Tôi nhớ khi còn nhỏ xíu lúc đi học thường xuyên được bạn bè "để tâm" và bắt nạt. Kể lại chắc chẳng ai tin, bởi mọi người thường biết tới tôi là không có vẻ gì là giống có thể bắt nạt.
Đúng, tôi bây giờ chính là không ai dám động, cũng không buồn động tới ai. Nhưng ai không vừa mắt tôi, tôi cho người đó "bay màu" khỏi cuộc đời tôi liền. Sức đâu mà quan tâm những người mình ghét chứ, phải không? Tôi càng không có cái tính bắt nạt người khác, hay ra uy với kẻ yếu hơn mình.
Tôi thích mọi người đừng xen vào việc của tôi, nên tôi đương nhiên cũng sẽ không xen vào việc của họ. Nó khiến tôi có một tính cách khá tiệm cận với 2 chữ "vô tâm". Tôi không quá quan trọng điều đó lắm. Giống như một người bạn tên Vinh mà tôi quen qua mạng xã hội, bạn ấy khá thích câu nói này của tôi.
"Làm những gì bạn cho là đúng đắn."
Nhưng bạn ấy có bổ sung cho tôi một ý rất hay, mà tôi nghĩ từ đó về sau này tôi sẽ dùng thêm cả ý đó nữa.
"Làm những gì bạn cho là đúng đắn và đứng đắn."
Tôi vẫn luôn có rằng, hãy cứ làm gì mà bản thân cho là phải làm, nên làm và đúng đắn, không phải bởi đám đông, bởi người thân, bởi ai đó tác động. Bởi chỉ khi nào bạn độc lập quyết định, khi đó bạn mới có quyền dành lấy tự do.
Dẫu quyết định có sai, thì ta cứ đứng ra gánh vác, chẳng phải người ta trưởng thành sau mỗi lần sai hay sao? Thế giới có thể không cho bạn cơ hội, nhưng bản thân bạn phải cho mình cơ hội, được phép sai và sửa sai.
Tôi có 2 thằng em họ, chúng nó vô cùng nhút nhát. Nhút nhát ở đây không phải là e dè, sợ hãi mà là không dám gánh vác trách nhiệm. Tôi không thể trách chúng nó, bởi chúng nó được dạy là không được phép sai. Nó chỉ có thể đúng, đúng ở đây chính là đúng ý cha mẹ. Tôi thấy rất rõ nét về sự máy móc, dập khuôn trong tư duy của chúng.
Mỗi lần nó định làm điều gì đó, nó lại hỏi người lớn, nó có được làm điều đó không? Nếu nó làm sai, thì lỗi đó sẽ thuộc về ai?
Giống như hôm trước, tôi bảo nó chiều nấu vịt om sấu nhé. Nó nói rằng nó không biết nấu, lỡ nấu sai thì sao? Tôi nói với nó, em cứ làm gì em cho là đúng, hôm nay nấu chưa ngon thì lần sau sẽ nấu theo cách khác, mạnh dạn sáng tạo đi em.
Thằng bé được cổ vũ thì gật gù lắm, nhưng đến bước thật sự làm nó lại sợ. Cuối cùng tôi là người đứng ra nấu món vịt om sấu đó. Tôi nấu ăn ra sao chắc nhiều người cũng biết, chính là "thần linh" bảo sao thì làm như vậy, không cần nghe bố con thằng nào cả, cứ mạnh dạn mà sáng tạo.
Nấu ăn là quá trình thưởng thức sự sáng tạo trong việc kết hợp các nguyên liệu và giai đoạn. Tại sao cứ nhất nhất phải nghe theo một công thức 1+1=2. Nấu ăn không có những con số tuyệt đối.
Cũng giống như khẩu vị vậy, làm gì có cái gì gọi là khẩu vị đúng và khẩu vị sai, chỉ đơn giản ăn vào mồm, cảm thấy rất vừa ý và vui vẻ, đôi chút có thêm phần hạnh phúc và sảng khoái. Đâu có ai quy định được như thế nào là ngon. Bản thân từ ngon đã là một sự tương đối rồi.
Nhiều lúc bạn đọc bài viết của tôi, bạn thấy tôi viết quanh co vòng vèo, bạn nghĩ sao lại là kỳ thế? Tôi nói cho bạn biết một bí mật. Để luyện viết, tôi hằng ngày để viết ra những dòng suy nghĩ quanh co uấn lượn đó. Để làm gì ư? Để đầu óc được thông thoáng, để cho bộ óc có chỗ dành cho việc sáng tạo.
- Có nhiều người hỏi tôi, làm sao để viết?
- Tôi chỉ đơn giản trả lời, cứ viết xuống đi...
- Viết gì đây?
- Cái gì có trong đầu thì lôi nó xuống.
- Nhưng nó là những thứ chồng chéo, ngổn ngang thì sao?
- Càng tốt, viết xuống đi!
- Tại sao?
- Bởi chỉ khi bạn mang những chi tiết tưởng là vụn vắt kia, xếp chúng xuống trên một mặt phẳng để đôi mắt và con tim bạn thấy được, bạn mới có cơ hội xâu chuỗi chúng lại. Khi bạn xâu chuỗi chúng lại, tự nhiên bạn sẽ tạo nên một hệ thống logic. Có được hệ thống logic, tức là bạn có dàn ý có một bài viết xuất sắc sắp ra đời. Tóm lại, hãy cứ viết xuống đi.
- Chỉ vậy thôi ư?
- Chỉ có thế đấy.
Bạn đang đọc những dòng chữ này, tức là bạn đang được đọc những gì hiện ra tuần tự, tuôn trào tại thời điểm tôi gõ phím xuống. Không dừng lại để suy nghĩ, chỉ đơn giản thả trôi những gì hiện lên trong đầu xuống bàn phím laptop.
Những dòng cuối cùng của bài viết này, tôi muốn cổ vũ cho chính tôi. Cứ tin tưởng vào lựa chọn của bản thân mình. Lỡ cho sai, chúng ta sẽ làm lại. Tôi không sợ sai, tôi chỉ sợ không biết là mình sai.
Mỗi một kết quả để cần một cái giá. Một một thành công đều có bởi một sự đánh đổi. Chỉ là ta sẵn sàng với cái giá nào? với sự đánh đổi nào?
Xin 30s quảng cáo cho Podcast số 14 của Blog Phụ Nữ Tự Do. Podcast đã có mặt tại Google Podcast.
Hẹn gặp nhau tại đó nhé!
Hương Nguyễn - Phụ Nữ Tự Do