Đây là một chủ đề muôn thủa, được rất nhiều người đề cập đến, ít nhiều ai cũng đã từng nghe hoặc đọc qua rồi nhỉ? Bài viết dưới đây cũng vậy, nhưng là từ góc nhìn của cá nhân mình.

Tầm quan trọng

Khỏi phải nói, óc tưởng tượng quan trọng như thế nào ai cũng biết. Nhưng hầu như không ai để ý rèn luyện nó, người ta chỉ tập trung vào việc học nhiều hiểu rộng mà thôi.
Nếu thiếu tính tưởng tượng thì chúng ta hơn những cổ máy được điểm gì? Trí nhớ, sức mạnh,... Đến thời điểm hiện tại thì con người hoàn toàn không thể so sánh với máy móc về những thứ đó được. Nhưng chung quy lại, máy móc cũng chỉ là từ tính sáng tạo của con người mà ra.

Lịch sử

Cha ông ta từ xa xưa là những con người cần cù, chịu khó, đó là cách mà họ tồn tại và chiến thắng thiên nhiên ở một mảnh đất khắc nhiệt như này. Tuy nhiên, do chiến tranh triền miên, tính sáng tạo lại bị vùi lấp, lãng quên. Họ phải lo chống giặc, lo làm ăn, không có thời gian rảnh để đầu óc nghỉ ngơi, tưởng tượng hay mơ mộng. Thế nhưng không thể phủ nhận được rằng, trong cha ông ta đã thắng được nhiều quân giặc hùng mạnh cũng nhờ sáng tạo. Điểm hình như kế cắm cọc trên sông, dùng bẩy,... Tiếc thay, họ lại hiếm khi vận dụng đầu óc sáng tạo ấy vào sản xuất.
Chế độ phong kiến cũng kìm hãm sự sáng tạo rất nhiều. Đó là một chế độ bảo thủ, vua luôn đúng. Sứ thần sang Pháp về kể lại "đèn treo ngược", "xe chạy hai bánh không đổ" còn suýt phạm tội khi quân. Thế thì lấy gì mà phát triển.

Giáo dục

Giáo dục là thứ ảnh hưởng lớn nhất.
"Những đứa trẻ toàn bị quát"Suy nghĩ vớ vẩn","ăn nói linh tinh"... hay nhận xét của cô giáo "không nắm được ý của tác giả và trong sách hướng dẫn của cô" thì khóc như mưa, bèn trở về theo ý của tổ biên soạn sách giáo khoa cho nó chắc." - Trích Cà phê cùng Tony.
Hồi bé, viết văn thường hay theo một mô tuýt nhất định, như thế giáo viên mới cho điểm cao. "Trong nhà em có rất nhiều con vật nhưng em thích nhất là..." hay mấy cái tên như cô Lan, bác Tư,... Gần như bài văn nào cũng có. Thậm chí đôi lúc chỉ biết cắm mặt theo viết mà còn không hiểu nghĩa những từ mình viết nữa cơ. Đề văn thì hãy nêu cảm nhận của em, nhưng phải đúng ý giáo viên. Chính cái tư tưởng tham khảo sách văn mẫu cũng làm chúng ta kém sáng tạo đi.
Làm toán, nếu nghĩ ra cách làm khác (dù dài và phức tạp hơn) thì cũng hiếm thầy cô tuyên dương trước lớp, thay vào đó, thầy cô sẽ hướng dẫn cách của họ.
Chúng ta được đào tạo để giải những bài toán có sẵn đáp số. Học thuộc những công thức mà chỉ dùng để thi. Hồi mình còn ôn thi, lúc không tìm ra câu trả lời được thì thắc mắc của các bạn đầu tiên sẽ là "đề có sai không nhỉ?" thay vì xin gợi ý. Phương pháp làm toán của mình cũng vậy, chỉ cần khoanh vùng kiến thức vừa học rồi giải. Trong cuộc sống, không phải bài toán nào cũng có đáp số.
Hầu hết chúng ta được mặc định rằng kiến thức trong sách giáo khoa là tiêu chuẩn và chính xác.
Chúng ta không được đào tạo để phá vỡ khuôn khổ.

Thần đồng

Có một vấn đề là các thần đồng lúc bé thường rất trổi vượt nhưng lớn lên thì lại không. Đó là vì chúng được rèn luyện để chứng minh mình là thần đồng trong các cuộc thi, gameshow. Phải tính những phép tính thật dài, hay nhớ những dãy số dằng dặc. Đó là thứ mà một cái máy tính có thể làm được, mà thậm chí còn làm tốt hơn rất nhiều.

Những cỗ máy ôn thi

Để đạt kết quả tốt trong các kì thi, chúng ta buộc phải cắm đầu vào học, học rất nhiều. Bởi lượng kiến thức dùng trong các kì thi thuy nhiều nhưng cũng chỉ nằm gọn trong sách giáo khoa. Đến nỗi nhiều người còn nghĩ rằng chỉ cần dành nhiều thời gian thì ắt hẳn có kết quả cao. "Có công mài sắt có ngày nên kim". Nhưng con người không được thích nghi để "cày" nhiều như thế, chúng ta không hề đơn giản như những cây kim. Sắp đến kì thi là y như rằng đứa nào đứa nấy mặt mũi lờ đờ, học không vào, bởi thức xuyên đêm mà. Họ chỉ cần học đúng lộ trình và theo chỉ dẫn của người khác mà chưa từng nghĩ đến điều đó có hiệu quả đối với bản thân mình hay không. Với hình thức thi trắc nghiệm, phải học thật nhiều thì mới làm được. Cảm giác như thành bản năng luôn ấy, đụng là làm, không cần phải suy nghĩ sáng tạo nhiều. Vậy thì thời gian đâu để sáng tạo nữa.
Họ là những cỗ máy ôn thi.

Thi sáng tạo Khoa học - kĩ thuật

Hằng năm, trường mình vẫn tổ chức cuộc thi sáng tạo khoa học kĩ thuật. Cứ tổng kết thì là tuyên dương biết bao nhiêu sáng kiến kinh nghiệm của giáo viên, mà đến bây giờ mình vẫn không biết mấy cái sáng kiến ấy giúp ích gì nữa.
Quay lại với cuộc thi sáng tạo khoa học kĩ thuật, từ góc nhìn của khán giả thì mình hoàn toàn không đồng tình với cách tổ chức này. Những sáng kiến ấy hoàn toàn có thể được chấp nhận kể cả nó là sao chép ý tưởng từ một nguồn khác, miễn là nó hay. Sáng kiến là một thứ không thể cứ thích là có được, ấy thế mà cứ đến kì thi thì họ lại nghĩ ra được thứ gì đó. Những thứ ấy được tạo ra vì thành tích chứ không phải từ những vấn đề thực tiễn.
Luật thi cũng khá khắt khe, thứ mà ngăn cản tính sáng tạo. Mình nhớ không nhầm thì có 7749 điều cấm. Trong đó có cấm nước?? Ai cũng biết nước quan trọng cỡ nào mà, thế mà họ lại cấm. Rất nhiều phản ứng hóa học cần nước để phản ứng, nước là thành phần quan trọng trong cơ thể sinh vật,... Nếu là vì vấn đề an toàn? Vậy thì điện, các chất hóa học,... còn rất nhiều thứ nguy hiểm nữa. Sáng tạo mà cứ sợ nguy hiểm thì sao mà được. Cứ mãi nằm trong vùng an toàn thì chừng nào mới tiến được.

Sáng tạo và mơ mộng

Cần lưu ý giữa sáng tạo và mơ mộng. Nhiều người thường hay mơ mộng những điều hảo huyền, suốt ngày chỉ biết mơ mộng mà không bao giờ bắt tay thực hiện. Ý tưởng quá cao siêu, chỉ vừa từ não tới miệng thì đã bốc hơi, chưa kịp đến tay. Hoặc là nằm ngủ thêm tí để mơ...