Bài viết dưới đây là các ghi chú ngắn gọn của mình dựa trên một bản phân tích về giáo lý Tội tổ tông của Ki-tô giáo. 
Một trong những vấn đề gây nên những cuộc bàn cãi sóng gió giữa các nhà thần học từ xưa đến nay, và khiến cho giới trẻ có thái độ khước từ không chấp nhận, đó là vấn đề liên quan đến cái mà ta gọi nôm na là “tội tổ tông”.
Giáo lý về “tội tổ tông” theo truyền thống vẫn dựa trên xác tín là ông Adam và bà Eva là hai nhân vật lịch sử đã khai sinh ra toàn gia đình nhân loại. Điều này không thể chấp nhận được nữa theo các giả thuyết khoa học. Bởi vì văn bản Kinh Thánh cũng không khẳng định rằng ông Adam và bà Eva là hai nhân vật lịch sử, mà chỉ là một hình ảnh văn chương và một kiểu diễn tả tư tưởng thần học.


Danh từ “tội tổ tông” là một kiểu nói gây hiểu lầm, bởi vì nó cho chúng ta cảm tưởng là tội ấy do hai người đầu tiên trong gia đình nhân loại đã gây ra. Nếu hai người đó đã không phải là những nhân vật lịch sử, thì làm sao gây ra được? Thứ đến nó khiến chúng ta hiểu lầm rằng chúng ta không có liên hệ gì với tội phạm ấy. Nói cách khác, kiểu nói “tội tổ tông” hay "tội nguyên tổ" cho chúng ta cảm tưởng chúng ta là người bàng quan vô tội.
Liên quan đến từ này, cần phải phân biệt hai điều. Thứ nhất “nguyên tổ” như là đầu tiên, trong nghĩa vào thời khai nguyên vũ trụ. Hiểu trong nghĩa này, thì cái tội mà chúng ta gọi là tội nguyên tổ là một biến cố lịch sử đã xảy ra vào một lúc nào đó trong dòng lịch sử nhân loại, nói cách khác là thực sự xảy ra trong thời gian. Nó đã xảy ra khi nào, không ai biết được. Nhưng quả thật đã phải có một biến cố nào đó trầm trọng đến độ thay đổi hẳn cuộc sống con người và lịch sử loài người. Bởi nếu không thì cuộc sống của loài người đã khác hẳn, đâu đến nỗi khổ sở, gian truân và đau đớn, như kinh nghiệm mà mỗi người trong chúng ta phải sống hàng ngày. Kinh nghiệm đớn đau đó chúng ta nhận ra trong tất cả mọi hình thái của sự dữ đang tung hoành và làm cho cuộc sống của nhân loại băng hoại đi, không phải chỉ một lần trong dòng thời gian, nhưng tiếp tục mọi ngày… hận thù, chiến tranh tàn phá đổ nát thương đau, ghen ghét gian dối, lừa lọc đảo điên, và mọi khía cạnh tiêu cực của bóng dáng sự dữ đè nặng trên cuộc sống của toàn nhân loại.

Vậy văn bản Kinh thánh nói gì về Tội tổ tông?

Trong 2 chương đầu sách Sáng thế, soạn giả Kinh Thánh muốn khẳng định rằng con người là tác phẩm tuyệt hảo của Thiên Chúa, con người được Thiên Chúa tạo thành giống hình ảnh Ngài và được mời gọi thông chia vào chính sự sống thần thiêng của Chúa. Đến chương 3 sách Sáng thế, soạn giả Kinh Thánh giải thích lý do điều kiện sống của con người trong hiện tại. Chương 3 sách Sáng thế là một suy tư thần học về nguồn gốc tệ trạng sự dữ đè nặng trên cuộc sống từng người và cuộc sống của toàn thể nhân loại.

Các hình ảnh văn chương được sử dụng trong Chương 3 sách Sáng thế

1. Người nam và người nữ


Hình ảnh người nam và người nữ diễn tả toàn thể nhân loại, loài người gồm hai phái tính. 
Còn việc gọi tên Adam ("con người") và Eva ("sống động") diễn tả sự hợp nhất của loài người: trong nguồn gốc là được Thiên Chúa tạo thành, trong điều kiện sống, và hợp nhất trong khổ đau, trong tội lỗi, trong mọi hệ lụy của thân phận làm người. 

2. Vườn địa đàng

Hình ảnh vườn địa đàng diễn tả khung cảnh, môi trường sống toàn vẹn, tràn đầy hạnh phúc, mà Thiên Chúa đã sửa soạn và chuẩn bị trước khi tạo dựng nên con người. Nó cũng diễn tả khung cảnh cuộc sống thần thiêng mà con người được sống khi chưa phạm tội, khi chưa xa rời Thiên Chúa và chặt đứt mọi mối tương quan với Ngài.
Trong các văn bản cổ xưa,  Eden là một thứ vườn ngự uyển của các vua vùng Trung Đông Cổ, nơi có cảnh thần tiên, nơi có đủ mọi thứ hoa thơm cỏ lạ, vô cùng xinh đẹp tươi mát. Để diễn tả cuộc sống hạnh phúc thân tình bên Thiên Chúa, soạn giả Kinh Thánh đã dùng loại hình ảnh này.
3. Cây biết lành biết dữ 

Chúng ta quen gọi "trái cấm" nhưng thực ra từ chính xác dùng trong Kinh Thánh là "trái của cây cho biết điều thiện điều ác". Thiện ác, lành dữ ở đây không có nghĩa luân lý đạo đức như chúng ta thường hiểu khi nghe các từ này, thiện ác ở đây diễn tả giới hạn tột bực của sự hiểu biết - sự toàn tri của chính Thiên Chúa. 

Khi ăn trái cây hiểu biết tốt xấu, nghĩa là khi muốn có sự hiểu biết toàn vẹn như Thiên Chúa, là con người kiêu căng muốn chiếm đoạt cho mình tất cả mọi quyền năng của Thiên Chúa, là con người muốn trở thành mực thước quy chiếu cho mọi sự, muốn chối bỏ địa vị thụ tạo của mình. Vì đó con người khám phá ra cái hư không trần trụi của mình, và phải chết vì đánh mất đi cuộc sống thần thiêng Thiên Chúa trao ban cho mình. Con người hoàn toàn tự do lựa chọn. Khi khước từ bước theo lời kêu mời của Thiên Chúa, là con người tự do chọn lựa cái chết.
Thảm cảnh vườn địa đàng như thế không phải là cái gì xa lạ, mà trái lại là hình ảnh diễn tả cuộc thử thách của sự tự do. 

4. Satan

Soạn giả Kinh Thánh không cắt nghĩa gì về sự hiện diện và nguồn gốc sủa sự dữ, mà chỉ ghi nhận nó như là một sự kiện. Con người đã phải đối diện với nó, và bị nó đánh lừa. 
5. Adam và Eva hiện diện bên nhau khi phạm tội. 

Hình ảnh này diễn tả chiều kích cá nhân và tập thể của tội lỗi trong xã hội loài người. Đó là môi trường xã hội hư nát, trong đó mỗi một người sinh ra và lớn lên phải nhận chịu. Nó là một thứ gia tài khốn khổ do tất cả mọi thế hệ đi trước để lại. Một đứa bé dù chẳng có tội tình gì, nhưng phải sinh ra trong một gia đình có người cha rượu chè, cờ bạc be bét, tán gia bại sản, thì dĩ nhiên là không được thừa hưởng một bầu khí và một cuộc sống gia đình hạnh phúc sung sướng nó đáng được hưởng. Và vì thế nó phải gánh chịu cái gia tài khốn khổ mà cha nó đã để lại cho nó. 
Với người đàn bà, Chúa phán : “Ta sẽ làm cho ngươi phải cực nhọc thật nhiều khi thai nghén ; ngươi sẽ phải cực nhọc lúc sinh con. Ngươi sẽ thèm muốn chồng ngươi, và nó sẽ thống trị ngươi.” 
Khi đã bẻ gẫy mối tương giao thân tình với Thiên Chúa, con người bắt đầu biến thái. Nó sợ hãi Ngài và xấu hổ trước mặt nhau. Bởi vì mối dây liên lạc trong sáng giữa nam và nữ như là sự trợ giúp, bổ túc cho nhau nay trở thành cái thèm khát chiếm đoạt nhau để thỏa mãn những khát vọng ích kỷ của mình. Nhưng còn hơn thế nữa, khi phạm tội, khi khước từ Thiên Chúa, con người trở thành hèn nhát và gian ngoa dối trá, sợ hãi nhau, sống vô trách nhiệm và tìm đổ lỗi cho người khác.
Với con người, Chúa phán : “Vì ngươi đã nghe lời vợ và ăn trái cây mà Ta đã truyền cho ngươi rằng : ‘Ngươi đừng ăn’, nên đất đai bị nguyền rủa vì ngươi ; ngươi sẽ phải cực nhọc mọi ngày trong đời ngươi, mới kiếm được miếng ăn từ đất mà ra. Đất đai sẽ trổ sinh gai góc cho ngươi, ngươi sẽ ăn cỏ ngoài đồng. Ngươi sẽ phải đổ mồ hôi trán mới có bánh ăn, cho đến khi trở về với đất, vì từ đất, ngươi đã được lấy ra. Ngươi là bụi đất, và sẽ trở về với bụi đất.”
Thế rồi lao động, thay vì là một phần cao quí của ơn gọi làm người là cộng sự viên của Thiên Chúa trong công tác canh tác đất đai, biến đổi thế giới theo trật tự như Thiên Chúa muốn, thì giờ đây nó trở thành một hình phạt, một gánh nặng, một kiểu cách mà con người gian ác sẽ dùng để thống trị và hành hạ nhau: lao động khổ sai phát sinh từ đó. Bóc lột giới công nhân thợ thuyền cũng phát sinh từ đó.

