Nếu không tiện đọc bài viết, bạn có thể nghe bản audio tại đây:

Tôi dám cá rằng trong suốt quãng đời học sinh của mình, bạn ít nhất đọc, nhìn thấy bạn bè xung quanh đọc, hoặc nghe về tựa đề của quyển sách “Tôi tài giỏi và bạn cũng vậy”. Bài viết này sẽ không xoáy vào sự tệ hại khủng khiếp mà quyển sách này gây ra với tâm lý học sinh, mà tôi sẽ tập trung vào việc sự so sánh trong học đường đã giết chết bao nhiêu tâm hồn non nớt của chúng ta.
Đừng bắt tôi phải đi con đường của bạn
“Thằng So con nhà bác Sánh vừa được học bổng du học Singapore đấy, sao con không thi luôn đi?”
“Điểm của con đứng thứ bao nhiêu trong lớp?”
“Điểm của con có cao hơn Hạnh nhà bác Phúc không?”
“Tuần này xếp hạng của lớp chúng ta thua xa lớp 12A1!”
“Thục Nghi, em hãy về hỏi chị Phương Nghi của em xem ngày xưa chị em học giỏi cỡ nào”
Tất cả những câu nói ở trên đều là sự so sánh.

Có thể bạn quan tâm:

Vậy sự so sánh trong học đường là gì?

Sự so sánh trong học đường ở đây có thể hiểu là sự so sánh những tính chất tương đồng (giỏi/dở, nhanh/chậm,…) giữa những học sinh trong cùng (hoặc khác) môi trường học tập. Sự so sánh thường được ngụy biện là để thúc đẩy thi đua, kích thích khả năng ganh đua của mỗi học sinh trong học tập.
Chúng ta đều quá quen với sự so sánh này

Động cơ thật sự của nạn so sánh học đường.

Đầu tiên, cả tôi, các bạn đã trưởng thành, và các em học sinh cần phải hiểu rằng động cơ của sự so sánh ở đây không phải là để cho bản thân của học sinh như những người so sánh thường hay bao biện. Cụ thể:

Tôi chỉ muốn em học tốt hơn

                                                                                              -Giáo viên nào đó-
Không, thật ra giáo viên được hư danh từ những danh hiệu, và khen thưởng cho mỗi huy chương đạt được. Xếp hạng thi đua kém sẽ phải chịu trận trước ban giám hiệu. Tôi xin kể một ví dụ ngay tại trường cấp 3 của tôi, vốn thuộc hệ thống trường THPT chuyên cấp quốc gia. Từ giáo viên đến học sinh đều bị chửi té tát vào mặt khi để “lọt” một học sinh trường không chuyên vào danh sách đội tuyển thi học sinh giỏi cấp quốc gia (Các trường thi ở cấp tỉnh, sau đó sẽ lọc ra đội tuyển đại diện cho tỉnh đi thi cấp quốc gia). Có thể nói rằng áp lực tâm lý là một căn bệnh lan truyền trong tập thể, khi sự so sánh bị rót xuống từ sở giáo dục tỉnh, xuống đến ban giám hiệu trường, sau đó đến tổ chuyên môn và cuối cùng chịu trận ở các học sinh. Và trong khi những cái ly ở trên có thể tràn nước xuống cấp dưới. Những cái ly ở dưới cùng phải gánh chịu toàn bộ sức nặng trong khi vẫn chịu cảnh “giọt nước tràn ly”. Và đương nhiên, chả ai đi rút cái ly dưới cùng để uống cả. Nếu như thật sự các giáo viên muốn tốt cho bản thân bạn, họ đã lắng nghe những điểm mạnh và điểm yếu của bạn, để rồi động viên, thay vì so sánh.
Chả có ai rút cái ly dưới cùng để uống cả

Bố mẹ muốn con công thành danh toại, để còn bằng chúng bè chúng bạn

                                                                                                          -Phụ huynh nào đó-
Học sinh bị phụ huynh áp lên cái mong muốn phải “công thành danh toại”, phải nhất thiết là “bằng” được chúng bè chúng bạn. Và hẳn các bạn cũng biết rằng “chúng bè chúng bạn” hoặc là “con nhà người ta” ở đây luôn khiến bản thân mỗi người trong chúng ta khó chịu, thậm chí rất uất ức. Và cái mong muốn ấy có phải thật sự “là để tốt cho con” hay không? Khi mà chúng ta phải đáp ứng lại cái mong muốn của các bậc phụ huynh, mà phần lớn trong số đó hoặc là nằm ngoài khả năng, hoặc là trái ngược với cái tôi của bản thân mình!?

Thậm chí có một câu nói đùa rất thông dụng đối với những học sinh Asian.
Phải là Kỹ sư, luật sư, bác sĩ mới bằng bạn bằng bè được!

Căn bệnh ung thư mang tên “so sánh học đường” gây ra hậu quả đau đớn nào?

Các bạn chắc vẫn còn nhớ câu so sánh được gạch chân ở phía trên, mà nhân vật chính là Thục Nghi chứ? Đây là một câu chuyện có thật và vẫn nằm mãi ở trong tâm trí tôi cho đến tận hôm nay, khi mà tôi quyết định phải làm một điều gì đó cho "cô bé năm ấy". 

Thục Nghi, em hãy về hỏi chị Phương Nghi của em xem ngày xưa chị em học giỏi cỡ nào

                                                                                                    -Một cô giáo nào đó-
Vào những ngày tháng cấp 3, thay vì có thể tận hưởng cuộc sống học đường một cách êm đềm, tất cả những học sinh trong trường tôi đều phải cố gắng học hành để điểm trung bình môn chuyên không dưới 5.0, và để các đội tuyển đạt được giải cao trong các kỳ thi Olympic, thi học sinh giỏi các cấp.
Thục Nghi, bạn của tôi lúc ấy, dĩ nhiên… không thuộc vào đội tuyển, và chỉ có học lực ở hạng trung bình khá. Tức là đủ để bám trụ ở lớp chuyên mà thôi.
Phương Nghi, chị của Thục Nghi, lại là một học sinh rất giỏi, là từng là học trò cưng của giáo viên chủ nhiệm của tôi lúc bấy giờ.
Trong một tiết học mà tôi nhớ mãi không quên, sau khi phát bài kiểm tra, giáo viên nhìn vào Thục Nghi và nói rằng: "Em về xem lại xem ngày xưa chị Phương Nghi của em học giỏi cỡ nào”. Cả lớp tôi ngơ ngác và ái ngại nhìn về phía Thục Nghi. Cô bé khóc ngay tại lớp.
Tất cả chúng tôi đều lặng im, vì vào thời điểm đó, chúng tôi không hề được biết rằng câu nói đó gọi là bạo lực học đường. Bạo lực ở đây, là bạo lực về tâm lý. Vết bầm tím có thể lành lặn, nhưng riêng những vết hằn tâm lý sẽ theo chúng ta mãi mãi về sau.

Bài cùng tác giả

Và vào lúc đó tôi biết rằng, tôi đã mãi mãi mất đi một người bạn.
Không còn những buổi trưa thong thả cùng đạp xe từ trường về. Không còn những buổi chiều rảnh rang uống trà sữa nói chuyện vu vơ vớ vẩn. Không còn cái đập vai: “Ê mày, tao cũng có 5 điểm hà, mày 5.5 còn buồn gì”. Và cũng không còn nữa, người mang tên Thục Nghi.
Thay vào đó là một cái máy với trái tim trục trặc, chỉ còn bộ não vô cảm ra lệnh cho tay không ngừng viết, mắt không ngừng đọc và miệng không còn những tiếng nấc nghẹn ngào. Sau phút giây đó, tôi không còn phân biệt được đâu là Thục Nghi và đâu là Phương Nghi, khi mà cô bé mang tên chị mình học ngôi trường chị mình đã học, cố gắng làm vui lòng giáo viên cũ của chị, và thi vào trường đại học chị mình đã từng thi. À, vẫn còn một điểm khác biệt đấy chứ, là cái chữ đệm mà thôi.
Từ một cô bé vui tươi hoạt bát, luôn nhìn vào mặt tích cực của vấn đề, cô bé tách biệt hẳn với tất cả bạn bè, thậm chí gào lên giữa lớp “Mấy người muốn tổ chức hoạt động gì mặc kệ mấy người, đừng động chạm đến tôi, tôi còn phải học”.
Học cho giỏi, để rồi làm gì khi chẳng còn biết mình là ai?! Mỉa mai thay!
Xin lỗi, vì đã không thể làm gì cho Hi.
Hậu quả thường thấy nhất của nạn so sánh học đường là sự tự tin của chúng ta bị chà đạp một cách bạo lực tàn nhẫn ngay từ bé. Chúng ta sẽ không còn tự tin vào chính bản thân mình nữa, mà thay vào đó trở thành những cỗ máy kiếm điểm, chỉ chờ đợi lời khen ngợi từ phụ huynh, giáo viên và nơm nớp trước những lời nhiếc móc dè bỉu. Hiển nhiên là nạn nhân cũng không còn định hướng của bản thân, mà tất cả đều phải theo cái định hướng chung, cái định hướng mà suốt ngày chúng ta vẫn thường bị lôi ra so sánh ấy. Và tại sao mỗi khi kết thúc cấp 3, hoặc kết thúc đại học, các nạn nhân đều cảm thấy mông lung vô định?? Bởi vì lúc đó là giai đoạn chuyển tiếp của họ, từ một "định hướng chung" này sang một "định hướng chung" khác. Đừng nhắc đến cái tôi ở đây. Cái tôi chết từ lâu rồi. 
Liệu "con nhà người ta" có cảm thấy vui vẻ?!
Vậy còn những "con nhà người ta" thì thế nào? Xin các bạn dành một chút thời gian suy nghĩ và hiểu rằng "con nhà người ta" cũng chính là những nạn nhân của so sánh. Phải thật khôn khéo và thật sự thân thiết với "con nhà người ta" mới hiểu được họ phải chịu những đắng cay thế nào, khi mà cả cuộc đời họ bị xem là "tấm gương". Mỗi ngày thức dậy, bố mẹ họ động viên:

