Từ khi còn là một đứa trẻ, nam giới đã được mặc định là “phái mạnh" và không liên quan đến việc bộc lộ cảm xúc như nữ giới. Thằng nhỏ cạnh nhà tập xe đạp bị tông vào cột điện té trầy một mảng da ở đầu gối, nó đau nên khóc mếu máo. Bà mẹ chạy đến dỗ một hồi không xong thì nói “Nín chưa? đàn ông con trai ai lại khóc như con gái thế kia.” (?!) Ở trường học, một bàn tay định kiến vô hình áp đặt nam giới vào định nghĩa về sự “nam tính", khi một vài đứa con trai trong lớp thay vì tham gia đội bóng đá, đá cầu hay...“đập lộn" mà xin vào đội tuyển chuyên Văn hay Anh thì lập tức bị phần lớn tụi còn lại gắn mác “ẻo lả; mọt sách; bê đê…” 
selflove


Không thể phủ nhận Millennials (những người sinh ra trong khoảng thời gian từ 1980-1998) là thế hệ "vàng" vì họ được chứng kiến và tiếp cận sự phát triển của các phương tiện xã hội. Nhưng cũng chính vì là thế hệ chuyển giao giữa hai thiên niên kỷ, giữa những suy nghĩ cũ và tư duy mới mà millennials phải chịu nhiều ảnh hưởng từ các thế hệ đi trước.
Đặc biệt là trong xã hội phần nào còn nặng tư tưởng Nho giáo như của chúng ta, các bé trai sinh ra ít nhiều đã được kỳ vọng trở thành “trụ cột” hay ít ra cũng phải “ra dáng đàn ông". Áp lực từ xã hội và gia đình sẽ lớn dần khi trưởng thành và dẫn đến nhiều hệ quả mà trong đó phụ nữ cũng là nạn nhân.
Theo một thống kê ở Anh năm 2012(*), trong 5981 vụ tự tử thì hơn 3/4 là nam giới. Còn với 38,000 ca tự sát ở Mỹ năm 2010 thì 79% là nam. Phụ nữ được ghi nhận mắc bệnh tâm lý và nghĩ đến tự sát nhiều hơn nam, nhưng nam giới lại có xu hướng tự kết thúc cuộc đời nhanh hơn nữ. Khảo sát của Mỹ(**) cho thấy đàn ông sẽ dễ cảm thấy hung hăng và có xu hướng bạo lực khi phải chịu áp lực về sự nam tính (masculine discrepancy stress), dẫn đến nhiều vụ bạo lực gia đình và lạm dụng chất gây nghiện. Ở một nơi mọi người coi việc thể hiện cảm xúc là đặc quyền của phụ nữ thì những lời nói (không rõ vô tình hay hữu ý) như “đàn ông mà mít ướt" hay “mày là con trai mà học ban Xã hội à?" ép buộc người đàn ông phải gồng lên để che giấu cảm xúc của mình và sống sau chiếc mặt nạ “nam tính" để phù hợp với “nhãn mác" mà xã hội đặt ra. 
Cuộc đấu tranh nữ quyền hơn trăm năm qua cuối cùng đã thu về nhiều tín hiệu tích cực trong khi cuộc giải phóng con người khỏi những định kiến xã hội nhiều thế kỷ đến nay vẫn còn đang bỏ ngỏ. Định kiến xã hội là những xiềng xích vô hình ngăn cản cá nhân bộc lộ bản thân và khả năng thực sự của mình. Không phải ai cũng muốn trở thành người hùng. Họ chỉ muốn chiến đấu như những người khác. 
Let me go
I don't wanna be your hero
I don’t wanna be a big man
Just want to fight like anyone else…
(*) Số liệu tham khảo từ bài Why are men more likely than women to take their own lives? của The Guardian
(**) Tham khảo từ bài viết Pressure to be ‘manly’ may lead to violence của Reuters
Ảnh: Behance