Hãy cùng gặp Andrew Neiman - một tay trống trẻ triển vọng đang theo học nhạc viện danh giá nhất cả nước. Nhưng mọi thứ không bao giờ dễ dàng, nhất là khi bạn là nhân vật chính. Cậu chỉ là tay trống phụ, nhút nhát, không bạn bè, lớn lên mà không có mẹ ở bên. Tất cả chỉ thay đổi khi cậu được người thầy Fletcher nhìn nhận tài năng và thúc cậu vượt qua giới hạn. Neiman bây giờ mới thực sự sống chết với đam mê rồi đến cuối cùng, hoá thân thành một người hoàn toàn khác.
Vậy Whiplash có gì với 8.5 IMDb, 3 giải Oscar với một cốt truyện rất ư phổ biến?
(SPOIL ALERT)

Điều khiến bộ phim này trở nên xứng đáng đến từ sự cực đoan của hai nhân vật chính.

Trước tiên hãy đến với định nghĩa của cực đoan:
Extreme (adj): going beyond a normal limit, excessive implies an amount or degree too great to be reasonable or acceptable. - trích từ điển Merriam-webster
Cực đoan (tt): là sẵn sàng đánh đổi tất cả, bao gồm tính mạng, để đạt được cái mình muốn - trích từ điển tự dịch

Andrew đã hy sinh tình yêu, gia đình, bạn bè, sức khoẻ để đổi lấy sự công nhận của Fletcher và ước mơ được như huyền thoại Buddy Rich.
Cậu chia tay bạn gái vừa mới quen vì “sợ yêu đương sẽ ảnh hưởng thời gian luyện tập”, khẩu chiến với họ hàng vì không được công nhận, hành xử đúng kiểu người không ai thèm chơi, tập đến rách cả thịt tung toé máu…

Châm ngôn sống “thà nghiện rượu, nghèo khổ rồi chết ở tuổi 34 nhưng vẫn được nhắc đến còn hơn giàu có, tỉnh táo, ra đi ở tuổi 90 và bị lãng quên.” Đã đem về cho Andrew một cú tông xe, một lá thư đuổi học (vì đã đấm vào mặt thầy) và một sự nghi ngờ về đam mê chơi trống của cậu.

Còn Fletcher thì hy sinh sự tin tưởng/yêu quý/sức khoẻ thể chất + tinh thần/niềm tin/đam mê của học trò để đào tạo ra một Charlie Parker thứ hai.
Ông lợi dụng tâm sự chuyện gia đình của học trò để đem ra sỉ nhục, cho học sinh ăn chửi, ăn tát, ăn ghế bay, ăn năn vì những lỗi không phải do họ làm, và quyết liệt bài trừ “amazing good job em”.

Châm ngôn sống “Tôi ở đây để đẩy mọi người vượt khỏi những gì họ được kì vọng. Tôi tin điều đó là hoàn toàn cần thiết.” Và “Sẽ không bao giờ xin lỗi vì cách tôi đã làm.” Đem về cho Fletcher những học trò đầy sợ hãi, vài người trầm cảm và một lá thư đuổi việc (vì đã khiến học trò đấm vào mặt mình).

Đây là những cực đoan có lý. Cực đoan vô lý là khi nó không lấy bất kì một mục đích cao cả nào làm nền. Ở đây ta có một muốn trở thành huyền thoại và một muốn sản sinh ra một huyền thoại. Tuy trước mắt trái hai người nhận về khá đắng, nhưng nếu không có sự cực đoan của Fletcher thì Andrew sẽ không bao giờ thả tự do cho sự cực đoan của mình. Nếu Andrew không trở nên cực đoan, sẽ không có biến chuyển 180 độ nào trong tâm lý và cũng sẽ không tồn tại màn độc tấu bùng nổ, đầy cảm xúc ở cuối phim.

Đây là điều nhiều bộ phim Việt Nam còn thiếu. Tuy vẫn có những bộ phim chạm đến mức cực đoan, tiếc thay những bộ phim ấy lại không phổ biến và số lượng không nhiều. Cực đoan đưa mọi thứ vượt kiểm soát, dự đoán nên gây bất ngờ, từ bất ngờ sinh ra cảm xúc: giận dữ, hoảng sợ, ghê tởm, bàng hoàng… Và cảm xúc giúp kéo dài tuổi thọ của phim trong bộ nhớ chật ních của người xem.

Quan trọng hơn cả là nó để lại dư vị cho tác phẩm. Khác với jumpscare hay plot twist gây bất ngờ mang tính thời điểm, cực đoan mang tính xuyên suốt. Nó khiến người xem phải cố gắng bóc tách những lớp nghĩa và suy nghĩ về cảm xúc dai dẳng nó gây ra (đơn cử như Thiên nga đen, Old boy…) lúc rửa chén.

Đó là lí do vì sao tính cực đoan có lý trong điện ảnh Việt Nam cần được chào đón hơn, dẫu nó tiêu cực. Cực đoan mang về cho Hàn Quốc tượng Oscar, vậy tại sao lại không mở rộng lòng ra (để có nhiều phim thuần Việt đen tối máu me hack não cho mình xem hơn vì đôi khi đọc sub cũng mệt và vì ngoài đời vốn dĩ đã tồn tại đầy rẫy những cực đoan vô lý)?