Toàn cảnh câu chuyện về phim Kiều năm 2021: Chuyện Hoạn Thư, Thuần Việt Tông và vô vàn những cái đáng trách khác...
Có lẽ nhưng ai đam mê dã sử, huyền sử hoặc chính sử thì đã nghe qua bộ phim tai tiếng Kiều-khi vừa chưa ra rạp mà đã tung ra teaser...
Có lẽ nhưng ai đam mê dã sử, huyền sử hoặc chính sử thì đã nghe qua bộ phim tai tiếng Kiều-khi vừa chưa ra rạp mà đã tung ra teaser đầu tiên, đã nhận được sự phê phán của cộng đồng mạng về tấm biển Hồng Lâu Quán cùng tỉ tỉ thứ khác. Tiếp theo sau đó, chúng ta đã chứng kiến nhiều tranh cãi khác nổ ra xoay quanh phát ngôn và những giới thiệu về tạo hình của nhân vật. Có lẽ cũng vì một chút đam mê với cổ phong của tôi, mà như vậy mới dẫn đến bài viết này.
I./Sử dụng ngôn ngữ và tính "thuần Việt" của phim Kiều.
1./Phát ngôn.
Ngay khi vừa tung ra teaser đầu tiên, Kiều của đạo diễn Mai Thu Huyền đã bị chỉ trích gay gắt khi để dòng chữ Quốc Ngữ ngay trên tấm bảng Hồng Lâu Quán. Hãy khoan chưa nhắc đến chuyện có hay không tôn trọng lịch sử, ngay sau những chỉ trích của cộng đồng mạng, thì phía đạo diễn Mai Thu Huyền đã đưa ra tuyên bố như sau:
Chữ Quốc ngữ xuất hiện từ 400 năm trước, còn cụ Nguyễn Du chỉ sống cách chúng ta 200 năm. Chúng tôi không muốn dùng chữ Nôm vì chữ Nôm khá giống chữ Hán, không phải ai cũng phân biệt được. Hơn nữa, chúng tôi muốn làm một bộ phim thuần Việt
Như vậy, ta đã có thể đúc kết ra được những điều chính từ câu nói trên của đạo diễn:
1./Đầu tiên, đạo diễn Mai Thu Huyền từ chối thẳng thừng những lời khuyên, góp ý và phản đáp lại những lời chỉ trích trên.
2./Đạo diễn nói riêng và đoàn làm phim nói chung muốn làm một bộ phim thuần Việt.
3./Đạo diễn cho rằng chữ Nôm giống chữ Hán, vì vậy không nên sử dụng chữ Nôm mà nên sử dụng chữ Quốc Ngữ. Làm sao mà đòi sử dụng chữ Quốc Ngữ được, khi bối cảnh thời đó vẫn còn coi trọng nền văn hóa Hán Học? Làm sao một Hồng Lâu Quán lại đi sử dụng một chữ được sáng chế ra một nhà truyền giáo ngoại quốc?
4./Cứ tạm hiểu coi như sử dụng chữ Quốc Ngữ được đi. Nhưng làm sao có thể sử dụng một ngôn ngữ thuần Việt ( theo cách hiểu của đoàn làm phim ) khi chính câu chuyện mà bộ phim lấy bối cảnh vào thời Minh, tức là bên Trung Quốc? Bộ phim làm sao nổi bật được tính thuần Việt khi ngay chính bối cảnh sử dụng đã không... thuần Việt rồi?
Như vậy, đúc kết từ bốn ý trên, tôi xin khẳng định những điều sau:
1./Đạo diễn thiếu kiến thức trầm trọng về Truyện Kiều, thậm chí đến cả những tác phẩm mà bà muốn làm bà cũng không hề nắm rõ.
2./Bộ phim không hướng tới giá trị tôn trọng lịch sử, mà là hướng tới giá trị tinh thần dân tộc nhưng sai lệch, kệch cỡm, thể hiện qua hai cái từ "thuần Việt".
Đây, chính là môt sự ngu dốt đỉnh cao.
Như vậy, có thể khẳng định Kiều là một tác phẩm đã có ấn tượng cực kỳ tệ ngay từ những ngày đầu tiên ra mắt. Đạo diễn thiếu kiến thức, phim sử nhưng không hướng tới giá trị tôn trọng lịch sử mà còn phủ nhận lại những truyền thống văn hóa của nước nhà và tác phẩm chuyển thể. Kiều đã mắc phải không chỉ một, mà hai vấn đề rất bức thiết hiện nay được bàn luận nhiều trên mạng xã hội: Phim Việt và cổ phong. Và để giải quyết trọn vẹn vấn đề cổ phong, xin phép được đề cập đến một từ khóa rất quan trọng trong câu trả lời của Mai Thu Huyền: "Thuần Việt".
2./Thế nào là thuần Việt? Liệu Chúng Ta Có Đang Làm Quá Vấn Đề Lên?
Để cho mọi chuyện được đơn giản, tôi sẽ nói thẳng ra: Không có thứ gì là thuần cả. Chúng ta đòi thuần, nhưng hãy hiểu rằng những nền văn hóa đều có những sắc thái giao thoa với nhau trong suốt chiều dài lịch sử nhân loại. Khi một ai đó muốn nói đến chữ thuần, thì khái niệm văn hóa họ đang muốn khẳng định chính là tính phủ định siêu hình, từ chối tất cả những nền văn hóa lớn trên thế giới và tạo ra một nền văn hóa bản địa cô lập. Tôi từ chối lối suy nghĩ như vậy. Để bảo toàn cho sự phát triển của loài người, mỗi nền văn minh, cộng đồng khác nhau của tổ tiên chúng ta, dù vô thức hay có chủ đích đã giao thoa với nhau theo cách thức phủ định biện chứng, tức là tiếp nhận những cái tinh hoa của những nền văn hóa ngoại quốc và không hoàn toàn phủ định lại họ. Như vậy, từ chính những sự giao thoa đó, chúng ta mới xây dựng được một nền văn hóa có bản sắc riêng mà vẫn tiếp tục gây dựng, phát triển.
Xét trên phương diện quốc tế, chúng ta có những trường hợp sau;
1./Đông Phi và Bắc Phi, học hỏi, giao lưu với văn hóa Hồi Giáo.
2./Châu Âu và Châu Mỹ, học hỏi, giao lưu và kiến vọng với văn hóa Hi Lạp-La Mã cổ đại.
3./Các nước có cùng sự ảnh hưởng của nền văn hóa như ta, bao gồm Hàn Quốc, Nhật Bản, Triều Tiên.
4./Các nước Đông Nam Á như Lào, Campuchia, Thái Lan với sự ảnh hưởng rõ rệt từ nền văn hóa Ấn Độ, thể hiện rõ nhất qua Hinđu Giáo và Phật Giáo.
Như vậy, có thể thấy rõ trong suốt lịch sử nhân loại, không có cái chữ nào mang tên "thuần" cả. Bản năng tự nhiên của nhân loại chính là tinh thần học hỏi và tính cộng đồng liên kết. Sự giao thoa, tiếp thu những tinh hoa giữa những nền văn hóa đã tạo ra nhiều nét văn hóa độc đáo, đáng nhớ, đồng thời ảnh hưởng rõ rệt lên đến chính chúng ta và những thứ xung quanh chúng ta, từ âm nhạc, kiến trúc, hội họa, ca múa, phục trang,..
Trong những năm đầu , chúng ta, đã bị đô hộ bởi Trung Quốc và chịu ảnh hưởng sâu sắc từ Trung Quốc, từ đó dẫn tới những giai đoạn lịch sử kéo dài đến hàng trăm năm, khi chúng ta tổ chức những kỳ thi cử như những triều đại bên Trung Quốc, một hệ thống chính trị Hán Hóa, một nền văn học với chữ Hán làm chủ đạo,.. Không thể phủ nhận văn hóa Á Đông thời bấy giờ có nhiều bất cập, nhưng nó cũng giúp an sinh xã hội và xây dựng nhiều triều đại hùng cường. Có ai lại quên Nhà Đường ở Trung Quốc, Nhà Hậu Lê ở Việt Nam hay Thời Kỳ Heian ở Nhật Bản? Những đức tính như trọng danh dự, sống hết mình, cống hiến cho đời, cho người, để lại di sản cũng là một nét đẹp đặc sắc của văn hóa Á Đông. Dù vậy, nó vẫn có những bất cập nhất định cho đến thời thuộc địa và cách mạng, khi thực dân Pháp lăm le xâm lược Việt Nam ta.
Trong những năm đầu của thế kỷ XXVIII, văn hóa Tây Phương đã dần có sự ảnh hưởng nhất định đến văn hóa Á Đông. Khi nhận ra những điểm bất hợp lí trong nền văn hóa, tư tưởng, một số nước đã bị đô hộ, một số nước khác lại quyết định đổi mới và bắt theo thời cuộc. Việt Nam ta, không may thay, lại nằm trong nhóm thứ nhất. Dù rằng bị ép buộc, nhưng không thể phủ nhận cái gọi là "khai hóa" đã ảnh hưởng rất lớn lên đời sống nhân dân ta, và nó đã đem lại cho ta nhiều lợi ích khác nhau, trên nhiều phương diện. Không ai lại đi mặc một chiếc áo nâu sờn vải thay vì một chiếc áo sơ mi lịch sự ( đó là trong trường hợp bạn có tiền). Dù rằng văn hóa Phương Tây còn nhiều bất cập, nhưng việc chúng ta học hỏi nó, cũng chính là đang cố gắng để tiếp nhận thêm những điều mới mẻ, những tinh hoa từ nền văn hóa ấy và sánh vai với các cường quốc năm châu. Đúc kết lại ra, mỗi nền văn hóa đều có những nét tương đồng, đều học hỏi lẫn nhau. Chúng không hoàn toàn phủ định lẫn nhau, và đều có giao thoa, đều liên kết với nhau trong con đường nắm lấy tri thức của nhân loại. Không có chữ thuần nào cả. Kể cả những nền văn hóa đều là những cái nôi của văn minh nhân loại cũng đều có sự giao thoa mật tiết với nhau, khi chúng đủ lớn mạnh và phát triển với nhiều ưu thế vượt bậc hơn những nền văn hóa đi trước, từ đó tạo ra những điều kiện cần thiết để xuất khẩu văn hóa. Và khi tiếp nhận ,mỗi nền văn hóa đều phủ định biện chứng lẫn nhau, và không có nền văn hóa nào phủ định siêu hình một nền văn hóa tiến bộ hơn mình cả. Đó, chính là tiến trình của sự phát triển.
Với tư duy phiến diện, ngu dốt và đần độn, những kẻ đòi thuần Việt đã lên tiếng phản đối lại những trang phục, những bài hát, những ngôn ngữ co nguồn gốc xuất xứ xa xưa từ Trung Quốc. Những kẻ ấy cố gắng loại bỏ Trung Quốc ra khỏi văn hóa nước ta, nhưng không hề nhận ra chúng đang tự chối bỏ văn hóa nước nhà. Có những kẻ đòi bỏ đi những lớp áo dài truyền thống của dân tộc mà đòi lấy những bộ quần áo âu phục, có những kẻ đòi lấy đóng khố quần vải cho đời sống nhân dân ( mà điển hình chính là nhà báo đạo đức ưu tú Hoàng Hải Vân ). Những luận điểm, ý kiến của chúng không chỉ mâu thuẫn với nhau mà còn mâu thuẫn với chính chúng, từ đó khiến cho chúng không biết nhận ra đâu là cái thuần đích thực và dần dần lộ rõ ra những điểm trừ trong lí luận tệ hại của bản thân.
Vì vậy, từ giờ, hãy chấm dứt ngay lập tức tư duy thuần Việt. Hãy ném tư duy thuần Việt vào sọt rác, và dùng tư duy khoa học cùng vốn hiểu biết của bản thân khi bước lên con đường tìm hiểu và phát triển truyền thống, văn hóa và bản sắc của dân tộc.
Phần còn lại của bài viết sẽ nói đến một số vấn đề trong teaser và trailer.
II./Xây Dựng Bối Cảnh & Trang Phục.
1./Những Cảnh Quay Trang Phục Đầu Tiên Trong Teaser Trailer.
Khi nhìn thấy những trang phục đầu tiên cho Kiều, tôi có thể nói bằng hai câu sau: diêm dúa. Những kỹ nữ nhảy trong một sắc thái lòe loẹt, với màu vàng, xanh lục cùng nhau múa, phía trên là những sắc màu đỏ, vàng,... Có thể những không khí ấy có phần đẹp nếu trong một show nào khác, nhưng với một bộ phim đề cao tính chính xác lịch sử và mang một phần nào đó u tối, bi thương về số phận người con gái thời xa xưa, Kiều, đã thất bại ngay từ những cái nhìn đầu tiên.
2./Hoàng Bào Cho Một Kỹ Nữ.