Kết

Để trình bày các suy tư thần học nói trên, thay vì dùng các ý tưởng trừu tượng như chúng ta dùng ngày nay, thì soạn giả Kinh Thánh đã dùng các hình ảnh cụ thể, rồi sắp xếp chúng cho có lớp lang thứ tự dưới hình thái một câu chuyện. 
Mỗi lần suy nghĩ về câu chuyện Adam và Eva, mình sẽ ghi nhớ các hình ảnh trên để nhớ lại những yếu tố sau đây:
A. Sự hiện diện của lực lượng sự dữ. Để hiểu thêm một chút về điều này, mình gợi ý các bạn liên hệ đến một số người từng gặp có những biểu hiện như "bị xúi giục", "bị lôi kéo" để chống đối, phá hoại, làm tổn thương người khác mà chính người thân cũng không hiểu có ai đứng sau. Có những người mà từng ngày trôi qua lại trở thành phiên bản tồi tệ hơn của mình, bị quay cuồng ám ảnh, hoang tưởng, bất tín v.v. mà bạn biết chắc nếu không phải vì những hoang tưởng kia thì người ấy cũng không đến nỗi tệ. Nêu một ví dụ như vậy để chúng ta có hình dung rằng trong thế giới thiêng liêng/thần linh, có tồn tại Sự dữ tác động liên tục đến chúng ta và thực sự một mình con người không thể chống lại nó hoàn toàn. 
B. Sự tự do của con người. Bất kể yếu đuối thế nào, chúng ta cũng được sinh ra với tự do lựa chọn và ma quỷ có thể xúi giục, lừa gạt, thậm chí điều khiển một phần nào nhưng lựa chọn nghe tiếng ma quỷ hay nghe tiếng Thiên Chúa là tự do của riêng mỗi người.
C. Sự kiện mỗi người trong chúng ta phạm tội hằng ngày là một kinh nghiệm đớn đau cho thấy chúng ta phải sống dưới ách thống trị của tội lỗi và sự dữ mà Thiên Chúa cho phép xảy ra trong một thời gian để nếu vượt qua, chúng ta sẽ trưởng thành và sáng suốt hơn. 
D. Tội lỗi cũng mang tính tập thể, xã hội và bất kể những tiện nghi, tiến bộ trong xã hội ngày nay, chúng ta cũng thấy rõ những vết thương sâu sắc, khó hàn gắn trong mối quan hệ giữa con người với nhau, giữa con người với thiên nhiên và với Đấng tạo thành. 
Toàn bộ vấn đề tội lỗi này sức lực nhỏ bé của từng người không giải quyết được, toàn bộ loài người cũng không xóa hết vì đây đơn giản là cuộc chiến thiêng liêng, cuộc chiến với những thế lực mạnh gấp chúng ta rất nhiều lần. Điều nhỏ bé nhưng quan trọng ta có thể làm là đừng đâm đầu vào khi chưa đủ vững, hãy dừng lại nhìn thẳng vào sự yếu đuối của bản thân và đánh giá liệu tất cả những giải pháp trước đây của mình có đem lại bình an thực sự không. Tiếp đến mình cho rằng ai cũng nên xây dựng một niềm tin và đời sống tôn giáo có kỷ luật, rèn luyện nhân đức, và quan trọng hết là tin tưởng rằng con người không đơn độc vì Đấng tạo thành chúng ta cũng sẽ chiến đấu bên cạnh chúng ta, không để ta thua mãi được. 
Thanks and peace be with you!