Tôi thiếp đi trong niềm vui và đêm rớt
Nhưng đi theo suốt chiều dài cuộc đời, cái khinh bạc dí dỏm đàn ông ấy dần chỉ còn là kỷ niệm. Dựa vào đó để lớn lên, nhưng không thể dựa vào đó mà đối mặt với cái chết. Muốn hiểu được thực tại đang sống, thì phải là điệp viên của một thực tại khác.
Nếu cần tìm một ca khúc Việt Nam xuất sắc nhất viết về mưa, tôi xin đề cử Mưa Nửa Đêm. Ca khúc ra đời năm 1968 này mang đầy đủ những đặc trưng của ông hoàng Trúc Phương: câu chữ gọn, hình ảnh đắt, ám ảnh, nuối tiếc, sầu muộn nhưng không bi lụy. Khác với nét công tử của Lam Phương ("thành phố buồn nằm nghe khói tỏa"), hào hoa của Trần Thiện Thanh ("cho lũ dơi đi tìm giấc ngủ vùi") hay ước lệ của Thanh Sơn ("màu hoa phượng thắm như máu con tim"); Trúc Phương – một người "hai mươi tuổi cười buồn" - đi trực tiếp vào cảm giác.
Nỗi buồn của Trúc Phương là nỗi buồn sờ được, nhìn được, ngửi được và dồn dập, xuống đáy trong một khoảnh khắc, thăng hoa trong một hình ảnh.
“Đêm chưa ngủ nghe ngoài trời đổ mưa từng hạt rơi”
Gác nhỏ đèn lẻ loi bóng dáng in trên tường loang"
Ta có một câu chuyện, và thậm chí là câu chuyện riêng của từng người. Khi mưa đêm mở ra những khe nứt thực tại, câu chuyện không còn thuộc về Việt Nam, về Mỹ, hay một vùng đất nào nữa. Mưa đêm là một vùng đất, một xứ tự trị của tinh thần. Mưa và suy tưởng là một: nhờ mưa nên có tồn tại, và nhờ tồn tại, nên mưa mới thành hình, người ta mới nhìn thấu một cách đơn giản mưa tuôn rơi lạnh xuyên qua áo ai.
Suy tưởng và mưa gặp nhau ở đâu? Câu trả lời là ở khói. Khói cũng là kỷ niệm, tất cả hoài niệm đều có dạng khói. Vì thế nên những nét khí vằn vện của nhang đèn và những sợi quyến luyến của thuốc lá là một trong những cách liên lạc đến một cõi khác.
Suy tưởng thắp lên như khói, cái tiết điệu của khói dẫn dắt mưa: mưa lên phố nhỏ. Nhưng nếu khói của lửa là dấu vết, khói của nước là tan biến, xoá đi làm lại. “Mưa LÊN phố nhỏ” chứ không phải mưa rơi xuống. Trong bài hát chỉ có một thứ thực sự rơi xuống, là đêm. Mưa được tả với các hướng khác nhau: xuyên qua áo ai, lên phố nhỏ… Các hướng khác nhau nghĩa là đan. Mưa lấy một chút của giấc mộng (giấc ngủ chưa đến tìm) đan lên thực tại. Vết chân đi của bài hát là theo khói, theo nhịp thời tục (la durée) của mưa, và cũng là của suy tưởng, gửi hình ảnh vào lòng đêm.
Câu chuyện mở ra: "Em gối tay tôi để ôn chuyện xưa cũ" nhưng không khép lại.
Mưa Nửa Đêm là một câu chuyện không có thời gian cụ thể mà là những giấc mơ dài lặp lại của chia ly. Đó là một trùng phương của một nỗi luyến tiếc muốn tự định nghĩa lại nó: tất cả các câu hát hầu như đều giống một câu mở đầu, chứ không phải là một câu chuyện kéo dài. Người ta lộn lại một nỗi buồn và cố quay trở lại để đươc sống ở trong đó, nắm bắt và hiểu rõ nó.
Trực giác mách bảo tôi rằng, nhạc bolero (tất nhiên không phải tất cả, những dạng như Duyên Phận thì có hướng đi khác) là thứ ca khúc nam tính (giống như văn của Mansfield và Han Kang nhiều nữ tính), hình như tôi từng nói điều ấy.
Ở Hà Nội, người ta nghe bolero nhiều hơn người miền nam nghĩ, nghe từ giai đoạn vẫn được xếp vào hạng đài địch. Thanh niên lớn lên, trong cơ thể thanh xuân một tâm hồn đòi trừu xuất một cái tôi thuần nhất, thì bắt đầu nghe nhạc bolero có những câu như:
đêm đối mặt tình nhân khó quên niềm suy tư chợt đến theo dấu giầy muốn tìm (Huy Phong)
Nhưng đi theo suốt chiều dài cuộc đời, cái khinh bạc dí dỏm đàn ông ấy dần chỉ còn là kỷ niệm. Dựa vào đó để lớn lên, nhưng không thể dựa vào đó mà đối mặt với cái chết. Muốn hiểu được thực tại đang sống, thì phải là điệp viên của một thực tại khác. Dòng thứ hai của Bolero, những tình ca bi luỵ, không hề có vết tích chiến tranh, chẳng phải là một cách để ngoảnh mặt mà là nhìn cho rõ thực tại. Các ca khúc ấy chỉ có thể tồn tại trong setting của nửa đêm “Nửa đêm lạnh qua tim / Giữa đường phố hoa đèn” hay “Đêm qua trắng đêm mơ thương hình bóng cũ xa xôi”. Màn đêm được phát hiện ra bởi Cung Oán Ngâm Khúc, “Thâm khuê vắng ngắt như tờ” là cõi sống còn lại chưa bị thù hận và hư vô xâm nhập, trong khi người ta đã vét cả văn thơ vào những cuộc chiế. Và những ca khúc đó cũng chỉ có thể cảm nghiệm được rõ nhất, trên những chuyến xe đêm chối bỏ bản ngã, của một quãng đời sống hụt.
Mai Thảo viết mưa đêm
Đoạn dưới đây là đoạn đã từng dùng làm ví dụ trong một bài viết, đây là trích từ Tuỳ bút của Mai Thảo, in trên tạp chí Khởi Hành. Thực ra tuỳ bút Mai Thảo thì giống tuỳ bút hơn là cụ Nguyễn Tuân, còn tuỳ bút của Nguyễn Tuân thì lại trông như tiểu thuyết.
Trận mưa đầu mùa nào cũng dấy lên bất chợt, về đêm. Trong tĩnh mịch hoàn toàn. Lúc khuya nghiêng về sáng. Mưa đổ. Giữa chiêm bao chập chờn chưa dứt mộng. Mưa bay. Trên bằn bặt giấc thiếp lãng quên đời. Qua những ga sao và những trạm trời, chuyến xe mưa lăn bánh sầu của một nghìn hạt lệ, chở theo nó những tầng cao và những không gian, thường, bằng đêm, đến với cái bến đất này như vậy. Êm ái mà bàng hoàng. Dịu dàng mà kinh động. Từ một đáy vực, bỗng ào ạt kín trùm lên giấc ngủ ta.
Tĩnh thức trong đêm, bằng đánh thức của mưa, giác quan còn hoài nghi thoạt kỳ thủy là cái gợn gợn mơ hồ của một đụng chạm phảng phất. Như có. Như không. Như mới đó mà. Như vừa biến mất. Giọt thứ nhất, nhấn chỉ nửa vời. Và bỏ lửng. Giọt thứ hai thêm một chút thăm dò. Một giọt phân vân, một giọt lưỡng lự, đã những giọt vàng nghìn triệu mưa theo. Nằm nghiêng tai, nghe những chân mưa hững hững hờ hờ rồi trùng điệp tới, cảm giác kỳ thú nhất là thay vì một im lặng nào trước đó một giây, mưa đã làm thành một im lặng mới. Mênh mông. Thứ im lặng vẫn nghe thấy nơi phía sau của một nhịp động đều. Như tiếng động nào cũng rơi trên một cái nên im lặng. Rồi mưa. Tật lớn. Lấn chen. Cuống quýt. Thành tràn ngập tường. Thành lênh láng mái. Thành rũ rượi lá. Thành lướt thướt đường. Suối chảy trong nhà. Biển đầy quanh gối. Người xem như đã chịu trận là lúc trời xem chừng càng làm dữ hơn lên. Cái nền im lặng mất biến, trôi băng đi. Và lúc đó, mưa rất tươi, mưa rất hồng, đã nhịp trống rừng trong ta dậy dậy.
Bonus
Đối với tôi, ca sĩ Cẩm Ly hát bài này là đạt nhất, sau đó đến Lệ Quyên. Tôi còn nghĩ họ hát đạt hơn các ca sĩ trước 1975, tuy rằng chúng ta không nên so sánh. Luôn có cảm giác Cẩm Ly rất hiểu ca khúc này.
Nhân tiện, một cuốn sách được tặng, có chương về Cẩm Ly. Cuốn sách của nhạc sĩ Nguyễn Nhất Huy:
Tái bút: À, có nhiều người hỏi thăm về Thế Kỷ Hư Cấu, mọi người đợi cho vài ngày sẽ có thông tin mới. Chúng tôi đang tổng kết khoá thứ 4 của Thế Kỷ Hư Cấu, chương trình thứ 5 sẽ bắt đầu vào đầu 2025.
Hiện nay, Văn+ đang kêu gọi bài viết cho số Tết, xin xem thông tin ở đây
Sáng tác
/sang-tac
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất