Trẻ con là một lũ tiểu quỷ quả không sai. “Tôi ghét trẻ con” luôn là lời thú nhận của tôi dành cho tất cả mọi người. Tôi ít khi đùa giỡn với bọn trẻ, nhưng cũng chẳng trách mắng chúng nặng lời bao giờ. Có lẽ vì vậy tôi ít khi có bất cứ mối quan hệ sâu sắc nào với một đứa trẻ.
Khi được giao trọng trách trông nom một đứa, tôi chỉ thường cố gắng giữ chúng tránh xa khỏi những điều nguy hiểm như các cạnh bàn ghế nhọn, các đồ dùng sắc như dao, kéo… Tôi không cố làm chúng vui bằng mấy trò đùa như ú òa, đuổi bắt hay các trò con bò gì gì đó, tôi cứ để chúng chơi một mình vậy thôi. Mỗi khi mà có đứa nào bị ngã, xong tôi ra đỡ, chúng sẽ kiểu đợi tầm 1 đến 2 giây rồi òa khóc. Lúc này thì tôi bối rối vô cùng, vừa cảm thấy có gì đó khó chịu và bực mình, vừa cảm thấy thương nó và cũng vừa thấy có lỗi do đã không trông nom cẩn thận. Chắc tôi bực bản thân mình nhiều hơn vì không để ý kỹ đến nó. (liệu các phụ huynh có con nhỏ ngã và khóc có thấy khó chịu và bực mình không nhỉ? Và thường họ sẽ hay quát mắng thêm hoặc đánh đứa trẻ nhưng vì sao lại quát nó thêm nhỉ? Nó đã đau rồi mà. Nah, tôi chẳng biết nữa).
Tôi hiện chỉ có quen và “tiếp xúc nhiều” với hai đứa trẻ con duy nhất đều cùng 4 tuổi là một đứa bên nhà hàng xóm và một đứa con anh nhà bác tôi. Chúng nó hay lên nhà tôi chơi và mỗi lần như vậy thì mệt mỏi cực kỳ.
Đứa con nhà hàng xóm thì khá ngoan, nhỏ người nhưng thông minh sáng dạ, nhanh hiểu ý người lớn nhưng lại hay ăn vạ và khóc thì rõ to. Cứ mỗi khi tôi không đồng ý cho nó chơi cái này cái kia, không mở tivi cho nó xem hay lấy đồ ăn cho nó là nó lại ngoạc cái mồm nó ra cho bàn dân thiên hạ xem, cực váng đầu.
Thằng thứ hai con anh nhà bác kia thì bướng bỉnh, ăn lắm nên người tròn như quả bóng, nói không sõi và cũng không hiểu ý người lớn nhiều (tôi cũng đếch biết là nó không hiểu hay nó đéo thèm hiểu nữa). Nó thì nghịch kinh hồn. Bộ bàn ghế ở nhà tôi mỗi lần nó lên là rải rác khắp sân mỗi chỗ một cái; xà phòng nó đổ đầy ra sàn nhà tắm xong xả nước làm đầy ụ cả bọt lên; ra lớp thì đánh bạn đánh bè, về nhà thì đánh chị, đánh anh em, chửi cả cụ, cả bà nội; bị ăn đòn liên tục và cũng chẳng chừa tí nào.
Nhưng kinh hồn nhất là khi mà hai thằng này ở cùng một chỗ. Bọn nó tranh giành nhau đủ thứ, không có người lớn chắc thằng đầu tiên bị thằng kia nó tẩn cho u đầu rồi (thằng thứ hai nổi tiếng trùm trường mẫu giáo chỗ tôi, không ai dám đụng). Mỗi lần như thế can ngăn chúng nó đủ mệt, mà nhắc thì chẳng đứa nào chịu nghe vì chúng nó có muốn hiểu đâu.
Thêm lý do để ghét trẻ con?
Thêm lý do để ghét trẻ con?
Trẻ con phiền thế sao người ta lại thích sinh con nhỉ? Tôi có hỏi bố mẹ trong bữa cơm như vậy. “Ơ thế đẻ mà khổ thế thì đẻ làm gì? Đang ăn cơm mà nó ị ra cũng phải đi thay quần, rồi kiểu đêm đến đang ngủ thì nó tè dầm ra ướt hết thảm, đệm. Lớn hơn tí nữa thì đủ thứ chi phí sinh hoạt, học tập đắt đỏ, tiền học phí tới tiền học văn nghệ, văn hóa, thể thao, tiền quần áo, sách vở, sữa, thuốc thang khám chữa bệnh… Ty tỷ thứ trên đời phải lo.” Không bàn đến các chuyện duy trì giống loài hay lực lượng lao động cho tương lai (các lý do thế tục khác).
Rồi bố tôi có trả lời: “Ơ sao con lại hỏi thế được. Sinh lão bệnh tử là nó vòng tuần hoàn, kiếp luân hồi rồi. Con chết đi thì mai sau con sẽ được đầu thai làm đứa trẻ mới trong cuộc đời mới. Người ta không đẻ nữa thì sao mà con tái sinh trong hình hài mới được.” Mẹ tôi thì bảo: “Nói thế, có trẻ con trong nhà ấm áp, vui cửa vui nhà hơn bao nhiêu”.
Thề tôi thấy bố tôi trả lời cứ như không trả lời vì trả lời xong tôi vẫn chưa thấy thỏa đáng ý. Nó còn sinh ra nhiều vấn đề hơn như thế kiếp luân hồi có thật à? Thế nếu tái sinh diễn ra thì sao dân số lại cứ tăng lên bởi nếu có kiếp luân hồi giúp tái sinh thì ngay từ ban đầu phải có một số lượng người nhất định và số lượng này là bất biến chứ (vì sự tái sinh diễn ra mà, đâu có gì đến từ hư vô) … Thế nên, câu trả lời kiểu này tôi không ưng lắm.
Mẹ tôi thì nói là vui cửa vui nhà, ơ thế đẻ chỉ để vui thì đẻ làm gì nhỉ vì còn bao nhiêu thú vui khác kia mà. À mà khoan, có trẻ con còn phiền với mệt mỏi hơn ý chứ vui nỗi gì khi mà chúng nó quấy khóc, gào thét đòi mua thứ này thứ kia, chúng nó ị đùn, tè dầm, không biết tự tắm rửa, hay khóc nhè, tâm lý bất ổn… và lại ty tỷ thứ khác.
Tôi biết là tôi may mắn được sinh ra trong một gia đình trung lưu ở nông thôn với mức thu nhập đủ ăn và có tí để dành để không phải ăn bữa nay lo bữa mai, đủ cho tôi có điều kiện học hành và đỗ đại đại học. Buồn cười thay là ngày hôm nay tôi lại ngồi đây, viết về việc tôi ghét trẻ con đến nhường nào cũng như dự phóng về một tương lai nơi tôi không vợ, không con, ngồi thưởng trà và đọc sách, không lo toan về nhưng tiếng gào khóc buổi đêm, những bữa cơm mà kiểu “bố ơi, con buồn ỉa quá” hay “bố ơi con ị”, những lo toan cơm áo gạo tiền và sách vở học hành cho con, không phải gồng gánh thêm trên đôi vai những sinh mạng nhỏ bé…
Mà nghĩ vậy thì ích kỷ quá. Nghĩ vậy thì khổ vợ, khổ con, khổ những người mình yêu thương quá. Nghĩ vậy thì thấy mình thật thiếu trách nhiệm với đời quá. Nhưng mà đẻ con ra rồi, liệu tôi có chăm được cho nó không, tôi có trao đủ quyền lợi cho nó, trao cho con tình yêu thương, sự hi sinh, trao cho nó một điểm tựa đủ vững hay không? Tôi nhớ lắm một câu nói nào đó từ một người mẹ đang đi phá thai trong Sex Education, đại loại rằng: thà vứt bỏ đi đứa con còn chưa thành hình còn hơn là làm một người mẹ tồi. Và tôi thì không muốn mình trở thành một người cha tồi.
Ôi, nhưng những đứa trẻ đâu có cầu mong được sinh ra. Chúng cứ thế mà được sinh ra thôi, ngay cả cái tên, sự định danh của chúng vẫn được người lớn trao cho. Ngay từ khi chào đời, chúng đã sống trong ánh nhìn của “kẻ khác”, những ánh nhìn đầy kì vọng và hy vọng của cha mẹ, ông bà, của người thân, các vị y bác sĩ; những định kiến, những bất công, bất bình đẳng trong xã hội…
Chúng đâu có biết cuộc đời này đau khổ và bất công nhường nào. Nếu chúng sinh ra, và thấy cuộc đời khổ thế, bất công thế, chúng có muốn được sinh ra nữa không? Khi mà ta chợt nhận ra ngay từ khi chào đời, ta đã bị ném vào một bể nghĩa rộng lớn và vô cùng rối rắm của kiếp người. Ta tồn tại trong mạng lưới xã hội, các định kiến và kỳ vọng được đè lên đôi vai ta, ta tham gia vào cuộc đua nhân tài trị mà bản thân bị đưa vào, không cần hỏi ý kiến… Nghĩ đến những khó khăn và điểm tối của cuộc sống, tôi tự hỏi có đáng không khi quyết định cho một đứa bé chào đời? Sao cứ phải ép nó vào bể đời đầy khổ đau như vậy?
Mà tôi bi quan quá, cuộc đời nãy dẫu sao vẫn có những thứ tươi đẹp mà. Nhưng cân đong đo đếm những điều tích cực với những điều tiêu cực đau đầu quá, tôi lại quay lại với câu hỏi hiện sinh kiểu: Cuộc đời này có đáng sống để được sinh ra hay không?
Hỏi xong bỗng thấy tôi láo quá, vì thẩm quyền đâu mà đòi phán xét cuộc đời người khác (bất kỳ ai, trẻ con hay người lớn), thẩm quyền đâu mà bảo cuộc đời vô nghĩa… Chắc sinh con cũng là một cách để đổ thêm nghĩa cho cuộc đời mình?