Tôi đã nói 300 câu cảm ơn trong một ngày...
Thứ Hai ngày 10/10/2022, tôi đến trường THPT Yên Viên để phát phiếu khảo sát, phục vụ luận văn thạc sĩ. ...
Thứ Hai ngày 10/10/2022, tôi đến trường THPT Yên Viên để phát phiếu khảo sát, phục vụ luận văn thạc sĩ.
Hai buổi sáng chiều, tôi đi qua tổng cộng 7 lớp học. Đến mỗi lớp, tôi giới thiệu về bản thân một chút, phát phiếu cho từng em học sinh, đợi các em điền xong thì thu lại.
Tôi đã biết trước sẽ không phải là một ngày dễ dàng: bản thân đang thiếu ngủ, nhiều yêu cầu cho phần việc này, chẳng có thời gian mấy để nghỉ ngơi. Nhưng thật lạ, tôi thấy mình vẫn rất tích cực, không hề mệt mỏi cho đến khi kết thúc công việc.
Và tôi chợt nhận ra một lời giải thích thỏa đáng cho trạng thái tích cực lạ kỳ nhưng tuyệt vời này:
TÔI ĐÃ NÓI 300 CÂU CẢM ƠN - thậm chí nhiều hơn thế - chỉ trong một ngày!
Mỗi khi phát phiếu cho một bạn học sinh, tôi sẽ nói cảm ơn. Khi thu phiếu, tôi cũng hầu như đến chỗ từng bạn, nói cảm ơn một lần nữa. Như vậy với tổng số phiếu phát ra cỡ 280 cho 7 lớp, số câu cảm ơn tôi đã nói hẳn không thể thấp hơn 300.
Chúa ơi, tôi không thể nói hết với bạn tôi thấy ấm áp và hạnh phúc đến thế nào khi nói từng câu cảm ơn ấy, để được thấy lượng phiếu thu về nhiều thêm từng tờ, từng tờ một. Tôi thật sự biết ơn mỗi bạn học sinh đã hỗ trợ tôi điền chiếc phiếu khảo sát này, từng câu cảm ơn mà tôi nói là những gì tôi thực sự cảm thấy.
Chuyện này làm tôi nhớ về cuốn ‘’Đường mây qua xứ tuyết’’, tác giả Anagarika Govinda có kể về một thầy tu Tây Tạng, một người ‘’mù chữ, vô học’’ nên trọn đời chỉ làm những công việc lặt vặt như xay lúa, quét dọn.
Giữa đêm lạnh giá, khi tất cả mọi người đã say ngủ, thầy tu ấy lặng lẽ đi qua dãy tượng Phật, dừng lại trước mỗi pho, hai tay chắp vào nhau đầy cung kính rồi lễ xuống nhẹ nhàng.
Tưởng chỉ là một nghi thức hành lễ thông thường, nhưng mỗi bước đi, mỗi cái vòng tay cung kính của người thầy tu này đều bao hàm một cái gì vừa trang nghiêm, vừa sống động, như hàm chứa một uy lực vô song. Uy lực ấy đến từ một sự thành kính từ tận thẳm sâu, đến nỗi nửa đời hành lễ của tác giả cũng chưa từng thấy ai thành kính được đến thế!
Dưới mỗi cái lạy, dường như từng pho tượng cũng đều cảm ứng trước lòng thành của người thầy tu, nên toát lên một cái gì như rộn ràng bừng sáng, thắp rạng cả chánh điện giữa đêm đông giá rét.
Chi tiết về người thầy tu với những động tác hành lễ tuyệt đối thành kính ấy là thứ tôi ấn tượng bậc nhất trong cả cuốn sách gần 400 trang. Và nó là thứ mà tôi vẫn luôn cố gắng làm được trong đời.
Từng câu nói, từng việc làm, bất kể nhỏ bé và thông thường đến đâu, đều bao hàm trong đó thái độ của người thực hiện. Như cũng là một lời cảm ơn, nhưng cảm ơn như một lễ nghi xã giao không cảm xúc là một chuyện, còn cảm ơn với tất cả sự chân thành lại khác hẳn.
Tôi hạnh phúc, vì có lẽ tôi đã thực sự trân trọng mọi sự giúp đỡ nhận được - dù là nhỏ nhất, và đã thực tâm đáp lại theo cách tốt nhất tôi có thể.
Tôi từng thấy ai đó viết rằng trong Phật giáo, có một khái niệm gọi là ‘’phước báo’’. Nghĩa là: khi bạn làm một việc tốt, nhưng lại loan báo ra đại chúng, công đức bạn tích được đã tiêu tán hết theo sự thông báo ấy.
Chiếu theo tiêu chuẩn ấy thì chắc bao nhiêu công đức tích được qua mấy trăm lời cảm ơn, tôi đã để tan vào hư không rồi phải không?Nhưng cũng chẳng vấn đề gì, nếu việc tôi viết những dòng này giúp được những người đọc nó có thể tham khảo một góc nhìn, rằng: trong từng câu nói, từng hành động của mỗi chúng ta, có một cách để tạo nên một uy lực lớn đến thế nào, cho bản thân và cho cả những người xung quanh.
Tập trung vào từng thứ đang thực hiện ở giây phút hiện tại. Nói như ngôn ngữ phổ biến bây giờ thì ấy là ‘’chánh niệm’’ đấy nhỉ?
Có thể tôi đã tìm được cách thực hành chánh niệm phù hợp cho bản thân mình.
Chúc bạn cũng sớm tìm được điều tương tự.
Chuyện trò - Tâm sự
/chuyen-tro-tam-su
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất