[Tofim] BỐ GIÀ: THAM LAM TÌNH TIẾT, XUNG ĐỘT GƯỢNG ÉP, THÔNG ĐIỆP MÁY MÓC - LÀ NHỮNG ĐIỂM YẾU KÉO TỤT CẢM XÚC.
Xin lỗi cha mẹ khó lắm, nhưng lời xin lỗi từ mẹ cha cũng khó vô cùng...
Thừa thắng xông lên trước thành công vang dội, kỷ lục nối tiếp kỷ lục của web drama. Trấn Thành trên cương vị nhà sản suất và đồng đạo diễn cùng Vũ Ngọc Đãng, sau hơn 1 tháng quay và 2 tháng hậu kỳ thần tốc, trước mắt đã phát hành rất thành công phiên bản điện ảnh của Bố Già. Mặc dù có thay đổi bối cảnh, diễn viên, tinh thần của phim thì có lẽ vẫn vậy không cần phải giới thiệu quá nhiều.
“Bố Già” điện ảnh “chạm” đến trái tim của phần đông khán giả là điều khỏi bàn cãi, nhưng cái chạm ấy với mình chưa thực sự đủ mạnh, chưa tương xứng với tiềm năng mà phim sẵn có. Thậm chí, có thể nhận xét như một bước hụt chân về cảm xúc so với phiên bản web drama.
Quá tham lam mảng miếng gây cười, là điểm trừ nặng xuyên suốt thời lượng của bộ phim. Các miếng hài xuất hiện liên tục, chen chúc, tuy nhiên lại không quá mới (tùy trải nghiệm mỗi khán giả) khiến hồi 1 và hồi 2 của phim trở nên dài dòng, lê thê đối với mình. Hơn nữa, với tần suất xuất hiện dày đặc như vậy, lại thiếu đi sự điều tiết của âm nhạc, làm cho nhịp độ (tempo/pacing) của bộ phim vì thế mà trở nên đều tắp, phẳng lì. Cảm xúc vì thế mà dễ dàng trôi tuột, khó đọng lại được bất kỳ điều gì.
Càng tham lam hơn khi các miếng hài bất chợt xuất hiện giữa những phân đoạn cao trào, thắt nút, cởi nút, một cách thiếu tiết chế. Dẫn đến diễn biến tâm lý nhân vật chưa thể hiện được chiều sâu, cú chốt hạ màn gần cuối phim không còn bất ngờ, không đạt hiệu quả tốt nhất, mình đã không phì cười trong nước mắt như cách mà web drama làm được.
Thay đổi đáng kể nhất của Bố Già so với bản web drama là xung đột trong phim đã bị “gián tiếp” hóa, qua sự có mặt của họ hàng. Với cách thể hiện mới ấy, xung đột của Bố Già điện ảnh trở nên bị động, vì đó việc triển khai xung đột có phần sắp đặt, gượng ép.
Rõ nhất là sự gàn dở đến khó chấp nhận của ông Sang, nhất nhất theo ý mình chẳng màng đến suy nghĩ của con ông. Tiếp đến, là những màn trả treo, lời qua tiếng lại của Quắn với bố già. Để cuối cùng, nút thắt cứ thế dễ dàng được gỡ bỏ như mọi lần, chỉ cần trải qua một cuộc cãi vã. Diễn biến tâm lý đầu phim vì vậy không còn sự liền mạch, chuyển biến, tăng tiến, diễn xuất vì thế chưa thể gọi là xuất sắc. Mối liên kết tình cảm cha con cũng chưa thực sự rõ nét, đem lại cảm giác lấn cấn khó tiếp nhận, đồng cảm.
Bấy nhiêu đó thôi, thực sự khiến mình có đôi lúc cảm thấy khó chịu, nhạt nhẽo, ngáp dài.
Tuy nhiên, khi đến hồi 3, Bố Già đã đưa khán giả đến một cao trào đủ sáng tạo và xử lý nó một cách mượt mà, lấy đi những giọt nước mắt nghẹn ngào.
Vượt ra khỏi tuyến nhân vật chính, dàn diễn viên phụ của phim thật sự chất lượng. Những cá tính riêng biệt được khắc họa rõ nét, đem đến một không khí sáng lạn vui tươi cho cả bộ phim. Đặc biệt phải kể đến sự duyên dáng của nhân vật Cẩm Lệ...
“Xin lỗi cha mẹ khó lắm, còn nếu mà nói được nó dễ thương lắm luôn!”
“Chúng ta còn nhiều thời gian nhưng cha mẹ thì không. Hãy yêu thương cha mẹ khi còn có thể.”
Thông điệp của bộ phim dễ dàng được tìm thấy trên màn ảnh, nhưng có gì đó máy móc, cũ kỹ, chưa thực sự chặt chẽ với mạch phim, diễn biến tâm lý nhân vật. Nhìn lại suốt chiều dài Bố Già, bi kịch đã chẳng xảy ra nếu ông Sang chịu lắng nghe, chịu thấu hiểu con mình. Cả 2 người họ đã có thể chẳng làm tổn thương nhau nhiều như thế, nếu bố già chẳng gàn dở đến khó coi, nếu bố già cũng biết đặt mình vào người con.
Xin lỗi cha mẹ khó lắm, nhưng lời xin lỗi từ mẹ cha cũng khó vô cùng. Và bởi vì khó, giá trị nhân văn, công năng của nó cũng vô cùng to lớn. Do vậy, đừng hạn chế, mặc định lời xin lỗi ấy phải xuất phát từ ai, một phía nào.
7/10
- Taste of film in me -
Phim
/phim
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất