Không! Đây không phải là một bài review phim.  

Warning: Bài viết này có thể hơi dài và chứa đựng kha khá yếu tố spoil phim. Mong bạn thông cảm hoặc bạn có thể lựa chọn xem phim và quay lại với bài viết sau, nếu chưa từng xem qua series này. 

NHỮNG LỜI ĐẦU TIÊN VỀ 13 REASONS WHY (13RW)


Có "8 - less" để miêu tả những cảm xúc của một người trầm cảm, từ đó đưa họ đến việc lựa chọn tự sát:

1. Hopeless (vô vọng) — Không thấy được những điều đáng sống và tương lai tươi đẹp.
2. Helpless (vô ích) — Thấy mọi nỗ lực để chữa lành sự vô vọng của bản thân đã không hiệu quả.
3. Powerless (bất lực) — Mức độ nặng hơn của #2. Dẫn đến không muốn cố gắng nữa. 
4. Useless (vô dụng) — Cảm giác khác không đóng góp gì cho bất cứ ai và chỉ là một gánh nặng (ngay cả khi mọi người phủ nhận điều đó).
5. Worthless (vô giá trị) — Không xứng đáng để sống. 
6. Purposeless (không có mục đích) — Không có mục tiêu xây dựng bất kì giá trị nào.
7. Meaningless (vô nghĩa) — Thường đi đôi với Purposeless, cảm thấy mọi thứ đều không quan trọng hay mang lại ý nghĩa gì cho bản thân cố gắng. 
8. Pointless (không có lý do) — Không có lý do gì để tiếp tục tồn tại.
So với những bài viết về Trầm cảm với những biểu hiện chung chung và có thể quan sát được (thay đổi thói quen, mất động lực, né tránh xã hội,...). 13RW đã đưa mọi người đến chủ đề Trầm cảm bằng cách thức gần gũi hơn (nghe+nhìn) và xây dựng quá trình 8 - Less được nêu trên một cách cụ thể và dễ hình dung nhất. 
Bộ phim dựa trên tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Jay Asher. Phim theo chân Clay Jensen khi cậu phải nghe hết 13 đoạn băng từ Hannah Baker, một nữ sinh đã bất ngờ tự tử. 13 đoạn băng là 13 lý do gắn với những người có liên quan tới Hannah, giải thích vì sao cô lại rời bỏ thế giới.
À một lần nữa, đây không phải là một bài review phim 

TÔI NÓI GÌ VỀ TRẦM CẢM VÀ TỰ SÁT


Hãy cứ giả định là mỗi người chúng ta đều từng một lần muốn thử cảm giác chết đi. Đó có thể là:
- Mong muốn được chết tạm trong vài ngày và bất chợt thức dậy, để xem thái độ của mọi người như thế nào. 
- Bạn cảm thấy mọi thứ đổ ập lên đầu mình, và cần tìm một nút shut down. Bạn mong muốn trốn chạy nhất thời bằng cái chết. 
- Bạn vừa mất đi một ai đó rất quan trọng mà chỉ có chết mới ngăn được nỗi đau bên trong lồng ngực. 
- Hi vọng cái chết như một cách trả thù một ai đó.
Nhưng đó không phải là cảm xúc của những cá nhân - thật sự - rơi vào trầm cảm
"Tôi không muốn chết. Tôi chỉ không muốn sống nữa". Chắc sẽ là wording hay nhất để nói về chuyện tự kết liễu cuộc đời của những người trầm cảm. Để dễ hiểu hơn, tôi sẽ miêu tả cảm giác đó dưới lăng kính của chính mình: 
Bạn từng đi tàu lượn chứ? Nó không phải dạng bạn leo lên, up and down rồi bước xuống. Đó là cảm giác ở lưng chừng của nỗi buồn mọi lúc, mọi nơi. Là một chuyến tàu chậm chạp, chỉ có mình bạn trên đó. Lúc nó lên cao, bạn không thể nào tự ngăn bản thân làm những điều dại dột để đỡ sợ hãi. Và những lúc nó xuống thấp, bạn thấy tâm trí bạn tê liệt, không muốn làm bất kỳ điều gì, kể cả những việc dễ dàng nhất như đứng dậy và làm vệ sinh cá nhân. 
Bạn muốn nó dừng lại, bạn nói với mọi người là bạn muốn nó dừng lại.Nhưng hình như ở bên dưới kia không có ai nghe thấy để trả lời. Bên trong bạn tự hỏi chính mình, phải chăng mình đã làm điều gì sau trái nên đang bị trừng phạt? Bạn dằn vặt chính mình khi không thể nào tìm ra cách để ngưng chuyến tàu này lại. Tất cả những gì bạn có thể cảm thấy là sự vô tận, cảm tưởng mình bị kẹt trên đó mãi mãi. Bạn biết nó sẽ không bao giờ khá lên. Bạn tự hỏi chính mình, cảm giác này sẽ kéo dài tới bao giờ. Chuyến tàu chết tiệt đó sẽ không dừng lại.
Cách duy nhất để thoát ra khỏi chuyến tàu là nhảy từ độ cao đó xuống. Dạng vậy. 
"TÔI KHÔNG MUỐN NHẢY XUỐNG. TÔI CHỈ MUỐN CON TÀU NÀY DỪNG LẠI" 

Trầm cảm là một hành trình rất dài và vô vọng 

Tự sát không phải là cảm xúc nhất thời mà là một hành trình rất dài. Mà mỗi ngày hành trình đó được hoàn thiện thêm một chút. 

Nếu đặt ra câu hỏi, điều gì dẫn đến sự trầm cảm ở một người, sẽ không có bất kỳ câu trả lời cụ thể nào. Nói cách khác, không có bất kì yếu tố đơn lẻ nào có thể gây ra tự sát, mà tất cả mọi thứ tiêu cực đều góp phần cho quá trình đi đến tự sát của một người. Những tổn thương quá khứ và nỗi đau hiện tại xếp chồng lên nhau mỗi ngày.
Mọi điều tốt đẹp khởi đầu từ một sự kiện, và đau khổ cũng vậy.
Từ  những yếu tố đặc thù liên quan đến tính cách cá nhân như: Sự nhạy cảm quá mức, Cảm thấy dễ đau đớn trước những biến cố nhỏ, Tính cách tốt bụng...Kết hợp thêm yếu tố tiêu cực từ các sự kiện xảy ra hằng ngày. Từ đó, một người sẽ có nguy cơ rơi vào trầm cảm.
Đây có thể là lý do, người ta xây dựng hình ảnh của Hannah, là một cô gái: hay cười, tự tin và thẳng thắn, tốt bụng và lên án những điều sai trái, dễ đồng cảm, biết yêu quý những điều xung quanh và trân trọng các mối quan hệ (gia đình, tình bạn, tình yêu), nhạy cảm ("dễ buồn vì những điều bé nhỏ")
Đồng thời là mẫu người ít chia sẻ chuyện cá nhân: Kiểu con gái thích sách giấy bìa mềm, có nhật ký và viết nhật ký nhưng ít đưa cho ai xem, học cách chia sẻ qua thơ và hội thơ. Và luôn mong muốn những điều tốt đẹp xảy ra trong cuộc sống 
Tớ muốn trải nghiệm đầy đủ cuộc đời trung học
Tôi nghĩ yếu tố quan trọng nhất trong việc trầm cảm, chính là "sự nứt gãy trong các mối quan hệ với xã hội". Các mối quan hệ xã hội ảnh hưởng rất lớn đến sự trầm cảm của một người. Những người trầm cảm thường trải phải qua quá trình sau rất nhiều lần trong các mối quan hệ của chính mình: tin tưởng - nghi ngờ  - thất vọng - hi vọng - cố tin tưởng lần nữa - hoàn toàn thất vọng. 
I started with Justin. Then Jessica. Who each broke my heart. Alex, Tyler, Courtney, Marcus, who each helped to destroy my reputation. On through Zach and Ryan, who broke my spirit. Through tape number 12, Bryce Walker, who broke my soul.
Bắt đầu với Justin. Rồi là Jessica. Những người làm tan nát trái tim tôi. Alex, Tyler, Courtney, Marcus, từng người một phá hủy thanh danh của tôi. Sau đó là Zach và Ryan, người đập nát tinh thần tôi. Cuộn băng số 12, Bryce Walker. người phá vỡ tâm hồn tôi.
Mỗi một sự kiện xảy ra trong đời đều mang đến một cảm xúc nhất định. Mức độ ảnh hưởng của các sự kiện, suy nghĩ và trình tự cảm xúc có thể khác nhau ở mỗi người. Nhưng, nỗi đau mà mỗi cảm xúc mang lại đều giống nhau. Tôi có thể dễ dàng liệt kê ra một số nỗi đau chính mà một người trên thực tế có thể sẽ phải đối mặt từ 13RW
[S1:E1] Chuyển nhà vào một khu mới (xa lạ với môi trường), người bạn thân duy nhất rời đi (lạc lõng), bị tình đầu tung ảnh phản cảm (bàng hoàng, ngỡ ngàng, bị phản bội), bị mang tiếng xấu sai sự thật (xấu hổ, tức giận), không ai hiểu mình (đơn độc)
[S1:E2] Bị cho ra rìa trong tình bạn 3 người (cảm giác bị bỏ rơi), bị hiểu lầm và không tin tưởng bởi chính người mình gắn bó (bị phản bội)
[S1:E3] Bị xem thường nhân phẩm và bị quấy rối tình dục (tủi nhục), bị lợi dụng bởi chính người mình gắn bó (bị phản bội)
[S1:E4] Bị rình mò (cảm giác không an toàn)
[S1:E5] Bị lợi dụng, bị rêu rao sai sự thật bởi người mình tin tưởng (bị phản bội)
[S1:E6] Bị trêu đùa tình cảm (mất niềm tin vào tình yêu)
Đôi khi, chỉ cần thêm một tác động rất nhỏ vào cuộc sống, họ có thể rời đi khỏi cuộc sống bất kỳ lúc nào. Cơn đau của trầm cảm luôn đến một cách rất bất ngờ và tự nhiên. Có khi người trầm cảm còn không ngờ chính bản thân sẽ tự sát. . Một dạng "giọt nước làm tràn ly". Buồn bã hơn, là có những trường hợp chính nạn nhân không biết đó là trầm cảm.
Tôi đã từng thường xuyên lầm tưởng căn bệnh của chính mình thành các thứ khác. Đơn cử như:
- Lười biếng (Khi bản thân cảm thấy chậm chạp hoặc kiệt sức)
- Con người dễ nhàm chán, lười cố gắng: Luôn tìm kiếm động lực, cảm thấy mọi thứ rất vô nghĩa (Khi bản thân mất hứng thú với các hoạt động từng thích)
- Luôn đòi hỏi quá đáng với những cảm giác vui vẻ (Khi bản thân luôn cảm thấy Mất hứng thú với cuộc sống hàng ngày)
- Khó hòa nhập với các câu chuyện xã hội (Khi bản thân mất khả năng phản ứng cảm xúc với các tình huống đã từng khơi gợi cảm xúc, Cảm xúc trống rỗng)
- Không quyết đoán (Khi bản thân có vấn đề về sự tập trung và đưa ra quyết định)
- Chán ăn (Khi tôi cảm thấy không muốn ăn bất cứ một thứ gì, mọi thứ trở nên nhạt nhẽo, tẻ nhạt)
- Hèn nhát trước khó khăn (Khi luôn thấy hình ảnh chính mình tự sát hoặc rơi vào tình thế tự sát bị động)
Đó là lí do trong suốt thời gian dài tôi luôn tự tìm cách khắc phục những điểm yếu đó hoặc tự hỏi bản thân có phải mình đang tìm cớ để bao che cho những điều không hoàn hảo bên trong bằng suy nghĩ muốn chết hay không. Có phải mình là dạng người tìm cách chạy trốn khỏi những rắc rối hay không. Có phải mình chính là đứa không chịu đối mặt hay không. Chỉ đến một ngày, khi B. Một người bạn khuyên tôi nên đi khám bệnh về tâm lý. Tôi mới thật sự nghiêm túc tìm hiểu và nhận ra mình đang có vấn đề. Nhưng đúng ra, mọi thứ có thể sẽ được phát hiện sớm hơn, nếu tôi không thiếu kiến thức và lầm tưởng quá nhiều về nó.

Trầm cảm là một hành trình đầy những câu hỏi không lời đáp

Điều đau đớn nhất của một người trầm cảm, là vừa phải hứng chịu nỗi đau như những người bình thường khác. Vừa phải hứng chịu nỗi đau từ sự dằn vặt do chính mình tạo nên.
Câu hỏi làm tôi thấy đồng cảm nhất phim là câu hỏi dành cho Zach Demsey: "WHY ME?".  
Tại sao giữ muôn vàn những mặt người lại là tôi? Tại sao chính tôi lại là đối tượng của những rắc rối? Tại sao giữa muôn vàn những người gặp rắc rối, chỉ một mình tôi không thể bước qua?
Lẽ đương nhiên, đó là một câu hỏi không có câu trả lời. Nếu bạn là một người từng đi qua trầm cảm, bạn sẽ hiểu được cảm giác mọi thứ chỉ có thể xoay quanh những câu hỏi trong đầu mình. Và không thể làm bất cứ một điều gì khác. Ngoài tự đổi lỗi và trách chính bản thân mình vì đã không hạnh phúc hoặc đủ khả năng tự mang đến hạnh phúc cho chính mình. 
" Tôi biết mình có cảm giác tội lỗi và tức giận. Rất tức giận. Tức giận với cả thế giới khốn nạn và cách nó vận hành. Nhưng chủ yếu là giận chính tôi. Vì những điều tôi đã làm và không làm. Có quá nhiều sai trái ở thế giới này. Quá nhiều tổn thương. Không chịu nổi khi mình làm nó tệ hơn. Và không chịu nổi khi biết nó sẽ không tốt hơn."


Trầm cảm là một hành trình cô độc

- Mày có thể bắn tao được không? Một phát vào đầu hoặc ngực?
- Mày điên à! Tao còn gia đình tao, tao đi tù thì ai nuôi em với mẹ tao? Tự lo đi!
Đây là một cuộc đối thoại của tôi với một người bạn của mình trong thời gian tôi đau đớn nhất. Bạn có bao giờ tự hỏi tại sao Đa số những cái chết đều diễn ra trong đơn độc? Bởi vì, dù cho người trầm cảm có chọn chết đi hay can đảm sống. Họ cũng không có quyền yêu cầu người khác hỗ trợ. Hơn hết, họ không thể để liên lụy và ảnh hưởng đến bất kì một ai được. Tất cả thứ họ có thể làm là phải tự mình đưa ra lựa chọn và cố gắng thực hiện nó.  
Có 2 điều thường đẩy những người trầm cảm vào vòng luẩn quẩn của sự cô độc 
1) Họ không nhận được sự đồng cảm bởi các mối quan hệ bên cạnh 
Ít ai lại muốn phải chịu trách nhiệm cho một người luôn mang đến năng lượng xấu cho cuộc đời mình, cả bằng tinh thần lẫn hành động. Ai cũng muốn tìm một người cho mình giá trị nào đó, hay nói cách khác là nạp cho ta "nguồn calories tốt cho sức khỏe". Bạn có thể hiểu điều này rõ hơn thông qua một việc rất bé trên Spiderum là lượt xem và upvote. Những bài viết về cảm xúc tích cực, hỗ trợ về tài chính, kiến thức, học vấn, tin tức luôn là những bài có sự quan tâm nhiều hơn cả. Đương nhiên là nhiều hơn những bài tâm sự buồn bã.
Đây không phải là điều xấu. Chỉ là một ví dụ cho việc người ta mong muốn nhận được giá trị trong cuộc sống hơn là những lời than vãn thê lương. Không ai muốn sở hữu một thứ đồ vật đầy lỗi lầm và phải sửa chữa rất nhiều mới may ra bình phục, có khi còn không bình phục. Đó là một sự đánh đổi thời gian, công sức, sự kiên nhẫn lẫn đôi khi là tiền bạc. Cho một thứ, có thể, sẽ mang đầy sẹo. Người ta thường chọn bỏ đi "các mối quan hệ độc hại" (toxic relationship) hơn là tìm cách chữa lành cho nó. 
Đa số mọi người đều cho lời khuyên: "Chỉ cần chia sẻ, mọi chuyện đã có thể tốt đẹp hơn" 
Tuy nhiên, chia sẻ với đúng người thì có thể giúp mọi chuyện tốt đẹp hơn, nhưng với sai người sẽ là thảm hoạ. Việc phơi bày những tổn thương cũng giống như cho đối phương quyền hạn để thâm nhập vào điểm yếu đuối nhất, vào nơi sâu kín nhất trong tâm hồn. Người ta như "lõa thể" trước một người lạ. Mà không biết được rằng, họ sẽ là nơi chốn an toàn nhất hay nguy hiểm nhất. Nhất là khi người trầm cảm đã có những vết thương từ những mối quan hệ trước đó. 

Ngay cả khi với đúng người thì việc chia sẻ chưa bao giờ là dễ dàng, nhất là khi nói về những tiêu cực ở bên trong. Những việc tầm thường như thất tình, sự yếu đuối, những lỗi lầm,... vốn đã cần rất nhiều can đảm để chia sẻ. Huống hồ, một người chuẩn bị nói với ai đó về nỗi đau bên trong của mình - về những suy nghĩ tiêu cực - về việc muốn chết đi.
2) Họ không dám đón nhận sự giúp đỡ của các mối quan hệ bên cạnh
Bạn có thể quan sát được những cặp câu đối lập nhau mà Hannah đã nói xuyên suốt toàn bộ cuốn bằng dành cho Clay - người mà cô yêu quý [S1:E11]. Đó chính là những dằn vặt bên trong mà một người trầm cảm phải đối mặt trong các mối quan hệ có thể sẽ tốt đẹp của mình.
"Jeff ảnh hưởng tốt đến cậu. Cậu ấy đã rủ được cậu đi tiệc" >< "Tớ luôn ngưỡng mộ cậu vì cậu là chính mình và mặc kệ thiên hạ. Còn tớ luôn quan tâm mọi người nghĩ gì. Nhiều như cách tớ cố tỏ ra bình thản"  (1)
"Khoảnh khắc ấy thật hoàn hảo, lần đầu tiên trong suốt thời gian dài, tớ hình dung được hạnh phúc ở tương lai có cậu." >< "Tớ đã nghĩ đến những gã tồi tệ khác" (2)
"Cậu khác biệt. Cậu tốt, tử tế và đứng đắn" >< "Tớ không xứng đáng ở bên cạnh một người như cậu. Sẽ không bao giờ. Tớ sẽ hủy hoại cậu. Không phải do cậu. Mà do tớ và tất cả những chuyện xảy ra với tớ" (3)
Ảnh sưu tầm từ ELLE
Một mặt, người trầm cảm dành sự biết ơn và một phần tình cảm không hề nhỏ cho những người chọn ở lại với mình, khi tất cả đã ra đi.  Một mặt người trầm cảm thấy bản thân mình #Useless và #Worthless nên việc tiếp tục ở bên một người sẽ, có thể, kéo người ta cùng rơi xuống hố với mình. Lẽ đương nhiên, là một người tốt không xứng đáng với một cái hố.   
Đồng thời, như đã đề cập bên trên, những người trầm cảm thường gắn liền với sự nhạy cảm về cảm xúc. Họ hiểu bản thân đang có nỗi đau nhất định, họ cũng từng đi qua những nỗi đau, nên họ không muốn bất cứ một ai rơi vào cơn tiêu cực như họ. Hoặc, không muốn một ai vì họ mà chịu nỗi đau. 
Tất cả những yếu tố trên khiến những người trầm cảm trải qua rất nhiều sự vật lộn trong tâm hồn mình:
- Tiếp tục sống tốt với mọi người (và nhận lại những thất vọng) hay rời xa khỏi cộng đồng người
- Giải thoát chính mình hay tiếp tục sống để những người yêu thương mình không phải chịu cảnh đau đớn
- Lựa chọn ở bên cạnh một người hay đẩy họ ra xa
"Cậu nên đi đi" >< "Một phần trong tớ bảo "Đừng đi", nhưng một phần khác lại không muốn thấy cậu nữa. Và cậu đã đi ra khỏi cửa như lời tớ bảo. Tại sao cậu lại đi? Đó là điều đau khổ nhất 
Và khi mọi thứ kết thúc, những người trầm cảm thường không trách các mối quan hệ hay bất kỳ ai lựa chọn không giúp đỡ, ngoảnh mặt làm ngơ hoặc ra đi. Họ đổ lỗi cho chính mình nhiều hơn và càng dấn sâu vào việc trầm cảm.
Chính 2 điều trên đã tạo nên vòng luẩn quẩn lớn cho những người trầm cảm hoặc mắc các bệnh về tâm lý. Người ta không thể nào đáp ứng tầng 5 của tháp Maslow, tạo ra giá trị cho ai đó, hứa hẹn và mơ mộng về tương lai cho bất kỳ ai. Trong khi chính mình còn phải đang vật vã để đấu tranh với nội tại mỗi ngày. Và chính điều đó lại đẩy họ vào sâu hơn với việc không có ai bên cạnh. Hoặc không dám nói về nỗi đau của mình với người bên cạnh. 

