"Tôi là ai!"
Tôi luôn hình dung, tôi sẽ tạo ra những đứa trẻ mà tự chúng nó phải trở thành chính mình, không giống một ai, vì nó là một, là riêng,...
Tôi luôn hình dung, tôi sẽ tạo ra những đứa trẻ mà tự chúng nó phải trở thành chính mình, không giống một ai, vì nó là một, là riêng, là duy nhất, không giống bất cứ ai trên đời này từ ADN đến cách nghĩ. -Giáo sư Hồ Ngọc Đại-
Ngày gần đây, dư luận xôn xao bàn về giáo dục thực nghiệm của giáo sư Hồ Ngọc Đại, người bênh vực có mà cũng lắm kẻ cười chê. Thực ra, phương pháp giáo dục nào cũng có ưu điểm và khuyết điểm, chỉ nhìn nó thích hợp trong môi trường nào, thích hợp với những đứa trẻ như thế nào. Riêng cá nhân tôi rất tâm đắc với những chia sẻ của giáo sư.
Từ bé, tôi luôn cho rằng mình là một cá thể đặc biệt, độc lập và duy nhất, sẽ không ai giống tôi 100%. Ý thức này có từ rất sớm nhưng cũng chết từ rất sớm. Tôi lớn lên trong một môi trường giáo dục rập khuôn, nơi mà nếu cô giáo nói nước sôi ở 100 độ C, tôi nói ngược lại là sai. Thậm chí, một người bạn đã chia sẻ với tôi rằng: " Anh ấy từng có cơ hội học đội tuyển lý, nhưng sau cùng xin ra, vì mỗi lần anh ấy hỏi một kiến thức nào đó nằm ngoài kì thi học sinh giỏi quốc gia đều nhận được cái nhíu mày khó chịu của cô giáo". Vậy đấy tất cả mọi thứ đều có một quy chuẩn và công thức nhất định, chúng tôi chỉ việc học thuộc, áp dụng, rồi phục vụ cho những kì thi và kiếm bằng cấp. Để rồi khi đứng trước ngã rẽ đầu tiên trong đời, lựa chọn ngành học, tôi chơi vơi, và hầu hết lớp trẻ như tôi hồi đó chắc cũng chơi vơi. Chúng tôi không biết mình thích gì, mình là ai, mình phù hợp với những công việc như thế nào, phân vân giữa ngã ba đường. Hệ quả là, chúng tôi đi theo xu hướng số đông, hoặc lại an yên trong sự sắp đặt của cha mẹ, ngành này nhà mình có cửa xin việc. Cuộc đời cứ bình thản với một công việc ổn định, một gia đình và những đứa trẻ. Ồ, không ai nói bình thản không tốt, nhưng có khi nào bạn cảm thấy, mình đã chết rồi không, và phần lớn những năm còn lại của cuộc đời bạn chỉ vận hành như một máy móc lập trình sẵn.
Nếu bạn muốn thay đổi , sống một cuộc đời khác đi, suy nghĩ khác với số đông, bạn sẽ gặp lực cản rất lớn và cần quyết tâm nhiều hơn để bước qua nó. Gia đình sẽ đứng ra đầu tiên phản đối bạn, với danh nghĩa muốn tốt cho bản thân bạn. Họ cũng có cái lí của họ, vì đâu phải ai thay đổi cũng đạt được thành công, đấy là số ít, một số khác lớn hơn, chật vật với sự mưu sinh và đam mê của mình. Bạn theo đuổi đam mê, và thành công sẽ theo đuổi bạn, cái này chỉ có trong tiểu thuyết thôi, vì con đường đấy chông gai hơn sự ổn định người ta lựa chọn cho bạn. Nhưng quan trọng là bạn dám thay đổi, vì nếu không bước ra bước chân đầu tiên, làm sao bạn biết con đường nào thích hợp với bạn, ngã cũng được, vậy lại đứng lên. Vì thực ra thì, trước khi biết trái đất hình tròn, không phải nhà khoa học Galilie cũng bị treo cổ vì dám nói trái đất tròn mà không phải vuông , như đa số đám đông hồi đó nghĩ.
Sau đó là xã hội. Việt Nam đang chuyển mình, cùng chung nhịp cách mạng công nghệ của thế giới. Người ta treo cao khẩu hiệu cho sự sáng tạo, nhưng sáng tạo ở giáo dục Việt Nam là kiểu sáng tạo trong khuôn khổ. Một học sinh, nếu nghịch ngợm làm những thí nghiệm nguy hiểm, phản ứng đầu tiên của thầy cô là cấm động đến, thay vì giảng giải cho các bạn ấy các thứ đúng. Nếu chúng có tư duy phản biện, vậy sẽ luôn nhận được cái nhìn kì thị, nói chung là các em chẳng nên hỏi những gì nằm ngoài kì thi quan trọng cả. Nếu chúng nổi loạn, thích xăm hình, nhuộm tóc các kiểu, vậy xã hội sẽ dành cho chúng những cái nhìn định kiến, ở thành phố còn đỡ, về làng quê Việt, vậy mặc định, đầu xanh đầu đỏ , quần ngắn áo dây là hư hỏng
Thiết nghĩ, chúng ta nên thực sự dừng lại và suy ngẫm, chúng ta nên giáo dục con cái như thế nào. Những người làm cha mẹ, nên thôi bao bọc con, cho chúng được ngã, được ốm, cho chúng làm những gì mà chúng muốn trở thành, hãy để chúng sống cuộc đời của chúng chứ không phải cuộc đời chúng ta trải ra!
Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất