Tôi cứ thích chúc phụ nữ xinh đẹp, có làm sao không?
tôi hy vọng, từ "đẹp" cuối cùng sẽ được định nghĩa bởi bản thân mỗi người

Ảnh: Behance
Mình cảm ơn các bạn đã dành thời gian suy nghĩ và phản biện bài viết trước của mình về việc "Xin đừng chúc phụ nữ xinh đẹp trẻ trung". Trong bài viết này, mình muốn nhấn mạnh đến việc không tạo thêm áp lực cho những cá nhân vốn đã gồng gánh quá nhiều áp lực trong cuộc đời. Cụ thể trong bài viết này là phụ nữ. Đương nhiên, ở vế còn lại, chúng ta có đàn ông.
Mình rất vui vì bài viết của mình khi đăng báo không có quá nhiều phản biện và chia sẻ như khi đăng ở trên Spiderum. Để phản hồi cho những câu hỏi dạng như: tôi thích chúc đó, có sao không? Mình xin chia sẻ như sau.
Để biết là có sao không thì tôi cần biết niềm tin căn bản của bạn là gì, bởi nếu niềm tin căn bản của chúng mình đã khác nhau rồi, thì chắc chắn chúng ta sẽ có những lối hành xử khác nhau. Trong bối cảnh công việc, chắc chắc chúng ta sẽ cần ngồi lại để đưa ra một giải pháp thoả mãn niềm tin đôi bên. Nếu không thể tìm ra giải pháp, cũng không thể thoả hiệp được, đơn giản là chúng ta không thuộc về nhau trong thời điểm này.
Quay trở về với câu hỏi, tôi thích chúc phụ nữ xinh đẹp đó, có sao không? Trước tiên, mình sẽ nói đến niềm tin của bản thân nhé.
1. Niềm tin về sự thay đổi
Mình tin rằng, trong cuộc đời, ai cũng có quyền nhận được một sự chấp nhận vô điều kiện, theo nhà tâm lý học nhân bản Carl Rogers, đây là "unconditional positive regards". Sự chấp nhận vô điều kiện ở đây không đồng nghĩa với việc đồng ý với từng hành động của người đó, mà là chấp nhận rằng, thứ nhất, là con người, ai cũng có quyền tự do chọn lựa hành động của bản thân và thứ hai, ai cũng đang cố gắng hết sức để sống trong cuộc đời này.
Trong bối cảnh gia đình, một người mẹ có sự chấp nhận vô điều kiện có thể không đồng tình với việc con mình bỏ bê bản thân và trở nên xấu xí, nhưng sẽ tạm đặt sự kỳ vọng của mình qua một bên để bước vào thế giới của con mình, cùng con củng cố sự tự tin và tự chủ bằng tình yêu của người mẹ. "Một cô gái không chỉ có cái vỏ ngoài là đáng trân trọng, mẹ yêu sự dễ thương của con, sự cố gắng của con trong học tập, và sự dịu dàng của con đối với những sinh linh bé nhỏ hơn. Những điều con đang làm với cơ thể mình có thể huỷ hoại người con gái mẹ yêu trong tương lai, và mẹ thấy buồn vì điều đó. Mẹ tin vào sức mạnh và nội lực của con.", người mẹ có thể nói vậy.
Khi đã chấp nhận được bản thân, bao gồm cả những thiếu sót và điểm mạnh, sự tự tin vào các điểm mạnh sẽ chuyển hoá thành nội lực để mỗi người có thể cải thiện và vươn lên. Tuy nhiên ...
Sẽ có người phản đối rằng, ơ những nếu mình chấp nhận điểm thiếu sót thì mình còn cố gắng gì nữa?
Câu trả lời nằm ở điểm giao thoa giữa Phật giáo và Tâm lý học Nhân bản (Humanistic Psychology): khi tâm đủ tĩnh, mọi thứ sáng rõ, ta sẽ phấn đấu vì mình và vì người một cách tự nhiên như nước chảy theo dòng, không bị làm phiền hay cản trở bởi sự tham (tham lam, thèm khát, bám víu), sân (bất mãn, sân hận, thù địch), hay si (lầm lạc, ảo tưởng hay thiếu hiểu biết).
Có thật không?
Không thật với tất cả mọi người những nếu bạn quyết định chọn con đường đó, bạn sẽ vẫn có người đồng hành. Hàng năm, Dalai Lama hay trước kia (và thậm chí là bây giờ), thầy Thích Nhất Hạnh vẫn bỏ công sức đi khắp mọi nơi, viết sách, tổ chức sự kiện vì sự giải thoát của chúng sinh. Mình tin rằng, họ không làm vậy vì tham, sân, si, mà như nước chảy về nguồn, tâm thiện lành hướng hành vi và cử chỉ của họ về những nơi tốt đẹp hơn.
Hay những nhà tham vấn trị liệu tâm lý. họ có chỉ trích thân chủ béo phì không? Không ạ. Họ sẽ chỉ ra cho thân chủ một sự thật mà chính thân chủ có thể cũng đã biết rồi "béo là không tốt cho sức khoẻ" và cùng thân chủ tìm hiểu vì sao thân chủ lại chán ghét cơ thể họ tới vậy, vì sao dù biết là mình phải xinh đẹp lên, nhưng họ lại không thể. Họ sẽ trao tình thương và sự cảm thông của họ cho thân chủ để thân chủ kiến tạo những cảm xúc này đối với chính bản thân họ. Vâng, mỗi trường phái trị liệu lại có một hướng giải quyết vấn đề khác nhau nhưng tất cả đều xuất phát từ sự cảm thông và thấu hiểu.
Là một một người đang trên con đường tu tâm và học hành để trở thành người tham vấn trị liệu chuyên nghiệp, tôi không đồng tình với quan niệm rằng "Bạn ăn uống không điều độ, thích gì ăn nấy để dẫn tới thừa cân nghiêm trọng thì phải chấp nhận sự trêu ghẹo, phân biệt hay kỳ thị. Bạn không tự tôn trọng bản thân thì cũng không có quyền yêu cầu người khác tôn trọng bạn."
Có thể tôi đã quá gay gắt khi yêu cầu một ai đó "xin đừng" nhưng sự "xin đừng" này có lẽ là một tiếng lòng khẩn thiết đừng đặt thêm gánh nặng lên những đôi vai mệt mỏi thay vì một sự thúc ép cay nghiệt mang tính áp đặt.
2. Niềm tin về cái đẹp
Dù sao, sau nhiều năm sống ở nước ngoài theo học ngành Khoa học Xã hội, càng ngày vòng tròn bạn bè của tôi càng ngày càng ít người đặt nặng trọng tâm cuộc sống vào cái đẹp. Có chăng, nếu ai đó đẹp, cũng là một món quà bẩm sinh hoặc một kết quả phái sinh của hành trình chăm sóc bản thân kéo dài nhiều năm liền.
Trong hồ sơ xin học bổng ngành tham vấn trị liệu, tôi có ghi rằng "tôi có khát vọng trở thành người đồng hành, giúp mỗi cá nhân được trở thành phiên bản hoàn thiện nhất của chính họ". Và phiên bản hoàn thiện này có hình dáng như nào, tính cách ra sao, tôi xin nhường câu trả lời và sự lựa chọn cho người còn lại.
Một bạn đọc có ý kiến rằng: "Phụ nữ không có trách nhiệm phải đẹp, song, phụ nữ hay kể cả đàn ông đều có trách nhiệm trở thành phiên bản tốt hơn của bản thân, và điều đó bao gồm trở nên đẹp hơn." . Tôi hy vọng, từ "đẹp" cuối cùng sẽ được định nghĩa bởi bản thân mỗi người.
3. Niềm tin về giá trị của lời chúc
Nếu thực sự việc xinh đẹp sẽ ảnh hưởng lên sự nghiệp và hạnh phúc của một người, tôi thành thật mong họ sẽ đạt được điều đó. Nhưng chắc chắc, tôi sẽ không đứng trước mặt họ, chúc họ sớm xinh đẹp lên, khi họ đang vùng vẫy trong những mớ bòng bong của việc "trời ơi, tôi cũng muốn xinh đẹp lắm chứ, nhưng tôi không thể, tôi chán ghét bản thân mình".
Tôi còn nhớ, ngày còn nhỏ, mình hay được chúc "hay ăn chóng lớn". Câu chúc này chẳng có vấn đề gì vì ai cũng thực sự mong hay ăn chóng lớn, chẳng ai mong ốm đau bệnh tật. Tuy nhiên, khi lớn hơn, tôi cũng có nhiều suy nghĩ hơn trước những lời chúc mỗi dịp lễ Tết.
"Chúc sớm lấy chồng nhé!" - Ủa... cháu thích lấy vợ...
