ khách hàng muốn mua chứ không phải bán thứ mình muốn bán”. Vậy nên, tôi cũng luôn chú ý giữ tỉnh táo để đạt được độ khách quan nhất định trong công việc. Tôi có thể viết thứ mình muốn viết, dành cho chính tôi và những người yêu quý tôi muốn đọc chúng. Tôi cũng có thể viết điều khách hàng muốn, chỉ cần giữ nguyên tắc là tôn trọng sự thật, mang lại giá trị đúng cho khách hàng của họ.
Unsplash
Unsplash
Trước đây tôi có nhận booking viết bài PR cho một thí sinh thi Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam 2022, tôi cũng lắng nghe và thể hiện bài viết theo hướng bạn ấy muốn. Nhưng bên cạnh đó, tôi cũng trao đổi lại để giúp bài viết về bạn ấy tiết chế hơn, PR dựa trên sự thật là sự bền vững, quyền quyết định vẫn nằm ở bạn đó - khách hàng của tôi. Cách làm việc của tôi sẽ là: “Tôi cung cấp cho khách hàng dịch vụ hướng đến điều họ mong muốn, giúp họ điều chỉnh ý muốn sao cho phù hợp với thị trường”. Nếu tôi chỉ là người nhận thù lao rồi răm rắp thực hiện công việc cho xong, cho dù đúng ý khách hàng nhưng không giúp họ có được giá trị họ mong muốn, thì tôi là kẻ làm việc thiếu chữ “tâm”. Lâu dài, hiệu quả mà khách hàng muốn lại không có được, tôi cũng sẽ tự hại chính mình, bởi khiến khách hàng đánh giá tiêu cực. Giá trị bền vững của đôi bên cần được xác định rõ, có vậy mới hy vọng đi đường dài.
Tôi viết để tạo ra giá trị cho chính mình và độc giả/khách hàng của tôi. Giá trị đó có thể là vật chất, có thể là phi vật chất nhưng cái đích cuối cùng vẫn là sự hợp tác win-win, sự cân bằng tình cảm và lý trí trong công việc.