Con phải cố gắng phát huy, tiếp tục dẫn đầu, làm rạng danh gia đình mình nhé!

                                                -Một phụ huynh của "con nhà người ta"-
Mỗi ngày đến trường, giáo viên của họ vừa khen ngợi, lại vừa vô tình đặt lên đôi vai của họ thêm gánh nặng :

Em A phải cố gắng phát huy, làm tấm gương cho tất cả các bạn khác trong lớp đấy nhé!

                                            -Một giáo viên của "con nhà người ta"-
Và "tấm gương" đi đứng như thế nào, "tấm gương" nói chuyện ra sao, "tấm gương" ăn bao nhiêu chén cơm một ngày,... đều là cái đích cho mọi người bàn luận. Những kẻ "giết người không dao" đặt một bức tường ngăn cách cao ngất giữa "con nhà mình" và "con nhà người ta", rồi vui vẻ nhìn cả hai đứa con cùng cố gắng trong tuyệt vọng. Nếu không đặt mình vào trường hợp của họ, bạn sẽ không biết họ đã bị tước đi quyền vui chơi như những đứa trẻ khác, quyền đọc quyển truyện tranh yêu thích, quyền mặc bộ quần áo phong cách, quyền tham gia các hoạt động ngoại khóa, và quyền có một tình yêu học đường nên thơ. Họ bị tước đi tất cả, vì họ đã bị biến thành một "tấm gương" kể từ lúc họ bắt đầu ý thức được mọi việc xung quanh. Họ không có quyền gục ngã, không có quyền bỏ cuộc giữa chừng, bởi vì nếu "con nhà mình" thất bại chỉ có một vài người lưu tâm tới thôi, thì phận "con nhà người ta" khi thất bại là 10000000001 lời dè bỉu xuất hiện. Vậy bây giờ, khả năng vượt trội trở thành trách nhiệm, hay khả năng vượt trội biến thành gánh nặng, thành lời nguyền đi theo suốt quãng đời của "con nhà người ta" đây?

Bài liên quan:

Càng tài giỏi, áp lực càng nặng nề. Suy cho cùng "con người ta" cũng chỉ là nạn nhân


Quy trình biến đổi tâm lý của một học sinh bị bạo hành tâm lý từ "so sánh"


Bỏ đi sự so sánh, chúng ta sẽ đào tạo ra được những con người như thế nào?

