Tính tò mò
Lúc tôi khoảng 10 tuổi, có lần ba mẹ tôi đưa tôi lên thị trấn Ngô Mây (cách nhà 10 phút đi xe) để gặp một đoàn bác sĩ đến từ một thành...
Hồi tôi cỡ 10 tuổi, có lần ba má chở tôi lên thị trấn Ngô Mây (cách nhà 10 phút đi xe) để gặp một đoàn bác sĩ từ một thành phố lớn nào đó về. Bữa ấy là một bữa khám bệnh (giấy mời ghi là chữa bệnh miễn phí cho nhà nghèo) quy tụ rất nhiều trẻ em khuyết tật trong huyện Phù Cát. Bấy giờ tôi đang ở cùng mẹ trên một hành lang hẹp, đông người. Người nào đi qua hành lang cũng đều thu hút sự chú ý của tôi, và khi thấy một cô bé cứ đi lòng vòng trước mặt mình hoài với một nét mặt kỳ lạ, tôi đã quyết định hỏi má: “Sao con nhỏ đó ngớ ngớ vậy má?”
Má phớt lờ câu hỏi của tôi, vậy là tôi đã hỏi liên tục đến mức làm má không vui. Má biểu tôi không nên hỏi những câu như vậy nữa.
“Nhưng mà mắc gì con hổng được hỏi?” Tôi vẫn đeo đẳng má.
“Con bớt nói lại một chút hổng được na?” Má nói.
Cuộc to nhỏ giữa hai má con tôi gây chú ý đến một người phụ nữ ở gần đó. Cổ đi lại chỗ má và bắt đầu hỏi han: “Con trai chị nhìn lanh lợi hen! Nó nói gì vậy chị?”
“Nó nói cái con nhỏ ở bên kia đó mà.”
“Nó nói sao chị?”
“Nó nói là, con nhỏ đó nhìn ngớ ngẩn.” Má trả lời vẻ miễn cưỡng.
Sau khi về nhà má đã la tôi một mớ vì cái tội hỏi nhiều: “Con cũng bịnh tật như con nhỏ đó chớ có khác gì mà con nói nó ngớ ngẩn này nọ. Nói như vậy là nẫu kêu con bịnh tật mà kiêu căng đó!”
Tôi cảm thấy rất oan ức, trong khi cố giải thích cho má thì tôi suýt khóc rống lên. Tôi không có ý đề cao bản thân hay xem thường cô bé đó. Tôi chỉ muốn biết tại sao cô bé đó lại có một nét mặt kỳ lạ và những hành xử cũng kỳ lạ y như nét mặt.
Sau này, khi người khác nhận xét tôi là một người không có tính tò mò tìm hiểu, tôi đã âm thầm đổ lỗi cho những người lớn xung quanh mình. Thỉnh thoảng tôi tìm ra một ký ức ủng hộ cho cái ý đổ lỗi này. Chẳng hạn, khi tôi còn nhỏ, tôi thường ngắm nhìn từng chi tiết trên gương mặt người khác khi họ ngủ. Hành vi của tôi bị mọi người cho là tào lao và vậy là tôi phải từ bỏ nó. “Lỗi đâu phải do mình. Rõ ràng mình đã từng tò mò về nhiều thứ chớ bộ!”, tôi nghĩ.
Một buổi tối kia, khi đang ăn bánh mì và lướt mạng xã hội, tôi nhận được một bản nhạc do một người bạn gửi. Nghe xong bản nhạc, tôi tức tốc trả lời cô ấy:
“Đây thật sự là một bản nhạc tuyệt vời. Các nốt nhạc hoà quyện vào nhau một cách trôi chảy. Giai điệu nhẹ nhàng và thanh bình của nó gợi nhớ cho mình về hình ảnh một cánh đồng có những đàn cừu trong một chiều có nhiều mây trắng. Ngoài ra nó cũng kích thích mình suy ngẫm về ý nghĩa của cuộc sống (điều mà mình luôn bị ám ảnh) theo cách bí ẩn nào đó mà không thể nói thành lời. Bây giờ một cảm giác buồn man mác đang chiếm ngự lấy mình!”
Sau một lúc, cô bạn hỏi lại tôi: “Bạn không muốn biết gì về bản nhạc này sao?”
“Hả, ờ, đó là bản nhạc bạn thường nghe phải không?”
“Bạn đã không hỏi bất cứ điều gì về bản nhạc và tại sao mình gửi nó cho bạn. Bạn chỉ cố gắng nói và nói về mọi ý tưởng trong đầu của bạn mà thôi. Bạn thực sự không tò mò về bản nhạc à?”
“Không không, mình…” Tôi đánh rơi cái bánh mì khỏi tay và chợt thấy mơ hồ, không biết ba hay má đã đưa nó cho mình ăn.
Sáng tác
/sang-tac
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất