Tôi là ai ? Và nếu vậy thì bao nhiêu - Tác giả Richard David Precht
Đây là cuốn sách của tiến sĩ, triết gia, nhà báo, nhà văn người Đức. Mà Đức là quốc gia có nền triết học phát triển rất mạnh từ thời...
Đây là cuốn sách của tiến sĩ, triết gia, nhà báo, nhà văn người Đức. Mà Đức là quốc gia có nền triết học phát triển rất mạnh từ thời cận đại tới hiện đại.
Cuốn sách đề cập đến quá trình trả lời cho câu hỏi lớn của triết học : Tôi là ai ?
Tôi là ai ? Bạn là ai ? Chúng ta là ai ?
Có lần tôi nghe một vị diễn giả nói rằng : 2 câu hỏi "What's your name?" và "Who are you?" rất khác nhau, một trời một vực. Trả lời cho câu đầu tiên chỉ là một cái tên để người ta gọi mình khi cần, đó chỉ là một thứ quy ước đơn giản. Nếu người này gọi tôi là A và người kia gọi tôi là B mà tôi vẫn trả lời cả hai thì tôi có 2 cái tên ! Đơn giản chỉ vậy thôi.
Còn Tôi là ai ? Who am I ? Bạn là ai ? Who are you ? Đây là câu hỏi lớn , bao gồm luôn cả cái tên, nhưng cái tên chỉ là một phần rất nhỏ trong câu trả lời !
Mình là ...cái thứ gì ?! - Có lẽ các triết gia từ cổ đại đến ngày nay nên đặt câu hỏi về đúng bản chất của nó. Đi tìm câu trả lời cho câu hỏi này cũng là quá trình đi tìm hiểu chính mình và xác định hay quyết định mình là ai.
Trước khi Charles Darwin xuất bản cuốn "Nguồn gốc các loài" năm 1859, từ thời cổ đại, những triết gia lỗi lạc theo trường phái duy tâm như Socrates, Plato, Aristotle cho rằng : Có một Đấng Tối Cao nào đó đã ban phát ý thức , tinh thần vào một hình dáng vật chất và hành động đó đã tạo nên con người, tạo nên chúng ta. Thuyết duy tâm về con người đã tồn tại gần như độc tôn từ thời cổ đại cho đến tận cuối thời kỳ Phục Hưng ở châu Âu.
Năm 1596, René Descartes ra đời. Ông là nhà toán học nổi danh. Đối với Triết học, ông được ví như Người cha của Triết học hiện đại và cũng có thể nói là Cha đẻ của Khoa học hiện đại. Bởi vì quan điểm của ông cho rằng : "Không có điều gì được xem là đúng cho đến khi có đầy đủ cơ sở, nền tảng để xác định nó là đúng !"
Chính vì vậy, mặc dù là người có tôn giáo, tín ngưỡng nhưng ông không hoàn toàn tuân theo sách vở kinh điển mà tự có tư duy, biện luận cho riêng mình. Trả lời một phần nhỏ cho câu hỏi Tôi là ai , ông có một câu phát biểu nổi tiếng : "Tôi tư duy, vậy tôi tồn tại". Chúng ta có thể hiểu rằng, ý của ông là : Chúng ta suy nghĩ, có ý thức thì chúng ta mới tồn tại và chính những suy nghĩ của chúng ta quyết định chúng ta là ai !
Như vậy, chúng ta, con người chúng ta đã lấy lại một phần "tự chủ", chúng ta hoàn toàn có thể tìm hiểu mình là ai hay chính chúng ta quyết định mình là ai.
Khi Charles Darwin phát biểu về Thuyết Tiến Hóa. Đó thật sự là một cú sốc lớn đối với Khoa học và Triết học nhưng lại là bước tiến vĩ đại của loài người trên con đường tự nhận thức, tìm kiếm câu trả lời Tôi là ai.
Dù vẫn chỉ là lý thuyết: "Con người được tiến hóa từ vượn người." đã khiến cho Khoa học và Tôn giáo có sự đối kháng rất mạnh mẽ, Nhưng hầu hết các nhà khoa học, dù có tôn giáo hay không đều phải thừa nhận tính đúng đắn của học thuyết của Darwin. Cho dù vẫn chưa có bằng chứng vật chất nào chứng minh cho học thuyết này.
Mãi cho đến năm 1974, các nhà khảo cổ học mới phát hiện ra hài cốt hóa thạch của người nguyên thủy. Một bằng chứng, một mắt xích quan trọng, không thể chối cãi để chứng minh Con đường tiến hóa từ vượn lên người của học thuyết Darwin. Phải nói rằng chuyện khảo cổ chỉ là chuyện may mắn thôi, cho dù không thể tìm ra bằng chứng khảo cổ thì bằng những suy luận khoa học, hiểu biết khoa học , Thuyết Tiến Hóa vẫn được các nhà khoa học thừa nhận.
Vậy, ý thức của con người có được là do sự tiến hóa của sinh học, của vật chất, cụ thể là của bộ não. Và chúng ta cũng biết rằng kiến thức, trí thông minh được hình thành và tích lũy qua quá trình học tập và lao động. Vậy để trả lời cho câu hỏi Tôi là ai ? Chúng ta phải đi từ cái gốc này mà suy luận nên.
Năm 1856, Sigismund Shlomo Freud ra đời, dĩ nhiên là ông biết và kế thừa kiến thức về Thuyết Tiến Hóa của Darwin. Ông là cha đẻ của ngành Tâm Lý Học. Một ngành chủ lực nghiên cứu câu trả lời cho câu hỏi Tôi là ai, Chúng ta là ai..
Freud chia cái Tôi ra làm 3 cái Tôi nhỏ : cái Nó, cái Tôi và cái siêu Tôi. Như vậy, khi được hỏi Bạn là ai ? Mình có thể hỏi ngược lại : Bạn muốn biết về cái Tôi nào của Tôi ? Vì cho tới giờ thì mình biết là mình có 3 cái Tôi
Cái Nó: là cái bản năng, cái vô thức, cái dục vọng mang tính...động vật.
Cái siêu Tôi: là đối lập với cái Nó, là hiện thân của sự chuẩn mực, là đạo đức tốt đẹp, là lý tưởng sống, giá trị sống...
Cái Tôi , theo Freud, là hình ảnh của anh chàng nhỏ bé, yếu ớt, có phần khờ khạo bị chèn ép bởi 2 anh chàng lớn ở trên. Cái Tôi là cái quyết định suy nghĩ và hành động của chúng ta nhưng nó nhiều khi phải ở trong tình huống của... phim hoạt hình : Một bên là Thiên Thần, một bên Ác Quỷ và ở giữa là cái Tôi của chúng ta.
Cần phải nói rằng : Cái Nó không phải lúc nào cũng là Ác Quỷ và cái siêu Tôi chưa chắc đã là Thiên Thần.
Mặc dù đóng góp của Freud cũng chấn động không kém Darwin nhưng các nhà khoa học nghiên cứu Tâm Lý học sau này phát hiện ra Sự thật còn phức tạp hơn nhiều. Trong cái Nó có thể còn nhiều cái Tôi nhỏ hơn, trong cái siêu Tôi cũng được tạo ra bằng nhiều yếu tố khác và Cái Tôi không hẳn chỉ nhỏ bé, yếu nhược. Ngược lại, nếu chúng ta quyết tâm, có ý chí mạnh mẽ thì chính Cái Tôi mới quyết định Tôi là ai.
Quyển sách tiếp tục đi để trả lời các câu hỏi: Tôi có thể biết gì, Tôi nên làm gì và Tôi có thể hy vọng gì.
---------
Triết học là nơi học tập, trao đổi những lý luận thẳng thắn, logic, công bằng và chân thành để tìm hiểu chân lý thật sự, nâng cao nhận thức của chúng ta. Nếu bạn không có ý định làm điều đó thì không cần quan tâm đến Triết học.
---------
Triết học là nơi học tập, trao đổi những lý luận thẳng thắn, logic, công bằng và chân thành để tìm hiểu chân lý thật sự, nâng cao nhận thức của chúng ta. Nếu bạn không có ý định làm điều đó thì không cần quan tâm đến Triết học.
Sách
/sach
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất