Tình yêu với một số người thì chỉ như những cuộc vui, những cảm xúc bình thường hay đơn giản hơn họ đến với nhau chỉ để sinh con, lạnh lẽo. Nhưng với một số người lại coi tình yêu là lý tưởng sống của cuộc đời hệt như  những tôn giáo, nơi mà God hay Phật là những cảm xúc thống khổ đến cực đoan và họ đam mê với những nỗi đau đó. Đỗ Lễ là người như vậy....

     "Ôi mây nước trôi qua bao nhiêu rồi... Qua đi biết bao phận người." Phạm Duy đã đừng viết lời một bài hát tiếng Nhật như vậy. Ta yêu bao nhiêu người, ân ái với muôn vạn người, vậy mà những người để ta ghi nhớ những chân tình đó được bao nhiêu? Đời nghệ sĩ trôi dạt theo những cảm xúc mà những kẻ tầm thường sao hiểu được, những kẻ đó sẽ chẳng hiểu vì sao con người lại có những lối suy nghĩ bĩ cực như vậy. Thật đau khổ cho Đỗ Lễ, sau khi ông tự tử thì vợ ông đã trả lời phỏng vấn rằng:  "Anh Đỗ Lễ là một người rất ủy mị, con người anh ấy cũng rất yếu đuối, cứ gặp chuyện gì buồn là trở nên rất suy sụp, trở nên rất chán nản và không còn thiết hoạt động gì...theo tôi nghĩ đó chính là điều đưa đến cái chết của anh ấy...". Có lẽ sống với người vợ như vậy  những nỗi đau trong đời Đỗ Lễ càng thêm lớn lao hơn, càng nhớ về những cuộc tình mình đã từng có mà thầm trách đời mình, tránh những người yêu mình và bỏ mình...

       "Trách ai phụ mình
        Trách ai bạc tình..."

       
        Đó là câu hát mà tôi luôn ghi nhớ khi nhắc về Đỗ Lễ hay nhớ về những người đã đi qua cuộc đời tôi. Bài hát Tình phụ như một dấu chấm đến cùng cực của nỗi đau. Khi mà đã không còn cách nào nữa cứu vãn cuộc tình, ta chỉ biết trách người, trách mình và tự mình sầu muộn...

Ký âm bài Tình phụ.

      Bài hát được viết ở nhịp lẻ 3/4 chậm buồn, đầy tính than vãn oán trách. Cung Dm đơn giản sơ khai mà có lẽ bất kỳ nhạc sĩ nào khi sáng tác cũng sẽ học từ cung nhạc này (Vì thể hiện được rõ tình u buồn và chỉ có 1 dấu hóa là nốt Bb). Vậy nhưng chẳng cần ở mức nhạc lý bác học, Đỗ Lễ cũng truyền tải được những nỗi đau mà muộn vạn người trên thế gian này đều từng trải qua nếu là một người đam mê tình ái.
     "Chuyện tình mười mấy năm qua  nay bỗng xót xa mỗi khi sầu dâng"... Là rê mi pha la la la si đố la la pha rê mi. Thang âm thất cung tây phương với nhạc tính u uất trầm buồn có lẽ là nỗi đam mê của cả một thế hệ thời đó. Mở đầu bằng sự hồi tưởng, nỗi buồn tự dưng đến rồi ta thầm tự đau khổ... Đúng là: "Ai mang nhiều tha thiết, thêm nhiều luyến tiếc mới thấy đậm đà bấy nhiêu". Đời người có muôn vạn lý do để ta không còn được ở bên nhau nữa, nhưng cầu xin các bạn đừng tầm thường hóa tình yêu bằng những lý do rõ ràng, yêu một cách nông cạn, với những người nhiều cảm xúc như Đỗ Lễ có lẽ chỉ sai một phím đàn, lỡ một nhịp tình coi như là cuộc tình đó đã chấm hết. 
    Yêu nhau ai cũng ngỡ sẽ bên nhau suốt đời, điều đó thật hạnh phúc, vậy mà " Chỉ là bội ước, những lời hẹn thề, mà lòng tái tê...". Tôi lại nhớ đến một câu thơ mà tôi rất thích của TTKH:
                                       "Người ấy thường hay vuốt tóc tôi,
                                       Thở dài trong lúc thấy tôi vui,"

      Vẫn hiểu là đôi ta chẳng thể bên nhau đến cuối cuộc đời, chỉ nghĩ đến thôi cũng thấy đau khổ rồi, vậy sao ta vẫn yêu, ta tìm kiếm điều gì ở ái tình đây?  Đỗ Lễ hay những ai đã từng trải qua nhiều cuộc tình chắc cũng ngầm hiểu ta yêu họ chẳng cầu sẽ mãi yêu họ mà ta chỉ yêu phút giây ái ân ấy cái giây phút  coi nhau là tất cả mà thôi. Vậy sao vẫn buồn, tại sao vẫn buồn...?
      Câu hát "Thôi nhé em..." lặp đi lặp lại ở điệp khúc chứng minh cho rằng Đỗ Lễ là người rất yêu, yêu bằng tất cả cảm xúc nhưng không bao giờ thể hiện cho người con gái ấy thấy mà chỉ lặng lẽ trút mình bao những nốt nhạc. Chẳng cầu xin sự thương hại của ai cả, chỉ tự mình thương hại mình mà thôi. Đời này tìm được người vợ hiểu mình khó lắm,  hầu hết họ nông cạn như vợ Đỗ Lễ vậy, và những cảm xúc quý giá đó trôi dạt về đâu? Khi một người nghệ sĩ không được giải tỏa.... Tôi là thế hậu bối chẳng dám nói đến tiền nhân, nguyệt cầu ông an vui khi những bài hát của ông sẽ còn người đời sau này nghe và cảm nhận mãi...

     Xin kết bằng lời nhận xét của nhạc sĩ Phạm Duy dành cho Đỗ Lễ..:

 "Ai từng yêu nhạc mà không âm thầm nghĩ đến Đỗ Lễ, cái lặng lẽ âm thầm ấy là sự đau thương trong tình khúc reo hờn trầm buồn đi thẳng vào cuộc đời. Từ muôn trùng, mỗi lần nghe tiếng nhạc trỗi vang là mỗi lần cảm thấy lòng bùi ngùi se sắt lại, tình bâng khuâng với giòng nước, hồn lơ lửng theo mây gió. Trong những phút tuyệt vời ấy, người ta lại thầm nghĩ tới người nghệ sĩ đã soạn thành những tình khúc dang dở của tình yêu, hình dung đến cái đẹp hào hoa tao nhã của con người nhiều lãng mạn và mộng mơ, để lòng thổn thức với thế nhân."

Bài hát Tình phụ của một ca sĩ nghiệp dư trình bày