Bầu trời đen kịt, những cơn mưa bất chợt đầu mùa, những giọt mưa tí tách thi nhau rơi không ngừng ... Buồn! Tại sao lại buồn? Có phải vì mưa gợi cho ta nhiều nỗi buồn, hay vì mưa gợi cho ta nhớ về nhiều kỉ niệm? Trong căn phòng nhỏ - không khí ngột ngạt, tràn ngập nỗi hiu quạnh bao trùm cả căn phòng cuốn theo những thương nhớ hôm nao. Những hình ảnh về ông ngoại bỗng ùa về. Có lẽ, nỗi nhớ ông đã khắc sâu vào tận tâm can tôi. Tôi buồn, tôi nhớ ông, nhớ đến đau lòng buột dạ... Tại sao người đã đi, nhưng tôi trông vẫn cứ đoái hoài?
    Ông tôi lâm bệnh nặng vào khoảng 4 năm trước, khi tôi chỉ mới là cô bé học sinh lớp hai cấp tiểu học. Ngày thấy ông có dấu hiệu bất thường, mọi người trong nhà liền đem ông đến bệnh viện khám. Ông tôi bị vỡ động mạch chủ, tôi nghe cha mẹ tôi nói thế. Mặc cho đang ở cái tuổi gọi là xế chiều, nhưng ông tôi vẫn luôn lao động nặng nhọc, đó chính là lý do khiến ông mắc phải căn bệnh quái ác này đây. Sau khi nằm viện được hai tháng liền ở bệnh viện Chợ Rẫy, thì ông tôi được đưa về nhà để việc chăm sóc được thuận tiện hơn. 
    Ngày đầu tiên tôi được thấy ông sau ngần ấy ngày xa cách, trông ông khác hẳn hồi trước thật nhiều. Từ một người đàn ông với cơ thể cao to, khỏe mạnh, giờ đây chỉ còn là cơ thể gầy gò, ốm yếu. Ông thay đổi nhanh đến nỗi khiến tôi choáng ngợp không thể nhận ra. Khoảng thời gian đầu khi ông được đưa về, tôi chỉ biết chăm sóc cho ông theo cách của một đứa trẻ. Tôi chỉ biết đút cho ông ăn, vệ sinh chân tay cho ông, hay thậm chí là nằm kế mỗi khi ông ngủ... 
    Một lần, khi đang ngồi chơi cùng ông, tôi liền cất tiếng hỏi:
- "Ông còn nhớ con không?" 
- "Nhớ", ông đáp
Thấy thế, tôi liền đưa giấy bút cho ông. Ngay sau đó, ông cầm bút lên và viết tên tôi. Tuy nét chữ nguệch ngoạc, nhưng đủ để nhận ra rằng đó chính là tên tôi. Tôi vui lắm, vui đến tột cùng. Vào khoảnh khắc ấy, tôi đã khóc.
    Tôi luôn hi vọng có một ngày nào đó, ông sẽ bình phục và lại là ông của ngày trước. Thế mà càng về sau, bệnh ông lại càng trở nặng. "Cứ để cho mọi người lo, lâu lâu chỉ cần rót cho ông cốc nước hay ngồi chơi là được rồi, chứ giờ làm cũng có đóng góp được gì đâu" - suy nghĩ của một đứa trẻ như tôi khi đó. Hai năm sau, ông mất.
    Khi còn khỏe mạnh, ông yêu thương tôi lắm. Ông chính là người cầm tay tôi, dắt tôi đi từng bước trên con đường đời. Ông là người đầu tiên chịu lắng nghe cô cháu gái nhỏ than thở về mọi chuyện trên trời dưới đất, là người sẵn sàng giải đáp tất cả những câu hỏi "vì sao?" của tôi. Đôi khi, hạnh phúc chỉ đến từ những điều giản đơn như thế đấy. Vậy mà, khi ông nằm xuống giường bệnh, tôi lại chẳng thể nào làm tốt hơn trong việc đáp trả lại tình yêu thương mà ông dành cho tôi.
              Trời thăm thẳm xa vời khôn thấu
Nỗi nhớ người đau đáu nào xong?
    Tôi nhớ ông. Tôi nhớ những lần được ngồi bên mâm và ăn cơm cùng ông. Tôi nhớ những lần được nghe ông kể chuyện, được nghe ông hát cải lương ru ngủ. Tôi nhớ những lần được ông đèo trên chiếc xe máy đi dạo phố sau khi đi học về. Tôi nhớ những buổi sáng sớm được đi bộ tập thể dục cùng ông… Tất cả chỉ còn là những kỉ niệm.
    Mỗi lần nhìn thấy ảnh ông, tôi lại không cầm được nước mắt. Giọt nước mắt cứ lăn dài trên hai gò má. Nhiều lúc tôi cứ ngỡ, ông vẫn còn bên tôi. Ông tôi đã mất từ lúc nào? Tôi thực sự không hay.
     Thời gian trôi qua nhanh thật đấy, nhanh như vài cơn gió mạnh chạy thoáng qua nhưng đọng lại cho ta hương mát của mùa thu tươi mới. Mặc cho ông không còn trên cõi đời này nữa, mặc cho ông không còn được mọi người nhớ đến nữa. Nhưng những kí ức về ông sẽ khắc mãi trong tâm trí tôi. Tôi ước dòng chảy thời gian có thể chậm lại một chút, để tôi có thêm cơ hội được chăm sóc, kề cạnh ông. Tôi ước, tôi ước được "chậm"...