Dạo gần đây khi mất ngủ giữa đêm, tôi đâm ra đọc lại triết học. Đọc mỗi thứ một chút, nhớ ra gì đọc đó, cả đông tây, cả trên web. Cuộc đọc lần này không phải vì tò mò như của thời hai mươi, hay để đua với chữ cho bằng phân ai, cũng không phải là xem bản chất của bất cứ điều gì, đơn giản là đọc vì thấy cần thiết một hướng tìm ra cách suy tư vui vẻ và hài hoà về ý nghĩa sống của mình. Đúng ra thì con người chẳng cần phải đọc gì để có được chân lý của chính họ. Cho nên cũng chẳng cao siêu gì đâu: những kẻ còn phải đọc là vì còn khổ sở. Đầy người sống rất lạc quan và đơn giản. Hegel dùng một từ là “sự đau khổ của Civilisation Parlante”: tức là - trông thế thôi - đây là thời bi kịch của nền văn minh nói. Nhiều sách vở, lắm lý lẽ, con người lúc nào cũng hoảng hốt.
Cuộc đọc êm dịu vì diễn ra với đêm. Khổ nhất là phải đọc triết học bằng tinh thần nghiên cứu - điều tôi đã cố làm trong suốt tuổi trẻ. Nhưng tất nhiên, lúc ấy cũng có một kiểu hạnh phúc bồng bột của riêng nó. Tôi nhớ hồi đó tôi đã mê Gaston Bachelard và Heidegger như thế nào, cơ bản vì cái thâm hậu và cao siêu thắp sáng cả một quãng đời nhìn quanh chỉ thấy những thứ tẻ nhạt. Bước ra đời bằng những bước sợ hãi và đau tim khiến tôi ngay lập tức trú ẩn vào hàng trăm quyển sách mỗi năm. Sở hữu một vật đẹp đẽ như “Phê phán lý tính thuần tuý” hơn ngàn trang trên giá sách không khác gì có con đê trấn thuỷ trong tiểu quốc tinh thần, dù tất nhiên là đọc không hiểu, hoặc cố tình hiểu sang một lẽ khác. Năm mười chín, tôi đã mập mờ hiểu những thứ mà sau này được đọc từ Roland Barthes. Tuổi trẻ lang thang của tôi đã tình cờ đi đúng đường từ Kant đến Bachelard. Thi thoảng cũng hụt đích, một kỷ niệm xưa là TS. Nguyễn Mạnh Tiến chỉ cho tôi một cuốn dưới gầm tủ nhà sách Đông Tây của Paul Ricoeur, trong lúc hai anh em đi lùng sách cũ. Rất lâu sau này tôi mới hiểu đấy là cuốn sách thực sự hay, nhưng tôi đã qua cái lúc có thể hiểu được nó rồi, sách tên “Chính mình như một người khác”.
Nhưng cũng không bỏ qua một vài quyển sách triết học Phương đông mang tính Introduction và may sao lại nhớ đúng được một vài ý đơn giản mà đến nay tôi vẫn cho là quan trọng, chẳng hạn như người Ấn cổ xưa xem một số nghi lễ Shaman là cách để tiếp cận chân lý (Nguyễn Ước, trong cuốn Đại cương triết học Phương đông, bìa xanh như mặt trước của lá cây nhãn). Thế nghĩa là đọc và tư duy logic, vẫn còn những con đường khác? Hoặc chúng là một phần của nhau. Cái câu introduction ngớ ngẩn đó đã ở lại với tôi đến hôm nay. Những bạn trẻ trót có chữ nghĩa kiểu gì cũng rơi tõm vào một trước tác nào đó. Nhưng dù có đọc nẫu Kant, cũng phải mất nhiều năm để dịch chuyển giữa ba câu hỏi lớn của Kant, đi từ “Tôi có thể biết gì?” đến “Tôi có thể hy vọng gì?” là một quãng đường thật xa. Đấy là quãng đường của trưởng thành và nếm trải, và sợ sệt. Dẫu lý trí có thông minh đến mức nào, rồi những bức bách của đời sống ngắn ngủi cũng sẽ thúc người ta lên đường tìm một chủ đích sống để không toán loạn tinh thần. Triết học sẽ thực tế hơn, thông minh không là tất cả. Những thứ sau đây ở lại với tôi một cách giản dị: Kant, Khổng Tử, Thế Thân, Bachelard, Heidegger. Đó là những thứ lắm lúc rất tầm thường, như những người bạn đã dằn dỗi, nhưng rồi vẫn phải yêu quý, đã chửi ta và ghét ta, làm ta hiểu lầm, nhưng rồi cũng phải nhận đấy là bạn.
Rất đặc biệt khi người Việt Nam đọc triết học, vì phải đọc cả hai nền Đông - Tây, đọc xong phải dung hoà, mà khó nhất là nhiều khi nó đã có sẵn trong mình rồi. Chúng ta phải di chuyển không ngừng, không được kết luận.
Cuộc đời tôi cứ gặp đi gặp lại những mẫu con người giống nhau, như những archetype không sao thay đổi được. Cứ tránh né xong lại gặp một archetype y hệt ở cấp độ cao hơn. Đặc biệt là những người phân cực, hoặc cực kì lý tính phương Tây, hoặc Trung Dung kiểu Á Đông đến mức khôn lanh ngạo nghễ. Và vì thế, suốt bao nhiêu tuổi đời, vẫn mơ những giấc mơ giống nhau không thay đổi, đặc biệt là giấc mơ bị đuổi đi. Giấc mơ xa nhà và dạt bến đã đóng vai trung tâm giữa bát quái của đời tôi, ấy là một căn nhà đẹp đẽ nhưng lửng lơ không rõ lối đến, mà tôi là kẻ ở nhờ. Nên văn chương tôi buộc thiên di đến tận nơi của một phân cực nào đó, trước khi mới hồi tỉnh để gọi trở về. Văn của Nguyễn Huy Thiệp nói rõ được những cảm thức này. Thương nhớ Đồng quê từ Thành thị và huyền thoại phố phường cất tiếng từ sơ tượng của nông thôn. Đấy là giấc mơ xa nhà mà Nguyễn Huy Thiệp đã nói hộ nhà văn Việt Nam, những người phải đứng trước các độc giả khó chiều hơn hết thảy, hoặc tuyệt đối cả tin, hoặc tuyệt đối nghi ngại, dễ bị loè bởi phương Tây và lầy bởi phương Đông. Và số phận của chúng ta đều đã được miêu tả chuẩn xác trên con đường của chàng Chương trong Con Gái Thuỷ Thần.