Đã bao giờ bạn nghĩ rằng vứt đi những món đồ mình đã xót ví bỏ ra lại khiến mình cảm thấy hạnh phúc hơn?
Hay tự hỏi mình tại sao dù những món đồ khi xưa mà mình ao ước biết bao nhưng khi đã có rồi bạn lại nhận ra rằng mình thật sự chẳng thích chúng đến thế?
Cuốn sách “Lối sống tối giản của người Nhật” đã trả lời cho tôi những câu hỏi ấy. Dù có những quan điểm mà tôi chưa thực sự đồng tình với tác giả nhưng đây thực sự là một cuốn sách hay về chủ nghĩa tối giản mà tôi đang theo đuổi suốt bây lâu nay.
Những điều tôi thực sự thích thú trong cuốn sách này
Thông qua “Lối sống tối giản của người Nhật”, tác giả cũng chỉ ra rằng lối sống tối giản không chỉ biến đổi không gian sống mà còn thực sự làm phong phú thêm cuộc sống của bạn. Bất cứ ai cũng có thể nhận ra những lợi ích của cuộc sống tối giản và cảm nhận về hạnh phúc thực sự khi thực hiện nó.
Trong chương đầu của cuốn sách, tác giả chỉ ra bản chất con người khi sinh thành đã là con người tối giản, ta đến thế giới này mà không có gì trong tay, cũng không có nhiều của cải vật chất bên mình. Giá trị của con người thực sự không thể hiện qua việc bạn sở hữu bao nhiêu món đồ, đó chỉ mang lại hạnh phúc nhất thời, thoáng chốc.
Bạn có thể đã từng trải qua cảm giác thoải mái khi để mọi đồ trong nhà nghỉ và ra ngoài tản mát ngắm cảnh, nhưng cũng từng trải qua cảm giác mệt mỏi khi đồ đạc để lung tung nhét trong vali sau một chuyến du lịch. Cũng giống như câu trích dẫn trong cuốn sách “Rốt cuộc, chúng ta lại trở thành nô lệ cho chính những món đồ mà ta sở hữu.”
Vậy thế nào là một con người tối giản?
Thực sự chẳng có một quy chuẩn nhất định nào cho một người sống tối giản cả. Nếu có thể hình dung ra thì có chăng người sống tối giản là người thực sự hiểu rõ thứ gì quan trọng với bản thân mình chứ không phải là thứ mong muốn theo cách nhìn của mọi người xung quanh và là người biết giảm bớt đồ đạc vì những thứ thực sự quan trọng.
Tác hại của thói quen
Khi con người đã “quen dần” với một món đồ mà mình “ hằng mong ước” thì “điều hạnh phúc” ngày nào giờ đây đã trở thành một “ điều hiển nhiên” và cuối cùng mọi thứ trở nên “chán ngắt”. Điều này không chỉ đúng với những món đồ mà còn đúng với những mối quan hệ trong cuộc sống thường nhật nếu bản thân mỗi chúng ta không thể tự nuôi dưỡng trong mình “hạnh phúc của chính bản thân”.
Lần đầu bạn mua một đôi giày mới, mọi thứ đều thật tuyệt với, cái cảm giác đi một đôi giày mà bạn đã thích rất rất lâu rồi, nhưng sau 10 lần, 20 lần sử dụng nó, bạn có còn nhớ cảm giác hạnh phúc đó nữa không? Bấy giờ việc bạn đi đôi giày ấy đã trở thành một điều bình thường, hiển nhiên và sau 100 lần sử dụng, có lẽ bạn chẳng còn nhớ tại sao mình lại từng thích nó đến thế…
Con người luôn cảm thấy không thỏa mãn với đồ đạc của mình, dù cho họ có tất cả mọi thứ nhưng vẫn luôn cảm thấy thiếu, bản chất con người luôn thích những cái mới, khi chúng ta lần đầu mua về, chúng ta vẫn luôn thích thú và tự nhủ rằng thế này là đủ rồi, nhưng theo thời gian, bạn sẽ không còn hứng thú với những thứ đó nữa và có hứng thú với những cái khác, những cái mới hơn, đó chính là tác hại của thói quen.
Có những món đồ bạn mua về là để “thể hiện giá trị bản thân”, con người sống theo xã hội, một tập thể và cần sự công nhận từ họ. Nếu một người cảm thấy không có giá trị, họ sẽ có những hành động cực đoan. Vì vậy, để thể hiện giá trị của mình, họ cần có những món đồ bên cạnh, đó là phương pháp truyền đạt giá trị nhanh chóng nhất.
Những điều hạnh phúc mà cuộc sống tối giản đem lại
- Có nhiều thời gian hơn
Trong mối dịp Tết đến xuân về, bạn từng phải thốt lên rằng: “ Sao mà lắm thứ phải dọn thế?”, một cuộc sống tối giản sẽ giúp bạn tiết kiệm quá nửa thời gian dọn dẹp của mình. Hay chẳng mất thời giờ để suy nghĩ xem “Hôm nay mặc gì?”, “Có hợp hay không?” Bởi vì bạn nhận ra rằng bạn thật sự chẳng cần đến những điều đó. (Trong tủ bạn đã là những bộ áo quần phù hợp với bạn nhất rồi mà)
- Giảm thời gian uể oải, biếng nhác
Khi bạn đã đơn giản hóa cuộc sống của mình thì tự nhiên bạn sẽ giảm được thời gian lười biếng cho bản thân. Đống công việc nhà mà khi xưa bạn chán đến tận cổ, tự an ủi mình rằng “Thôi, để mai làm một thể” bây giờ bạn có thể hoàn thành mọi việc mà vẫn dư giả thời gian làm công việc khác nữa ấy chứ. Chỉ một thói quen đơn giản như một liều thuốc thần kỳ cho căn bệnh “trì hoãn” vô phương cứu chữa khi xưa.
- Tiết kiệm tiền bạc
Điều này thực sự là điều dễ nhận ra nhất. Khi chúng ta có lối sống tối giản, chúng ta biết những gì thực sự cần thiết, thực sự quan trọng. Những món đồ ta mua sẽ là một khoản đầu tư hiệu quả và giúp ta tiết kiệm tiện bạc một cách hiệu quả đến bất ngờ.
Dưới góc độ của một độc giả Việt
Có lẽ vì đây là tác phẩm được viết bởi một người Nhật kể về những trải nhiệm của mình nên đối với một người độc giả người Việt thì có những điều chưa thực sự phù hợp.
Tác giả có nói “ Vứt” bớt đồ đạc nhưng cách “vứt đi” làm sao cho hợp lý lại chưa được tác giả khai thác, phân tích hiệu quả và đủ chiều sâu. Khi chỉ dừng lại ở những quy tắc có phần hơi lý thuyết và có lẽ là chưa phù hợp với người Việt.
Sao lại là “Vứt đi” mà không phải “Cho đi”?
Một món đồ nếu thực sự không có tác dụng gì với bạn nhưng chưa chắc đã mất đi giá trị thực sự của nó. Một bộ quần áo cũ cũng có thể là một điều ước của một đứa trẻ vùng cao, khi mà cái lạnh giá mùa đông, cái nghèo, sự thiếu thốn vẫn còn ở một nơi nào đó trên mảnh đất nhỏ bé này.
Còn một điều nữa nhưng có lẽ là xuất phát từ quan điểm chủ quan của cá nhân tôi nhiều hơn. Một cuốn sách về lối sống tối giản nhưng có những chi tiết mà khiến tối chả thấy khác nào một bài báo công nghệ review cho Apple vậy. Với tần xuất xuất hiện khá dày, có lẽ một phần nào đó làm giảm đi sự hấp dẫn với độc giả.
Lời kết
Trong cuộc sống hiện đại ngày nay, giá trị vật chất đang ngày càng được coi trọng và khiến chúng ta dễ dàng lạc lối. Cuốn sách này như một lời nhắc nhở chúng ta nhìn lại lối sống của bản thân và tìm thấy ý nghĩa trong cuộc sống của mình. Từ chính những sự giản đơn mà chúng ta biết được đâu mới là điều quan trọng, đâu là những điều dư thừa không cần thiết.
Lối sống tối giản thực sự có thể giúp bạn thoát khỏi lối sống bị đè nặng bởi những chi tiêu vật chất, khi không còn bị áp lực bởi việc thể hiện giá trị bản thân qua vật chất, không bị ảnh hưởng bởi ánh nhìn của người khác, tâm hồn của bạn cũng được tự do, và bạn có thể mở rộng tâm hồn mình đón nhận ý nghĩa hạnh phúc của hiện tại.