Mình theo dõi phim này từ những tập đầu tiên, do bạn Hương giới thiệu nên coi chung. Cũng khá lâu rồi mình không theo dõi phim Việt nên đa số diễn viên đối với mình là mới.

Gần đây trên TTO có 1-2 bài nói về sự ức chế, khó chịu khi xem phim vì những tình tiết bi kịch hơi lố. Còn với mình, các tình tiết đó chưa để lại nhiều ấn tượng, có lẽ vì khi xem mình không "nhập vai", không đồng cảm với các nhân vật trong đó. Lúc nào mình cũng biết họ đang diễn, đây chỉ là một bộ phim.
Mình xem phim với một tâm thái hoàn toàn ngoài cuộc, hay nói khác hơn là mình không trông đợi vào sự hợp lý cần có trong phim. Có thì tốt, còn không thì cũng bình thường.
Những tập đầu của bộ phim chưa có nhiều tình huống "bi kịch" lắm, mình vừa xem vừa cảm thán là phim Việt bây giờ cũng ra trò ghê đó chứ. Đến khoảng tập 5 thì qua phong cách của một vài nhân vật, mình ngờ ngợ không biết phim này có phải lại mua bản quyền nước ngoài rồi chuyển thể lại không. Đến tập 20 mình mới kiểm chứng, hóa ra là mua kịch bản của Hàn.
Bộ phim xoay quanh cuộc sống của gia đình 5 anh em: Ngọc - Ngà - Châu - Báu - Dư. 5 người này bị cha mẹ từ bỏ từ lúc nhỏ, người anh lớn nhất là Ngọc phải đứng ra lo cho các em mình như cha, như mẹ. Mỗi người em lại có một tính cách và vấn đề riêng. Một người anh phải làm cha, làm mẹ khiến cho Ngọc có những sự bảo bọc quá mức và nhiều khi ứng xử không hợp lý tạo ra nhiều mâu thuẫn. Ba mươi mấy tập phim đầu vấn đề chính toàn đến từ những hiểu lầm và những chuyện hơi có phần hoang đường.
Cái hay của phim là chuyển thể từ bối cảnh Hàn sang Việt khá ổn. Dàn diễn viên diễn cũng tốt hơn nhiều so với phim Việt trước đây, các câu thoại cũng tự nhiên chứ không như trả bài. Đặc biệt là ý tưởng lồng ghép câu thơ của Lưu Quang Vũ: "Nếu cuộc đời này toàn chuyện xấu xa, tại sao cây táo lại nở hoa" (trong bài "Phố ta").
Đó là một câu thơ đẹp và độc đáo, tuy nhiên cách đặt vấn đề trong câu thơ đó lại chẳng có tí logic nào. Có lẽ sự phi logic (nói dân dã chút là tào lao) đó cũng là đặc tính của các tình tiết "bi kịch" trong phim.
Dù "Việt hóa" rất tốt, nhưng phim vẫn còn nhiều chỗ "Hàn" quá "Hàn": Phong cách diễn của cô vợ ông bác sĩ (cái ông yêu cô Châu ấy); cô Báu; bà mẹ (người bỏ rơi 5 đứa con). Trong đó mình thấy bà mẹ là diễn tào lao nhất, cách nói cũng y chang phim Hàn, cách diễn thì lố quá lố. Còn Báu thì lúc nào cũng trợn mắt, hét lên.
Trong phim này, mình thích nhất là cách diễn của cậu Ngà (do ca sĩ Trương Thế Vinh đóng). Mình thấy cậu này nhập vai và diễn có vẻ "thật" nhất. 
"Cây táo" cũng lồng ghép một số vấn đề xã hội ở Việt Nam như chuyện livestream bán mỹ phẩm giả, khá thực tế. Điều mình không thích trong cả phim Hàn nói chung cũng như trong phim này là chuyện nhậu. Buồn là nhậu, rồi mọi sự rắc rối cũng từ mấy cuộc nhậu tùy hứng đó mà ra (2 đứa con của Ngà với Dư là sản phẩm của các cuộc nhậu).
Qua thông tin trên TTO, mình biết là bản gốc phim Hàn có 20 tập, bản chuyển thể có 70 tập. Đến những tập 30 này đã thấy biểu hiện câu giờ khá rõ. Đồng ý là phim hay truyện cũng là đưa ra những nút thắt rồi cởi bỏ, hoặc cắt bỏ, nhưng cứ thắt nút liên tục mà còn vô lý vậy thì người ta ức chế là đúng rồi. Mà có lẽ khán giả ức chế cũng là một thành công, còn hơn chả ấn tượng gì?
Tóm lại mình thấy phim Cây táo nở hoa là một phim khá ấn tượng. Những tình tiết quá lố hay không hợp lý có thể bỏ qua nếu chỉ xem phim như một người xem phim. Mình tiếc là phim này lại phải mua kịch bản của Hàn. Không biết khi nào người Việt có thể tự viết, tự dựng, tự diễn (mà không quá nhạt nhòa). Khi nào có phim "thuần Việt"?