Như các bác có thể thấy, nhân vật Kiều trong những post mới đây mặc áo vàng. Một sự sai lệch khủng khiếp, khi đây vốn là loại áo dài dành cho tầng lớp.... vua chúa thời xưa? Điều này lại dẫn đến một điểm hài hước là thằng bán tơ trong Truyện Kiều lại là... người đúng, bởi việc tố giác một tiểu thư đi mặc hoàng bào là hợp pháp mà! Tôi thật sự không hiểu nổi nếu ekip làm phim muốn chính xác lịch sử thì làm sao có thể sai lệch thông tin một cách trầm trọng như vậy?
Không chỉ như vậy, những poster mới đây về nhân vật cũng như một cú vả đôm đốp vào cộng đồng cổ phong, mà cụ thể sẽ xoay quanh Hoạn Thư và Thúc Sinh.
Hoạn Thư, nhân vật quan trọng trong phim bị chế biến một cách kinh khủng khiếp. Phần vai và cổ tay thì chìa ra y chang bộ áo của những samurai người Nhật khi họ đang sinh hoạt và làm việc, màu đỏ viền vàng quanh áo hết sức lòe loẹt.
Đó là chưa kể đến hành động đáng ghen của Hoạn Thư trong trailer mới đây, khi một cô gái Nho gia được giáo dục đầy đủ, cẩn thận với những lê nghi phép tắc đầy đủ lại cầm dao đi chém chính người chồng của mình
Màu áo của Thúc Sinh còn đáng để chỉ trích hơn. Áo của Thúc Sinh, như của Kiều sở hữu một sắc màu chủ đạo là màu xanh. Không chỉ như vậy, vạt áo của Thúc Sinh còn được vuốt sang trái, mà nếu vuốt sang trái nghĩa là chỉ... người đã khuất!
Kiểu áo của Thúc Sinh chính là kiểu áo Trường Sam, kiểu áo thời Nhà Thanh trong khi bối cảnh Truyện Kiều xảy ra vào thời... Nhà Minh! Vậy tức là Thúc Sinh đã đi trước thời đại đến hàng trăm năm sau?
Đồng thời, màu áo của bộ ba Thúc Sinh-Kiều-Hoạn Thư còn rất gai mắt, cả ba đều có những màu sắc chủ đạo của riêng mình: Xanh-Vàng-Đỏ khiến cho tổng thể của cả ba cực kỳ lòe loẹt khi đứng bên cạnh nhau.
Màu áo đấy cũng không có những nét nào đó mang tính kín đáo hay hướng tới tôn trọng lịch sử, cổ trang cả. Mà một cái buồn cười ở chỗ sau khi công bố poster của dàn nhân vật quan trọng thì không ít người đã ví Thúc Sinh-Kiều-Hoạn Thư như... ba anh em siêu nhân!
3./Cách Xây Dựng Và Bối Cảnh Câu Chuyện Cho Thúc Sinh-Hoạn Thư-Thúy Kiều.
Thúc Sinh là nhân vật được xây dựng ngay từ đầu trong Truyện Kiều là một thư sinh tri thức, chân yếu tay mềm. Đó chính là việc không thể bàn cãi.
“Khách du bỗng có một người
Kỳ Tâm họ Thúc cũng nòi thư hương
Vốn người huyện Tích châu Thường
Theo nghiêm đường mở ngôi hàng Lâm Tri”
Việc anh mặc áo xanh chói lóa, đấm nhau với những tay chân trong rừng đã xóa nhòa đi phần thư sinh ( và có lẽ là cả phần đớn hèn ) trong người anh và khiến anh trở thành một người rất dũng mãnh, một Từ Hải 2.0
Không chỉ như vậy, một điểm mà tôi rất muốn nói ngày hôm nay chính là về nhân vật Hoạn Thư trong truyện.
Trong truyện, Hoạn Thư là một người rất tinh tế và cũng thể hiện một cái rất đời của Nguyễn Du. Khi biết tin chồng mình đã có vợ bé, Hoạn Thư đã không hành động vội vàng như bắt cóc Kiều rồi để Thúc Sinh cưỡi ngựa kéo nàng đi ngay trong truyện. Hoạn Thư là một cô gái Nho gia được giáo dục đầy đủ về lễ nghi và phép tắc, không thể có chuyện nào mà cô lại hành động hấp tấp ghen tuông như thế được. Đồng thời, Hoạn Thư cũng biết chỗ đứng của mình trong nhà chồng, bởi dù đã cưới Thúc Sinh trước Kiều nhưng cô vẫn chưa sinh ra một đứa con nối nghiệp cho Thúc gia, trong khi Kiều dù là vợ lẽ nhưng sẽ dần dần được Thúc Sinh sủng ái. Thậm chí, Hoạn Thư đã chấp nhận lấy việc Thúc Sinh có vợ lẽ, một việc rất bình thường trong thời phong kiến, nếu như chàng nói thật lòng, nhưng thật không may cho Kiều khi kẻ mà cả nàng lẫn Hoạn Thư lấy làm chồng là một kẻ đớn hèn.
Khi chứng kiến chồng nói dối, Hoạn Thư đã hành động rất khéo léo: Giả vờ không biết gì ( thậm chí còn trừng trị lũ gia nhân vì đã dám mách bảo ), gợi ý với chồng trở về Lâm Truy ( nơi Kiều đang ở ) còn mình về nhà bố mẹ đẻ.
Tài của Hoạn Thư còn được thể hiện khi cô cử đám côn đồ đi đường tắt đến Lâm Truy. Sau khi có một màn trả thù bằng cách đánh Kiều một trận và đốt Lâm Truy, Hoạn Thư bắt Kiều về hầu hạ ở nhà mình, rất tinh tế mà sâu cay. Thúc Sinh tưởng vợ lẽ đã chết, ấy mà lại vừa sống dậy, thì lòng dạ đương nhiên rối bời, cứ như tưởng ma quỷ về đâu hay. Hoạn Thư sau đó còn đưa Kiều chép kinh, nghe lén cuộc hội thoại của Thúc Sinh với Kiều, rồi an nhiên khoác tay chồng và đi, điều đó đã đánh bại hoàn toàn Thúy Kiều, đến mức nàng phải chạy trốn khỏi nhà Hoạn Thư. Cái đỉnh cao trong mối quan hệ đánh ghen của Hoạn Thư chính là việc cô vẫn an nhiên, vẫn giả vờ, không hề hay biết Thúc Sinh với Kiều có quan hệ chồng-vợ với nhau, và những ngón đòn mà Hoạn Thư đưa ra rất sắc sảo, đúng với cái tông của một người phụ nữ Nho gia.
“Từ nghe vườn mới thêm hoa,
Miệng người đã lắm, tin nhà thì không.
Lửa tâm càng dập càng nồng,
Giận người đen bạc ra lòng trăng hoa.
Ví bằng thú thật cùng ta,
Cũng dung kẻ dưới mới là lượng trên.
Dại chi chẳng giữ lấy nền,
Tốt chi mà rước tiếng ghen vào mình?”
Cái sự khéo léo ấy đã được thay thế bằng một sự ghen tuông đến rởm đời. Khi không cho băng cướp lấy được Kiều từ lầu xanh, Hoạn Thư đã hành động rất bồng bột khi cầm dao rượt chém chồng mình! Ngay khi chứng kiến Thúc Sinh ân ái với Kiều! Và một điểm mà tôi cũng không thích nữa của phim, đó chính là việc biến cách "yên bề tông gia" của Hoạn Thư thành một thứ gì đó theo kiểu bi kịch giữa mối tình tay ba Thúc Sinh-Hoạn Thư-Thúy Kiều và tôn vinh Kiều lên, một người phụ nữ mà nếu xét theo hoàn cảnh Thúc gia thì sẽ là "cướp chồng"!
Như vậy, trailer của Kiều dường như đã đạp đổ tất cả những gì Nguyễn Du xây dựng và thổi vào đó một câu chuyện tình tay ba hết sức ngẩn ngơ. Dường như, phim Kiều của Mai Thu Huyền đang muốn đạp đổ tất cả những gì mà cụ Nguyễn Du muốn xây dựng
Phim Kiều thực sự là một lò sản sinh drama từ khi ra mắt. Tuy nhiên, tôi vẫn chưa xem bộ phim, vì vậy nên không thể đánh giá toàn bộ nội dung của nó được. Không chỉ như vậy, việc khác với nguyên tác không có nghĩa là bộ phim không thể trở thành một bộ phim hay. Vì vậy, hãy chờ xem liệu trong mồng 16 tháng 4 tới đây, Kiều có xứng đáng với kỳ vọng của cộng đồng cổ phong nói riêng và cộng đồng mạng nói chung không.
Phim
/phim
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất