Hãy tưởng tượng đến một viễn cảnh như thế này.
Bạn thức dậy và nhận ra Facebook không còn hoạt động trên toàn thế giới. Mọi thứ như lùi lại trước tháng 2 năm 2004, không có thông tin hay sự kết nối toàn cầu nào ở đây cả. Giống như việc bạn quen sống trong ánh sáng và bỗng một ngày, ánh sáng tắt ngấm. 
17 triệu người dùng Facebook tại Úc đang trải qua tình trạng tương tự khi không thể truy cập vào bất cứ mục tin tức nào trên nền tảng mạng xã hội này - dù là tin địa phương hay quốc tế. Vậy, chuyện gì đã xảy ra?
KHI SÂN CHƠI MẤT CÂN BẰNG
Sự mất cân bằng quyền lực trong lĩnh vực tin tức. Nguồn ảnh: Pinterest
Điểm khởi đầu của câu chuyện là khi 52% người Úc sử dụng mạng xã hội như một nguồn tin tức chính (Theo Reuters Institute Digital News Report 2020). Điều này dẫn đến những khó khăn nhất định, nếu không muốn nói là gần như sụp đổ, cho ngành báo chí của nước này.
Để giải quyết sự mất cân bằng quyền lực trong lĩnh vực tin tức, chính phủ Úc đã đề xuất một điều luật mới như quy tắc chơi đẹp. Nếu dự thảo luật này được thông qua, các Big Tech như Facebook và Google cần trả tiền cho các nhà xuất bản nội dung tại Úc.
Tức giận vì cho rằng chính phủ Úc đang cố gắng trừng phạt công ty, Facebook quyết định đánh một canh bạc. Họ cược xem 17 triệu người dân Úc có thể sống thiếu nguồn tin tức trên Facebook hay không bằng lệnh cấm truy cập và chia sẻ tin tức trên nền tảng của mình. 
Đó là cách cuộc chiến bắt đầu.
"HỌ ĐANG THAY ĐỔI THẾ GIỚI, KHÔNG CÓ NGHĨA LÀ HỌ ĐANG ĐIỀU HÀNH NÓ"
Facebook đang đứng trong một cuộc chiến thiếu đồng minh và sự ủng hộ của dư luận. Nguồn ảnh: Pinterest

Lệnh cấm của Facebook khiến Úc bùng nổ bởi dường như họ sẵn sàng nhấn nút "tiêu diệt tin tức ở Úc" mà không dành dù chỉ một phút để suy nghĩ về hậu quả. Việc chặn các web y tế, bệnh viện, các trang web dịch vụ khẩn cấp, tổ chức từ thiện giữa một đại dịch nguy hiểm khiến Facebook trông như một công ty độc quyền quốc tế đầy kiêu ngạo, không tôn trọng một quốc gia dân chủ và dự luật đề xuất của quốc gia đó. 
Sau khi đưa ra lệnh cấm được xem là "kiêu ngạo và đáng thất vọng" mà không hề báo trước, Facebook vấp phải nhiều sự chỉ trích trên toàn thế giới. 
Thủ quỹ Úc Josh Frydenberg cho rằng lệnh cấm là quá nặng nề và sẽ làm tổn hại đến danh tiếng của Facebook tại Úc. Còn với Thủ tướng Úc Scott Morrison, ông cho rằng: 
"Những hành động này chỉ đang xác nhận rằng ngày càng có nhiều quốc gia bày tỏ lo ngại về hành vi của các ông lớn “Big Tech” – những kẻ cho rằng họ quyền lực hơn chính phủ các nước và các quy tắc không nên áp dụng đối với họ. Họ có thể đang thay đổi thế giới, nhưng không có nghĩa là họ điều hành nó.”
Thủ tướng cho biết sự đe dọa không phải lựa chọn lý tưởng để đối phó với chính quyền của ông. Lần này, dường như canh bạc của Facebook đang ngả về chiều thua cuộc bởi nó đã thành công trong việc củng cố thêm quyết tâm của chính phủ.
Lệnh cấm của Facebook có thể mang đến nỗi đau, nhưng để chính phủ lùi bước là điều không tưởng. Bên cạnh đó, Facebook đang đứng trong một cuộc chiến thiếu đồng minh và sự ủng hộ của dư luận.
LỜI CẢNH TỈNH MÀ THẾ GIỚI ĐANG CẦN
Thủ tướng Úc Scott Morrison. Nguồn ảnh: Pinterest

Stephen Scheeler (Cựu giám đốc điều hành của Facebook tại Úc và New Zealand) cho rằng: “Cuộc chiến giữa Úc và Facebook có thể là chất xúc tác cho một cuộc cải cách toàn cầu thực sự." Từ lâu, chúng ta đã dự đoán được tương lai của sự mất cân bằng nếu cả thế giới không hành động nghiêm túc để khiến BigTech học cách chịu trách nhiệm cho xã hội.
Cuộc chiến này như một lời cảnh tỉnh mà thế giới đang cần.
Tôi tự hỏi liệu chúng ta đã cho phép Facebook trở nên quá quyền lực bằng cách biến nó thành một phần quan trọng trong cuộc sống hay không? Điều gì sẽ xảy ra nếu họ đột nhiên sử dụng quyền lực to lớn đó để dành chiến thắng trong mọi cuộc chiến – dù với mục đích ích kỷ và bất chấp hậu quả. Tôi tự hỏi, một công ty với sứ mệnh “kết nối thế giới” sẵn sàng ngắt kết nối cái rụp như sự trả đũa đầy giận dữ với một chính phủ được bầu cử dân chủ, thì họ có cần học cách chịu trách nhiệm với thế giới hay không?
Scott Morrison đang kêu gọi các nhà lãnh đạo quốc gia khác đứng về phía Úc. Đúng! Trong cuộc chiến này, Úc không nên đứng một mình. Họ không chỉ đấu tranh cho chính họ, mà còn là phát súng đầu tiên cho việc đòi lại sự mất cân bằng quyền lực giữa các công ty truyền thông và các nền tảng mạng xã hội trên toàn thế giới.
Sự phản ứng dữ dội của chính phủ Úc nhằm bảo vệ ngành báo chí - truyền thông của nước này báo hiệu rằng: Kỳ trăng mật của Big Tech đã đến lúc kết thúc. Họ sẽ ngồi lại, xem xét yêu cầu của thế giới để thay đổi và phát triển hay tiếp tục sử dụng quyền lực độc quyền của mình một cách đầy kiêu ngạo? Họ sẽ làm gì vượt qua cuộc chiến này? Chúng ta hãy chờ xem. 
Hoàng Linh