Dù đã bước sang tuổi thứ 24 được gần ba tháng nhưng bản thân mình chẳng thể tin được mình đã ở cái tầm này rồi. Cái tầm mà hơn nửa lớp cấp 3 cưới vợ, lấy chồng, đẻ con ầm ầm. Không thì có sự nghiệp ổn định, thú vui lắm tiền tao nhã. Và mình thì, có hai con mèo, chuẩn bị có một ông chồng và đống kiến thức chuẩn bị cho kì thi sắp tới. Nhân dịp buồn tay lại ngồi viết về một số phân cấp luật sống chung/ hôn nhân áp dụng ở Pháp mà mình được biết. Có thể sẽ là kiến thức mới hoặc chỉ đơn giản là một số ví dụ cụ thể để hiểu các trường hợp áp dụng thực tiễn hơn.
Vì văn hóa khác nhau nên Pháp còn phân cấp các mức độ trong « tình yêu » được hợp pháp hóa:
               En couple : Đang trong một mối quan hệ
               En concubine/ Le concubinage / L’Union libre : Đang sống chung – 2 Nhân khẩu thường trú
               En Pacs – Se Pacser : Đã kết hôn – không rành buộc về tài sản chung
               En Mariage : Đã kết hôn – có rành buộc về tài sản hôn nhân
Việc phân hóa các giai đoạn này giúp bảo vệ quyền cá nhân cũng như tối giản sự rành buộc nhất định trong trường hợp cả hai không còn chung-một-lối-đi. Vì hơi khó hình dung nên mình sẽ đưa ra một số ví dụ cụ thể.
Trường hợp đầu tiên không cần bàn đến quá nhiều. Đơn giản là chúng ta yêu nhau, chúng ta đến với nhau và tự đưa ra những thỏa thuận để tìm tiếng nói chung trong những buổi hẹn hò, đi chơi…
Trường hợp sống chung hợp pháp : L’Union libre. Như chính tên gọi của nó, đây là hình thức sống chung được công nhận trên một số giấy tờ nhất định. Ví dụ như thuê nhà thì cần khai chung một số CAF APL (hỗ trợ nhà ở bởi chính phủ Pháp) thì dựa theo bảng lương của hai người để nhận được một khoản hỗ trợ tầm 30-50% tiền thuê nhà hàng tháng. Nếu không khai thì sẽ bị phạt (so easy 😊).
Bên cạnh đó, một số loại bảo hiểm cũng được mua kèm theo couple. Anh người yêu mình sau khi mua trotinnette électrique (ảnh/ scooter) thì anh sẽ mua một cái bảo hiểm dưới tên ảnh và kèm theo tên mình (người sống chung địa chỉ nhà vs ảnh, có quan hệ tình cảm). Việc này đảm bảo cho lúc vào viện, mình sẽ được trả 1 phần bởi bảo hiểm phương tiện (transport), một phần khác được trả theo bảo hiểm cá nhân (mutuelle) và bảo hiểm nhà nước (vitale/ameli).
trotinnette électrique
trotinnette électrique
Khi mình thuê dụng cụ quay phim tại trường, mình phải có 1 bản xác nhận từ bảo hiểm nhà. Phòng trường hợp hỏng hóc, bên bảo hiểm này sẽ phụ trách hoàn tiền cho trường. Vì mình với người yêu sống chung, nên anh ấy (chính chủ bảo hiểm) sẽ gửi một giấy kèm xác nhận của bên bảo hiểm cho mình (thụ hưởng chung nhà) để mình có thể làm dossier (giấy tờ hành chính) mượn. Nghe hơi rối ha nhưng đây là chuyện có thật ở cái đất Hành là Chính không kém quản lý nhà nước ở Việt Nam. Bạn nào du học tầm trên 6 tháng là biết mùi liền.
Trường hợp thứ ba : PACS. Về một mặt nào đó, nó là dạng kết hôn nhưng khuynh hướng rõ ràng về tài sản cá nhân. Mình và anh chồng tương lai sẽ có tất cả các quyền và nghĩa vụ như “sống chung”, tuy nhiên ở mức độ cao hơn : Đóng thuế chung. Nghĩa là đòi hỏi mức độ nghĩa vụ cao hơn dưới sự quản lý của nhà nước. Khi mình chưa có quốc tịch tại nước sở tại, thì sau khi PACS được 1 năm, mình có quyền đổi titre étudiant (thẻ visa du học sinh) sang titre vie privée (thẻ cư trú theo kết hôn). Tuy nhiên, để tránh trường hợp kết hôn giả, người đổi sang titre này khi li dị với chồng/vợ thì buộc phải về nước khi ở cùng chưa đủ số năm quy định. Mặt khác, như đã nói, PACS dựa theo thỏa thuận giữa hai bên về tài sản. Ví dụ như người chồng phá sản, tạo nợ xấu thì người vợ không phải thanh toán khoản nợ đó và ngược lại. (Trường hợp rạch ròi tài sản, không liên quan tới nhau) Mặt khác, khi chồng chủ động viết bản thỏa thuận, với trường hợp xấu đến tính mạng, tài sản sẽ thuộc về vợ thì chị vợ sẽ được hưởng. Nếu không có ghi chép gì thì dựa vào phả hệ gia đình để nhận tài sản đó.
Cuối cùng, dạng kết hôn rành buộc về tài sản : Mariage. Cái này khá giống với Việt Nam và được công nhận với mọi trường hợp cho công dân nước ngoài kết hôn với công dân Pháp. Trường hợp có nợ xấu cả hai cùng hưởng. Khi ly dị, mọi thứ đều chia đôi, và thỏa thuận nuôi con. Trường hợp Pacs và Union libre không được công nhận ở Việt Nam vì không nằm trong hệ thống luật pháp. Có thể nói là kết hôn dạng này được ăn cả, ngã về không. (hoặc ngã ăn…)
Kết hôn ở bên này làm đơn giản lắm, tùy vào nhu cầu của từng cặp đôi. Có người yêu nhau ba, bốn năm là đăng kí. Có người con cái đuề huề, gần đạt ngưỡng 30 năm bên nhau rồi mới làm đám cưới. Có những đám cưới rình rang 2, 3 ngày trời ở château. Cũng có những đám cưới chỉ vỏn vẹn ra mairie làm cái xoẹt, vậy là có chồng, có vợ.
Hy vọng bài viết lần này không làm mọi người rối 😊. Chúc mọi người một buổi sáng vui vẻ.
“Thật tuyệt khi được viết một cái gì đó mỗi ngày,”
Bơ.
------------------------------------------------------------------------------------------------------------
Đọc thêm một số bài viết của mình tại link dưới. Và nếu thích cách viết của mình, các bạn có thể tìm đọc ở Spiderum và cập nhật tin tức trên FB fanpage :)