Image may contain: drawing

Tôi sống một cuộc sống không có mục tiêu, và điều đó làm tôi trăn trở. Mặc cho tôi đang có một cuộc sống của một người trưởng thành bình thường, có việc làm, có những mối quan hệ, có niềm vui, nhưng tôi vẫn thấy thiếu vắng một điều gì đó quan trọng.
Tôi không có nhiều tham vọng (mà tôi ước là mình có). Chính vì vậy mà cuộc sống của tôi mờ nhạt. Những người có tham vọng, cuộc sống của họ rõ nét vì họ biết mình muốn gì.
Đôi khi nghe họ kể chuyện, họ lại khiến tôi hào hứng. Những điều họ muốn làm biến từng chi tiết trong cuộc sống của họ thành những khoảnh khắc đáng giá. Như chuyện một người anh có mười năm tuổi nghề làm truyền thông kể về cái hay của những chiến dịch quảng cáo, những trăn trở về nghề, về câu chữ, về ý tưởng. Một người chị làm kinh doanh thành công chia sẻ về Mỹ như một điểm đến nơi mà chị sẽ tạo ra tầm ảnh hưởng.
Dù những câu chuyện kể có nhiều cảm hứng, nhưng tôi không thể mang tham vọng của người khác làm tham vọng của mình. Tôi hiểu ngọn lửa đi xin của người khác sẽ sớm tàn lụi. Nhưng tôi chưa thể tìm thấy ngọn lửa của mình.
Tôi đã thử. Nhưng quá trình tìm kiếm làm tôi trở nên vô định hơn chứ không phải rõ ràng hơn. Khi vô minh, tôi sẽ nghĩ là mình biết hết. Khi đặt câu hỏi và thử trả lời, tôi nhận ra mình không biết gì.
“Em phải xác định xem em là ai?” - Ai mà biết.
“Để đạt được điều em muốn, em phải xác định xem em muốn gì.” - Nếu em biết mình muốn gì, em đã không ở đây.
“Em phải muốn một thứ gì đó.” - Không.
Tôi vẫn đi tìm xem tôi muốn gì, nhưng với một thái độ dè dặt rằng tôi sẽ không tìm thấy câu trả lời ngay đâu.
Tôi nghĩ về bạn mình.
Những đứa mà tuổi thơ mà hoàn cảnh sống từng có vấn đề, là những đứa có tham vọng mạnh mẽ nhất.
“Mục tiêu đi làm của mày là gì?”
“Tiền.”
“Thật à?”
“Ừ.”
“Tại sao?”
“Tao sẽ mua đồ cho mẹ và cho em.”
Rốt cuộc thì vấn đề lại là nguồn gốc của mục tiêu sống. Câu trả lời cho câu hỏi “tôi không biết mình muốn gì” thực ra là “tôi không biết mình muốn giải quyết vấn đề gì”, vấn đề của bản thân hay của người khác. Thiếu việc nhìn nhận và chỉ ra đích xác vấn đề thì các mục tiêu đặt ra chỉ là nói suông (kiếm 1 triệu đô năm 25 tuổi).
Chưa bàn tới việc giải quyết vấn đề của người khác, tôi xem thử vấn đề của mình là gì, vì chuyện mình chưa xong thì giúp được ai. Điều này dẫn tới một vấn đề khác: tôi nhận ra tôi đang né tránh vấn đề của mình. Vì nếu đối diện thẳng và gọi tên vấn đề thì vấn đề sẽ tồn tại thật. Tôi không thích điều đó. Nó đe dọa cuộc sống êm ả mà tôi đang cố gắng giả vờ là không có điều gì xấu đang xảy ra.
Tôi thường tránh vấn đề của mình bằng cách: một là diễn dịch nó khác đi bằng cách khái quát hóa, ví dụ như tôi lười chạy deadline, tôi sẽ nói rằng chủ nghĩa tư bản thật bóc lột, tôi không tìm được ý nghĩa công việc hoặc điều gì đó tương tự, hai là quên đi vấn đề bằng cách lảng tránh, làm phân tâm bởi các hoạt động giải trí thông thường.
Vậy việc thiếu định hướng sống xuất phát từ việc không gọi được tên vấn đề của mình.
Đến đây thì tôi đúc rút lại công thức làm người như sau (tại sao tôi được sinh ra)
Một: Trung thực với bản thân -> Hai: Gọi tên vấn đề của bản thân -> Ba: Đặt mục tiêu giải quyết chúng -> Bốn: Giải quyết xong -> Năm: Gọi tên vấn đề của người khác, xã hội, nhân loại -> Sáu: Giải quyết tiếp
Như tư tưởng của nhà tâm lý học Jordan Peterson thì trước khi phán xét thế giới, hãy dọn phòng. Tôi nghĩ để có một cuộc sống có định hướng (và từ đó thấy đời có ý nghĩa thêm một chút), trước hết là đừng nói dối mình.
Có lẽ tôi cần Xác Định vấn đề cần giải quyết thay vì mơ hồ Tìm điều mình muốn.
Có lẽ tôi cần Trung Thực với những điều không tốt của bản thân và mở mắt ra nhìn xem Thế Giới bên ngoài đang có những Vấn Đề ra sao.
Có lẽ tôi cần chấp nhận rằng để tìm ra Định Hướng, thay vì Tự Hỏi những câu khó vãi và bất lực với bản thân, cần có một cách tiếp cận khác, bắt nguồn từ những thứ có thể thấy được.
Có lẽ vậy, đằng nào tôi cũng không biết mình muốn gì.