Bài viết này không dành cho bạn nếu bạn đang tìm cách nhân tài khoản, kiếm nhiều tiền trong thời gian ngắn hay đầu tư chuyên nghiệp như Warren buffett.
Nó dành cho bạn nếu bạn cũng như tôi, một người trẻ tuổi, chưa lập gia đình, có một khoản tiết kiệm nhỏ (dưới 500 triệu) sẵn sàng để mất và sẵn sàng dành thời gian mỗi ngày để gia tăng tài sản.
Vào việc thôi
Phần 1: Tìm một con đường
Tôi sinh ra và lớn lên trong một gia đình thuần nông ở Bắc Ninh, cái tỉnh mà mọi người hay nói là giàu ấy, nhà chúng tôi lọt top gia đình nghèo khó nhất làng. Nói là nghèo khó chứ thực ra chúng tôi không phải “hộ nghèo” mà chỉ là không có nhà cao cửa rộng, ô tô đỗ cổng thôi. Nó là 1 căn nhà ngói nhỏ chừng 20m2 và 1 mảnh sân với 1 cái ao nhỏ.
Ngày bé, tôi hay được bố tôi kể chuyện gia đình mình lắm, bố tôi kể ngày xưa cụ tôi là nhà buôn có tiếng trong làng, nhà tôi buôn đủ thứ trên đời từ vịt, gà, chiếu, cà chua cho đến trâu bò cũng chơi tất. Nhà tôi không có gia nô, nhà tôi cho họ hàng thuê trâu bò với ruộng để làm, cuối năm thì trả lại lãi cho nhà tôi, chẳng thế mà nhà tôi tạo công việc cho cả họ.
Có lần cụ tôi đi buôn sang bên Gia Bình thì gặp thằng bé sắp chết đói ngồi ở xó chợ, cụ thấy thương nên mang về nuôi và nhận làm con nuôi và gọi là ông A. Sau này ông A lớn lên thì cụ tôi lấy vợ rồi cấp cho miếng đất để ở. Thời gian cứ thế trôi cho đến ngày con ông A đến tuổi lấy vợ, cụ tôi cũng đứng ra lấy vợ cho. Gọi là lấy cho vì thời đó mạnh vì gạo, bạo vì tiền, cụ tôi cho tiền cho đất thì mới có tiền mà lấy nhau chứ không phải cụ tôi đi tán gái hộ đâu nhé.
Lại nói về vợ con, gia đình tôi có điều kiện nên cụ tôi cho các con của mình đi học chữ Nho hết, ông tôi là con độc tôn nên chẳng phải làm gì kể cả việc buôn bán. Cứ tưởng rằng vậy là phúc nhưng đâu ngờ đó lại là họa về sau.
Đến những năm 40 khi cách mạng cụ Hồ về làng thì nhà tôi hưởng ứng lắm, góp tiền, góp gạo, động viên bà con không theo Pháp. Vì không theo Pháp mà làng tôi nhiều người bị chúng bắn chết, pháo của chúng bắn từ núi Thiên Thai bên Gia Bình sang chết nhiều lắm, nhà tôi cũng mất mấy người. Càng thế bà con càng quyết tâm chiến đấu, thậm chí còn bảo nhau đốt đình làng với chùa đi để bọn chúng không sang chiếm làm cứ điểm để sống. Chiến tranh mãi cũng đến ngày giải phóng, cái ngày giải phóng ấy nhà tôi cũng oai lắm, không phải vì ông tôi làm cán bộ mà con ông A làm, cơ chế là vậy, nhưng cũng chẳng sao, người nhà cả.
Đến những năm 50 có cải cách ruộng đất, làng tôi có ông cụ buôn bò với buôn gỗ giàu lắm, đợt đấu tố đầu tiên cả nhà chết cả, còn mỗi mẹ già, nhà tôi cũng lo lắm. Cuối cùng nỗi lo cũng thành sự thực, người ta quy kết gia đình tôi là địa chủ, mà bạn biết đấy, địa chủ thì phải tịch thu hết tài sản, phải bị xử tử. Cay nghiệt ở chỗ con ông A là người đi đấu tố còn cụ tôi là người bị đấu tố các bạn ạ. Nghĩ cũng bực mà cũng phải thôi, ai đấu tố thì người đó là anh hùng, được lên chức, được thưởng tiền.
May sao mà cái rủi đó không tận diệt gia đình tôi, bà con làng xóm họ hàng cũng đứng ra bảo vệ nhiều nên nhà tôi chỉ bị tịch thu tài sản chứ không ai bị bắt bớ gì. Nhưng kể từ ngày ấy kinh tế nhà tôi đi xuống hẳn, ngôi nhà to lát đá, tường gỗ lim là thế, bao nhiêu trâu, bò, lợn, gà đều bị tịch thu, cả cái liềm cắt cỏ cũng tịch thu tất. Chẳng còn công cụ dụng cụ nào để lao động.
Tôi có hỏi bố rằng sao ông tôi lại để con ông A đấu tố, mà sao nhà mình nuôi chính quyền như thế lại bị tịch thu thì bố tôi bảo, hồi đó ở nhà chỉ có bà với cụ thôi, ông tôi đi bộ đội. Đi bộ đội về thì cũng đòi lại công lý đấy nhưng chính quyền chỉ xin lỗi thôi chứ đồ đạc giờ làm gì còn gì, còn mỗi cái nịt.
Cuộc sống cứ xoay vần như vậy cho đến khi ông nội tôi lớn, gia đình tôi vẫn là gia đình có kinh tế mấp mé nghèo chứ chưa bao giờ khá lên. Ngày bố tôi bé ông tôi phải cho bố tôi nghỉ học vì gia đình quá nghèo, vậy nên bố tôi vẫn luôn dặn anh em tôi rằng phải học thật giỏi thì đời mới khá lên được.
Qua chuyện tôi kể bạn rút ra được bài học gì không?
Nếu chưa, bạn hãy chú ý câu cuối mỗi đoạn nhé.
Chắc hẳn bây giờ bạn đã có câu trả lời cho mình, hẳn đó là một góc nhìn thú vị lắm, còn tôi, tôi hiểu rằng sự giàu có không đến từ những đồng bạc trong túi, nó đến từ trí tuệ và mồ hôi. Mà bạn biết đấy, trí tuệ thì không thể dạy được, phải đổ mồ hôi ra đúng chỗ mới có trí tuệ được.
Vậy có phải cứ có thời gian, trí tuệ và mô hôi thì sẽ có sự giàu sang, sung túc?
Tôi không nghĩ vậy, hãy nhìn lại câu chuyện gia đình tôi, cụ tôi giàu có là nhờ buôn bán, cho thuê bất động sản và công cụ lao động. Thử mang sức đó của cụ tôi đi chăn trâu, cày ruộng hay bắt cá thì chắc cũng giàu đấy, nhưng là giàu kinh nghiệm và tình yêu đất nước chứ không có chuyện giúp đỡ cho cả họ nhà tôi được.
Bạn đã có con đường của mình chưa?
Với tôi, đó là sự chăm chỉ, chăm chỉ đúng chỗ. Chăm chỉ như nào, có phải cứ học giỏi là đời sẽ khá hay không thì ở phần sau sẽ rõ bạn nhé!.
Phần 2: Con đường cố nhân đi
Chuyện trò - Tâm sự
/chuyen-tro-tam-su
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất