“Tôi Không Biết Mình Là Ai” - Tại Sao Lại Như Vậy
Nếu bạn đã từng cảm thấy bản thân có suy nghĩ “Tôi không biết tôi là ai,” có thể bạn tự hỏi tại sao mình có cảm giác...
Nếu bạn đã từng cảm thấy bản thân có suy nghĩ “Tôi không biết tôi là ai,” có thể bạn tự hỏi tại sao mình có cảm giác như vậy và bạn có thể làm gì để thay đổi điều đó. Trong khi một số người có ý thức mãnh liệt về bản thân mình thì nhiều người khác lại có thể không thực sự hiểu chính mình.
Cảm thấy không chắc chắn về bản thân đôi khi có thể dẫn đến sự thay đổi về nhận thức bản thân. Bạn có thể luôn thử những ý tưởng hoặc tính cách mới để xem chúng có phù hợp không. Hoặc bạn có thể thấy bản thân thay đổi để thích nghi với người khác.
Bài báo này thảo luận về việc tại sao bạn lại cảm thấy thấy như bạn không biết mình là ai và bạn có thể làm gì để định hình ý thức mạnh mẽ hơn về bản thân.
Bản Sắc Hình Thành Như Thế Nào
Điều này có nghĩa là gì nếu bạn thấy mình đang nghĩ, “Tôi không biết mình là ai?”- Điều này có thể nghĩa là bạn nhận thức kém về bản sắc chính bản thân mình, nó có thể bị ảnh hưởng bởi một số yếu tố.
Bản sắc được định hình thông qua những trải nghiệm mọi người có trong cuộc sống của họ, đặc biệt trong thời thơ ấu và thanh thiếu niên. Trẻ em được nuôi dưỡng trong môi trường tốt sẽ nhận được sự chăm sóc, hỗ trợ và khuyến khích cần thiết để phát triển ý thức lành mạnh về bản thân.
Những đứa trẻ được nuôi dưỡng trong môi trường ít sự hỗ trợ, nơi chúng bị bỏ bê, lạm dụng hoặc bị cha mẹ chăm sóc quá mức có thể gặp khó khăn trong việc hình thành bản sắc riêng của mình.
Khi trẻ lớn lên, sự tương tác với người chăm sóc, người lớn, và bạn bè sẽ góp phần hình thành nên ý thức về bản thân của một người.
Nhà lý thuyết Erik Erikson tin rằng giai đoạn thanh thiếu niên đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong việc hình thành bản sắc của một người. Ông mô tả giai đoạn này của cuộc đời là giai đoạn “lẫn lộn giữa bản sắc với vai trò” và tin rằng những người có thể cam kết với bản sắc mạnh mẽ sẽ có ý thức vững chắc về bản thân, trong khi những người gặp khó khăn có thể sẽ tự hỏi mình là ai khi bước vào tuổi trưởng thành.
Sau này, nhà tâm lý học James Marcia đã mô tả hai trạng thái bản sắc chính là sự khám phá và sự cam kết. Khám phá bao gồm quá trình thử nghiệm các ý tưởng khác nhau trong khi sự cam kết gồm việc đưa ra quyết định dựa trên những ý tưởng liên quan đến bản sắc đó.
Những Yếu Tố Ảnh Hưởng Đến Bản Sắc Cá Nhân
Quá trình hình thành ý thức về bản thân bắt đầu từ thời thơ ấu và chịu ảnh hưởng của nhiều yếu tố khác nhau. Một trong số đó là:
* Quá trình cá nhân hóa (Individuation): Đây là quá trình mà mọi người trải qua để phát triển cảm giác về bản thân độc đáo của riêng mình. Trẻ em cần có không gian để tự do thể hiện bản thân mà không sợ hãi về sự xấu hổ, tội lỗi, chỉ trích hay phán xét để quá trình này diễn ra một cách tự nhiên.
* Yếu tố xã hội (Seciety): Những ảnh hưởng và kỳ vọng của xã hội có thể đóng vai trò quan trọng trong việc hình thành bản sắc. Văn hóa, truyền thông, tôn giáo, vai trò giới, và các yếu tố khác thuộc về xã hội có thể ảnh hưởng đến cảm giác của bạn về bản thân. Bạn cũng có thể gặp phải những khó khăn khi các khía cạnh của bản sắc của mình không phù hợp với kỳ vọng của xã hội mà bạn sống trong đó.
* Gia đình (Family): Những người chăm sóc và những thành viên trong gia đình là những người đóng vai trò sớm nhất trong việc hình thành bản sắc của bạn. Suốt cuộc đời, các vai trò khác nhau mà bạn đảm nhận trong gia đình có thể ảnh hưởng đến cách bạn nhìn nhận bản thân. Ngoài ra, sự tự nhiên của mối quan hệ với những người thân yêu có thể ảnh hưởng đến bạn, làm cho bạn cảm thấy mạnh mẽ hay yếu ớt trong bản sắc của mình.
Nghiên cứu cho thấy những người có ý thức nhất quán về bản sắc cũng có lòng tự trọng cao hơn, ít tham gia vào các hành vi nguy hiểm hơn và ít có khả năng gặp phải các triệu chứng nội tâm hóa. Triệu chứng nội tâm hóa phổ biến ở những người mắc bệnh trầm cảm và có thể bao gồm những thay đổi trong thói quen ăn uống, nỗi sợ, một mình, buồn bã, và khó tập trung.
Nếu bạn đang trải qua một giai đoạn mà bạn tự hỏi về bản sắc của mình hoặc bỗng nhiên cảm thấy không chắc mình là ai thì bạn có thể đang trải qua một cuộc khủng hoảng bản sắc.
Cách Đối Phó Khi Bạn Không Biết Mình Là Ai
Nếu bạn đang vật lộn với các vấn đề liên quan đến bản sắc và cảm thấy rằng bạn không thực sự biết mình là ai, thì có những điều bạn có thể làm. Tìm cách để hiểu rõ bản thân hơn và tham gia vào các hoạt động giúp tăng cường ý thức về bản thân có thể nuôi dưỡng và củng cố cá tính của bạn.
Tôi nên làm gì nếu không biết mình là ai?
Hiểu rõ hơn về bản thân mình, bao gồm cả sở thích, điều bạn thích và điều bạn không thích.
* Tìm hiểu xem điều gì quan trọng với bạn, bao gồm niềm tin, giá trị và mục tiêu của bạn.
* Hãy dành thời gian cho bản thân để tìm hiểu thêm về con người bạn mà không có áp lực và ảnh hưởng từ bên ngoài.
* Hãy thử những điều mới, bạn có thể không thích mọi thứ, nhưng mỗi thử thách là một trải nghiệm học tập.
* Học cách tin tưởng bản thân.
* Xây dựng sự nhận thức bản thân tốt hơn bằng cách thực hành chánh niệm.
Tìm hiểu thêm về bản thân
Nếu bạn cảm thấy mình không biết mình là ai, hãy dành thời gian để hiểu rõ hơn về bản thân mình. Một cách mà bạn có thể làm là bắt đầu nghĩ về những điều bạn thích và quan trọng với bạn.
Viết nhật ký, việc bắt đầu viết để bày tỏ suy nghĩ, cảm xúc hoặc tạo danh sách những điều quan trọng với bạn, những hành động đó có thể hữu ích. Hãy cân nhắc viết về những điều bạn thích, những trải nghiệm bạn có hoặc những điều bạn muốn biết thêm.
Những cuốn sách yêu thích của bạn là gì? Bạn thích thể loại nhạc nào? Khi nào bạn cảm thấy hạnh phúc nhất? Khi bạn viết nhật ký, bạn có thể bắt đầu thấy một số chủ đề hoặc sở thích nhất định bắt đầu xuất hiện. Việc xem lại các danh sách và ghi chú này có thể giúp bạn nhìn nhận và đánh giá cao hơn về cá tính của mình.
Xác định điều gì khiến bạn coi trọng
Biết được giá trị cốt lõi của bạn có thể đóng một phần lớn trong việc giúp bạn tìm ra bạn là ai. Những giá trị và niềm tin nào là quan trọng nhất đối với bạn? Đây là những đặc điểm chính mà bạn cảm thấy quan trọng nhất ở cả bản thân bạn và người khác.
Những thứ như trung thực, đáng tin cậy và tử tế là những ví dụ về các giá trị cốt lõi. Khi bạn tìm ra được giá trị của mình, bạn có thể sống cuộc sống của mình theo những niềm tin cốt lõi đó.
Dành thời gian một mình
Mặc dù sự cô lập đôi khi bị nhầm lẫn với sự cô đơn, việc dành thời gian cho bản thân có thể mang lại những lợi ích quan trọng cho sức khỏe tinh thần. Áp lực xã hội đôi khi có thể khiến bạn khó có thể cảm nhận được điều gì là quan trọng đối với mình, đặc biệt là khi xung quanh bạn là những người có tính cách mạnh mẽ.
Dành thời gian cho bản thân có thể giúp bạn có cơ hội suy ngẫm, khám phá và thử nghiệm những ý tưởng và cảm xúc mới.
Thử thách bản thân
Việc thử những điều mới có thể là một cách tự khám phá hữu ích khác. Đôi khi, việc tìm ra bạn là ai bao gồm việc thử nghiệm những khía cạnh mới bản sắc của mình. Hãy nghĩ về cách thanh thiếu niên thường thử nghiệm các phong cách khác nhau khi họ rèn luyện ý thức về bản thân. Trong khi mọi người thường nghĩ rằng hành trình khám phá bản thân như vậy chỉ giới hạn ở độ tuổi vị thành niên, thì việc khám phá như vậy là điều có thể hữu ích trong suốt cuộc đời.
Tin vào trực giác của bạn
Học cách tin tưởng vào bản thân và bản năng của mình là một phần khác để tìm ra con người thật của bạn. Nếu bạn có nhận thức về bản thân kém, bạn có thể gặp khó khăn khi đưa ra quyết định dù là quyết định lớn hay nhỏ. Để hiểu rõ hơn bản thân mình, điều cần thiết là bắt đầu đưa ra những lựa chọn phản ánh bạn chứ không phải những người xung quanh bạn.
Một cách để học cách tin tưởng vào quyết định của mình là chỉ cần bắt đầu đưa ra quyết định thường xuyên hơn. Bạn có thể bắt đầu từ những việc nhỏ như chọn món ăn cho bữa tối, nói với bạn bè nơi bạn muốn ăn hoặc lựa chọn giữa nhiều mặt hàng khác nhau khi mua sắm. Theo thời gian, bạn sẽ bắt đầu cảm nhận tốt hơn về những loại đồ vật mà bạn thích và học cách khẳng định bản thân tốt hơn trong các tình huống khác nhau.
Luyện tập chánh niệm
Chánh niệm là một kỹ thuật liên quan đến việc tập trung vào khoảnh khắc hiện tại mà không lo lắng về quá khứ hay tương lai. Tập trung vào khoảnh khắc hiện tại có thể sẽ tốt khi bạn đang vật lộn với sự xao nhãng hoặc áp lực xã hội đôi khi có thể khiến bạn nghi ngờ bản thân.
Tập trung hoàn toàn vào hiện tại có thể giúp bạn cảm thấy đồng điệu hơn với suy nghĩ, cảm xúc, mong muốn và nhu cầu của chính mình.
Nhờ Sự Giúp Đỡ Để Củng Cố Sự Ý Thức Về Bản Thân
Nếu cảm thấy không biết mình là ai khiến bạn mệt mỏi hay làm bạn khó có thể sinh hoạt bình thường, lúc này bạn nên cân nhắc gặp bác sĩ hoặc chuyên gia sức khỏe tâm thần. Các vấn đề về bản sắc có thể đóng vai trò trong:
- Sự lo âu
- Trầm cảm
- Lòng tự trọng thấp
- Những vấn đề về mối quan hệ
- Căng thẳng
- Không hạnh phúc
Bằng cách làm việc với chuyên gia trị liệu, bạn có thể tìm hiểu về bản sắc của mình và cách nó ảnh hưởng đến các khía cạnh trong cuộc sống, bao gồm cả việc ra quyết định và các mối quan hệ.
Đôi khi các vấn đề về nhận thức bản thân có thể liên quan đến tình trạng sức khỏe tâm thần bao gồm rối loạn nhân cách ranh giới (BPD), rối loạn căng thẳng sau chấn thương (PTSD), rối loạn phân ly hoặc tâm thần phân liệt.
Nguồn: verywellmind.com
Dịch: Brian Dinh
Hãy đọc nhiều hơn các bài viết khác của mình tại đây nhé: briandinh.net
Phát triển bản thân
/phat-trien-ban-than
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất