Trường hợp văn học sẹo (伤痕文学) vào 70s ở Trung Quốc rất tương tự với “cởi trói văn học” ở Việt Nam vào 80s. Cả hai đều bị câu thúc trở lại một cách âm thầm, dù truyền thông vẫn làm như thể sự thoái trào của nó không phải do bất kỳ áp lực nào. 
Nhưng câu chuyện của Trung Quốc chắc cũng có nhiều khác biệt với của Việt Nam. Không rõ trẻ em Trung Quốc được dạy về lịch sử thế kỷ 20 như thế nào, nhưng từ việc không khó để tìm ra thông tin đa chiều về cuộc nội chiến Quốc – Cộng, rồi những phê bình các chiến dịch Đại nhảy vọt và Cách mạng văn hóa, có thể thấy tính chất phe phái trong nội bộ đảng cộng sản Trung Quốc rất rõ ràng. Mối quan hệ của Đặng Tiểu Bình và Mao Trạch Đông gay gắt và do đó rất khác với mối quan hệ giữa Nguyễn Văn Linh và Trường Chinh. Cả những đau thương mà người dân Trung Quốc phải gánh chịu cũng nhiều hơn về số lượng, lớn hơn về cường độ so với người dân Việt Nam.
Có lẽ vì thế mà Trung Quốc có rất nhiều tác phẩm xuất sắc. Trong lĩnh vực điện ảnh chẳng hạn, Bá vương biệt cơ (1993) của Trần Khải Ca là một kiệt tác, kể về thân phận của bộ môn nghệ thuật trình diễn kinh kịch qua những thăng trầm của lịch sử Trung Quốc, từ những ngày được xem trọng dưới thời quân phiệt đến những ngày bị dày vò dưới thời cách mạng văn hóa. Nó vừa là một câu chuyện riêng tư, vừa là một câu chuyện chung của con người Trung Quốc. Đây là điều không thể thấy ở một bộ phim Việt Nam thoạt trông có vẻ như đã cố làm một điều tương tự: Song Lang (2018) của đạo diễn Leon Lê. Trong khi nghệ thuật cải lương cũng như các bộ môn sân khấu ca trù, tuồng cổ, chèo cổ hay kịch thơ cũng đã chịu đựng một số phận khá tương tự. Phạm Duy trong hồi ký của mình có kể về đại hội văn nghệ năm 1950 ở Việt Bắc mà ở đó người ta bắt phải “treo cổ” vọng cổ. Tố Hữu nói: “Vọng Cổ có âm điệu ủy mị, làm cho người nghe bị ru ngủ, lòng người nghe bị mềm yếu rồi người nghe cúi đầu xuống, tiêu tan cả chí phấn đấu.” Tình tiết này thật không khác gì cái cảnh buổi họp phê bình kinh kịch trong phim Bá vương biệt cơ. Rất tiếc, Leon Lê không được phép đề cập, hoặc, khả dĩ hơn, không hề biết đến sự tồn tại của một chương sử như thế để có thể kể lại thân phận của nghệ thuật cải lương với Song LangSong Lang không gì hơn một câu chuyện riêng tư nhạt nhẽo, và không có một tí liên hệ nào với câu chuyện thực sự đáng kể của Việt Nam. Chủ đề giới tính trong Song Lang cũng không hề gây tranh cãi như gender bending trong Bá vương biệt cơ.
Nhưng những ẩn ức dưới thời tứ nhân bang và cách mạng văn hóa dường như không chịu lui về những không gian riêng tư. Đến tận 2005, người ta vẫn thấy một bóng ma dĩ vãng trở lại, một tiểu thuyết kinh dị nhưng lại có giá trị văn chương đáng kể: Toái Kiểm (碎臉) của Quỷ Cổ Nữ (鬼古女).
Hình như là đến quãng giữa cuộc đời, khi ý thức được sự sụp đổ của hầu hết các khả năng, người ta bắt đầu tin vào thiên mệnh. Dù tin vào giả thuyết nào, thì Nguyễn Du vẫn viết Đoạn trường tân thanh khi đã ngoài 30 tuổi. Rất có thể vào cái độ tuổi Thúy Kiều được đoàn tụ với gia đình sau 15 năm lưu lạc. Trước khi lưu lạc, Thúy Kiều tuy có lẽ chỉ vừa đôi mươi, sống trong cảnh khuê các, đã tin rằng mình có tên trong sổ đoạn trường. Lời tiên tri là một tình tiết thường gặp trong thần thoại Hy Lạp, trước khi cuộc đời diễn ra.
Có một nhà nho vô danh đã dựa vào Đoạn trường tân thanh để viết thành thể văn xuôi lấy tên Kim Vân Kiều lục (không có liên hệ gì đến Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm Tài Nhân). Trong đó có đoạn:
“Năm thứ ba niên hiệu Gia Tĩnh đời Minh, thiên hạ đều yên ổn, bốn phương không nỗi lo, được gọi là đời thái bình. Bấy giờ có viên ngoại họ Vương ở Lôi Châu, dòng dõi nếp nhà, nhiều đời trâm anh, cũng là bậc hào phú trong số đông. Bà vợ viên ngoại cầu đảo ở núi Hành Sơn, nằm mộng thấy một cụ già cho ba cành hoa đào, một cành đã kết trái, một cành hoa mới chúm chím, còn một cành hoa nở đã hầu tàn. Đến đây bà chợt tỉnh giấc, nhớ rất rõ mấy cành hoa trong mộng, lòng thấy bồn chồn, cho đó là giấc mộng dự báo chính xác. Trở về, bà kể cho viên ngoại biết, viên ngoại nói: Đấy là mấy thứ trời cho ta. Một cành đã kết trái, ắt là ta sẽ sinh con trai, hai cành hoa nở ắt sinh hai con gái và dung mạo đều xinh đẹp cả.”
Nhà nho này đã thêm vào đó một lời tiên tri còn trước cả khi Thúy Kiều gặp Đạm Tiên. Trở lại với Toái Kiểm, ta thấy là ngay từ khi Tiêu Nhiên gặp người đàn bà mắc chứng tâm thần phân liệt Uông Lan San, bà ta đã thấy được cái kết là mặt nát của Tiêu Nhiên. Nhưng sau này khi Quỷ Cổ Nữ bổ sung thêm 25 chương tiền truyện, ta mới biết rằng sự tiên tri đến từ trước cả khi Tiêu Nhiên ra đời, nó xuất hiện khi Trang Ái Văn mang thai thiếu chủ nhà họ Tiêu.