Lời đầu tiên, trước khi đọc quyển sách mình không phải người chạy bộ, mục đích khi đọc sách không phải là tìm đến cuốn sách để mong muốn một động lực chạy bộ, hay để tìm hiểu kiến thức gì về điều đó. Và kể cả bây giờ sau khi đọc sách xong, mình cũng không nghĩ mình sẽ trở thành một người chạy bộ. Vì thế đây chỉ là cảm nhận đơn thuần của một người “không chạy bộ” nghĩ về một cuốn sách nói về chạy bộ.
Nếu là nói hoàn toàn không chạy thì cũng không phải, nếu có môn thể dục “đi bộ” thì chắc mình là thanh viên của câu lạc bộ, vì mình “lười bỏ sức” nên gần như mình chỉ tập nhưng môn nhẹ nhàng như kiểu yoga, đi bộ,… Mình có thói quen đi bộ cũng khá lâu, khoảng từ những năm học cấp 2, có khoảng thời gian mình hay dậy sớm đi bộ lên núi (gần nhà mình hay có mấy cái đê dẫn lên núi), thật ra thì cũng chẳng trèo được lên núi, chỉ đơn thuần là đi đường lên đó rồi vòng lại, thỉnh thoảng trong những khi đi bộ mình có chạy một đoạn ngắn, nhưng vì không phải là đứa có chuyên môn chạy, nên không bền về hơi thở và nhịp tim nên mình thường bỏ cuộc sớm khi chưa được đến 1km (xong phải đi bộ mấy trăm mét nữa để lấy sức nếu muốn chạy tiếp).
Mình chưa từng tìm hiểu sâu về Marathon và luôn cảm thấy bộ môn này không dành cho mình. Vậy nên khi thấy tên quyển sách, mình cũng đã nghĩ chắc nó không dành cho mình, vì những cuốn về chạy bộ sẽ nói về chạy bộ, yoga sẽ nói về yoga, nấu ăn sẽ nói về nấu ăn, đâu không chứa nhiều hàm ý nào khác.
Ấy thế rồi cũng như những người hay táy máy về sách, mình đọc được vài review về “Tôi nói gì khi nói về chạy bộ” trên Goodread và thấy khá tò mò. Nhớ lần đầu tiên nghe cuốn sách là vì hồi đấy đi làm xa nên đi xe bus công ty, cả đi cả về là hẳn 2 tiếng nên mình chọn nghe audio book để đỡ tốn thời gian (vì đọc sách trên xe say quá). Từ khi nghe phần “Lời tựa” mình đã khá ấn tượng và muốn mua sách giấy về đọc ngay rồi.
“Ở đây tôi sẽ không cố đưa ra lời khuyên kiểu, “Thôi nào mọi người - cùng chạy bộ mỗi ngày cho khỏe mạnh đi”
Chỉ câu này thôi mình đã thấy, ồ cuốn sách của mình đây rồi, không phải là self help, bạn nên làm thế này, nên hành động thế kia để đạt được cái này hay cái kia.
Lần đầu mình nghe audio book trên youtube. Khoảng 1 năm sau, có dịp đi hội sách Nhã Nam khi thấy cuốn này, mình đã muốn mua luôn sách giấy để cầm đọc cho thỏa mãn. Và lần thứ hai đọc thì vẫn rất ấn tượng với câu chuyện và cách hành văn của tác giả. Thực sự muốn trích nhiều cầu tâm đắc của mình trong sách ra nhưng sợ bị spoil quá.
Cuốn sách đơn giản là câu chuyện tác giả đã đến với chạy bộ thế nào, quá trình tác giả biến việc chạy bộ trở thành một phần trong cuộc sống của mình:
“Một hành động dù thoạt nhìn có tầm thường đến thế nào, song cứ kiên trì làm đủ lâu thì nó sẽ trở thành một hành vi thâm trầm, thậm chí là thiền định”
Mình luôn ý thức được việc, dù làm gì cũng phải làm kiên trì, nhưng rồi có những lúc lười nhác lại dễ hay bị bỏ cuộc, sau khi đọc xong cuốn sách, không chắc là mình đủ kiên trì như tác giả nhưng thực sự ấn tượng sâu sắc với cách mà tác giả hành động toàn tâm toàn ý với việc chạy bộ, mà không hề có một mục tiêu cao xa như sẽ trở thành vận động viên hay là để ganh đua, chạy thi với ai, tất cả chỉ đơn giản thỏa mãn suy nghĩ và hành động, sức khỏe của bản thân.
Dù việc chạy bộ, tưởng chừng như chẳng mấy khó khăn, chúng ta chỉ cần một đôi giày tốt, một con đường đẹp và thời tiết thuận lợi. Khoảng 2/3 điều đó là chúng ta có thể lựa chọn được rồi. Nhưng nghe tác giả kể chuyện mới hiểu rằng: Chạy bộ cũng như bất cứ việc gì, chúng đều có những giới hạn, ta phải vượt qua giới hạn để đến được những giới hạn khác cao xa hơn. Việc chạy qua dặm thứ 26 là một giới hạn của người chạy Marathon.

Hay kể cả cách Haruki trở thành nhà văn cũng làm mình thấy thú vị, một sự vô tình, nhưng lại hết sức nhiệt tình. Vì trước khi trở thành nhà văn, ông cũng là một nhà Kinh doanh, rồi lại làm cả vận động viên 3 môn phối hợp, hẳn là vậy nên chắc chất văn của ông cũng đa dạng và cho được nhiều người đọc hơn.
Khi đọc đến phần tác giả kể về việc chạy 62 dặm (100km) trong 11 tiếng 42 phút, đã khiến mình tự hỏi: Trên đời này còn có cả cuộc thi chạy tới 100km cơ à, không thể tin nổi! Không biết những người thi cuộc thi đó sẽ chạy kiểu gì và sau khi chạy liệu có còn đi được nữa không.
Nhưng đúng là con người, cái gì rồi cũng sẽ làm được.
“Nếu có gì đó đáng làm thì nó đáng để ta cố gắng hết sức – hay trong một số trường hợp là vượt quá cả sự cố gắng hết sức của ta”
Có một đoạn mình khá buồn cười khi Haruki tìm và hỏi Vận động viên chạy đua Olympic là Toshihiko Seko: “Một vận động viên tầm cỡ anh có khi nào cảm thấy kiểu như hôm nay anh thích nghỉ chạy hơn, kiểu như anh không muốn chạy mà chỉ thích ngủ nướng hơn không?” Và câu trả lời là “Dĩ nhiên. Bao giờ cũng vậy”
Đúng là câu hỏi mình muốn hỏi những người thành công, trước mình hay tự hỏi sao người ta giỏi thế, có thể dậy sớm, có thể đạt được cái này cái kia.
Nhưng thì ra ai cũng phải chiến đầu lại sự thoải mái bộ não đang dụ dỗ, để đưa cơ thể thoát khỏi sự êm ái và thoải mái ngay tức thì đó. Kẻ nào thoát khỏi kẻ đó là người chiến thắng, dù chỉ là chiến thắng bản thân thì cũng thật vinh quang.
Lần dầu tiên review sách, nó dài lê thê và lan man như đúng phong cách văn của mình. Thôi chung quy lại thì “Tôi nói gì khi nói về chạy bộ” là một quyển sách khá đáng đọc.
Mỗi lần khi nhắc về quyển sách mình hay nói là: “Mình không chạy bộ nhưng muốn đọc sách về chạy bộ, nhưng sách không chỉ viết về chạy bộ, và đọc xong mình cũng chưa chắc đã chạy bộ”
Vì nó vẫn đầy câu chuyện khá hay ho.