Những suy nghĩ trong đầu không nói sẽ dần trở thành thuốc độc và qua thời gian nó sẽ hủy hoại chúng ta.
Tôi học Tiếng Anh cũng thuộc dạng khá giỏi, đủ sức để đi chém gió với các anh tài cường quốc năm châu. Nhưng điều đó không có nghĩa là tôi có thiên bẩm học tiếng Anh. Thực ra, hồi bé tôi cực kỳ ngu môn này.
Hồi đó tôi học ở trường Tiểu Học Nguyễn Hiền (18 Hàng Quạt). Trường dạy tiếng Anh bằng giáo trình Let's Go và học từ lớp 1 thay vì lớp 3 như các trường công. Vậy nên theo cách nào đó, những đứa cùng lứa với tôi ở trường được đi trước các bạn cùng tuổi 1 bước. Nhưng điều đó không có nghĩa là đứa nào cũng học được môn này, ví dụ như tôi chẳng hạn.
Hồi đó tôi không hiểu được tại sao chữ này đọc là "ai" trong khi nó là "i". Và tại sao chữ "i" lại được viết như chữ "e". Và tại sao "u" lại là "you" trong khi các "i, we, they" lại không có chữ cái nào đại diện cho nó. Nói chung là tôi có thừa câu hỏi trong đầu mà không có cách nào giải thích. Điều đó khiến tôi phải loay hoay trước mọi câu hỏi, thậm chí là tới hiện tại tôi vẫn thế. Tôi hay nghĩ là với toàn bộ nhân loại, A là A và B là B. Còn với riêng tôi thì tại sao A lại phải là A và tại sao B lại phải là B. Nhờ cái lối tư duy củ khoai này mà điểm số của tôi không cao, nói dài thì tôi tụt lại so với bạn bè còn nói ngắn thì tôi ngu.
Nhà tôi nghèo, bố mẹ lại cất công đưa con đi học trường dân lập, vậy nên áp lực học hành khá là cao. Việc có đứa con tụt lại so với bạn bè chỉ bởi vì nó hay đặt những câu hỏi đần độn có thể coi là một sự "phí phạm". Vậy nên mỗi lần tôi đặt câu hỏi gì với mọi người là đều phải cân nhắc xem câu hỏi có xứng đáng không.
Và ngày ấy tôi hỏi "tứ giác là gì ạ?"
Vì ngu nên ở trên lớp tôi rất cố gắng nghe và hiểu cô giáo đang dạy món gì. Vì thế nên tôi dám chắc là cô chưa hề nói đến khái niệm "tứ giác". Tất nhiên là giờ lớn rồi, ai cũng hiểu tam giác nghĩa là 3 cạnh. Tứ nghĩa là 4, "tứ giác" nghĩa là 4 cạnh. Nhưng mà hồi đó tôi đâu có biết "nhất nhị tam tứ ngũ lục thất bát cửu âm chân kinh" là gì đâu? Vậy nên khi bài tập về nhà có câu hỏi "tìm hình tứ giác trong hình sau" là tôi chịu.
Kết quả là gì? Tôi ăn đòn vì tội không chú ý trên lớp.
Nhưng kết quả thực sự là gì? Cô giáo muốn kích thích trí tò mò của học sinh nên đã ném câu đó vào để các em tự tìm hiểu tứ giác là gì.
Đúng sai thế nào không quan trọng, quan trọng là tôi học được 1 điều: Mọi vấn đề đều sẽ kết thúc bằng một vụ tấn công.
Không hiểu sao ký ức của tôi về thời tiểu học cực kỳ rõ ràng, nay là 28 tuổi rồi tôi vẫn nhớ y nguyên khuôn mặt của cô Giang dạy môn toán lớp 2B Tiểu Học Nguyễn Hiền (tên đã được thay đổi để đảm bảo tính riêng tư).
Khi lên lớp 5, tôi về trường làng. Vì được đi trước bạn bè cùng trang lứa 1 bước về môn tiếng Anh, tôi bỗng dưng trở thành siêu sao du học sinh tuyệt phẩm của giáo dục tiên tiến. Tại sao một thằng học lớp 5 có thể đánh vần được chữ "complicated"? Trời đụ! Quá là thông minh luôn! Cô giáo gọi điện về cho phụ huynh bảo là nó nên học lớp chuyên Anh để "bảo toàn" trí thông minh. Nghe thì hay đó, nhưng tôi hiểu một điều: kỳ vọng có tỷ lệ thuận với cái gậy, kỳ vọng cao thì gậy càng cao, và khi nó giáng xuống thì...thôi.
Thay đổi môi trường học, tôi đi bộ đến trường trong tâm lý nơm nớp. Hồi đó là 2005, nhà tôi ở giữa khu xóm liều Long Biên với các "chú" nằm la liệt giữa đường. Bảng hiệu nói không với mai thúy vẫn gắn ở muôn nơi và được hai ba buổi sẽ lại có một cái cáo phó gắn ở đâu đó quanh đấy. Nhưng cái đó không phải thứ khiến tôi sợ, cái khiến tôi sợ là mấy đứa khác cùng lớp nhưng không "thông minh bằng" .
Sự "vượt trội" luôn đi kèm với sự ghen tị. Và ghen tị sẽ dẫn tới những câu hỏi như kiểu: "Sao mày đi giày đẹp hơn tao?".
Nói dài thì môi trường học ở làng nó khác với ở thành phố. Bọn trẻ con ở đây sẽ muốn công lý được thực thi bởi bàn tay của chính nó. Còn nói ngắn thì tôi bị bắt nạt vì tôi "thông minh".
Nhưng thú thật, sau vài lần ăn đấm thì bọn nó cũng tha cho tôi. Và cũng vì tôi biết điều để điểm số nằm ở mức 5 đến 6 điểm thay vì là 8 đến 9 điểm như trước. Trong mắt bọn nó, bọn nó đã đấm cho tôi ngu cả người. Còn trong mắt tôi, tôi đã an toàn. Sau vụ tấn công, vấn đề đã được xử lý.
Nhưng thế lực thù địch ngoài kia không thể nào tấn công tôi lúc tôi đang trên giường hoặc đang ăn. Khi tự hạ điểm bản thân, tôi không nhận ra là còn có một thế lực hùng mạnh khác có khả năng thao túng cả thực tại của tôi đang đợi sẵn ở nhà.
Nói dài thì điểm kém nên bị ăn đòn, khá mạnh. Nói ngắn thì sau vụ tấn công đó, vấn đề đã được xử lý. Vì giờ đây tôi đã được tháo mác "thông minh" ra khỏi người, bớt áp lực, bớt vấn đề.
Đòn thì đau thật, nhưng nó luôn đi kèm với sự giải phóng. Sau cơn mưa trời lại sáng, sau vụ đòn đau thì sẽ không ai động vào mình nữa. Chỉ cần mình hạ thấp bản thân, cúi đầu, chịu tội và ăn đòn, sau đó mọi thứ sẽ ổn.
Còn nếu ngược lại, cứ ngẩng cao đầu mà đi thì sẽ phải chịu cảm giác như có kẻ luôn đứng ở sau.
Khi lớn lên, tôi học về điện ảnh, cụ thể là kịch bản phim kinh dị. Tôi hiểu được rằng nỗi sợ lớn nhất không phải là vụ tấn công mà là những thứ dình dập, luôn ở bên nhưng không bao giờ hiện hữu. Đó là tâm lý kẻ săn mồi và người xem chính là con mồi. Những thứ từ từ, chậm rãi đi tới, không hề nao núng mà cũng không hề chậm lại mới là thứ đáng sợ nhất.
Tưởng tượng xem, ta đang đứng giữa hẻm cụt, sau lưng là tường. Và trước mặt là một kẻ nào đó đen đen cứ chầm chậm bước tới, không dừng lại, không quay đi chỗ khác, cứ đi chầm chậm. Cảm giác đó mới thực sự là địa ngục.
Nhưng điều gì khiến cảnh trên tệ hơn địa ngục?
Đó là khi vụ tấn công không bao giờ tới.
Những áp lực về cơm áo gạo tiền khiến gia đình tôi khốn khổ. Khi chị tôi bước chân lên cấp 3 thì tôi cũng đến với cấp 2. Vẫn câu chuyện cũ xoay quanh việc cúi đầu, chịu trận và giả ngu để được yên ổn. Tưởng chừng kế hoạch đó là ổn, nhưng đến khi lên lớp 8 và giáo viên dạy Văn của lớp được luân chuyển thì mọi thứ lại bị gián đoạn.
Giáo viên dạy Văn mới, một cô giáo trẻ hơn, với cách dạy hà khắc hơn đã ngay lập tức ném tôi lên bàn trên. Điểm văn tôi kém quá nên cô muốn tập trung vào việc đập đi xây lại cho tôi. Và thế là lớp "học ngoài giờ" cũng bắt đầu. Đề bài hôm đó là "tả lại bãi giữa sông Hồng". Tôi biết mình đã đến nước này rồi thì hãy tự giả ngu thêm phát nữa để về nhà ăn 1 trận đòn cho nó xong. Thế nên tôi tả bãi giữa sông Hồng là một "ổ bánh mì".
Không biết cô có phải là giáo viên của Christopher Nolan hay không nhưng sau khi nộp bài, cô đã gọi về cho phụ huynh tôi và báo rằng tôi có "khiếu".
Thưa độc giả, bạn còn nhớ quy luật ở giữa bài chứ? Kỳ vọng nó có tỷ lệ thuận với cái gậy, kỳ vọng cao thì gậy giơ cao. Và khoảnh khắc tôi biết mình có "khiếu", tim tôi bắt đầu đập nhanh và không hiểu nổi mình đang có cảm xúc gì nữa.
Đây là nỗi sợ? Đây là hưng phấn? Đây là tức giận? Hay đây là đau đớn? Những câu hỏi đó đi kèm với tính "hay đặt câu hỏi" của tôi như cồn với lửa, nó bùng lên không kiểm soát và tôi chỉ muốn có cách nào đó chấm dứt mọi thứ.
À, đòn đánh đi kèm với giải pháp. Sau vụ tấn công, mọi thứ sẽ hết.
Nhưng không có cớ gì để tôi bị tấn công cả. Đang yên đang lành tự dưng lôi nó ra đánh làm cái gì? Huống chi giáo viên lại còn vừa báo tin vui, chả nhẽ lại đánh nó vì tin vui? Vô lý! Vậy là cơn tấn công không bao giờ tới, nhưng tôi đang đứng giữa hẻm, nhìn kẻ đen đen kia chầm chậm bước tới. Không biết khi nào hắn sẽ chạm vào tôi, nhưng tôi biết rằng một khi ai đó đã đặt kỳ vọng, ắt sự thất vọng sẽ đến. Và khi nó đến, tôi sẽ được giải thoát.
Kể từ lần đầu tim đập nhanh, tôi gặp tình trạng đó nhiều hơn. Mỗi khi tới lớp và thấy bạn bè đang soạn soạn cái gì đó. Mỗi khi đọc đề thi cũng vậy. Mỗi khi đứng trước lớp nói về cái gì đó. Và nhất là mọi ngày, mỗi khi trống tan trường vang lên. Vì tôi sẽ phải về nhà, gặp lại cái tên đen đen đi chầm chậm kia.
Nhưng vụ tấn công mãi không tới. Và ngày qua ngày, khi điểm số của tôi cứ tăng dần, thậm chí khi thi lên cấp 3 tôi còn vượt cả điểm đầu vào hẳn 11 điểm thì hy vọng "được" ăn đòn của tôi càng xa vời.
Tôi biết có chuyện chẳng lành đang sắp ập tới và nó càng đến muộn thì chuyện càng to. Mọi thứ như một quả bom nổ chậm, mỗi ngày không nổ thì nó lại nạp thêm chút thế năng. Ngày qua ngày nó cứ to dần, mạnh dần, tiếng đồng hồ ngày một rõ và tôi biết nó sắp nổ đến nơi rồi.
Ngày đầu tôi bước chân vào Đại Học. Bố mẹ tôi ly dị.
Học Đại Học năm 3, bác tôi tự đưa bản thân xuống sông.
Kết thúc Đại Học, tôi nằm viện 1 năm vì bệnh nặng.
Ra trường đi làm, bố đem một người phụ nữ khác về nhà nhưng không báo danh tính. Rồi sau đó bố đi mua sữa mãi chẳng về.
Đi làm 2 năm, mẹ lấy chồng. Cuối năm đó, tôi vô gia cư.
Nhưng quả bom vẫn chưa nổ. Vì chưa có vụ tấn công nào cả. Và thằng đen đen đó vẫn từ từ bước tới. Không biết đến khi nào nó sẽ nổ, nhưng tôi biết, một khi nó kích hỏa, tôi sẽ được giải thoát.
Nhưng để bom nổ, tôi cần bị tấn công thật mạnh.
Thú vị thay, càng ngày tôi càng cứng cáp, và có khi tôi bị đánh rồi cũng chẳng hay, vậy thì cái gì mới khiến tôi cảm thấy như mình "bị tấn công" nhỉ? Tôi chẳng biết nữa.
Thằng đen đen vẫn bước tới, tim thì vẫn đập nhanh, còn tôi thì vẫn đang chờ nó, ngày này tới ngày khác.
Ps: Bài viết này đến sau khi ông anh tôi bảo: thằng này đâu có viết trên Spiderum nữa đâu? Xong rồi nó ném lên một bài có màu tối hơn cả tương lai của các con nghiện Tiktok. Đã thế văn lại còn toàn là tự than thân trách phận các thứ. Ôi dời, đọc được 2 chữ là đã muốn bỏ qua rồi. Vậy nên bài viết này mới có cái "shapo" về suy nghĩ mới chả thuốc độc.
Peace!