"Chúc kiếm được công việc ổn định nhé" - Ủa, cháu vẫn còn định đi học tiếp mà...
"Chúc quả này kiếm lớn nhé!" - Ơ... nhưng cháu làm ngành này cũng hơi khó kiếm lớn.
Ban đầu, mỗi lời chúc đó đối với tôi như một gánh nặng. Dần dà, tôi nhận ra rằng, mỗi lời chúc sẽ phản ánh thế giới quan của người chúc với hy vọng rằng, người nhận được lời chúc cũng sẽ hạnh phúc. Cho dù sự hạnh phúc này có thể khác nhau trong cuộc sống của mỗi người. Vì vậy, tôi tôn trọng sự tốt đẹp họ muốn trao cho mình, cho dù đầu ra có vẻ không phải thứ mình mong muốn cho lắm, thậm chí là ghét.
Nhưng tôi vẫn băn khoăn về hai việc. 1) Vì sao họ lại chúc như vậy? Là người học nghiên cứu tâm lý học, tôi không thể không tò mò về căn nguyên của suy nghĩ, nhận thức và hành vi của mọi người 2) Căn nguyên này liệu có đem lại tác hại với một nhóm người nào không.
Ví dụ, việc "chúc cháu sớm kiếm nhiều tiền" cho dù đem ý niệm tốt, nhưng có phải nó đang củng cố lòng tham của con người, một thứ sẽ đem lại đau khổ trong tương lai xa?
Khi trở thành người đi chúc, tôi lại càng suy nghĩ nhiều hơn về việc mình chúc gì. Vâng, khi động đến các vấn đề giữa người với người, tôi là người nghĩ nhiều vậy đó. Nếu bạn định nói tôi nghĩ ít đi thì xin đừng nhé, tôi không viết bài để xin lời khuyên.
Tôi muốn lời chúc của mình là một lời cầu bình an, hạnh phúc, và đem lại sức mạnh cho người được chúc tiếp tục sống với mọi sự khổ đau vốn có của việc tồn tại chứ không phải một lời nói bâng quơ đặt thêm gánh nặng và dằn vặt người phải nhận. Quay trở lại niềm tin ban đầu, tôi tin vào việc cho con người sức mạnh để sống tốt, chứ không phải chà đạp cho họ thấy quá khổ mà phải vươn lên.
Trên đây là ba niềm tin của tôi về sự thay đổi, cái đẹp, và giá trị của lời chúc. Nếu cùng chia sẻ những niềm tin này, bạn cũng có thể thử làm giống tôi, chúc người ta hạnh phúc, bình an, hay chân cứng đá mềm. Còn nếu không, đương nhiên, quyền tự do nằm ở bạn.

Tâm lý học
/tam-ly-hoc
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất

____DM
Câu hỏi dạng như: "tôi thích chúc đó, có sao không?" chỉ đơn giản là mình "giật tít" để bài phản biện có sự tương phản rõ rệt nhất với tiêu đề bạn đã viết mà thôi. Còn hiểu như việc cãi cùn "tao thích, có sao không?" thì chắc chắn không phải.
Bạn đưa ra hai niềm tin, một là "con người ai cũng có quyền tự do chọn lựa hành động của bản thân", hai là "ai cũng đang cố gắng hết sức để sống trong cuộc đời này". Mình đồng tình với niềm tin đầu, còn tiềm tin sau thì không. Nói một cách tích cực thì việc ăn 800kcal và tập 2 buổi mỗi ngày của chính bạn có thể coi là cố gắng hết sức. Bạn đẩy bản thân tới giới hạn và biết giới hạn của mình ở đâu.
Hiển nhiên, không phải ai cũng như bạn hoặc tiệm cận tới mức đó. Nếu bạn đặt câu hỏi "đã cố gắng hết sức chưa" và bắt họ trả lời với máy phát hiện nói dối chẳng hạn, mình khá chắc sẽ có cơ số người trượt đấy.
Họ có cố gắng, đúng, nhưng hết sức thì không.
Mình biết một người từng khóc nức nở khi bị người thân chê là "béo quá, giảm cân đi", đủ để thấy rằng họ cảm thấy buồn tủi và áp lực tới mức nào. Khóc xong thì lên quyết tâm, tập thể dục, ăn uống lành mạnh được một thời gian thì... bỏ, quay lại nếp sinh hoạt thiếu kiểm soát như trước. Có lẽ một lúc nào đấy được/bị nghe những lời như thế, người đó sẽ lại khóc, và vòng lặp được tiếp tục... Bạn mình vẫn còn xa mới tới cái "hết sức" chúng ta đang bàn tới.
Thêm nữa, việc đề cập tới một người thừa cân nghiêm trọng cần chấp nhận sự trêu trọc, phân biệt, hay kỳ thị không có nghĩa mình đang đổ hết tất cả tội lỗi lên cá nhân đó. Những ai buông lời đả kích đều đáng bị chỉ trích là điều chắc chắn. Tuy nhiên, béo phì tới mức độ báo động (như bức ảnh minh hoạ trong bài mình) thì họ cũng có lỗi, và có lỗi thì ắt sẽ có ai đó nói ra những điều khiến họ phật lòng.
Một là tập giảm cân, hai là tập chấp nhận sự chỉ trích, chẳng còn hướng nào khác cả. Ta đều biết kiểm soát lời người khác nói là không thể.
Mình tán thành việc người trị liệu tâm lý giúp thân chủ kiến tạo những cảm xúc tốt đẹp khi họ không thể cải thiện hình thể do bệnh tật. Thế nhưng, bỏ qua những trường hợp bất khả kháng đó, liệu có sai không khi hỗ trợ thân chủ thay đổi tâm lý, coi việc giảm cân là không quá cần thiết, yêu thương bản thân hiện tại hơn thay vì tìm cách giúp họ lập kế hoạch và theo đuổi mục tiêu một cách khoa học, kỷ luật cả về vật chất lẫn tinh thần. Như thế chẳng phải đang nói dối hay sao?
Đôi khi, một lời nói rằng "mày đang thừa cân quá rồi đấy" chỉ là sự thật hiển nhiên chứ chẳng phải trêu trọc, phân biệt hay kì thị gì cả. Thấy ai đó thừa cân, cần giảm cân thì họ bảo thừa cân và cần giảm cân. Gánh nặng là có, nhưng đôi vai cảm thấy mệt không phải do sự thật, mà là nó không quen với việc hứng chịu những gì không được sugarcoat.
Mình quen một người khác. Người đó cũng từng béo, cũng đã hứng chịu những lời châm trọc, chê bai về cân nặng và ngoại hình. Cậu ấy có buồn không, có áp lực không? Chắc chắn có. Nhưng bên cạnh đó, bạn mình đâm đầu vào tập luyện, thay đổi chế độ ăn... Kết quả là một sự thay đổi tới mức khiến ai cũng phải bất ngờ sau khoảng thời gian gặp lại.
Đó là minh chứng rõ rệt cho thấy chúng ta mạnh mẽ hơn những gì chúng ta nghĩ.
Mình cũng tin vào việc "cho con người sức mạnh để sống tốt" như bạn vậy, nhưng phải áp dụng tuỳ từng trường hợp, tương tự với hành động "chà đạp cho họ thấy quá khổ mà phải vươn lên". Thân lừa mà ưa nặng thì phải khác.
----------
Bạn có nói về thoả hiệp trong bối cảnh công việc, nhưng bối cảnh cuộc sống lại khác. Chúng ta đang tranh luận nên đâu nhất thiết phải hướng tới mục tiêu tìm kiếm sự thoả hiệp. Ta cứ đơn giản chấp nhận quan điểm đôi bên là trái chiều thôi. Khi viết bài phản biện, mình chỉ muốn đưa ra góc nhìn về cùng một vấn đề chứ không có ý định thuyết phục bạn phải thay đổi suy nghĩ. Không thoả hiệp nhưng vẫn thuộc về nhau bình thường. :P
Điều quan trọng là mình biết được thêm một góc nhìn mới, và mình tự tin nói rằng bạn cũng vậy.
Ngoài việc chia sẻ thêm những bất đồng về quan điểm ra, mình còn muốn cảm ơn bạn về những băn khoăn ở đoạn cuối. Mình thấy chúng khá thú vị và đáng để dành thời gian ngồi nghĩ ngợi.
Vì không muốn biến spiderum thành nơi tranh luận chỉ riêng vấn đề này nên mình comment dài chút thay vì tạo bài viết mới. Hy vọng rằng nó không ảnh hưởng gì tới trải nghiệm đọc của bạn.
