Đã như một thông lệ, ngày 05 tháng 09 hàng năm được coi là “Ngày hội toàn dân đưa trẻ đến trường”. Và chỉ mai thôi, tôi sẽ được tham dự ngày khai giảng cuối cùng của đời học sinh. Giống như 11 lần trước đó, cũng là cảm giác hồ hởi, vui tươi nhưng không hiểu sao giờ đây tôi lại bồn chồn đến kì lạ, nghĩ về những ngày khổ luyện ôn thi, về tình bạn và cả câu chuyện tương lai xa tít tắp.
Không biết bao nhiêu bạn học sinh có cùng tâm trạng như tôi, khi chuẩn bị hành trang để cất cánh trong mùa hè tới mà hiện tại vẫn chưa có những dự định rõ ràng. MƠ HỒ trước vô số những lựa chọn cho bản thân, HOANG MANG trước tình trạng gian lận thi cử của nước nhà, SỢ HÃI khi đối diện những kiến thức, những chuyên đề khủng lồ, ÁP LỰC trước sự kì vọng lớn lao của gia đình và thầy cô, DỄ DÃI trước những cám dỗ của xã hội, những thú vui tiêu khiển ảnh hưởng đến sức khỏe, tiền bạc. Và còn rất rất nhiều những cảm xúc nữa mà mỗi học sinh chúng ta đều có và rất khó diễn đạt được thành lời.
Hôm nay, khi trải hết lòng mình, tôi mong muốn những sự đồng cảm, bởi vì sao? Vì tôi đang rất CÔ ĐƠN, nói như vậy không có nghĩa là tôi không có những người bên cạnh mà bởi vì sự lạc lõng trong suy nghĩ khiến tôi như đang dần xa lánh với sự ồn ào và xô bồ của mọi thứ xung quanh. Giáo dục Việt Nam chúng ta không phải là tệ, nhưng nhiều người mới câu đầu tiên đã thốt lên:”NÁT”. Thật ra có quá nhiều lý do để chúng ta phải nhìn nhận lại nền giáo dục, nào là vấn đề “chạy” điểm thi, “chạy” công chức, cơ sở vật chất lạc hậu, chưa đáp ứng được nhu cầu dạy và học, lương giáo viên còn quá thấp, cải cách chưa thật sự hiệu quả, nặng về lý thuyết mà chưa coi trọng thực hành, thiếu nhân tài, nạn chảy máu chất xám cùng vô số những bất cập khác. Nguyên nhân có khách quan mà phần lớn là chủ quan, từ đó vô hình chung những người phải chịu thiệt thòi là giáo viên và học sinh, điều này là không tốt vì giáo dục là nền tảng để xây dựng xã hội. Thôi thì tạm bỏ qua phần này để các bác trong Bộ tiếp tục nghiên cứu và hoàn thiện, tôi sẽ đi sâu vào vấn đề của bản thân mình.
Ai đó đã nói rằng:“Đại học là con đường ngắn nhất để dẫn tới thành công” và trước ngưỡng cửa của cuộc đời, tôi chợt nhận ra rằng, tìm ra cánh cửa dẫn vào tương lai thật dễ mà cũng thật khó. Cái dễ là chúng ta, những thế hệ sau này được lựa chọn rất nhiều ngành nghề và ngôi trường đào tạo, được học tập trong điều kiện khá đầy đủ với rất nhiều phương tiện và hình thức khác nhau, được thi tại trường THPT, được học rất nhiều phương pháp mới và tiếp cận thông tin rất nhanh chóng. Cái khó là trường đại học chất lượng cao chiếm tỉ lệ thấp, trong vài năm trở lại thì các trường mới được mở nhiều như nấm mọc sau mưa, đào tạo tràn lan và ít để ý đến chất lượng, làm cho số sinh viên ra trường thất nghiệp lên đến 6 con số, các trường dạy nghề rất dễ xin việc thì ít người học bởi xã hội còn quá coi trọng bằng cấp, chợt tôi nhớ câu nói trong chương trình “Gặp nhau cuối năm 2018”:
“Cầm tiền thì sợ tiền rơi
Cầm tờ A4 đời đời ấm no”
Nghe mà chua xót, có lẽ vì vậy mà bây giờ tôi chưa thể xác định cho mình ngôi trường mà mình gắn bó. Dù được định hướng nghề nghiệp từ nhà trường và gia đình, nhưng tôi vẫn rất phân vân, ước mơ thì quá chung chung:”Mong muốn được công việc nuôi sống gia đình và bản thân, cống hiến hết mình cho xã hội”. Nhưng điều kiện hoàn cảnh thì mỗi người mỗi khác, tôi có chỉ số cơ thể khiêm tốn, lười vận động và có lẽ không phù hợp trong ngành quân đội hoặc công an, hơn nữa tôi không có năng khiếu, 16 năm có mặt trên đời tôi vẫn chưa khai phá được những gì nổi bật của bản thân: giọng hát dở tệ, ngoại hình tuy không đến nỗi “xúc phạm người nhìn” nhưng nói chung là xấu, hội họa, nghệ thuật sân khấu và điện ảnh chắc chắn là không. Điều đáng buồn là ngay cả sự tự tin tôi cũng không có, nhiều khi tôi chưa làm đã nghĩ đến thất bại, tôi không đủ can đảm lên sân khấu trình diễn, lên bục giảng thuyết trình, nó làm tôi đánh mất rất nhiều cơ hội trong cuộc đời.
(Còn nữa)