Năm nay tôi 25 tuổi. Tháng 9 này sẽ sang tuổi 26. 
Nếu tính thời gian cả cuộc đời thì 25 cũng còn quá trẻ. Nhưng tôi dần tiến đến tuổi 30, tức là không còn trẻ lắm. Với con trai, người ta hay bảo 25 là bắt đầu giai đoạn tiền mãn teen (kinh). Nỗi hoang mang lần này đến, và lớn hơn lần đầu tiên vào lúc 18 tuổi. 
Lí do đầu tiên là, nếu theo đúng trình tự, bạn sẽ học xong đại học vào khoảng cuối năm 21 tuổi và đầu năm 22 tuổi. Tức là khi 25 tuổi, bạn đã đi làm được 3 hoặc 4 năm. Bạn bắt đầu thấy những giới hạn hữu hạn của đời người. Bạn nhìn một vài người sinh ra đã gần vạch đích hơn những người khác, với những cơ hội có sẵn hơn. Bạn thấy được nhiều thứ mà mình chưa từng thấy ở tuổi 20, nhưng điều đó càng khiến bạn bất an vì sự bất toàn của con người. Liệu mình có "thiếu" thứ gì đó mà "nó" cần? "Nó" ở đây là sự thành công. 
Sự bất an này sẽ dẫn đến "peer presure", nói nôm na là áp lực khi nhìn thấy bạn bè đồng trang lứa thành công hơn mình. Peer presure đến sớm hay muộn với tùy người.  
Nhiều bạn sẽ đặt câu hỏi, tại sao cứ phải so sánh bản thân mình với người khác. Kì thực, ngoại trừ bạn lên núi và sống ở một ngọn đồi không có dân cư trong bán kính 5 dặm, thì nếu bạn vẫn còn đang sống trong xã hội loài người, sự so sánh là không thể tránh khỏi. Peer pressure đến với ngay cả Đen Vâu, người nổi tiếng với những câu hát về sự tự do; theo những gì tôi biết về anh qua những lần ngồi uống bia với nhau ở dốc Vườn đào Bãi Cháy. 
Trải nghiệm cá nhân của tôi về peer pressure là, tôi đang có một công việc khá ổn.  Thế mà để xác nhận lại, tôi đã phải hỏi lại sếp cũ của mình, người đã theo dõi sự nghiệp của tôi suốt mấy năm qua. Anh ấy thực sự ngạc nhiên khi tôi hỏi thế. Chính tôi cũng biết câu hỏi này ngớ ngấn. Nhưng tôi thực sự thở phào khi nghe từ anh ấy xác nhận rằng, chú đang trong một ngành nghề đáng giá và nó sẽ phát triển dài dài trong nhiều năm tới. 
Mãi cho đến giây phút đó, tôi mới nhận ra, ngoại trừ nếu bạn là Gareth Bale và đang đá cho Real Madrid, thì cả thế giới sẽ quan tâm đến nhất cử nhất động bạn làm gì. Còn nếu bạn là một người bình thường, thì sự thật là mọi người không quá quan tâm đến bạn đâu. Người họ quan tâm nhất là chính bản thân họ. Nên dù không thể loại bỏ hoàn toàn peer pressure, hãy luôn nhớ rằng đừng quá chú tâm vào bạn bè cùng trang lứa đang làm gì. Hãy chú tâm vào sự phát triển của chính bản thân mình. Câu này nghe hơi sáo, nhưng nghiêm túc là thế. 
***
Bài học thứ hai mà tôi ở tuổi 25 muốn nói với bản thân mình ở tuổi 20, đó là hãy cố gắng thử nhiều ngành nghề một cách sâu sắc nhất có thể. Một là nó giúp bạn tìm thấy việc gì mình làm tốt nhất. Điều thứ 2, ngay cả sau khi đã thử và không xài đến nó, điều đó cũng có thể giúp bạn nhìn thế giới một cách hoàn chỉnh hơn. Và bạn cũng không cần phải quit một công việc để thử cái mới. Giả sử nghề nghiệp kiếm cơm của bạn là designer, bạn hoàn toàn có thể học lập trình hay đầu tư chứng khoán vào buổi tối. 
Một tác dụng phụ của việc thử nhiều nghề nghiệp là (hầu như) nó sẽ giúp bạn trở thành một người trò chuyện thú vị hơn. Tôi đã có rất nhiều người bạn tuyệt vời sau những cuộc trò chuyện về kế toán - tài chính, dù tôi không làm ngành này. 
Một mẹo nhỏ nhỏ là không phải lúc nào và với bất kì ai cũng có nhiều điều kiện để gia nhập một ngành nghề mới. Vậy nên có một cách vô cùng đơn giản để tìm hiểu về một ngành nghề, đó là coi... TV series. Nghiêm túc đấy. Ví dụ nhé, bạn có sẵn sàng bỏ công sức ngày đêm cày một bản hợp đồng hoặc tra cứu các văn bản pháp luật để tìm ra một idea gì đó, như Mike Ross trong series phim Suits về một công ty luật không? 
Nếu muốn tìm hiểu về ngành Luật, hãy xem Suits 
Bạn có phải là người "sưu tầm" các trải nghiệm về cuộc sống, và "turn creative to business success" như các Creative director tại các Advertising Agency không? 
Nếu muốn tìm hiểu về ngành Advertising, hãy xem Mad Men. Tôi không nhớ mình đã xem 3.14^n x 7 season bao nhiêu lần
The Young Pope, mặc dù không phải phim về ngành PR, nhưng lại là cực phẩm về các nguyên lý cơ bản của PR
Bài học cuối cùng, cũng là một câu hỏi muôn thuở ở tuổi này, là làm gì khi không biết làm gì. Câu trả lời vô cùng đơn giản: 

Nếu bạn không biết nên làm gì tiếp, hãy làm tốt nhất những gì ngay trong tầm tay mà bạn túm được 

Ví dụ như nếu đang đọc dở cuốn sách nào rồi thì hãy đọc nốt, rút ra bài học từ quyển sách đó, và tìm cách áp dụng cho nhớ. Nếu đang làm dở 1 công việc nào đó, hãy hoàn thành nó, đừng chờ đợi thời điểm thích hợp hay chờ đợi kết quả hoàn hảo. 
Làm việc này rèn luyện cho bạn hai thứ. Đầu tiên là khả năng "getting thing done". Nếu một việc mình không xác định làm, đừng làm nó. Nhưng nếu sau rất nhiều thời gian đắn đo, và bạn làm nó, hãy làm đến cùng. Tránh để dây dưa bất cứ thứ gì, tránh tác phong làm cái gì cũng dở dang. Nó sẽ biến thành thói quen xấu trong mọi việc bạn làm. 
Tác dụng thứ hai của chuyện này, chính là bí mật về "nước chảy chỗ trũng". Tức là khi hoàn thành một cơ hội nhỏ nhất, khả năng bạn sẽ có được một vài cơ hội tốt hơn. Hoặc là bạn sẽ rèn luyện cho bản thân luôn sẵn sàng cho đến khi có một cơ hội tốt hơn "ập" đến.
Bạn sẽ chỉ có một lần trải qua quãng đời từ tuổi 20 - 25. Hãy tận dụng nó, làm hết sức, tận hưởng thành quả, và tin rằng tương lai sẽ còn nhiều điều bất ngờ đang chờ đón.