Sáng nghe Bolero, chiều đọc thơ Xuân Diệu, tối xem Nottings Hill. Tình yêu là cái chủ đề muôn thuở của văn học, âm nhạc. Ngày nay nó càng trở nên bao trùm trên phương tiện truyền thông, mạng xã hội. Cá nhân tôi thực sự cảm thấy bội thực với cái chủ đề này. Dù trải qua vài mối tình có ngắn có dài, cũng tính đến hôn nhân, tôi vẫn không thực sự hiểu tình yêu là gì? Mọi thứ đều bị cực đoan hoá, hoặc quá lãng mạn hoặc quá vật chất. Những cảm xúc mong chờ, lo được lo mất chỉ thoáng qua. Sau đó là sự trống rỗng, nhạt nhoà. Phần lớn thời gian tôi hành xử như một cỗ máy được lập trình, làm một người yêu, một người bạn trai chuẩn mực. Nó không hề hiệu quả. Tôi cảm thấy nhàm chán, đối phương cảm thấy thiếu an toàn.
Người bạn gái gần nhất đã nói: “Nếu tình cảm của anh đủ lớn, chúng ta sẽ khác”. Tôi đã giữ im lặng. Bởi lời thực lòng của tôi sẽ là: “Anh có thiện cảm với em nhưng anh không yêu em. Anh không tìm kiếm tình yêu, anh tìm đối tác, tìm đồng chí.” Có lẽ mối quan hệ của chúng tôi vẫn ổn cho đến khi bàn đến cuộc sống gia đình sau này. Tôi muốn kết hôn, duy trì độc lập tài chính, không sinh con. Còn bạn gái lại muốn có con, muốn kiểu gia đình truyền thống, gánh vác cả công việc hai bên họ hàng. Đó chắc chắn là mâu thuẫn không thể dung hoà.

Tôi suy nghĩ về việc sinh con là một trải nghiệm cam go. Áp lực tài chính, tâm lý, năng lực nuôi dạy, nguy cơ sức khoẻ cho mẹ và con. Theo quan điểm cá nhân, sinh con là bản năng tự nhiên. Chúng ta có quyền lựa chọn sinh hoặc không. Trong khi đó trách nhiệm nuôi dạy con trẻ là điều bắt buộc. Tôi thực sự không tự tin mình có khả năng làm tốt vai trò người cha. Nếu không có khả năng, lựa chọn có con phải chăng mới chính là phi đạo đức?