Chúc bạn thật nhiều sức khoẻ và hạnh phúc. ;)
- Báo cáo

Keira Ngo

Hì, cảm ơn bạn nhắn mình qua đây nhé. Như mình đã mô tả ở trên là nhà tham vấn sẽ vẫn cùng thân chủ lập kế hoạch, và còn cùng thân chủ tìm hiểu về các rào cản tâm lý khiến họ không thực hiện được kế hoạch đã đưa ra nữa.
Mình thấy khái niệm “hết sức” cũng khá chủ quan í. “Hết sức” của một người tự ti rất khác “hết sức” của một người tự tin. “Hết sức” theo nghĩa là hết tiềm năng cũng khác kiểu “hết sức” mình đang nhắc tới, nghĩa là “hết sức trong giới hạn nội lực và thể lực hiện tại”. Khi tâm mình mạnh lên, khắc nội lực mình cũng sẽ lớn hơn.
Mình cũng đồng ý là không nên sugarcoat nhưng có thể vì mình đã quen cách giao tiếp trong môi trường đa văn hoá nên mình sẽ chỉ nói thẳng khi cần. Đối với mình, sẽ rất kỳ nếu mình ra nói ai đó là “you’re a bit overweight” nếu mình k phải là bác sĩ của họ.
Và cá nhân mình khi đi dạy, kể cả với các em mà các giáo viên khác nói là “thân lừa ưa nặng”, mình sẽ vẫn tìm cách để giao tiếp để bạn ấy làm thứ cần làm mà không cần phải “nặng”. Bởi mình nghĩ hướng làm này sẽ tuột dốc khá nhanh. Khi mình cần họ làm gì nhiều hơn, chẳng nhẽ mình lại phải “nặng” hơn? Vậy đâu thì sẽ là điểm dừng?
Và mình cũng là người được chê béo cho đến khi xấu hổ mà đi tập=)))) nghĩ lại thì ước gì khi đi học được rèn sự yêu thích với thể thao, đi tập vì vui, chứ k phải vì ghét bản thân mình. Và thực sự nhiều bộ môn vận động rất vui. Và không phải đẹp mới là khoẻ. VD sumo. Mình cứ nghĩ sumo là béo nhưng thực ra họ chỉ có lớp mỡ rất mỏng còn lại đều là cơ. Một funfact thú vị=)))) mình k biết có sumo nữ không thôi
- Báo cáo

____DM
Thật ra thì không chỉ "hết sức" mà những niềm tin khác đều nằm ở khía cạnh chủ quan, thế nên mới có sự khác biệt và tranh luận.
Mình đồng ý với ý kiến rằng "hết sức" của người tự ti và tự tin không như nhau, cũng như giới hạn về tiềm năng và giới hạn của cơ thể hiện tại. Tuy nhiên, mình cũng cho rằng có tồn tại ý niệm về sự tự lừa dối chính bản thân mình, cho rằng mình đã cố gắng hết sức ở mọi mặt dù sự thực không phải vậy. Đó là ý mà mình muốn truyền tải.
Nói ai đó là “you’re a bit overweight” với một người quen ở mức bình thường trở xuống thì kỳ cục thật, nhưng với người thân thiết có lẽ sẽ khác. Mình thấy đó là sự quan tâm đặc biệt dành cho những người đặc biệt. Thà khiến người thân phật lòng một chút rồi sau đó thấy họ cải thiện sức khỏe, còn hơn là để mặc mà không nói gì.
Cách tiếp cận "nặng" hay "nhẹ" thì như mình đã nói đó, cần áp dùng tùy thời điểm và trường hợp. Bối cảnh dạy học thì chắc chắn không nên dùng "nặng" rồi. Tuy nhiên, mình muốn nói tới bức tranh lớn hơn là vấn đề giảm cân đơn thuần. Trong xã hội thì ta đều biết có những trường hợp không thể "nhẹ" được.
Còn về vấn đề sumo. Nữ thì mình không biết, nhưng việc sumo có lớp mỡ mỏng và còn lại đều là cơ thì dường như không phải. Họ có mỡ thật đấy =))) Cơ thể có mỡ sẽ khỏe hơn là shredded. Eddie Hall khi attempt deadlift 500kg cũng duy trì lượng body fat khá cao là vì vậy.
- Báo cáo

Keira Ngo

The mean %Fat in the Sumo wrestlers was 25.6% (range 22.1–34.1%) and was relatively low compared with the BMI. - again, cao là cao so với vận động viên nhưng vẫn là bt so với ng bt
- Báo cáo