Một ví dụ rất cụ thể, không mang tính chất PR nhé. Các bạn hãy so sánh 1 học sinh tại hệ thống trường công với một học sinh theo học tại hệ thống trường tư thục quốc tế với các giáo viên nước ngoài.
_Học sinh tại trường công: sự tự tin ít hoặc thậm chí không hề có. Vì tất cả những gì các em biết, đều chỉ gói gọn trong môi trường học tập của mình. Ra khỏi môi trường đó, các em chỉ là những con mọt sách với kính cận dày vài đi-ốp, không biết tự sơ cứu khi bị thương, không biết cách nấu một bữa ăn cho ra trò, không biết cách tồn tại trong điều kiện khắc nghiệt, không biết bất cứ thứ gì ngoài mớ lý thuyết. Bởi lẽ, việc duy nhất các em cần phải quan tâm là HỌC. Khi mà các em cảm thấy mình chả biết bất cứ một thứ gì, thậm chí cả khả năng giao tiếp, thì làm sao các em cảm thấy tự tin cho nổi?! Cháu của tôi đi học trường công về, chỉ im lặng và chúi mũi cả ngày vào máy tính bảng, vào game mà tuyệt không động vào bất cứ môn thể thao nào. Mỗi khi được hỏi câu nào, cháu cũng phải mất từ 2-3s để thoát ra khỏi tình trạng lag não…
Xin lỗi các bạn nerd nhé, hình ảnh chỉ mang tính chất minh họa...
_Học sinh tại trường tư thục quốc tế: Điều đầu tiên tôi nhận thấy khi nhìn vào các học sinh ở trường này, là sự tự tin xuất phát từ tri thức và sự duy tôn cái tôi. Đã từng bỏ ra 1 tháng trời tìm hiểu về cách dạy tại các trường tư thục quốc tế bằng phương pháp phỏng vấn + survey, tôi thấy rằng ở đây các học sinh được quyền nói lên chính kiến của bản thân và sống yên ổn với chính kiến đó. Thậm chí có em còn kể rằng: 

Thầy của em còn ngồi hỏi xem mấy đứa muốn ai lên làm tổng thống Mỹ hơn. Ổng khoái Trump kinh khủng, ổng đợi mấy đứa nói hết ý kiến xong ổng đưa ra ý kiến của ổng để bảo vệ Trump. Xong rồi còn cãi nhau ì xèo hết cả tiếng đồng hồ. Nhưng mà cuối cùng ổng vẫn dừng mọi thứ lại ở mức debate mà không có áp đặt gì hết.

                                                                                             -Tr. Một học sinh tại SIC-
Ngoài các hoạt động học tập, các em học sinh ở đây còn được tận hưởng các kỳ sinh hoạt dã ngoại, hoạt động thể thao ngoại khóa đúng nghĩa. Nhìn đứa nào đứa nấy da rám nắng đen thui khỏe mạnh vì tập thể thao rồi nhìn đứa cháu mình giống như gà công nghiệp vậy... 
Các học sinh được tư vấn lựa chọn ngành nghề, và sau đó chia theo nhóm để học các môn mà các em sẽ học trong đại học (Không phải các môn luyện thi theo khối đại học nhé). Cụ thể, 1 học sinh lựa chọn nhóm ngành kinh tế - tài chính sẽ được dạy về Business environment, Introduction to finance,... Học sinh nào lựa chọn kỹ thuật sẽ được học các môn giới thiệu về kỹ thuật và một số kiến thức cơ bản. Tuyệt chứ?!
Các học sinh ở trường tư thục quốc tế tự tin, vì họ biết họ là ai và họ cần phải làm gì
Điều đó cho thấy rằng ở cùng một đất nước, nhưng từ cách giáo dục chú trọng vào từng cá thể, không so sánh hơn thua, mà các em học sinh khác nhau đến như vậy. Cứ cho rằng các trường công quá tải với sĩ số 50 em/lớp và giáo viên không thể nào chú tâm vào từng cá nhân một, thì chúng ta vẫn hoàn toàn có thể để mỗi học sinh có một khoảng không gian của riêng mình để phát triển, thay vì so sánh rập khuôn chứ nhỉ!? 

Kết luận

So sánh trong học đường không hề nhẹ nhàng như chúng ta vẫn nghĩ. Sự thiếu quan tâm đến các sang chấn tâm lý tại học đường và tại gia đình đang giết dần giết mòn giới trẻ, tạo ra một thế hệ trẻ "đã chết và đang đợi được chôn cất". Phải thêm bao nhiêu vụ việc học sinh tự tử vì áp lực so sánh, vì bị chèn ép cái tôi cá nhân, bị sỉ nhục, bị xâm hại về mặt tinh thần nữa thì chúng ta mới có thể gióng lên hồi chuông cảnh báo về nạn so sánh học đường?
Bởi vì thế, nên tôi kêu gọi mỗi người trong chúng ta hãy ngừng ngay hành động so sánh vì bất cứ lý do, mục đích nào. Nếu như thời gian có quay trở lại, tôi nhất quyết sẽ bảo vệ bạn của mình, sẽ can đảm chỉ vào mặt những kẻ "giết người không dao" đó mà nói rằng: 

Ừ, bạn tài giỏi, họ tài giỏi. Vậy mặc kệ bạn, mặc kệ họ, tôi không quan tâm!