Tình yêu ngang trái có gì hấp dẫn?
Nàng là tiên trên trời. Chàng là gã chăn trâu nghèo. Tình yêu của họ bị trời ngăn cấm, mỗi năm chỉ có thể gặp nhau một lần trên cầu...
Nàng là tiên trên trời. Chàng là gã chăn trâu nghèo. Tình yêu của họ bị trời ngăn cấm, mỗi năm chỉ có thể gặp nhau một lần trên cầu Ô Thước, nước mắt thành mưa.
Còn người trần mắt thịt chúng ta thì mỗi năm lại ăn chè đậu đỏ, ngắm mưa ngâu (nếu có) và cảm thán về mối tình éo le của họ.
Không phải chỉ có Ngưu Lang - Chức Nữ, mà trong văn hóa từ đông sang tây, rất nhiều những câu chuyện về tình yêu ngang trái vẫn cứ được kể đi kể lại. Romeo và Juliet. Chử Đồng Tử và Tiên Dung. Esmeralda và Quasimodo. Những mối tình bị gia đình ngăn cấm, bị chuẩn mực xã hội cản trở, bị phân cách bởi sự thù hằn, giàu nghèo, xấu đẹp… dường như là cốt truyện không bao giờ cũ.
Vì sao chúng ta lại yêu thích những câu chuyện về tình yêu ngang trái như vậy? Thử tưởng tượng nếu Ngưu Lang Chức Nữ chẳng hề bị ngăn cấm, ngày nào chàng đi chăn trâu về cũng gặp nàng ở nhà. Họ chẳng phải mong mỏi đến Thất tịch hằng năm, để đàn quạ bắc cầu cho họ tới thăm nhau. Như thế thì đối với khán giả hóng chuyện như chúng ta có phải là sẽ… hơi chán không? Nhưng khi nhân vật phải trải qua thử thách, khó khăn lắm mới đạt được điều mình muốn, thì cảm giác (của cả họ và chúng ta) sẽ đậm đà hơn nhiều.
Tâm lý học giải thích hiện tượng “thích bị ngược” này bằng thuyết bất hòa nhận thức (cognitive dissonance). Khi có hai hay nhiều niềm tin, suy nghĩ, giá trị mâu thuẫn lẫn nhau xảy ra trong đầu một người, thì người đó sẽ cảm thấy căng thẳng (tất nhiên rồi). Nhưng vẫn có lúc chúng ta tự nguyện chịu đựng những căng thẳng đó, thậm chí cả những khó khăn lớn hơn nhiều, để đạt được một mục đích nào đó. Thuyết bất hòa nhận thức chỉ ra rằng, khi phải bỏ nhiều công sức làm một việc gì, thì chúng ta thường coi trọng kết quả đạt được hơn so với khi không phải cố gắng. Nói cách khác, chúng ta có xu hướng “phóng đại phần thưởng” khi phải chịu khổ mới lấy được phần thưởng đó.
Có lẽ vì thế mà những mối tình ngang trái tạo ra cảm giác “đây mới là tình yêu đích thực.” Nếu họ đến được với nhau, thì khán giả là chúng ta cảm thấy “phần thưởng” này thật to, thật xứng đáng, thật thỏa mãn. Nếu họ không đến được với nhau và câu chuyện kết thúc trong bi kịch, thì chúng ta sẽ thấy đau lòng và bất công thay cho họ, bởi cái kết đẹp mà chúng ta mơ tưởng đã không xảy ra. Con cá mất là con cá to, và trong trường hợp này, trí óc của ta lại phóng đại con cá đó lên nữa.
Nếu thấy hứng thú với chủ đề này, mời bạn đọc thêm một bài dịch của zeal về tình yêu nhé.
Thích bài này? Hãy theo dõi Facebook của zeal để đọc những bài viết tương tự, và nhớ ghé web nhà zeal để tìm nhiều thử thách xoắn não hơn nữa.
Ảnh đầu bài: Unsplash.
Khoa học - Công nghệ
/khoa-hoc-cong-nghe
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất