Lần đầu tiên tôi thấy cảm giác này là khi còn làm việc tại một nhà hàng ở Úc. Bạn có biết thế nào là một bồi bàn giỏi không? Họ phải vô hình. Người bồi bàn giỏi sẽ có mặt khi bạn cần, biến mất khi bạn không muốn và không lởn vởn trước mặt bạn. Yếu tố đó cộng với việc tôi không phải một người của hội nhóm cho lắm. Do đó, nhiều hôm, tôi thấy mình đi trong nhà hàng với cái nghĩa chân thực nhất của từ thấy, là quan sát từ xa. Tôi thấy tôi lởn vởn quanh các bàn ăn, im lặng và vô hình.
Nhưng sự tồn tại như bóng đè không chỉ là một sự tồn tại như ma. Tôi không phải Bruce Willis của Sixth Senses, tôi không chết mà tưởng mình còn sống. Tôi biết mình còn sống, nhưng sự tồn tại của tôi nằm ở giữa sự sống và cái chết. Tôi biết là mình còn sống, tôi không phải tự tát vào má hay tự nhéo tay để biết mình còn hiện diện. Những việc đó, những người đồng nghiệp ác ý của tôi có thể làm hộ khi tôi mất tập trung. Nhưng cái tôi thiếu là một mối quan hệ con người, một hơi thở, một lời nói, một cái chạm âu yếm.
Và cái tôi thừa là lo lắng. Rời khỏi quán ăn, quay về Việt Nam, bao nhiêu chuyện xảy ra, như chuyện công sở, chuyện cơm áo gạo tiền... Những mối lo người lớn. Sự kỳ diệu của lo lắng chính là chúng ta không sợ một điều cụ thể, mà chúng ta sợ điều không có ở đó. Lo lắng được định nghĩa không ở chủ thể của nó mà ở chính sự thiếu một chủ thể xác định. Chúng ta có thể sợ một vật hữu hình, nhưng chúng ta không thể sợ tương lai. Chúng ta biết được mình an toàn khi ngồi tại căn phòng cũ, trong vòng tay bố mẹ, nhưng ngay cả khi chúng ta hiểu với toàn bộ lý trí của mình rằng chúng ta an toàn với những thứ hữu hình, chúng ta cũng bất an trước bao nhiêu điều khác nhau. “Bao nhiêu điều” này, đương nhiên không thể viết ra từ.
Một thằng cha khắc kỷ nào đó đã từng nói một câu khá hãm, rằng nếu bạn lo lắng thì bạn sẽ sợ hãi tương lai đến hai lần, một lần với sự sợ hãi có thật, một lần với nỗi lo của nỗi sợ. Nói như thế chẳng khác nào bảo người ta đừng buồn nữa, vui lên cả. Bản thân sự lo lắng đã hàm chứa trong nó sự bất toàn và bất định, nên mọi mong muốn định nghĩa nó thông qua một cảm xúc khác đều vô dụng. Chỉ khi tôi nhớ ra việc mình từng bị bóng đè, những câu chữ này mới viết thành lời.
Bóng đè về cơ bản là giống như thế. Chúng ta mơ một giấc mơ mà trong giấc mơ đó, chúng ta tỉnh. Chúng ta tỉnh nhưng thân thể lại bất lực trước mọi tác động bên ngoài, chỉ có thể gào thét từ một góc sâu thẳm trong tâm trí để cố vùng dậy. Lo lắng, khi đạt đến mức độ cao nhất của nó, cũng giống như vậy. Bất kể tôi ở đâu, tôi làm gì, một thứ gì đó vô hình vẫn bám đuổi tôi, mà tôi không biết gì về nó ngoài việc tôi không thể ngăn cản được nó. Nhưng sự lo lắng, nếu so sánh nó như bóng đè khi còn tỉnh, còn tệ hơn một bậc. Khi bị bóng đè, tôi vẫn có thể tự trấn an mình và hiểu rằng chỉ cần hít thở đều là chúng ta thoát khỏi cơn mơ. Và rằng, chúng ta chỉ đang mơ thôi.
Còn sự lo lắng, nó là thật. Những người kia, dù chỉ trước năm, sáu tháng còn bá vai bá cổ, thề rằng sẽ đến dự đám cưới của nhau ở hàng đầu tiên, thề rằng sẽ đi thật nhiều nơi cùng nhau, thề rằng sẽ dựng một quán rượu chung…. Giờ đây, họ chỉ còn là những cái bóng đang chạy thật nhanh với cuộc sống của mình. Trong khi, dù tôi có chạy đi đâu, dù tôi có nắm lấy tay áo của họ để cầu xin, dù tôi có ôm chầm lấy họ mong giải thích, tôi vẫn vụt qua họ. Mọi hành động của tôi đều không mảy may chạm được vào sự sống ngoài kia, những sự tồn tại ngoài kia, những thế sự mà tôi đã từng hết mực trân quý.
Như thể sự tồn tại của tôi chỉ có thể được minh chứng bằng chính xác thịt còn biết đau đớn, còn biết lo lắng này.
Trong giây phút đó, chính sự lo lắng đã dìm tôi xuống, nhưng cũng chính nó lại cứu tôi sống. Nó giống như một kẻ tra tấn bệnh hoạn, dìm tôi xuống nước trước sự chứng kiến của tất cả những người thân thích, nhưng lại để cho tôi vừa đủ một ống thở để tôi sống. Những người kia, họ vẫn cứ ở đó thôi. Rồi họ chán, họ đi mất. Còn tôi, dù tôi có chạy, dù tôi có chìm trong một bể nước, dù tôi có ngủ, dù tôi có phản kháng, dù tôi có giải thích…
Tôi vẫn bị bóng đè ngay khi đang tỉnh.