Đôi lúc chỉ có cái chết, chính là thứ đã kéo tôi dậy. Một hiện thực đau đớn, một sự thật phũ phàng rằng “con người sinh ra rồi cũng sẽ chết”
Tôi nhớ đó là 4h40 AM, một ngày giữa tháng tám. Tôi thức dậy với cái hẹn hái sen và ướp trà. Bước đến hồ sen khi những tia nắng đầu tiên chưa thể trèo qua những ngôi nhà cao tầng. Trước cái hình ảnh tràn ngập hương thơm và sức sống ấy, tôi đã hát nhưng không phải từ cuống họng mình :
“Ru em đầu con gió, em hong tóc bên hồKhi sen hồng mới nở, nụ đời ôi thơm quáRu em tình khi nhớ, ru em tình lúc xaRu cho bầy lá nhỏ rụng đầy một mùa Thu
Ru khi mùa mưa tới, ru em mãi yêu người
Ru em hoài bé dại, một hồn thơm cây trái
Ru em chờ em nói, trên môi tình thoát thai
Ru em ngồi yên đấy, ru tình à ơi.
Ru người ngồi mãi cùng tôi
Ru người ngồi mãi cùng tôi”
                                                                     “Ru tình, Trịnh Công Sơn”
Những câu hát xuất phát từ những “miền kí ức xa xăm” cũng có thể đâu đó xa hơn nữa, cái nơi được thiền sư Thích Nhất Hạnh gọi nó là “tàn thức”. Tôi cười, cười như một tên cướp biển vừa tìm được một kho báu lớn. Nhưng tôi không thể biết được cái kho báu ấy là gì!!!? Cứ thế tôi mang những báu vật ấy đi theo suốt hành trình của mình.
Ướp trà, chuẩn bị mọi thứ đầy đủ cũng đã tám(8) giờ sáng. Tôi và nó vội vàng lên xe và đi đến đền Huyền Trân Công chúa, leo lên núi Ngũ Phong với 336 bậc. Trên những con đường dài không trơn trượt, không có “bầy lá nhỏ rụng đầy một mùa thu” (lá tre). Chúng tôi ngồi xuống, trải một chiếc thảm thổ cẩm, bày ra những tách trà đã cũ,... Thời gian trôi... tôi uống trà cùng những âm thanh thinh lặng dày đặc, bám lấy mọi thứ như làn sương sớm không thể tự mình tan đi. 
Boong… (âm thanh của tiếng chuông U minh) 
Trong tiếng chuông có một cành hoa hồng. Tôi biết, nó dùng lực hơi mạnh. Không đủ hay, nhưng cũng đủ kéo tôi về thực tại. 
Chín(9) giờ, tôi nói.
Ừ,... dừng một lúc lâu Chikiri nói tiếp “chắc có lẽ. Ôn đau.”
Chúng tôi tự an ủi mình vì tuổi ôn cũng đã già, “chắc cũng đã ngoài bảy mươi(70)” tôi đáp. 
Im lặng cứ thể tiếp tục trôi. Tôi hiểu, chúng tôi đang cố gắng ngăn cản những linh cảm xấu từ đâu đó bước ra ngay cuống họng. 
Chúng tôi có hẹn với một người…
...Khoảng vào tháng mười(10) năm ngoài. Tôi đã đến đây một lần. Những cơn mưa đầu mùa của Huế làm mọi thứ trơn trượt. Không khí ẩm và đặc quánh như thể tôi có thể vo chúng lại và nuốt xuống phổi vậy.
Khi hai đôi chân đã mỏi rã rời, tôi ngồi bệt xuống đất ở cái bậc ba trăm ba mươi sáu(336) và thở những hơi thở nặng nề.
Boong… (âm thanh của tiếng chuông U minh)
Tiếng chuông ấm áp, ngân dài xua tan mọi thứ mệt mỏi xung quanh. Thay vào đó là những thứ không khí nhẹ nhàng, dịu dàng và ấm áp giữa cái rét 20 độ hôm ây. Không nói, cứ thế chúng tôi bước vào một góc ngồi xuống thưởng thức ly cafe được mua bên vệ đường.
“Mazui”. Một từ tiếng nhật thay thế cho định nghĩa của dở tệ trong
tôi. 
“Dở thật”
Chung tôi cười. Không cay cú, không hối hận, không tiếc nuối,... không gì cả. Dở là dở chúng tôi chấp nhận nó. Nhưng tôi vẫn không thể uống hết được, tôi cười. 