TÔI NÓI GÌ VỀ SỰ CỨU RỖI


“Con có muốn mẹ cùng dọn phòng với con không”

Đó là lời an ủi tuyệt vời nhất mà tôi từng nghe thấy trong suốt quãng thời gian trầm cảm của mình. Tôi cảm nhận được yêu thương, tôi thấy chính mình đang được giúp đỡ bằng cách nào đó. Kỳ lạ là, sự dịu dàng và xoa dịu nhất không đến từ một lời an ủi hay động viên. Hóa ra, bí quyết để cứu rỗi một người đang rơi vào bế tắc chỉ đơn giản như thế. 
Không phải những giúp đỡ sai cách
Không phải những câu nói thể hiện việc bạn hiểu hay cố tỏ ra mình hiểu 
Không phải những tò mò tọc mạch nhưng không thật sự muốn hiểu
Không phải những tranh cãi với người đối diện về tình trạng của họ
Không phải những đổ lỗi cho hành động, cảm xúc hay có những hành vi Victim Blaming (Đổ lỗi cho nạn nhân)
Không phải những cố gắng thay đổi họ
Không phải đưa ra những lời khuyên không thật sự đứng từ phía đối phương

Tất cả những điều cần làm là lời đề nghị được cùng đồng hành 

Một người sẵn sàng lắng nghe mà không đưa ra bất kỳ lời phán xét hay bình luận. Một sự đảm bảo đừng ra đi. Và thật sự không ra đi. Một người hứa sẽ không làm tổn thương và cùng mình sửa chữa những sai lầm. Và thật sự làm vậy. Một người "2 against the world" (2 người chống lại cả thế giới) chứ không phải  "Hot chocolate friendship" (Bạn Socola) - "Tốt cho tháng lạnh nhưng không tốt cho các mùa"
Mọi thứ sẽ dễ dàng biết bao nếu người ta biết thể hiện tình cảm như một đứa trẻ: lắng nghe cho dẫu không thật sự hiểu, đặt câu hỏi và chia sẻ chân thành, giữ thái độ tích cực, bày tỏ sự đồng cảm và sẵn sàng cho đối phương một cái ôm khi cần. 
Một chiếc note nhỏ: Cảm ơn vì đã dành thời gian cho bài viết. Trân trọng!