Gần về, tôi bước đến gần ôn và hỏi “Ôn ơi, trời như này mà ôn vẫn lên đây đánh chuông à?”. Ôn mỉm cười với một khoảng lặng, tôi hiểu, và tự trách mình đã nói sai thời điểm. Chờ tiếng chuông lặng đi. 
Ôn đáp:
Chuông này được gọi là “Hòa bình chung”. (鈡, chung: được hiểu theo nghĩa Hán-việt là cái chuông) Giữa một khoảng ngừng ôn nói tiếp “chuông này đánh để cầu bình an, cầu cho thế giới hòa bình, mọi người an lạc. Mọi người vui thì mình cũng sẽ vui”... (khoảng lặng) Chuông này nặng 1,6 tấn, đường kinh 1,16m, được đúc vào ngày 13/3/2006 và đưa lên tháp ngày 26/3/2007. Phải mất ba ngày mới đưa lên đến được tháp.
Tôi như bị thôi miên bởi những con số và lạc vào một thế giới tâm linh nào đó. Tôi tò mò những con số sáu(6) nhưng không hỏi. 
“Một ngày ôn sẽ đánh một trăm lẻ tám(108) tiếng chuông. Mỗi tiếng sẽ đi cùng với mỗi câu kinh”... 
Tôi biết bài kinh đó. Lâu lắm rồi,... có lẽ tôi đã quên mất nhưng giờ mọi thứ ùa về cùng những tiếng ve kêu mùa hạ. “Nguyện thử chúng sanh siêu pháp giới. Thiết vi u ám tất giai văn,…” Hình ảnh ôn như người ôn ngoại quá cố mà giờ đây tôi không thể nhớ nổi khuôn mặt. Luôn kể những câu chuyện huyền bí… khiến tôi mãi sau này vẫn chìm đắm trong nó. 
Tôi bất giác hỏi như một đứa trẻ “ôn có biết chuyện con thuồng luồng không ôn” 
Ôn đáp cùng tiếng cười nhẹ nhàng và kể “Sông An Cựu nắng đục mưa trong,... người ta đồn rằng, “nắng đục” là vì vào những mùa nắng nóng, thuồng luồng chịu không được nên nó vùng vẫy vậy nên nước sẽ đục,... v.v.”
Tôi nghe từ truyền thuyết này đến truyền thuyết khác mà cứ ngỡ mình là đứa trẻ sau(6) tuổi hồi ấy. Tôi bị lạc vào những thế giới huyền bí, lang thang cùng những đám mây mềm mại. Khám phá từng ngóc ngách trong Huế. Chùa Thiên Mụ, vua Thành thái, Điện Thái Hòa, sông hương,... 
Boong...tiếng chuông một lần nữa vang lên, nhưng lần này khác. Tôi biết sự khác biệt giữa một tiếng “phẩy” và một tiếng “chấm”. Tôi hẹn ôn vào một ngày khác. 
“Lúc khác lên, ôn sẽ kể nghe chuyện về con Bồ Lao,...”
Bước xuống núi chúng tôi đã cười như một đứa trẻ. Nụ cười ấy tôi vẫn giữ,...
Từng bước làm tôi nhớ đến ngày hôm đó. Tôi vẫn cười nhưng giờ lại có vị mặn, đắng.
Tôi viết bài thơ này tặng ông, người đã đưa tôi về một tuổi thơ đã mất tích từ lâu. 
Tỉnh mộng
Rạng đông ta hát câu ru tình
Ba trăm ba sáu bậc tìm ký ức
Minh chung hoà bình vang tam thế
Giật mình bừng tỉnh tiếng thông reo
Tuyết san, hương lac, chìm trong mộng
Biết ta lạc thế lúc nào hay!
Tâm xuất hành động tác lên ý 
Đánh tôi đánh ta bừng tỉnh giấc
Thế thời, thời thế !!!?
Một lời hứa dang dở
Biết làm sao gặp lại
Phong lan giờ đã nở
Hương ngát ngửi cùng ai
Minh chung vắng bóng người
Bồ lao lặng tiếng vang 
Kính trà với nén nhang
Kể chuyện nàng hi thị
Nguyện hóa bồ lao thỉnh
Thở cùng tiếng chuông ngân
Cầu sanh cực lạc thế.